Trăm hoa đua sắc trên sa mạc khô cằn nhất thế giới
Sau khi một cơn mưa dữ dội và bất thường trút xuống vùng đất phía Bắc của Chile, một phần của sa mạc Atacama khô cằn bỗng nhiên biến thành một ‘ tấm thảm hoa’ rực rỡ và kỳ diệu đến khó tin.
Nằm ở phía Bắc của đất nước Chile, sa mạc Atacama là khu vực được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xếp vào là một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái đất. Mỗi năm, lượng mưa đo được ở vùng cao nguyên tọa lạc trên sa mạc chỉ rơi vào khoảng 15,24 mm, các khu vực còn lại cũng chỉ có lượng mưa ở mức 1 mm/năm. Hầu hết những khoảng thời gian trong năm, sa mạc chỉ đượm một màu nâu vàng của đất cát và khô khan.
Tuy nhiên, chỉ sau một cơn mưa lớn và bất thường trút xuống gần đây, một phần của sa mạc Atacama bỗng nhiên biến thành tấm thảm hoa đầy màu sắc.
Những bông hoa tím rực rỡ đua nhau nở sau khi được tắm mát bằng cơn mưa lớn. Theo các nhà khoa học, hiện tượng hoa xuất hiện bất thường tại Atacama được gọi là “sa mạc nở hoa – desierto florido”. Hiện tượng này xảy ra khi lượng mưa lớn chảy thấm xuống đất, tới những hạt giống đang trong trạng thái ngủ và khiến chúng nảy mầm, phát triển tươi tốt rồi nở hoa.
Thông thường, theo quy luật, “sa mạc nở hoa” chỉ xảy ra 4 – 7 năm một lần vào vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9.
Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, hiện tượng thiên nhiên đặc biệt này thường xuyên xảy ra hơn với tần suất khoảng 2 – 3 năm một lần. Lần gần đây nhất hiện tượng này xảy ra là vào năm 2017.
Được biết, có đến hơn 200 loài thực vật phát triển ở vùng sa mạc khô cằn này. Các quan chức địa phương cho biết, việc nở hoa trên sa mạc Atacama sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.
Vùng sa mạc Atacama thu hút du khách với các khu bảo tồn quốc gia, những bãi biển nguyên sơ và phong cảnh núi non hùng vĩ. Các quy định bảo tồn thiên nhiên tại đây cũng rất nghiêm ngặt với du khách.
Thu Mai
Bí mật khó tin ở nơi được mệnh danh là sao Hỏa của Trái Đất
Tận dụng địa hình như 'sao Hỏa trên Trái đất' của sa mạc Atacama, NASA thường sử dụng các khu vực này để kiểm tra các vệ tinh và một số thí nghiệm cho sứ mệnh chinh phục Hành tinh đỏ.
Hoang mạc Atacama hay còn được gọi là sao Hỏa của Trái Đất nằm ở phía bắc Chile, giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes. Nơi đây vốn được Kỷ lục Thế giới Guinness, NASA và Hội địa lý Mỹ ghi nhận là "sa mạc khô cằn nhất thế giới".
Bởi lẽ địa hình tại Atacama hoàn toàn tương phản với nhau: những ngọn đồi toàn đá, đá núi lửa và những cồn cát trải dài. Diện tích rộng lớn 181.300 m2 nhưng chỉ nhận được lượng mưa không quá 1 mm/năm.
Những lần hiếm hoi Atacama đón trận mưa "quý như vàng" khiến rừng hoa cẩm quỳ bất ngờ nở rộ trên mảnh đất khô cằn này, tạo nên cảnh quan ngoạn mục hiếm có.
Người ta cho rằng, nguyên nhân khiến sa mạc này ít có mưa vì những dãy núi cao nằm xung quanh được tạo nên từ hàng triệu năm trước. Cũng vì vậy, thảm thực vật và động vật ở sa mạc Atacama vô cùng ít ỏi, đến cây xương rồng cũng không thể mọc lên khiến nơi đây như một "vùng đất ma".
Nhiệt độ ở sa mạc Atacama vào mỗi thời điểm trong ngày có sự chênh lệch lớn. Ban ngày nhiệt độ khoảng 40 độ C trong khi vào ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 4 độ C.
Mùa hè thì khắc nghiệt đến mức, người đến đây có thể gặp tình trạng: gãy vụn tóc và râu và nứt nẻ móng tay, móng chân.
Điểm đặc biệt nhất của hoang mạc Atacama là địa hình khá giống với sao Hỏa. Mặc dù nhiệt độ ở Atacama không hạ xuống mức thấp như trên sao Hỏa nhưng đất đai ở đây cũng có màu gỉ sét giống như bề mặt hành tinh Đỏ.
Chính vì vậy, NASA thường sử dụng khu vực này để kiểm tra các vệ tinh và một số thí nghiệm cho sứ mệnh chinh phục sao Hỏa.
Các thiết bị được sử dụng trên tàu thăm dò sao Hỏa Viking 1, Viking 2, và Phoenix cùng với tàu tự hành ExoMars trong tương lai của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), đều được thử nghiệm ở "sao Hỏa trên Trái Đất" này.
Đầu năm 2019, các nhà khoa học từ Nasa và Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ đã thử nghiệm robot tự hành khoan xuống dưới bề mặt Sa mạc Atacama và phát hiện loài vi khuẩn kháng muối kỳ lạ trong lòng đất. Điều này có lẽ sẽ cung cấp manh mối về sự sống nào có thể vẫn tồn tại trên sao Hỏa.
Một bí mật khác từng gây xôn xao giới khoa học khi được công bố, đó là xác ướp lâu đời nhất không được tìm thấy ở Ai Cập mà là ở sa mạc Atacama. Theo các chuyên gia, xác ướp cổ nhất được tìm thấy tại sa mạc này có niên đại vào khoảng năm 7020 trước Công nguyên.
Sa mạc khô cằn nhất thế giới biến thành biển hoa muôn màu. Nguồn: Youtube Kênh VTC14
Mộc Nhiên
Phát hiện ốc đảo nghi có hóa thạch sinh vật ngoài hành tinh NASA tuyên bố họ đã phát hiện một ốc đảo có thể chứa hóa thạch giữa vùng khô cằn trong miệng hố va chạm Jezero trên Sao Hỏa. 2 nghiên cứu mới từ NASA đã phát hiện ra trên Sao Hỏa một khu vực chứa các khoáng chất silica hydrat hóa, một thứ đặc biệt có giá trị trong việc bảo tồn những...