Trạm thu phí ngó lơ chỉ đạo dỡ bỏ
Ba năm trước, Bộ GTVT thống nhất với các cơ quan liên quan di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài lên QL2 để hoàn vốn cho đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, đến nay, trạm này vẫn hoạt động và thu phí phương tiện.
Sau 3 năm Bộ GTVT chỉ đạo di dời, trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn tồn tại.
Là tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và hiện thành phố Hà Nội đang quản lý, tuy nhiên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài đoạn qua địa bàn huyện Sóc Sơn lại đang bị án ngữ bởi trạm thu phí BOT để hoàn vốn cho một dự án khác.
Cụ thể, thay vì được đi đường nhà nước miễn phí, từ tháng 9/2009 đến nay, người dân sống tại Thủ đô khi tham gia giao thông trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài phải trả phí từ 10.000 đến 80.000 đồng/lượt ô tô.
Theo quan sát của PV, khi các dòng phương tiện đang lưu thông thông suốt trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, tuy nhiên đến Km 10 đoạn qua xã Phú Cường (Sóc Sơn) tất cả phương tiện phải dừng lại và xếp thành hàng dài để mua vé qua trạm BOT.
Với phương thức thu phí truyền thống, mỗi xe ô tô qua trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài phải dừng ít nhất từ 30 giây đến gần 1 phút trả phí. Để đảm bảo trật tự và tránh ùn tắc, tại khu vực trạm thu phí luôn có cảnh sát và thanh tra giao thông túc trực.
Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư là Cty Cổ phần BOT Viettracimex8, với giá trị hợp đồng BOT gồm 531 tỷ đồng, từ 1/9/2009, Cty Viettracimex8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng.
Đến nay, nhà đầu tư đã thu được 8 năm. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc lập trạm thu phí BOT trên trục Bắc Thăng Long – Nội Bài là không chấp nhận được.
Thứ nhất, đường được xây dựng, bảo trì bằng ngân sách nhà nước nhưng lại để nhà đầu tư BOT nhảy vào thu phí; thứ hai, nhà đầu tư BOT làm đường tại Vĩnh Phúc nhưng lại bắt người tham gia giao thông ở Hà Nội đóng phí là quá vô lý.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, hình thức thu của trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài không khác gì trạm thu phí BOT Tào Xuyên (QL1), thu phí hoàn vốn đoạn tránh thành phố Thanh Hóa và trạm BOT cầu Bến Thủy thu phí để hoàn vốn cầu Bến Thủy 2.
Đó là làm đường, cầu một nơi nhưng thu phí một nẻo. Do sự vô lý này mà các trạm trên vừa phải di dời hoặc bỏ thu phí người dân địa phương.
Video đang HOT
Thống nhất dỡ bỏ nhưng trạm vẫn hoạt động
Trước phản ứng của người dân và doanh nghiệp vận tải, trong điều kiện tuyến đường được quản lý, bảo trì bằng nguồn ngân sách nhà nước tại thành phố Hà Nội, năm 2013, thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ GTVT kiến nghị di chuyển trạm thu phí về đúng dự án là QL2.
Cho biết quan điểm về việc này, lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài hiện thành phố đang quản lý, đây cũng là tuyến đường đối ngoại khi được nối từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố.
Do vậy để phù hợp với công tác quản lý hạ tầng, tránh ùn tắc và người dân phản ứng, lãnh đạo thành phố đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí tại đây.
Sau khi có kiến nghị của thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT làm việc với các bên liên quan để đưa ra phương án phù hợp nhất. Chiều 12/4, thông tin về việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đại diện Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích nhà nước và người tham gia giao thông, Bộ GTVT đã thống nhất với thành phố Hà Nội là di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài về QL2.
Từ năm 2013, Bộ GTVT đã làm việc với các bộ ngành, địa phương và nhà đầu tư, trên cơ sở các buổi làm việc này Bộ GTVT đã thống nhất phương án dừng trạm thu phí Bắc Thăng Long từ ngày 1/7/2013, cùng với đó cho phép di chuyển về QL2 để tiếp tục thu phí hoàn vốn dự án. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi trong những ngày qua, trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn hoạt động bình thường.
