Trạm thu phí để xe ùn tắc bị phạt đến 70 triệu đồng
Tùy vào mức độ ùn tắc giao thông tại trạm, đơn vị chủ quản thu phí sẽ bị phạt từ 8 triệu đến 70 triệu đồng.
Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hiệu lực từ 1/8 đưa ra nhiều mức phạt với đơn vị tổ chức thu phí đường bộ.
Theo đó, hình thức phạt tiền 8-10 triệu đồng được áp dụng với đơn vị thu phí đường bộ nếu vi phạm một trong các lỗi sau: để số ôtô xếp hàng từ 100 đến 150 xe hoặc chiều dài dòng xe xếp hàng 750-1.000 m; thời gian qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ từ lúc dừng chờ đến lúc ra khỏi trạm lớn hơn 10-20 phút.
Mức phạt 10-20 triệu đồng được áp dụng nếu số ôtô xếp hàng từ 150 đến 200 xe hoặc chiều dài dòng xe 1-2 km; thời gian qua trạm lớn hơn 20-30 phút.
Đơn vị quản lý trạm thu phí sẽ bị phạt nặng nếu xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh minh họa: Hoàng Táo.
Mức phạt 30-40 triệu đồng được áp dụng nếu số ôtô xếp hàng chờ hơn 200 xe hoặc chiều dài dòng xe hơn 2 km; thời gian qua trạm lớn hơn 30 phút.
Video đang HOT
Ngoài ra, nếu không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc khắc phục ùn tắc giao thông thì đơn vị thu phí sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng.
Thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông dịp cao điểm xảy ra ở nhiều trạm thu phí trên quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân. Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu phải tạm dừng thu phí, mở cổng để phương tiện lưu thông nhanh hơn cho đến khi hết ùn tắc mới tổ chức thu phí trở lại.
Đoàn Loan
Theo VNE
Quy định thời gian bật đèn xe gây tranh cãi
Bên cạnh ý kiến ủng hộ thời gian bật đèn xe từ 19h đến 5h sáng hôm sau, nhiều người cho rằng quy định này là cứng nhắc, không thực tế khi áp dụng ở miền Bắc.
Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1/8 có nhiều điểm sửa đổi, trong đó quy định thời gian sử dụng đèn chiếu sáng. Theo đó, các phương tiện không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt cao nhất đối với người lái ôtô vi phạm là 800.000 đồng, người lái xe máy là 100.000 đồng.
Đồng tình với quy định này, anh Nguyễn Mạnh Huân ở Hoàng Mai (Hà Nội) phân tích, từ 19h đến 5h hôm sau là khoảng thời bắt buộc phải bật đèn xe. Còn tùy tình hình thời tiết như sương mù, mưa lớn tầm nhìn hạn chế, người tham gia giao thông có thể bật trước 19h hay sau 5h hôm sau đều được.
"Rõ ràng quy định đã chỉ rất rõ trong khung giờ đó dù trời có sáng vẫn phải bật, không bật bị phạt. Ngoài khung giờ đó muốn bật hay tắt là quyền công dân, không phạt được vì luật không nói", anh Huân phân tích thêm.
Từ 1/8, các phương tiện phải sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Ảnh: Bá Đô
Là lái xe khách giường nằm từ Bắc Giang đi Đăk Lăk, anh Nguyễn Văn Huy cho rằng quy định trên chưa chặt chẽ, thiếu thực tế và có phần khó hiểu. "Ở phía Bắc, một năm có 4 mùa, mùa hè 19h trời vẫn sáng, sang đông 17h30 đã rất tối. Do đó cần quy định khung thời gian linh động hơn", anh Huy nói.
Đồng tình với anh Huy, anh Trần Văn Giáp lái taxi ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng nên dựa trên thực tế và linh động giống như các công ty chiếu sáng để áp dụng. Khi nào đèn đường bật thì lúc đó bật đèn xe.
Từ góc độ cơ quan thực thi pháp luật, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng xử lý vi phạm giao thông Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an Hà Nội), cho rằng tuy quy định này đã cụ thể hơn về thời gian nhưng chưa thực tế và có phần cứng nhắc. "Khung giờ này áp dụng ở miền Nam và mùa hè ở miền Bắc thì hợp lý, còn vào mùa đông, mùa xuân ở miền Bắc sẽ gặp trở ngại vì đêm đến sớm và ngày đến rất muộn", thượng tá Quỹ nhấn mạnh.
Ông Quỹ cho rằng quy định khung giờ chưa hợp lý có thể gây trở ngại trong việc điều tra, khám nghiệm và giải quyết tai nạn. Vì người dân khi gây tai nạn có thể đổ lỗi cho việc không được bật đèn sớm nên không phát hiện ra phương tiện đi ngược chiều. "Khung 18h đến 6h hôm sau có vẻ hợp lý hơn và tốt nhất cần linh hoạt đưa yếu tố vùng miền vào, như vậy người dân sẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và người thực thi công vụ không gặp khó khi xử phạt hay điều tra tai nạn", ông nói.
Vào mùa đông, 17h trời đã tối nên các phương tiện phải bật đèn. Ảnh: Bá Đô.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, không nên quy định cứng nhắc thời gian như vậy mà phải tùy theo thời tiết từng khu vực, từng tuyến đường. Ở nước ngoài họ cũng không quy định thời điểm cụ thể bắt buộc bật đèn mà căn cứ vào thời tiết. Ví dụ ở Anh, xứ sở sương mù, người tham gia giao thông có thể bật đèn cả ngày lẫn đêm.
TS Thủy nêu vấn đề, nhiều tuyến đường có thể tối sớm hơn hoặc ngày sớm hơn thì bật đèn như thế nào và nếu không bật, gây ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? "Với quy định thiếu chặt chẽ và để giờ cụ thể như trên sẽ rất khó thực hiện, đặc biệt ở nước ta. Cái quan trọng nhất là cần quy định xe phải có đèn mà đèn phải sử dụng được. Còn việc sử dụng khi nào và như thế nào cần nới rộng ra chứ không nên bó buộc", ông Thủy nhấn mạnh.
Từ năm 2010 tới nay, quy định về sử dụng đèn chiếu sáng từng được sửa đổi 3 lần. Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định rõ thời gian sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm là từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau.
3 năm sau, trong định 171/2013 sửa đổi đã bỏ quy định khung thời gian sử dụng đèn chiếu sáng ban đêm mà chỉ nêu chung chung "Không sử dụng đủ đèn chiếu sáng khi trời tối hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều".
Theo Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8, các chủ phương tiện khi không sử dụng đèn chiếu sáng theo đúng quy định sẽ bị xử phạt với mức 600.000-800.000 đồng (đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô); 80.000-100.000 đồng (đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy); 200.000-400.000 đồng (đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng).
Bá Đô
Theo VNE
Xe 29 chỗ nhồi 90 khách Hàng chục xe khách bị phát hiện chở quá tải trên cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ (Hà Nội) trong ngày cuối kỳ nghỉ, thậm chí có xe 29 chỗ chở trên 90 người. Nhiều khách phản ánh tình trạng xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội nhồi nhét khách kín lối đi, nhiều người phải ngồi đè lên nhau. Ảnh: Sơn...