Trai tráng bôi nhọ mặt rước kiệu sinh thực khí
Hàng nghìn du khách đổ về xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) khám phá lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ) với mong ước năm mới an lành, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ) được tổ chức vào rằm tháng Giêng với mong ước các đức vua, thánh thần cùng phù hộ cho mọi người khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn. Trong lễ hội còn tái hiện sự tích đánh giặc giữ làng.
Hơn 150 người của 6 thôn trong cửa đình Làng Mỏ được chọn tham gia lễ rước phải bôi nhọ lên mặt. Ông Hoàng Văn Chủ, đội trưởng đội cúng tiến lễ vật, giải thích trước đây họ Mạc chạy trốn đến vùng đất này và đổi thành họ Hoàng và Bế. Vì thế, trong lễ hội có nghi lễ bôi mặt nhọ với ý nghĩa “để không ai biết là con cháu họ Mạc”.
Đám rước đi từ đình Làng Mỏ thờ đức vua Cao Quyết đến miếu Xa Vùn thờ đức Thánh Cao Sơn – Quý Minh đại vương. Đi vật đi đầu đám rước là Tàng thinh và Mặt nguyệt – 2 lễ vật sinh thực khí thể hiện sự phồn thực với mong ước về sự no ấm, đủ đầy.
Lễ vật khác cung tiến gồm ống nước tiên lấy từ giếng Mỏ Vằn, cây thiên tuế, cây ngô, cây lúa, khoai sọ và cây bông vải.
Hèm đánh trận trong lễ hội gồm đánh trận mác và đao, dẫn đầu 24 binh lính là 2 vị chánh tướng, phó tướng. Việc luyện tập diễn ra trong hơn một tháng.
12 người biểu diễn màu đấu gươm.
Video đang HOT
Biểu diễn màn đấu mác trong chiến trận.
Người dân, du khách chen chân đứng xem đám rước, có người phải trèo lên mỏm núi để theo dõi toàn cảnh.
Du khách thích thú chụp ảnh chung với lễ vật sinh thực khí, hy vọng năm mới may mắn, tình duyên hanh thông.
Lễ hội Ná Nhèm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015, sau khi được phục dựng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Lễ hội thể hiện lịch sử cư trú, phong tục tập quán và lễ nghi trong cộng đồng dân tộc nơi đây.
Hồng Vân
Theo VNE
Gia đình 30 người ở Sài Gòn phóng sinh hơn 100 kg cá
Ngày rằm tháng Giêng, gia đình anh Hồ Văn Sinh (quận Tân Phú) chi ra 10 triệu mua 100 kg cá, chim, ba ba, ốc... rồi cùng ra sông Sài Gòn phóng sinh.
Từ sáng ngày rằm tháng Giêng, đông đúc người dân mang cá, chim... đến chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP HCM) phóng sinh do nơi đây sát bờ sông Sài Gòn.
Phía ngoài cổng chùa, các cửa hàng cá, chim... "được mùa" bán buôn. Tại lối ra bờ sông, từng dòng người thay phiên nhau xách xô chậu chứa cá vừa cúng xong để thả.
Nhiều gia đình tổ chức phóng sinh lớn. Nhà anh Hồ Văn Sinh (quận Tân Phú) chi ra 10 triệu mua cá, chim, ba ba, ốc... Riêng các loại cá đã hơn 100 ký.
Cả nhà 30 người cùng nhau làm lễ cúng trước khi thả xuống sông Sài Gòn. "Phóng sinh mỗi ngày rằm hay bất cứ khi nào thấy nên làm là truyền thống của gia đình tôi", anh Sinh nói.
Nguyên một khúc sông, gia đình anh tấp nập thả cá, ốc, phóng sinh chim.
Tại chùa, có hẳn một lực lượng vận chuyển cá, chạy thuyền phục vụ nhu cầu phóng sinh. "Chúng tôi không ra giá thuê thuyền mà tùy hỷ thôi, thường họ biếu 20.000 - 100.000 đồng. Họ không gửi tiền công cũng không sao hết", chị Thảo (chủ thuyền) cho biết.
Những con cá lớn được gia đình anh Sinh đưa ra giữa sông để thả. "Chúng tôi quan niệm loài nào cũng có sự sống nên cần được thả về môi trường tự nhiên. Vì vậy cả ốc chúng tôi cũng thả với hy vọng phước lành từ việc này", anh Sinh chia sẻ.
Có người thì mua lươn để phóng sinh.
Chị Hồ Thị Ngọc Thu (35 tuổi, quận Bình Thạnh) thì mua 3 ký cua ngoài chợ, mang ra bờ sông thả.
Ngoài cá chép, cá trê, cá rô người dân còn phóng sinh các loài chim nhỏ như chim sẻ, sắc ô, chim quan âm... Giá mỗi loài 7.000 - 20.000 đồng một con. "Phóng sinh 10 con hay một con cũng có ý nghĩa như nhau, đều cảm thấy lòng mình được thanh thản, thoải mái, cầu mong điều tốt đẹp cho mình và gia đình", chị Lý Thị Thanh Thư (quận Tân Bình) bộc bạch.
Trong những loài vật được bán để phóng sinh, rùa là loài có giá đắt nhất, với giá 400.000 đồng một ký. Dù vậy, vẫn có nhiều người mua về thả. Theo quan niệm của nhiều người, đây là loài có nghiệp nặng, trường sinh, mang ý nghĩa "cầu mong sức khỏe, sống lâu như rùa".
Do nước triều nên cao, bờ sông lại nhiều lục bình nên nhiều người cố gắng lội nước ra xa hơn để thả cá.
Vì số lượng cá, rùa phóng sinh rất lớn, nhiều con to nên quanh quẩn bờ sông có người chạy ghe dùng chích điện vớt cá khiến những người vừa phóng sinh lo lắng.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Phơi mình ngủ giữa đêm lạnh giữ chỗ xin ấn Ghế đá, sân đền, vỉa hè... trở thành nơi ngả lưng cho hàng nghìn người chờ xin những chiếc ấn đền Trần đầu tiên được phát ra lúc 5h sáng rằm tháng Giêng. Sau lễ khai ấn đền Trần Nam Định đêm 10/2, rạng sáng 11/2 (rằm tháng Giêng), nhiều người từ xa về dự lễ không tìm nhà nghỉ, phòng trọ mà...