Lý giải lý do không dừng trạm theo yêu cầu của Bộ GTVT, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng Cty Cổ phần Thương mại xây dựng (Bộ GTVT)- cơ quan chủ quản của Cty Viettracimex8 cho rằng, dự án được triển khai trên cơ sở nhà đầu tư đã thống nhất bằng hợp đồng BOT với cơ quan đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường Bộ Việt Nam khảo sát lượng phương tiện, lên phương án hoàn vốn dự án qua việc thu phí trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Nay chuyển về QL2 lượng phương tiện sẽ khác nhiều so với đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, như vậy làm sao nhà đầu tư hoàn vốn được.
(Theo Tiền Phong)
Hà Tĩnh: Thu phí BOT cầu Rác, dân mất oan "1 con bò" mỗi năm!?
Tính về kinh tế, tiền phí đóng 1 năm tại cầu Rác (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có thể làm thay đổi cuộc sống 1 gia đình người nông dân. Nhiều người dân bức xúc khi không đi m2 đường BOT mà vẫn phải đóng phí hàng chục triệu mỗi năm.
Các chủ phương tiện treo băng rôn phản ứng: "Chúng tôi không đi đường BOT sao lại bắt chúng tôi trả tiền"
24 triệu đồng mua được 1 con bò cho người nông dân
Trạm thu phí cầu Rác xây dựng để hoàn vốn cho công trình đường giao thông và cầu Rác, do Cục đường bộ quản lý. Tuy nhiên, công trình này đã được hoàn phí, lẽ ra phải dẹp bỏ nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà lại dùng để thu phí đường tránh TP Hà Tĩnh (đường BOT) khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đỉnh điểm nhất, ngày 16/4, khi 50 chiếc xe ô tô tập trung hai đầu cầu Rác để phản đối việc nhà đầu tư sử dụng cầu Rác để thu phí dịch vụ BOT (đường tránh TP.Hà Tĩnh). Trên xe gắn nhiều băng rôn, khẩu hiệu có nội dung: "Chúng tôi không đi đường BOT tại sao bắt chúng tôi trả tiền".
"Tôi làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng, nhà ở Cẩm Trung, bố mẹ già yếu nên sáng đi làm, tối lại về nhà. Tính ra, mất gần 24 triệu đồng/năm phí BOT qua trạm này. Số tiền đó, nếu cho người nông dân họ có thể mua một con bò để phục vụ tăng gia sản xuất, đem lại nguồn kinh tế lớn cho cả nhà" - chị Thái Kim Anh cho biết.
Khoảng 50 chiếc xe ô tô tập trung tại hai đầu cầu Rác vào sáng 16/4
Anh Nguyễn Thế Kha (người Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Vợ tôi thường đùa, xe ô tô toàn gửi nhà con em "phố Voi". Nghĩa là nhà tôi cách trạm thu phí cầu Rác khoảng 8km, sáng tôi đi xe máy qua cầu, đến Voi thì vào nhà người chị gái lấy ô tô để đi Kỳ Anh làm việc. Cách làm này, nhiều người nói tôi tiếc tiền, thực ra tôi không muốn đóng tiền "chùa" cho BOT. Nếu tính toán 24 triệu đồng/năm, tôi dư sức đóng tiền học phí 2 năm đại học cho con gái".
Đó là chưa nói đến sự vô lý khi người dân không đi m2 đường BOT mà phải đóng phí. Chỉ 16km đường tránh thành phố mà bắt dân đóng phí cho cả cung đường dài hàng trăm km - một người dân bức xúc.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng vạ lây, "Tuyến xe buýt tuyến số 01 Hà Tĩnh - Kỳ Anh của Công ty chúng tôi không đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh, không sử dụng dịch vụ BOT của Trạm thu phí Cầu Rác, nhưng vẫn phải đóng phí. Tính ra mỗi quý tiêu tốn hơn 100 triệu đồng phí qua trạm này" - ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh nói.
Theo anh Ngô Sỹ Cương (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: "Người dân hai đầu cầu Bến Thủy không đi đường BOT đã được miễn phí 100% khi qua cầu. Chúng tôi người dân sống lân cận cầu Rác, không đi m2 đường BOT tại sao đến giờ vẫn phải đóng phí. Yêu cầu nhà đầu tư phải miễn phí hoàn toàn".
