“Train To Busan” – Bom tấn zombie đưa điện ảnh xứ Hàn ra thế giới
Bộ phim zombie của Hàn Quốc xứng tầm bom tấn châu Á với những cảnh quay ấn tượng và nội dung giàu tính nhân văn.
Điện ảnh châu Á vài năm gần đây ghi nhận bước tiến vũ bão của xứ kim chi. Khi người Nhật loay hoay trong phong cách riêng của mình còn Trung Quốc chưa đào tạo được thế hệ trẻ, các nhà làm phim xứ Hàn đã bắt đầu vươn mình ra biển lớn. Tham vọng của họ thể hiện rõ nhất qua các phim với chủ đề tầm cỡ Hollywood như The Host (quái vật) hay Snowpiercer (hậu tận thế). Năm nay, đến lượt đạo diễn Yeon Sang Ho thử sức với đề tài zombie tưởng chừng đã quá quen thuộc.
Ra mắt tại liên hoan phim Cannes 2016, Train to Busan (tựa Việt: Chuyến Tàu Sinh Tử) nhận không ngớt lời khen từ các nhà phê bình. Khi công chiếu tại quê nhà, tác phẩm đạt doanh thu cao hơn cả bom tấn Captain America: Civil War trong ngày ra mắt. Hiện phim đã cán mốc 10 triệu lượt xem và dẫn đầu phòng vé Hàn Quốc năm nay.
Chủ đề thây ma đã được khai thác nhiều lần trên màn ảnh nên các nhà làm phim đi sau luôn phải tìm hướng đi độc đáo hơn. Danny Boyle làm điều này bằng cách thêm chất khoa học viễn tưởng trong 28 Days Later, trong khi Shaun of the Dead mang phong cách hài đặc trưng của bộ đôi Simon Pegg – Nick Frost. Với Chuyến Tàu Sinh Tử, đạo diễn Yeon Sang Ho chọn hướng tiếp cận hẹp hơn khi câu chuyện chỉ xoay quanh một đoàn tàu. Thiết kế này cũng phù hợp hơn với kinh phí của một phim Hàn Quốc.
Gong Yoo trong vai nam chính
Bối cảnh phim là khi Hàn Quốc bùng phát một loại virus bí ẩn biến con người thành zombie. Những xác sống này hung hăng tấn công mọi người và khiến dịch bệnh lan rộng. Một trong số chúng lên được chuyến tàu từ Seoul đến Busan và thảm kịch bắt đầu. Có mặt trên tàu là cha con Seok Woo (Gong Yoo) – Soo An (Kim Soo An), một cặp vợ chồng sắp có con (Ma Dong Soek và Jung Yu Mi), một đội bóng trung học và đủ mọi hạng người khác từ thương gia đến kẻ hành khất.
Chuyến Tàu Sinh Tử được dựng với nhịp phim nhanh, kết hợp giữa mô-típ kịch tính và thể loại phim thảm họa. Đạo diễn Yeon Sang Ho dành khoảng nửa giờ đầu để khán giả làm quen với các nhân vật. Chỉ qua một vài tình tiết nhỏ như cảnh ông chồng chờ vợ ở ngoài nhà vệ sinh hay khi Soo An trò chuyện với một vị thương gia, tính cách của từng người được bộc lộ rõ rệt.
Zombie xuất hiện từ cận cảnh…
Khi dịch bệnh bùng phát, trò chơi sinh tử bắt đầu với những màn truy đuổi diễn ra dồn dập. Bối cảnh các pha hành động trong phim đều xoay quanh đoàn tàu, từ bên trong các toa đến nhà ga, đường ray. Điều này tạo không khí khác lạ so với các phim cùng đề tài trong thời gian gần đây. Có thể nói, Chuyến Tàu Sinh Tử là phiên bản của World War Z nhưng diễn ra trong không gian chật hẹp của Snowpiercer.
Lũ xác sống trong phim không có trí tuệ nhưng bù lại rất nhanh nhẹn và vô cùng hung hãn. Trong các cảnh quay cận, chúng gây ám ảnh nhờ bộ phận hóa trang chỉn chu tạo nét ghê rợn trên từng khuôn mặt. Các màn truy đuổi tập thể lại ấn tượng với biên đạo hành động chắc tay. Có hai cảnh theo kiểu “chồng xác” (các zombie chạy chất đống lên nhau) gây hiệu ứng mạnh, một ở bên trong tàu và một ở ngoài trời. Được biết, đoàn làm phim đã mời đạo diễn George Miller của Mad Max: Fury Road giúp đỡ trong một vài phân đoạn.
