Trạm BOT Cai Lậy sắp thu phí trở lại ngay trong tháng 10
Chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy đang làm việc với các cơ quan chức năng để mở lại trạm thu phí, sau gần hai tháng tạm dừng.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, đơn vị này vừa ký hợp đồng điều chỉnh việc thu phí BOT trạm Cai Lậy với Bộ Giao thông Vận tải; việc này được tiến hành để làm cơ sở thu phí chính thức trong tháng 10.
“Chúng tôi đang làm việc với chính quyền địa phương để bàn biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Trạm thu phí không thể ngừng hoạt động kéo dài vì sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư”, đại diện Công ty cho biết.
Theo phương án giá mới, mức phí qua trạm BOT Cai Lậy thấp nhất là 25.000 đồng (mức cũ là 35.000 đồng) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất là 140.000 đồng (mức cũ là 180.000 đồng) mỗi lượt cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40 ft.
Người dân không kinh doanh vận tải tại 4 xã sống gần trạm thu phí là Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy sẽ được miễn phí qua trạm.
Tài xế phản ứng bằng cách trả tiền lẻ qua trạm Cai Lậy. Ảnh: Hoàng Nam.
Ngày 1/8 trạm thu phí Cai Lậy bắt đầu hoạt động, ngay lập tức bị nhiều tài xế phản ứng quyết liệt vì cho rằng mức phí cao, trạm đặt sai vị trí. Một số tài xế đã phản đối bằng cách sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng hoặc tiền có mệnh giá 500.000 đồng để mua vé, khiến thời gian qua trạm kéo dài, dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngày 15/8, chủ đầu tư đã quyết định tạm dừng thu phí phương tiện.
Tại nhiều văn bản, Bộ Giao thông khẳng định vị trí đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 là hợp lý vì nằm trên dự án mở rộng quốc lộ 1 và làm mới tuyến tránh Cai Lậy; vị trí đặt trạm đã được các bộ ngành và địa phương thống nhất.
Sau khi tỉnh Tiền Giang kiến nghị giảm phí, giữa tháng 8, Bộ Giao thông đã quyết định miễn, giảm mức thu phí phương tiện qua trạm và miễn phí cho các hộ dân nằm gần dự án.
Bắt đầu từ sáng 15.8, trạm thu phí BOT Cai Lậy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tạm dừng thu phí đường bộ. Điều này đã khiến lưu lượng giao thông qua trạm được ổn định và không còn ùn tắc. Nguồn clip: VTC1 phát trong Bản tin trưa 15.8
Video đang HOT
Theo Đoàn Loan (VNE)
Bộ Giao thông vận tải: "Không đổi vị trí trạm BOT Cai Lậy"
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy, Bộ phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa các bên: Nhà nước, chủ đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng, Bộ vẫn quyết định không di dời trạm BOT Cai Lậy.
Chủ trì cuộc họp báo liên quan đến hoạt động thu phí của trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là Người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Ông Đông cho biết sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi về trạm BOT Cai Lậy.
"Vỡ trận" vì không lường trước
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Trước đây đường làm từ ngân sách nhà nước cũng có trạm thu phí, đến nay các dự án BOT cần phải thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư.
"Vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy hiện nay do tỉnh Tiền Giang đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận dựa trên phạm vi của dự án, phương án tài chính của nhà đầu tư. Trước khi đặt trạm, các đơn vị đã lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội theo quy định" - Thứ trưởng Đông cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo chiều 17/8
Theo Thứ trưởng Đông, tất cả các dự án BOT nếu không căn cứ vào phương án tài chính thì không triển khai được. Dự án thực hiện trên cơ sở tính toán hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Người cấp vốn (ngân hàng) cũng phải dựa trên phương án tài chính thì mới dám cấp.
Hôm qua (16/8), Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết định giảm phí BOT Cai Lậy, tuy nhiên đến người dân vẫn chưa đồng thuận. Theo người dân địa phương, lí do họ phản ứng không phải vì mức phí mà vì vị trí trạm hiện nay.
Lý giải thêm về việc này, Thứ trưởng Đông cho biết, trong suốt 1 năm tỉnh Tiền Giang không giải phóng được mặt bằng ở vị trí đặt trạm ban đầu nên đã đề xuất chuyển vị trí mới để xây dựng trạm thu phí hiện tại.
Trả lời câu hỏi, trước sự phản đối từ người dân liệu cơ quan chức năng có thay đổi vị trí trạm BOT Cai Lậy hay không?, Thứ trưởng Đông khẳng định: "Bộ GTVT khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng, Bộ vẫn quyết định không di dời BOT Cai Lậy".