Chúng tôi phải hành động vì dân
Ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Trạm thu phí cầu Rác đã gây bức xúc cho người dân huyện thời gian qua. Đến lúc dân tập trung hai đầu cầu để phản đối về phí, thì chính quyền không thể ngồi yên. Chúng tôi phải hành động vì dân".
"Trong cuộc họp giao ban ủy ban sáng 17/4 huyện thống nhất, công an, phòng kinh tế hạ tầng phối hợp các xã, tổng hợp các ý kiến người dân, rồi hướng dẫn họ cử đại diện liên hệ Công ty Sông Đa để tổ chức buổi làm việc mang tính đối thoại, hai bên cùng nghe, cùng giải quyết. Dự kiến, 2 ngày tới sẽ có cuộc làm việc giữa chính quyền, nhà đầu tư, đại diện nhân dân" - ông Nhật thông tin.
"Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, cần phải đi về "bản chất" của vấn đề, sao cho nó trúng, đúng sự thật"- ông Nhật bày tỏ ý kiến khi nói về phí BOT tại cầu Rác.
Còn ông Phan Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh nói rõ quan điểm: "Rõ ràng, cầu Rác là "phiên bản" 2 của Bến Thủy. Dân không đi đường BOT thì không đóng phí, "ăn bánh thì mới trả tiền" chả nhẽ đem tiền đi cho không?"
Rồi ông cũng đưa ra ý kiến, "Về bản chất của cầu Bến Thủy là nhiều phương tiện không đi BOT, nhưng ở đường tránh thành phố lại khác, có đi mà đi ít nên nhà đầu tư Sông Đà phải xem xét kỹ để đáp ứng quyền lợi cho người dân. Nhà đầu tư nên cân nhắc khoảng cách vị trí nào thì phải đóng phí BOT cho hợp lý".
Đề nghị chuyển vị trí thu phí cầu Rác
Trong báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/3 về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, địa phương đã đề nghị di dời Trạm thu phí cầu Rác về vị trí phù hợp với việc thu phí các dự án BOT đã triển khai (về vị trí đầu đường QL1 đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh).
"Đề nghị các Bộ ngành có giải pháp giải quyết một cách lâu dài về đề nghị của các chủ phương tiện không đi trên tuyến tránh mà vẫn phải nộp phí khi đi qua cầu Rác một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và của Nhà đầu tư; theo đó đề nghị khẩn trương làm các thủ tục đề miễn, giảm giá vé cho người dân" - báo cáo nêu.
Yêu cầu dịch chuyển trạm thu phí cầu Rác về vị trí phù hợp
Trong cuộc họp này, nhà đầu tư Sông Đà có tham dự và có đề xuất "Giảm giá vé cho tất cả các phương tiện ô tô khi đi qua trạm thu phí. Phía Sông Đà, nhiều lần làm tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị được giảm giá vé 50% cho các phương tiện ô tô tham gia khi qua trạm Cầu Rác, nhưng chưa có sự phản hồi từ" - ông Trịnh Xuân Phúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hạ tầng Sông Đà cho biết.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với PV Báo Infonet, ông Phúc biện hộ cho việc khó khăn trong dịch chuyển trạm thu phí rằng: "Sở dĩ không đặt trạm thu phí ngay trên tuyến đường BOT vì vướng ở cự ly, tối thiểu là 70km đối với trạm thu phí Bến Thủy theo quy định?".
Ông Phúc cũng cho biết, "Sau sự việc dân tập trung hai đầu cầu Rác, công ty đã gửi văn bản lên Bộ GTVT. Với tinh thần hỗ trợ nhân dân càng sớm càng tốt".
(Theo Infonet)
Cảnh sát nổ súng bắt nghi phạm vận chuyển 100 bánh heroin Bị tổ công tác của Cục C47 chặn bắt, đối tượng đã phóng xe bỏ chạy buộc lực lượng chức năng phải nổ súng bắn thủng lốp khiến chiếc xe bỏ chạy bị lật. Cảnh sát đã bắt sống nghi phạm và thu giữ 100 bánh heroin. Nghi phạm cùng tang vật sau khi phóng xe bỏ chạy đã bị bắt giữ. Ảnh:...