“Trảm” cán bộ không phụ thuộc bắt Trịnh Xuân Thanh hay không
Nguyên Phó chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng cho rằng, việc xử lý kỷ luật cán bộ liên quan không lệ thuộc lắm vào việc bắt được Trịnh Xuân Thanh hay không.
Chia sẻ về đề nghị của UB Kiểm tra TƯ kỷ luật một loạt cán bộ cấp cao liên quan trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh: “Đây là một dấu hiệu mới, rất đáng hoan nghênh”.
Nguyên Phó chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng
- Ông đánh giá thế nào về kết luận của UB Kiểm tra TƯ đề nghị xử lý một loạt cán bộ cấp cao liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh?
- Tôi thấy kết luận của UB rất rõ ràng, các sai phạm của những người liên quan cũng rõ ràng.
Qua đó thể hiện Đảng quyết tâm làm đến cùng vụ việc này chứ không chỉ xử lý kỷ luật Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng là xong mà xử lý cả những người liên đới.
Còn mức độ xử lý kỷ luật, hình thức kỷ luật như UB Kiểm tra đưa ra tôi chưa thể đánh giá vì tôi chưa đọc hồ sơ. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trước khi kết luận gì phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể. Đảng cũng có nguyên tắc giống các cơ quan xét xử tức là “án tại hồ sơ”.
- Là cán bộ từng làm công tác kiểm tra của Đảng lâu năm, ông thấy đã từng có vụ việc nào xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao như lần này?
- So sánh số lượng thì khập khiễng lắm nhưng tôi đã chứng kiến nhiều việc xử lý kỷ luật nhiều cấp, nhiều thành phần như vụ Năm Cam, sau đến vụ Lã Thị Kim Oanh, Thủy cung Thăng Long…
Đây là những vụ liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người kể cả cán bộ về hưu vẫn gọi ra để xem xét kỷ luật.
Có những người vì vụ lợi này khác mà sai phạm nhưng cũng có những người xử lý về mặt trách nhiệm.
Video đang HOT
- Theo ông, trong vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, việc đề nghị xử lý luật đến cấp Bí thư tỉnh ủy, Thứ trưởng bộ ngành đã phải là cấp cao nhất chưa?
- Theo tôi vẫn phải tiếp tục. Những ai liên quan đến vụ việc này đều phải xem xét tiếp. Còn muốn biết có cấp cao hơn liên quan nữa không thì phải có công bố của UB Kiểm tra, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, kết quả thanh tra, điều tra như thế nào.
Trên cơ sở đó, nếu phát hiện có tham nhũng thì đã có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ và các cơ quan liên quan có ý kiến. Còn những gì liên quan đến công tác đảng đã có tổ chức đảng. Vấn đề gì thuộc về quản lý nhà nước thì hoặc là QH, hoặc Chính phủ sẽ xử lý.
Nguyên tắc chống tham nhũng, phương hướng phòng chống tiêu cực trong Đảng, trong xã hội đã được quy định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. Nhà nước có luật pháp, còn Đảng vừa rồi có hội nghị TƯ 4. Từ đó chiếu vào các địa chỉ cụ thể tìm ra những sai phạm, làm trong sạch Đảng.
Trong sạch nội bộ
- Có nghĩa là các cơ quan hành pháp, tư pháp phải vào cuộc tiếp?
- Các cơ quan tư pháp, điều tra phải vào cuộc. Khi tôi còn làm việc thì các cơ quan phối hợp với nhau dưới sự chủ trì của Ban Nội chính TƯ rất chặt chẽ, nhịp nhàng.
Đây là cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ, cho nên những ai vi phạm pháp luật thì phải xử, làm cho những người khác phải cảnh tỉnh. Cảnh tỉnh rồi, nếu liên quan trách nhiệm thì họ chủ động báo cáo với Đảng có dính líu, sai phạm gì không.
Nếu làm được điều đó là thành công mới và tinh thần mới.
Nghị quyết TƯ 4 đang triển khai, đang đi vào cuộc sống và là văn bản rất quan trọng để cán bộ, đảng viên tự xem xét lại mình, đánh giá mình và báo cáo với đảng, nhất là dịp kiểm điểm cuối năm.
Đây là vụ việc lớn phải chờ kết luận từ các cơ quan tư pháp, thanh tra để đưa ra hình thức xử lý thích hợp. Khi đó, về mặt Đảng cũng cần sửa đổi lại, cần thiết thì nâng hình thức kỷ luật lên để xử lý cho tương xứng, xử lý đúng người, đúng sai phạm.
- Có ý kiến cho rằng, mấu chốt khui ra mọi vấn để xử lý ráo riết vụ việc nằm ở Trịnh Xuân Thanh nhưng ông ấy lại đang trốn biệt tăm?
- Trịnh Xuân Thanh cũng chỉ là một mấu chốt chứ không phải quyết định hoàn toàn. Bởi vì tất cả hành vi và hậu quả của Trịnh Xuân Thanh vẫn còn đấy.
Nếu bắt được Trịnh Xuân Thanh khai ra thì có thể thêm một số tình tiết mới nhưng không phải Trịnh Xuân Thanh không về thì không làm gì được.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ liên quan không lệ thuộc lắm việc bắt được Trịnh Xuân Thanh hay không. Và cũng không vì Trịnh Xuân Thanh trốn mà để vụ này chìm xuồng mà phải làm tiếp.