Bộ GTVT sẽ không di dời vị trí trạm BOT Lai Cậy hiện tại
Người phát ngôn Bộ GTVT cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí, nếu cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn.
Trên thực tế, đã có những dự án BOT "nhãn tiền" không đạt được sự đồng thuận của người dân, nhưng phải khi người dân phản ứng thì Bộ GTVT mới có động thái xử lý. Với trường hợp hiện tại của BOT Cai Lậy, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận: "Chúng tôi không lường trước được mọi việc"
Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó!
Nói về mức phí Cai Lậy cao hơn nhiều so với phí đường cao tốc Trung Lương, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích đây là 2 phương thức thu phí khác nhau và nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau.
"Cao tốc Trung Lương sử dụng vốn ngân sách và không giới hạn thời gian bao lâu. Với mức 1.000 đồng/km, cao tốc Trung Lương thu phí kín, đây là phương pháp hiện đại, đảm bảo công bằng nhất. Trong khi đó, BOT Cai Lậy thu phí theo lượt, đảm bảo về thời gian hoàn vốn và hài hoà lợi ích các bên" - Thứ trưởng Đông nói.
Báo chí dự họp báo đông kín hội trường Bộ GTVT chiều 17/8
Vấn đề tiếp theo PV Dân trí đặt ra là việc sửa chữa, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 có phải chăng chỉ là cái "cớ" để hợp thức hoá việc thu phí tại Cai Lậy, bởi việc việc sửa chữa trên tuyến đường hiện hữu đã có Quỹ bảo trì đường bộ.
Thứ trưởng Đông cho hay, bảo trì đường bộ chỉ là vá đường, sửa chữa đơn giản, quỹ bảo trì đường bộ không đủ để cải tạo nâng cấp đường. Luật đầu tư và Nghị định 108 cho phép huy động vốn BOT để nâng cấp, cải tạo và ở Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy thực chất là nâng cấp cải tạo mặt đường, sửa chữa các cầu và hệ thống thoát nước.
Về trách nhiệm của các bên liên quan đến bất cập của trạm BOT Cai Lậy, Người phát ngôn Bộ GTVT khẳng định: "Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó".
Theo Thứ trưởng Đông, việc xử lý đầu tiên là nhà đầu tư dự án, căn cứ vào hợp đồng đầu tư; sau đó đến đại diện quản lý nhà nước là Tổng cục Đường bộ và địa phương là tỉnh Tiền Giang.
"Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm các bên để có xem xét cụ thể và xử lý. Nếu có sai sót về mặt hình sự sẽ xử lý về mặt hình sự, tuy nhiên ở đây chưa phát hiện ra sai sót hình sự" - Thứ trưởng Đông kiên quyết.
"Chuyển cầu thành cống là bình thường"
Với câu hỏi sau giảm phí, thời gian thu phí Cai Lậy sẽ là bao nhiêu năm?, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) thông tin, phương án tài chính phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có phương án tài chính, lưu lượng xe. Chúng tôi đang triển khai tính toán lại con số về lương lượng xe để có sự điều chỉnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Đông cho rằng, ở đây có sự "đánh đổi" giữa mức thu và thời gian thu, nếu mức phí cao thì thời gian thu ngắn hơn, còn nếu phí thấp thì thời gian thu phí sẽ dài hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời các câu hỏi của phóng viên
Trên dự án, theo thiết kế ban đầu có 7 cây cầu nhưng sau đó thay đổi thiết kế cầu thành cống, theo Thứ trưởng Đông, đây là việc hoàn toàn bình thường trong thi công xây dựng, bởi thiết kế ban đầu chưa phải là cuối cùng, trong quá trình thực hiện dự án sẽ rà soát và thay đổi.
"Đây là 2 cầu bản dài 6m, là cầu nhỏ. Trong quá trình rà soát đơn vị thực hiện dự án đã thay đổi thiết kế kỹ thuật từ cầu thành cống. Việc thay đổi này không làm ảnh hưởng gì tới dự án. Cầu thay đổi thành cống có thể không giảm được nhiều chi phí, nhưng nó phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật và đảm bảo thoát nước tốt" - ông Đông lý giải.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 10 Chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy đang làm việc với các cơ quan chức năng để mở lại trạm thu phí, sau gần hai tháng tạm dừng. Theo lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, đơn vị này vừa ký hợp đồng điều chỉnh việc thu phí BOT trạm Cai Lậy với Bộ Giao thông Vận tải;...