… đến cả những đại cảnh
Các biên kịch cũng biến tấu thêm một vài đặc tính của bọn zombie để xây dựng nên các tình huống sáng tạo, đáng kể nhất là màn giải cứu của nhân vật chính với nhiều yếu tố bất ngờ. Cho dù đã xem cả chục phim zombie trước đây thì đến Chuyến Tàu Sinh Tử, khán giả vẫn cảm nhận được chút gì đó mới mẻ trong cuộc chiến với lũ xác sống này.
Tuy nhiên, điều thú vị nhất của phim nằm ở khía cạnh khai thác tâm lý con người. Bản thân chuyến tàu là mô hình thu nhỏ của một xã hội với đủ thành phần “thượng vàng hạ cám”. Trong thời bình, mỗi người đều có một sự tiết chế nhất định với hành vi của mình để hợp với các quy tắc xã hội. Chỉ đến lúc nguy cấp, bản chất riêng của từng người mới được bộc lộ. Từ xưa đến nay, những lúc ngặt nghèo luôn là khi phẩm giá con người được thử thách mạnh mẽ nhất.
Bạo loạn bùng phát trên tàu
Video đang HOT
Sự châm biếm giai cấp xã hội được thể hiện ngay đoạn gần đầu phim, khi vị giám đốc tỏ ý khinh thường người nghèo khổ, chỉ để nhận lại câu trả lời ngây thơ nhưng đầy lương tri của một đứa trẻ con. Hay như trong một cảnh quay khác, Seok Woo nói với con: “Những lúc thế này, con chỉ nên lo thân mình.”, nhưng rồi dần dần chính anh ta nhận ra đó là điều sai trái. Bản thân nhân vật chính cũng trải qua một diễn biến tâm lý trên suốt hành trình, từ một nhà đầu tư ích kỷ trở thành một người dám xả thân vì người khác.
Không cao thượng như vậy, phần đông những người khác đã để lòng tham sống che mờ mất lý trí lẫn tình người. Phim dường như khắc họa chân lý: thây ma không phải quái vật, con người mới là quái vật. Cách những nhân vật xua đuổi đồng loại mình khiến ta thêm ghê sợ sự đớn hèn trong tiềm thức của họ. Sự dồn nén về cảm xúc có thể khiến khán giả bùng nổ trong một cảnh quay sau đó với cách xử lý đầy táo bạo của đạo diễn Yeon Sang Ho. Trên thực tế, mâu thuẫn xã hội cũng là chủ đề trong không ít tác phẩm trước đây của ông như The King of Pigs, The Window hay Seoul Station (được xem là phần trước không chính thức của Chuyến Tàu Sinh Tử).
Bên cạnh Gong Yoo, tài tử Ma Dong Soek không kém phần ấn tượng
Trong vai chính, Gong Yoo khắc họa được hình ảnh một người cha luôn mải mê công việc, chỉ đến khi thảm họa mới bộc lộ hết tình yêu thương con. Tài tử của Tiệm Cà Phê Hoàng Tử có vẻ ngoài phù hợp để vào vai một doanh nhân và diễn xuất của anh cũng tròn trịa. Trong khi đó, Ma Dong Soek gây ấn tượng khi hóa thân thành một người chồng thương vợ, tả xung hữu đột để bảo vệ gia đình mình. Kinh nghiệm của một võ sư ngoài đời cũng giúp nam diễn viên thể hiện những pha đánh đấm thuần thục. Không điển trai nhưng chắc chắn nhân vật của anh là mẫu đàn ông mà phái nữ sẽ mê mệt hơn bất cứ “soái ca” nào.
Bên cạnh đó, cũng phải dành nhiều lời khen cho diễn viên vào vai phản diện. Cách xây dựng nhân vật này dẫn dắt cảm xúc người xem từ đầu đến cuối khi sự ngạo mạn hóa nhỏ nhen, rồi lòng tham sống bản năng dẫn đến sự tàn độc vô bờ bến. Những vai phụ tạo được nhiều mảng màu cho phim như hai chị em lớn tuổi, người ăn mày hay cặp đôi học sinh. Điểm trừ của phim nằm ở nhân vật đứa con có phần nhạt nhòa, thụ động trong suốt thời lượng.