Theo Thu Hằng
"Quốc hội tuyên bố phê phán ông Hoàng không có nghĩa là xong việc kỷ luật"
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói vậy khi trao đổi về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng về hành vi sai phạm. Còn việc xem xét kỷ luật hành chính với nguyên Bộ trưởng Công Thương, Chính phủ vẫn đang nghiên cứu.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng (ảnh: H.L)
- Trong phiên chất vấn tại Quốc hội hôm qua, hơn một lần Chủ tịch Quốc hội tuyên bố về việc Quốc hội nghiêm khắc phê phán ông Vũ Huy Hoàng. Việc này có đồng nghĩa với hình thức kỷ luật của Quốc hội đối với nguyên Bộ trưởng Công Thương?
- Tôi cho rằng Quốc hội hôm qua thể hiện sự biểu thị rất cao khi trước diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, Quốc hội nêu rõ quan điểm phê phán nghiêm khắc như thế. Tôi nghĩ việc phê phán như thế cũng thoả đáng.
Qua việc này, Quốc hội nêu thông điệp là tới đây phải xây dựng chế tài để với cán bộ công chức sai phạm thì dù có đương chức hay nghỉ hưu cũng cần phải xử lý. Còn hiện tại thì chưa có chế tài xem xét với người về hưu. Tới đây cần có việc sửa quy định pháp luật để có chế tài xử lý với những trường hợp tương tự.
- Nói như ông, có thể hiểu, Quốc hội nêu thông điệp hôm qua có đồng nghĩa với việc sẽ không còn một Nghị quyết riêng nào để tuyên bố kỷ luật ông Hoàng?
- Quốc hội làm việc phải đảm bảo tính pháp lý, theo quy định pháp luật nên việc tuyên bố như vậy đã là một hình thức biểu thị quan điểm rất cao. Trước nay chưa có trường hợp nào, cán bộ nào mà Quốc hội lại tuyên bố phê phán như thế cả. Ông Vũ Huy Hoàng từng là một đại biểu Quốc hội, là người được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng nhưng Quốc hội đã miễn nhiệm rồi.
Ông ấy mắc khuyến điểm trong thời gian trước thì Quốc hội giờ đã tuyên bố phê phán trước quốc dân đồng bào như vậy, tại diễn đàn Quốc hội, trong một phiên truyền hình trực tiếp mà đồng bào cả nước đều theo dõi như thế. Giờ đi đâu người ta cũng biết ông Hoàng có hành vi vi phạm như vậy rồi.
- Như vậy nghĩa là thực hiện xong chỉ đạo của Ban Bí thư về việc xử lý kỷ luật hành chính cho phù hợp với hình thức kỷ luật bên Đảng đã đưa ra với nguyên Bộ trưởng Công Thương, thưa ông?
- Xong thì chưa xong. Hình thức phê phán của Quốc hội là sự thông báo công khai trước quốc dân đồng bào để phê phán hành vi sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng với tư cách Bộ trưởng khi đó. Thế còn về các hình thức khác thì giao cho bên Chính phủ, cơ quan hành pháp nghiên cứu xem cách thức nào để xử lý kỷ luật.
Hiện Chính phủ vẫn đang nghiên cứu, xem xét kỷ luật về mặt hành chính. Còn với Quốc hội, Quốc hội thấy hành vi vi phạm là nghiêm trọng như vậy và phê phán như thế.
- Là một chuyên gia pháp luật, Viện trưởng viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền mới đây có đề xuất một hướng xử lý là áp dụng quy định về thời hiệu kỷ luật cán bộ công chức trong luật Cán bộ công chức để kỷ luật ông Hoàng với hình thức "cảnh cáo". Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Tôi cũng có đọc thông tin về phát biểu của anh Quyền nhưng có một vấn đề là luật Cán bộ công chức mang ra áp dụng với cán bộ công chức khi đang đương chức chứ không áp dụng với những người nghỉ hưu. Vậy nên mang luật Cán bộ công chức ra để áp dụng trong trường hợp này không đúng là không đúng đối tượng.
Thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật 24 tháng thể hiện trong luật này được hiểu là cán bộ công chức có hành vi vi phạm thì dù hành vi xảy ra trước đó tới 2 năm vẫn bị xử lý kỷ luật. Điều kiện tiên quyết để áp dụng luật này là với cán bộ công chức nên khi một người không còn là cán bộ công chức vẫn xác định áp dụng là không ổn.
- Vấn đề tương tự vụ việc ông Vũ Huy Hoàng đang xảy ra với nguyên Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trong vụ Formosa. Dù nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói ông sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật nhưng hướng xử lý cũng sẽ khó?
- Việc này hiện cơ quan có chức năng kiếm tra, thanh tra chưa lên tiếng, chưa có một thông tin, kết luận nào về việc này. Chúng ta nói hơi sớm.
- Nhưng nếu không chuẩn bị cơ sở pháp lý thì vụ việc của ông Quang nếu triển khai đến khâu này cũng sẽ lại vướng?
- Chính vì thế nên sau việc ông Vũ Huy Hoàng cơ quan chức năng cần xem xét lại hệ thống pháp luật, phải sửa quy định thế nào để mọi trường hợp cán bộ công chức kể cả khi đương chức hay về hưu cũng phải xử lý được.
- Xin cảm ơn ông!
Phương Thảo
Theo Dantri
Xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng: Nên "đánh" vào... danh dự! "Hiện chưa có quy định về việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn mà giờ đã thôi, không còn chức vụ đó nữa chứ chưa nói đến hình thức "cách chức". Vấn đề ở đây phải xem xét trên tinh thần "đánh" vào... danh dự" - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão...