Trạm thu phí Dầu Giây hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/9
Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa cho biết, trạm Dầu Giây trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ thu phí trở lại từ 0h ngày 20/9 sau hơn 2 tháng tạm dừng để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Trạm thu phí cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: TTXVN
Đại diện lãnh đạo VEC cho hay, trạm Dầu Giây được tiếp tục thu phí trên cơ sở các văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai và chính quyền địa phương về việc từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai trong tình hình mới.
“Địa bàn xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (nơi đặt trạm thu phí Dầu Giây) sẽ không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 20/9/2021. Do đó, trạm Dầu Giây trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đủ điều kiện để thu phí trở lại theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam”, đại diện VEC thông tin.
Đại diện VEC cho biết thêm, kể từ thời điểm 0h ngày 20/9/2021, các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ tiếp tục được miễn phí chặng trạm thu phí Long Phước – Quốc lộ 51 ở cả hai chiều.
Video đang HOT
Trước đó, từ 0h ngày 20/7/2021, toàn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tạm dừng thu phí để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Hiện trên tuyến cao tốc này còn trạm thu phí Long Phước và trạm thu phí Quốc lộ 51 vẫn tiếp tục tạm dừng thu phí.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây dài 55km đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng.
Tuyến đường được khởi công xây dựng vào năm 2009 và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2015 giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh với các vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Dự án áp dụng hình thức thu phí kín, phương tiện đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu tùy theo quãng đường sử dụng.
Yêu cầu thực hiện nghiêm việc tạm dừng thu phí BOT
Thời gian tạm dừng thu phí từ thời điểm địa phương công bố bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn gửi các nhà đầu tư dự án BOT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Công ty TNHH thu phí tự động VETC, Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam yêu cầu thực hiện nghiêm việc tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, ngày 19/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu thực hiện nghiêm dừng thu phí BOT tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị nêu trên nghiêm túc thực hiện tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
"Thời gian tạm dừng thu phí từ thời điểm địa phương công bố bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội", Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Đối với các trạm thu phí, đoạn tuyến (trên các tuyến cao tốc tổ chức thu phí theo hình thức thu phí kín) nằm ngoài vùng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu VEC, các nhà đầu tư BOT và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí chủ động xây dựng phương án tổ chức thu phí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; có biện pháp đảm bảo không gây ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn xã hội khu vực trạm thu phí.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị thu phí đường bộ tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng ngừng thu phí từ 0h ngày 20/7 đến khi gỡ bỏ giãn cách.
Các nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, doanh nghiệp dự án BOT bố trí nhân lực bảo vệ thiết bị, tài sản, đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực các trạm này, có phương án để kịp thời tổ chức thu phí lại khi hết thời gian giãn cách.
Đối với các tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg được yêu cầu miễn phí cho các phương tiện chở cán bộ y bác sĩ, thiết bị y tế, các xe chở người từ vùng dịch về địa phương, xe chở người tăng cường cho vùng dịch. Ngoài ra, cần tổ chức phân luồng, hướng dẫn tạo thuận tiện cho các phương tiện nêu trên trong việc đi lại.
Đối với các dự án do UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương đứng ra ký hợp đồng, căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương để xem xét việc dừng và miễn phí thu phí.
Trao đổi với phóng viên TTTXVN về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, rất hoan nghênh sự chỉ đạo kịp thời của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối việc tạm dừng thu phí BOT để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, qua đó cũng hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, qua phản ánh của các hiệp hội vận tải ô tô địa phương và bản thân nhiều doanh nghiệp cho biết, các trạm thu phí BOT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý thực hiện khá tốt yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc tạm dừng thu phí BOT. Hiện chỉ có những trạm thu phí BOT do UBND địa phương đang quản lý còn chậm triển khai, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc nhắc nhở để thực hiện đúng chủ trương của nhà nước trong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19...
Phá hộ lan cao tốc làm nơi kinh doanh: Hành vi phải bị nghiêm trị Trước sức nóng của dư luận, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề nghị xử lý các trường hợp phá rào tôn sóng, vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến cao tốc, đặc...