Nhiều tình tiết có phần khá sến súa trong phim
Là một sản phẩm của điện ảnh xứ kim chi nên Chuyến Tàu Sinh Tử không thiếu những tình huống lấy nước mắt. Phong cách này là đặc trưng và xuất hiện cả trong các phim ở thể loại lịch sử (Đại Thủy Chiến) hay kịch tính (Time Renegades, Snowpiercer). Với Chuyến Tàu Sinh Tử, đôi chỗ nó khiến nhịp phim lê thê và đoạn kết phim không được gãy gọn. Mô-típ “hy sinh để cứu nhau” cũng được lặp lại nhiều lần nên càng về cuối phim càng dễ đoán trước. Mặc dù vậy, về tổng thể kịch bản vẫn khá chặt chẽ từ đầu đến cuối.
Trước đây, đạo diễn Yeon Sang Ho chủ yếu chỉ thực hiện các phim hoạt hình. Chính vì vậy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi ông trình làng một Chuyến Tàu Sinh Tử thành công cả về mặt hình ảnh và nội dung. Dù còn vài khuyết điểm nhưng tác phẩm xứng đáng là một “bộ phim quốc dân” của Hàn Quốc, một bom tấn châu Á và thể hiện nỗ lực vươn lên của điện ảnh xứ kim chi. Tác phẩm còn gây chú ý trên thị trường quốc tế và hiện đang được 20th Century Fox, Sony Pictures cùng một số hãng phim Pháp tranh mua bản quyền để làm lại.
Theo Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ
'Chuyến tàu sinh tử': Bom tấn hè đúng nghĩa đến từ Hàn Quốc
Mang đề tài xác sống quen thuộc, nhưng "Train to Busan" biết cách lôi cuốn khán giả bằng sự kịch tính, lối truyền tải cảm xúc mãnh liệt, và qua đó trở thành phim hè xuất sắc 2016.
Xác sống (zombie) là đề tài rất đỗi quen thuộc trong lịch sử điện ảnh, ngay cả với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hong Kong hay Ấn Độ. Tuy nhiên, Train to Busan mới chỉ là tác phẩm lớn đầu tiên của Hàn Quốc lấy đó làm chủ đạo.
Trong phim, một loại virus bí ẩn bất ngờ lây lan tại Hàn Quốc, biến người bình thường trở thành xác sống - thứ sinh vật mất hết lý trí, chỉ còn biết tấn công kẻ khác. Những vụ bạo loạn do zombie liên tục xảy ra trên diện rộng, nhưng được chính phủ che đậy bằng lý do khủng bố.
Lúc này, một chuyến tàu bình thường xuất phát từ Seoul đi Busan. Các hành khách trên đó không hề hay biết hiểm họa đang cận kề bên mình, cho đến khi những kẻ nhiễm bệnh bất ngờ xuất hiện và tấn công từ hành khách tới tiếp viên.
Bộ phim tập trung vào chuyến hành trình của nhóm hành khách trên chuyến tàu tử thần, khi họ phải tìm cách sinh tồn trước những thây ma chỉ biết cắn giết, lây lan bệnh dịch.
Một kịch bản chặt chẽ
Nếu kỳ vọng Train to Busan là một bước tiến mới, một sự đột phá đặc biệt so với vô vàn các phim zombie từng được sản xuất trên toàn cầu, thì khán giả hẳn sẽ thất vọng.
Là phim bom tấn đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc mang đề tài xác sống, đạo diễn Yeon Sang Ho quyết định lựa chọn lối đi an toàn khi thực hiện một bộ phim zombie trung thành nhất với những ý tưởng sơ khai ban đầu của thể loại này. Ông không tham lam tìm cách đưa vào yếu tố phá cách mà tập trung phát huy những giá trị truyền thống rất đỗi cơ bản.
Câu chuyện trong Train to Busan rất đơn giản và quen thuộc, dựa trên mô-típ kinh điển của dòng zombie: tập trung vào một nhóm người bị cô lập, phải tìm mọi cách để sinh tồn khi đại dịch zombie ập đến. Bối cảnh phim chủ yếu diễn ra trên con tàu đang lăn bánh, với những hành khách và tiếp viên bị kẹt cứng bên trong cùng đám thây ma di động.
Câu chuyện trong Train to Busan tương đối đơn giản, không cầu kỳ, nhưng lại rất hiệu quả.
Lựa chọn câu chuyện phim đơn giản là quyết định khôn ngoan của Yeon Sang Ho. Từ nền tảng cơ bản đó, ông xây dựng nên một kịch bản chặt chẽ, chi tiết mà súc tích.
Mỗi sự kiện, mỗi hành động của các nhân vật trong phim đều diễn ra tự nhiên, hợp lý, chứ không vội vàng, lê thê hay dài dòng. Hầu như không có chi tiết thừa nào xuất hiện trong phim và toàn bộ kịch bản được tính toán rất cẩn thận.
Đây chính là ưu điểm nổi bật nhất của Train to Busan nếu đem so sánh bộ phim với các tác phẩm cùng dòng trên thế giới. Từ kịch bản chắc chắn, đạo diễn Yeon Sang Ho tiếp tục tạo ra tiết tấu đồng đều, hấp dẫn và kịch tính liên tục cho đến phút chót.
Khán giả sẽ buộc phải tập trung theo dõi đến từng giây của bộ phim, vì mỗi khoảnh khắc đều đáng giá và kết nối chặt chẽ với nhau, tạo nên mạch cảm xúc liên tục.
Đi sâu khai thác bản chất bên trong mỗi con người
Một nét đặc trưng khác của dòng phim zombie mà Train to Busan tập trung khai thác chính là mảng tối bên trong mỗi con người ở trận chiến sinh tồn.
Các hành khách trên chuyến tàu tử thần tập trung nhiều đối tượng khác nhau: Seok Woo (Gong Yoo) - một người cha luôn bận rộn, cùng cô con gái nhỏ (Kim Su An) đang trên đường đến Busan để gặp người vợ đã ly thân.
Một đôi vợ chồng vui tính với người vợ (Jung Yu Mi) đang mang bầu. Một đoàn học sinh trung học hồn nhiên với hai cô cậu học trò (Choi Woo Shik và Ahn So Hee) đang có tình cảm với nhau.
Một gã giám đốc kiêu ngạo (Kim Eui Sung) luôn hách dịch với người khác và chỉ lo cho bản thân mình. Một bà cụ già luôn giúp đỡ người khác, đang đi cùng cô em gái để thăm người thân... Tất cả tạo ra một bức tranh xã hội thu nhỏ với đủ mọi hạng người bên trong đoàn tàu chật hẹp.
Góc tối bên trong mỗi con người được phơi bày khi họ có mặt trong trận chiến sinh tử trên chuyến tàu tử thần đầy ắp zombie.
Tâm điểm của bộ phim không chỉ là trận chiến chống lại đám xác sống điên dại, mà còn là trận chiến giữa chính người với người. Khi thảm họa xảy ra, bản chất con người mới được bộc lộ rõ ràng. Train to Busan đã rất thành công khi thể hiện bản chất tâm lý đặc trưng của từng nhân vật, từ đó tạo ra những xung đột cần thiết và hợp lý.
Trong phim, khó có thể đánh giá ai là nhân vật phản diện hoàn toàn. Mỗi người đều có lý lẽ riêng cho hành động của bản thân. Dù cho nó có ích kỷ hay tàn bạo thế nào đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ đang cố gắng tồn tại.
Khán giả hiểu và đồng cảm với từng nhân vật, từng hành động, từng thay đổi của họ, kể cả với những kẻ tàn độc nhất. Điều đó giúp tạo ra sự chân thực tối đa cho bộ phim, giúp người xem gắn kết chặt chẽ với nhân vật, duy trì sự hấp dẫn cho đến tận hồi kết.
Vừa kịch tính, vừa giàu cảm xúc
Train to Busan có phần hành động rất hấp dẫn và kịch tính. Các trường đoạn hành động chủ yếu là cảnh truy đuổi, chạy trốn bầy đàn thây ma. Chúng được thực hiện rất công phu, dù quy mô không hoành tráng như các bom tấn cùng thể loại của Hollywood.
Bên cạnh đó, đạo diễn Yeon Sang Ho cũng tìm cách tăng tính thực tế bằng cách hạn chế tối đa khả năng chiến đấu của các nhân vật trong phim. Họ vốn chỉ là những người bình thường, tay không tấc sắt, hầu như không có kỹ năng tự vệ nào đáng kể.
Tính hành động và tâm lý được hòa quyện khéo léo trong Train to Busan.
Do đó, khi đối mặt với binh đoàn thây ma hung hãn, họ chỉ có thể chạy trốn, hoặc tìm mọi cách để đánh lừa chúng bằng mưu mẹo. Các trường đoạn khi nhân vật tìm cách để vượt qua các toa tàu tràn ngập thây ma bằng mưu mẹo được thực hiện rất thông minh và hấp dẫn, khiến khán giả không khỏi nín thở dõi theo.
Nhưng không chỉ có những phân cảnh hành động, Train to Busan còn mang lại nhiều khoảnh khắc đầy cảm xúc. Không chỉ căng thẳng khi theo dõi nhóm nhân vật tìm cách thoát thân, người xem còn được thấy không ít chi tiết hài hước được cài cắm khéo léo trong lời thoại.
Đặc biệt, cảm xúc bi thương xuất hiện vào thời điểm sinh ly tử biệt, khi khán giả phải chứng kiến các nhân vật mình đang chăm chú dõi theo lần lượt ngã xuống trong trận chiến sinh tồn. Những sự hy sinh đó có thể là để bảo vệ người khác, cũng có thể là để bảo vệ niềm tin hay nhân tính của bản thân. Nhưng chúng đều để lại ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khán giả.
Nhóm nhân vật chân thực và đáng nhớ
Một điểm sáng nữa của bộ phim là hệ thống nhân vật ấn tượng. Mỗi nhân vật trong Train to Busan đều được xây dựng rất chân thực và khéo léo, với những nét đặc trưng riêng biệt, chỉ qua vài chi tiết miêu tả ngắn gọn. Tất cả đều có đất diễn nhất định, không có ai bị lép vế hay đuối sức hơn hẳn so với ai.
Điều thành công hơn cả là đạo diễn Yeon Sang Ho đã gắn kết được cảm xúc của khán giả với mọi nhân vật. Khán giả đồng cảm với bản thân mỗi người, chăm chú dõi theo họ qua từng thử thách cho đến tận cùng của bộ phim.
Các nhân vật trong phim được đội ngũ biên kịch xây dựng rất khéo léo với những tính cách nổi bật khác nhau.
Khán giả chắc chắn sẽ nhớ đến ông chú mập San Hwa (Ma Dong Seok) vui tính, sợ vợ nhưng đầy bản lĩnh và quân tử, cùng người vợ đang mang bầu nhưng rất mạnh mẽ, cứng cỏi.
Hay nhân vật chính Seok Woo (Gong Yoo), từ một người cha vô tâm, có phần ích kỷ, nay trở thành người có trách nhiệm và đáng tin cậy khi tử thần cận kề. Mỗi nhân vật là một câu chuyện nhỏ đáng nhớ trong tổng thể câu chuyển lớn của bộ phim, gắn kết với nhau rất chặt chẽ và đồng điệu.
Có thể nói Train to Busan là một tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Hàn Quốc trong năm 2016. Không ngạc nhiên khi bộ phim thắng lớn tại thị trường nội địa với hơn 10 triệu lượt khán giả chỉ sau gần ba tuần trình chiếu. Bản thân chất lượng tác phẩm chính là lý do cho cơn sốt đó và đây mới là bom tấn đúng nghĩa của mùa hè năm nay.
Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) khởi chiếu trên toàn quốc từ 12/8.
Zing.vn đánh giá: 4,5/5
Theo Zing
Sau 15 năm, "Resident Evil" sẽ kết thúc hoành tráng thế này! Xứng đáng danh hiệu một trong những bom tấn đi đầu trong thể loại phim chiến đấu với thây ma, sau 15 năm, "Resident Evil" đã đi tới hồi kết. Được kỳ vọng là đoạn kết bi tráng và xứng đáng cho loạt phim hành động rùng rợn kinh điển của thế giới trong vòng 15 năm qua, Resident Evil: The final chapter...