Trạm BOT Cai Lậy giảm giá, nhà xe vẫn chưa hài lòng
Đến chiều 20.8, trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ thu phí trở lại. Trạm BOT Cai Lậy vẫn đang xả, phương tiện lưu thông xuyên suốt, trong các cabin thu phí vắng bóng nhân viên.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ ngày 21.8, trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức áp dụng giảm giá cho tất cả các phương tiện qua trạm. Tuy nhiên nhiều nhà xe vẫn bức xúc và có khả năng làn sóng phản ứng trạm thu phí này vẫn còn kéo dài.
Như Dân Việt đã thông tin, Bộ GTVT đã quyết định giảm giá cho tất cả các phương tiện lưu thông, sau khi Bộ rà soát việc thu giá dịch vụ và có kiến nghị của đại diện UBND tỉnh Tiền Giang về trạm BOT Cai Lậy. Mức giá mới được áp dụng sau khi giảm như sau: giá vé loại 1 là 25.000 đồng; loại 2 là 35.000 đồng; loại 3 là 40.000 đồng; loại 4 là 70.000 đồng; loại 5 là 140.000 đồng. Thời điểm áp dụng giảm giá qua trạm từ ngày 21.8.2017.
Đặc biệt, Bộ GTVT quyết định giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải). Bên cạnh đó, giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt của hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10.9.
Phương tiện chạy xuyên suốt qua trạm BOT Cai Lậy.
Trong cuộc họp vào ngày 16.8 giữa Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư, các bên thống nhất trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại từ ngày 21.8. Tuy nhiên đến chiều 20.8, nhiều tài xế cho biết trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ thu phí trở lại như đã thông báo. Trạm BOT Cai Lậy vẫn đang xả, phương tiện lưu thông xuyên suốt, trong các cabin thu phí vắng bóng nhân viên.
Một tài xế xe tải ngụ tại Tiền Giang cho hay, ngày nào cũng cập nhật thông tin về trạm thu phí BOT Cai Lậy nhưng chưa biết thông tin cụ thể trạm sẽ thu phí trở lại khi nào. Tại khu vực trạm thu phí vẫn chưa thấy có thông báo về việc này, nhà xe vẫn chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan chức năng. Hiện các tài xế vẫn đang ngóng thông tin về việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy.
Theo ý kiến của các tài xế, mặc dù Bộ GTVT đã quyết định giảm giá qua trạm BOT Cai Lậy nhưng các nhà xe vẫn cảm thấy chưa hài lòng với cách giải quyết này bởi mức phí vẫn còn cao. Lý do của việc đặt vị trí trạm thu phí tại đây vẫn chưa được giải thích rõ ràng.
Video đang HOT
Trước thời điểm áp dụng mức giá mới tại trạm BOT Cai Lậy nhiều nhà xe vẫn tỏ ra bức xúc khi biết thông tin Bộ GTVT quyết định giảm giá qua trạm nhưng lại tăng thời gian thu phí lên. Tài xế Nguyễn Văn Hùng chạy xe trên tuyến TP.HCM – Đồng Tháp cho hay, dù giá qua trạm có giảm khoảng 20% – 30% so với mức giá cũ nhưng các tài xế rất bức xúc khi biết bộ sẽ tăng thời gian thu phí lên.
“Mức giá qua trạm giảm không bao nhiêu nhưng tôi nghe thông tin là thời gian thu phí tăng gấp đôi, tính đi tính lại nhà đầu tư vẫn có lợi. Việc giảm giá qua trạm trước mắt chỉ là xoa dịu bức xúc của nhà xe nhưng về lâu dài nhà xe vẫn phải è cổ ra đóng. Cách giải quyết như vậy là chưa thỏa đáng”.
Theo nguồn tin riêng của Dân Việt, thời điểm BOT Cai Lậy thu phí trở lại hiện vẫn chưa được nhà đầu tư công bố. Do đó có khả năng trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ còn tiếp tục xả trạm trong những ngày tới. Trước đó, cho rằng trạm thu phí BOT Cai Lậy thu quá cao, vị trí đặt trạm không đúng nên nhiều tài xế đã phản đối trạm thu phí này bằng cách dùng tiền lẻ để qua trạm dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài trong khu vực. Trước tình hình này, từ ngày 13.8 nhà đầu tư BOT Cai Lậy buộc phải xả trạm để chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Trong cuộc họp báo chiều 17.8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin trạm BOT Cai Lậy đã được nghiên cứu kỹ, vị trí đặt trạm không sai nên sẽ không di dời, đồng thời ông còn khẳng định sẽ không mua lại trạm thu phí.
Theo Danviet
Những phát ngôn đáng chú ý về vụ BOT Cai Lậy
Trong khi tài xế sử dụng tiền lẻ phản ứng việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy không đúng chỗ, Bộ GTVT khẳng định giữ nguyên vị trị trạm thu phí, còn chủ đầu tư lại dọa kiện.
Ngày 1.8 trạm thu phí BOT Cai Lậy vừa đi vào hoạt động đã rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài do tài xế dùng tiền lẻ trả phí. Anh Hữu Danh, chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6, TP.Tân An (Long An), đã lái xe đến các quán ăn ở Tiền Giang gom được trên 20 triệu đồng tiền lẻ, mệnh giá 200 và 500 đồng để đổi cho các tài xế đi qua trạm thu phí.
Trước phản ứng của cánh tài xế, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang, khẳng định Tiền nào cũng là tiền. Tài xế đưa bạc cắc thì doanh nghiệp cũng thu để hồi vốn và có nhân viên làm việc này.
Trao đổi trên báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng việc tài xế gây khó dễ cho nhân viên trạm thu phí Cai Lậy bằng cách cho tiền lẻ vào chai là "có vấn đề".
Ngày 14.8, trao đổi với Zing.vn, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: "Quan điểm của Bộ GTVT phải xem xét tình hình thực tế chứ không vì phản đối của người dân mà phá luật, giảm phí, di dời trạm BOT được".
"Đường BOT cũng là một loại hàng hóa. Nguyên tắc tối cao của BOT là sự lựa chọn. Phải tôn trọng nguyên tắc này chứ không thể bắt người dân phải đi vào đường BOT được nữa", đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm trước sự việc tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Chiều 17.8, trả lời Zing.vn tại trụ sở Bộ GTVT, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết sự việc xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của doanh nghiệp.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.8 , Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần rà soát lại các dự án BOT để người dân bớt bức xúc, việc xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn.
Chiều 17.8, cuộc họp báo về các vấn đề xung quanh BOT Cai Lậy của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Theo ông Đông, trong dự án không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề về BOT chiều 15/8, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trao đổi về phương án giảm phí tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Sau đó một ngày, Bộ GTVT chính thức thông báo giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy và áp dụng trước ngày 10.9.
Trả lời phỏng vấn Zing.vn, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright nêu ra những bất cập của BOT. Tiến sĩ Du cho từ việc BOT Cai Lậy "thất thủ" cần cho kiểm toán hoặc các nhà phân tích độc lập được tiếp cận thông tin để tính toán và thẩm định, đánh giá từng dự án.
Theo Văn Chương - Phượng Nguyễn (Zing)
Thanh tra: Hàng loạt trạm BOT bất hợp lý, ép người dân Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm khi các trạm BOT đặt sai vị trí, giá phí quá cao. Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao...