Trái tim của ba tôi
Một ngày nọ, ba tới mượn tiền tôi. Ba nói sức khỏe không tốt, cần phải tới bệnh viện để kiểm tra tổng quát, vậy nên tôi đã gửi tiền cho ba. Không ngờ, chưa được bao lâu, ba lại gọi điện tới, nói muốn mua một chiếc xe điện 3 bánh.
Tôi lưỡng lự một lúc, ba dường như nghe thấy sự do dự của tôi bèn nói:
“Con cho ba một nửa, ba tự bỏ ra một nửa, đem bán mấy con cừu nhà nuôi”.
Nghe thấy vậy, tôi liền mềm lòng. Mấy năm gần đây, ba tôi đã nuôi hơn chục con cừu, nuôi lớn rồi lại đem bán để trang trải chi tiêu hàng ngày. Sau khi mẹ tôi mất đi, tôi muốn đón ba lên thành phố ở chung, ba quyết không chịu đi.
Thằng út đang sống ở thị trấn cũng muốn đón ba tới, nhưng ba nói đã quen với cuộc sống dưới quê, quen với những người trong thôn nên không muốn rời đi.
Không có cách nào thuyết phục, đành theo ý ba. Tuy nhiên, muốn biếu ba chi phí sinh hoạt hàng ngày ông cũng không lấy, lần nào cũng nói, cuộc sống thôn dã đơn giản, chi phí ít, cũng không tiêu gì. Mà bây giờ… chuyển tiền cho ba, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đúng.
3 tháng trôi qua, tôi quyết định đưa con gái về nhà thăm ba.
Cửa nhà khóa, chú ba hàng xóm nói ba tôi đang đi chăn cừu. Tôi bèn dắt con gái xuống dốc, từ xa đã nhìn thấy đàn cừu, tới gần mới thấy ba đang ngồi ngủ bên gốc cây, bên cạnh trải một tấm vải, trên tấm vải có 1 cái bánh đã ăn được một nửa, 1 túi dưa muối nhỏ, còn có một bình nước… Trong lòng chợt thấy chua xót, tôi liền gọi: “Ba ơi”!
Ba giật mình tỉnh giấc, hồi lâu sau mới nói:
“Con bé này, sao về nhà mà không báo trước?”.
Con gái tôi liền giành nói trước: “Mẹ con nói muốn cho ngoại một bất ngờ”.
Ba tôi thực sự rất vui mừng, không nói thêm với tôi điều gì, chỉ kéo cháu gái tới làm quen với bầy cừu bảo bối của mình. Một bầy cừu nho nhỏ có trên chục con, Ba tôi vui vẻ nói:
“Đợi thêm một khoảng thời gian nữa có thể bán được rồi, chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền! Bây giờ giá cừu đang tăng”.
Về tới nhà, trong sân có chút bừa bộn, chiếc xe 3 bánh ba tôi đã đi nhiều năm nằm ở một góc sân.
Tôi thuận miệng liền hỏi:
“Ba, chiếc xe 3 bánh ba mới mua đâu rồi?”.
Ông bối rối trả lời:
“Ba… vẫn chưa mua! Nghe người ta nói tháng sau giá sẽ giảm”.
Trong lúc tôi dọn dẹp ngoài sân, nghe thấy ba gọi điện cho thằng út nói:
“Chị hai con về nhà, tối nay con cũng về nhà cùng ăn cơm đi!”.
Sau đó ba còn dặn nhỏ một câu,
“Mua thêm nhiều đồ ăn ngon nhé”!
Tôi định nói vài câu, rồi lại thôi. Hồi đó, tôi luôn để ý tới sự thiên vị của ba mẹ. Bởi vì sự đố kỵ lúc còn nhỏ mà tôi luôn xa cách thằng út, sau đó thì giận dỗi quyết định thi vào một trường đại học thật tốt, cuối cùng có thể hãnh diện rời khỏi nhà.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nước ngoài khá tốt, còn em trai tôi miễn cưỡng cũng học xong trung cấp nghề, trở thành một công nhân nhỏ làm trong một dây chuyền lắp ráp tại thị trấn, thằng út lại càng ngưỡng mộ và tôn kính tôi hơn.
Buổi chiều, thằng út mang theo con về nhà, còn mua rất nhiều đồ.
Ba tôi đích thân xuống bếp, cùng với út làm rất nhiều món ngon, đều là những món tôi ưa thích. Lúc mẹ tôi còn sống, ba tôi chưa từng nấu ăn. Thật kỳ lạ là mỗi món ăn ba làm đều giống y như mùi vị thức ăn mẹ nấu. Ăn từng miếng, tôi dường như sắp khóc.
Buổi tối, tôi ngồi nói chuyện với ba trong sân, chỉ là không ngờ tới, ông vòng vo một hồi lâu, nói từ chuyện trong thôn, nói tới việc lúc còn sống mẹ tôi muốn xây lại nhà… cuối cùng mới nói tới vấn đề chính:
“Các con, nếu như không quá khó khăn, có thể… con biết đấy, thằng út của con…”
Tôi ngắt lời ông, hỏi:
“Ba, sửa nhà cần bao nhiêu tiền”, trong lòng đột nhiên có một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời.
“Khoảng, khoảng 200 triệu …..”, giọng của ông nhỏ lại, liền lập tức bổ sung, “nếu bán được bầy cừu cũng sẽ được vài chục triệu”.
Tôi ngạc nhiên một lúc, 200 triệu với tôi cũng không phải là con số nhỏ, tôi ngập ngừng nói: “Ba, đợi con về nhà tính lại rồi nói, cũng không phải vấn đề quá lớn”.
Ông cúi thấp đầu nói:
“Con gái, làm khó con rồi. Con xem có thể được bao nhiêu, ba già rồi, sẽ không tiêu tốn khoản nào nữa….”
Tôi cười nhẹ. trong ánh trăng mờ ảo, chắc chắn ba không thấy được sự cay đắng trong nụ cười đó.
Bàn bạc với chồng về chuyện của ba, cả nửa ngày, anh ấy cũng không nói gì, chồng tôi không phải một người nhỏ mọn, nhưng năm nay, tình cảnh của anh ấy còn tệ hơn tôi. Chồng tôi mở một công ty xuất khẩu nhỏ, bây giờ đến tiền lương cũng trở thành vấn đề.
Cuối cùng anh ấy nói:
“Em đưa tiền cho ba đi, chúng ta tự thắt chặt chi tiêu chút, vẫn có thể chịu được”.
Nửa tháng sau khi tôi chuyển tiền cho ba, tôi gặp được một người họ hàng tới thành phố làm việc, trong lúc trò chuyện tôi liền thuận miệng hỏi:
“Nhà của con đã bắt đầu sửa lại chưa ạ”.
Ông ấy hơi ngạc nhiên:
“Không thấy ba con nói tới việc sửa lại nhà!”, nghĩ một lúc người đó nói, “Đúng rồi, ba con đem cừu bán hết rồi, giúp em trai con mua một chiếc xe giao hàng nhỏ, em trai con không còn làm ở chỗ cũ nữa, đã tự lái xe đi giao hàng rồi. Kiếm được kha khá…”
Trái tim tôi giống như bị ném vào hầm băng vậy, cảm thấy thực sự lạnh lẽo.
Hóa ra ba đã gạt tôi, từ đầu tới cuối luôn đứng về phía thằng út, thiên vị tới mức gạt tôi lấy tiền giúp đỡ nó, không thể oán hận ba nhưng có bao nhiêu bất mãn, chính tôi cũng không rõ.
Về tới nhà, tôi không thể chịu đựng được nữa, nhốt mình trong phòng vệ sinh, vừa mở nước, vừa khóc một trận.
Vài ngày sau đó, tôi đều không chủ động gọi điện thoại cho ba. Cuối cùng cũng là ba gọi trước, tôi chỉ trả lời lấy lệ, ba cũng đành phải cúp máy. Nhưng không ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng tôi được nghe giọng của ba…
3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại của thằng út, nói rằng ba đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim… bỗng nhiên nhớ lại cuộc điện thoại 3 ngày trước, những lời dặn dò vụn vặt cùng sự lạnh lùng của tôi, tất cả trở thành hòn đá đè nặng trong lòng tôi, khiến tôi không thể thở nổi.
Lập tức trở về nhà, lần đầu tiên tôi và thằng út ôm nhau khóc, lúc mẹ mất, tôi vẫn có thể dựa vào vòng tay ba, còn bây giờ… tất cả những oán trách đối với ba đều bị sự rời đi đột ngột này làm tan đi hết, chỉ còn sự đau thương bao trùm lấy tôi.
Sau khi lo liệu xong hậu sự của ba, lúc rời đi, thằng út tiễn tôi tới bến xe, rồi nói:
“Chị hai, hãy thường về nhà nhé, ba mẹ đều không còn, nhưng nhà của chúng ta vẫn còn”.
Một câu nói đó đã khiến cho tôi vốn đã khóc tới cạn nước mắt lại dâng lên dòng lệ. Nắm tay thằng út, tôi dặn dò nó giữ gìn sức khỏe rồi lên xe đi. Tôi đã nghĩ rằng, có thể sau này tôi sẽ không thường về nơi được gọi là nhà của chúng tôi nữa!
Trải qua vài ngày, tôi có mới có thể bình tĩnh lại sau việc ba qua đời…
Nhưng cuộc đời con người, quả thật là họa vô đơn chí, chuyện bất hạnh lại liên tiếp xảy tới, công ty của chồng tôi gặp sự cố, anh ấy bị khách hàng lừa mất toàn bộ tài sản.
Chồng tôi lúc đó gần như sụp đổ, từ một người không bao giờ uống rượu lại thành kẻ say sưa tối ngày. Tôi vô cùng lo lắng, sốt ruột, lại không có cách nào có thể giúp đỡ, suy nghĩ một đêm, cuối cùng quyết định bán nhà.
Trưa ngày hôm đó thằng út gọi điện tới, sau khi ba mất, thằng út ngược lại rất thường xuyên gọi điện thoại tới. Tôi không có tâm trạng nói chuyện với nó, nó cũng hiểu được sự nôn nóng của tôi, nhẫn nại hỏi, tôi cố gắng mới được nói hết cho thằng út nghe.
Không ngờ được rằng, em trai tôi ngồi tàu hỏa, sáng hôm sau liền tới, bước vào nhà không nói gì hết, từ trong tay lấy ra một xấp tiền: “Chị, đây là 500 triệu , không nhiều, dùng giải quyết trước đã”
Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi:
“Tiền này em lấy ở đâu?”. “Một phần là từ mấy tháng nay em chở hàng kiếm được 300 triệu, nhà trên thị trấn không được bao nhiêu, chỉ có thể có được từng này….”
Tôi cảm động, cầm tiền đưa lại cho út, nói:
“Chị không thể cầm tiền của em”.
Nó vội vã nói:
“Chị hai, năm ngoái xưởng đóng cửa, em và vợ bị mất việc, muốn mua một chiếc xe chở hàng nhưng không có tiền, chị đã đưa cho ba 400 triệu, nói ba đưa cho em, còn dặn ba không được cho tụi em biết là tiền của chị.”
Tôi ngây người, út nói tiếp:
“Ba nói, hồi nhỏ, đều là chị nhường em, bởi vì em là em, bây giờ em phải bảo vệ chị, bởi vì chị là con gái. Ba còn nói, tới lúc ba không còn nữa, em chính là nhà của chị…”
“Ba!”.
Tôi quay đầu, nước mắt rơi xuống như mưa. Tôi là đứa con bất hiếu! Sao lại không hiểu cho sự khổ tâm của ba. Ba đã biết trước không còn sống được bao lâu, lại càng biết tôi vốn là đứa kiêu ngạo, ngay cả người thân cũng sẽ không nhờ vả dựa dẫm, chính vì vậy đã để lại sự yêu thương, dành cho tôi sau này.
Lúc đầu, khi ba mượn tiền tôi, trong lòng ba đã biết khó xử, đã phải dùng bao nhiêu dũng khí. Nhưng ba vẫn làm vậy, chỉ để khi ông mất đi, chúng tôi còn có chỗ dựa, còn có người thân.
Thì ra đứa con mà ông yêu thương nhất chính là tôi. Tôi quay lại ôm lấy út, không thể nói một lời nào, chỉ ôm thật chặt nó.
Giây phút này, ba tôi đang ở trên thiên đường cũng cảm thấy an lòng, bởi vì đứa con được sống trong tình yêu của ông mà hoàn toàn không biết, cuối cùng đã hiểu được tất cả.
Đào Phai
Theo tapchicongthuong.vn
"Thiếu niên nói" và những câu chuyện "khóc cười" của học sinh lần đầu lên sóng truyền hình
"Thiếu niên nói 2020" là chương trình truyền hình thực tế có format hoàn toàn mới lần đầu tiên lên sóng tại Việt Nam, chương trình mang tính định hướng giáo dục đầy tính nhân văn dành cho các em học sinh tiểu học và trung học.
Trong thời gian cắp sách đến trường, lứa tuổi tiểu học và trung học có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất khi các em học sinh mang trong mình rất nhiều ước mơ cùng với đó là những tâm tư, suy nghĩ đôi khi không dám nói cùng gia đình, bạn bè. Và "Thiếu niên nói" chính là chương trình giúp các em mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng, thổ lộ những ước muốn, nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình mà chưa bao giờ chia sẻ trên bụt "Dũng khí". Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội thể hiện tài năng của mình, đồng thời cũng là dịp thể hiện sự tự tin, bản lĩnh khi trình bày vấn đề cần nói trước đám đông. Tất cả nhằm mục đích kết nối mọi người trong gia đình, trường lớp, bạn bè lại với nhau.
Thiếu niên nói 2020 tự hào khi được sự đồng hành từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến nhà trường, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh để tạo nên 1 chương trình truyền hình thực tế không chỉ mang tính định hướng giáo dục mà còn đầy giá trị nhân văn và giải trí. Ở mỗi nơi chương trình đi qua, "bục dũng khí" sẽ được dựng nên và các em học sinh sẽ bước lên đó để chia sẻ vấn đề của mình trước sự chứng kiến của nhiều người bên dưới. Từ đây những tâm tư, tình cảm được giấu kín bấy lâu nay sẽ lần đầu tiên được nói ra.
Đặc biệt, tham gia chương trình ngoài các em học sinh, phụ huynh còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng trong vài trò MC và khách mời. Họ là những nghệ sĩ đang được khán giả yêu thích và hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu... Họ sẽ lắng nghe những tâm sự của các học sinh và kể lại những câu chuyện đáng yêu ngày xưa thời còn đi học. Hoặc sẽ là những người truyền cảm hứng trong cuộc sống đến các em nhỏ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong tập 1 được "nhá hàng" sẽ có một câu chuyện của một học sinh lớp 7 "Mong ba mẹ hãy tin tưởng con lần nữa" để mong lấy lại niềm tin từ ba mẹ của mình. Cô bé kể lại thường bị ba mẹ nghi ngờ đi la cà với bạn bè, mỗi lần mất tiền thì đều đổ thừa cho con gái lý do là trong quá khứ cô bé từng lấy tiền của mẹ nhưng đã trả lại và xin lỗi ba mẹ, nhưng từ đó ba mẹ không còn tin con gái. Và lần lớn nhất là mẹ mất tiền gần 1 triệu và tiếp tục nghi ngờ con gái. Đứng trên bục "dũng khí" cô bé đã hỏi thẳng "Tại sao ba lại nghi ngờ trong khi con không làm việc này?".
Trước câu hỏi của con gái, người bố đã trả lời: "Không phải ai cũng muốn nghĩ như vậy đâu, ba mẹ lo không phải mất một số tiền mà lo mất đi đức tính tốt ở con, ba mẹ đang rất lo vì sợ con sẽ phạm sai lầm nào đó đi quá mức có thể chấp nhận được, thành ra con phải hiểu cho bố mẹ. Ba mẹ mong muốn con đi đúng đường và mỗi lần con rơi ra ngoài thì ba mẹ sẽ chỉnh lại. Con vẫn là niềm tin của ba mẹ". Tiếp đến cô bé tiếp tục hỏi bố tại sao em của mình mỗi lần học tốt đều được thưởng quà còn mình thì không được? Liệu rằng người bố sẽ trả lời như thế nào với suy nghĩ bố mẹ của con gái rằng bố mẹ thương em nhiều hơn.
Tập 1 sẽ không thiếu những câu chuyện ý nghĩa mà các em đến từ trường THPT Gia Định và THCS Hồng Bàng gửi đến phụ huynh và bạn bè của mình. Từ những tâm tư đáng yêu, ngây ngô đến những ước mơ của tuổi mới lớn được các em mạnh dạn nói ra. Trong đó, câu chuyện của một nữ học sinh cấp 2 khi có bố đang điều trị bệnh ung thư và thời gian sống rất ngắn nhưng vẫn cố gắng để chăm lo cho các con và gia đình, cô bé đã thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình, trách bố tại sao không giữ sức khỏe, không mua thuốc mà dành số tiền để đóng học phí cho con gái và cô bé đã bật khóc mong rằng thời gian bố sống bên gia đình sẽ được kéo dài thêm và ba từ "con yêu ba" đã được nói ra để gửi đến bố. MC Gil Lê và Khả Ngân đã lên đứng trên bục ôm và vỗ về nữ sinh đang rớt những giọt nước mắt sẽ khiến khán giả truyền hình xúc động trước những hoàn cảnh đặc biệt.
Chương trình cũng gây lắng động với câu chuyện "Thủ khoa" của nữ sinh cấp 3 có người cha khuyết tật. Nếu như "Thủ khoa" là ước mơ của rất nhiều học sinh và được các phụ huynh xem là "con nhà người ta', tuy nhiên đây cũng chính là áp lực rất lớn cho cô bé khi đã mang trên vai hai từ "thủ khoa". Cô bé đã nói ra những khó khăn của một học sinh giỏi, bên dưới sân trường người cha cũng có mặt để lắng nghe những lời con gái nói, cô bé cũng gửi đến bố, người đã yêu thương mình trong suốt thời gian vừa qua một lời cảm ơn hứa hẹn sẽ khiến khán giả rớt nước mắt.
Bên cạnh đó, "Thiếu niên nói" cũng mang đến tiếng cười hài hước, vui nhộn qua những câu chuyện đời thường trong cuộc sống và gia đình của các em như "Câu chuyện mèo con đi lạc", "Đừng bao giờ xem thường niềm tin của người khác", "Mẹ đừng bắt con chạy cầu thang giảm cân",... hứa hẹn sẽ khiến khán giả bật cười và suy ngẫm. Tất cả sẽ tạo nên những thông điệp ý nghĩa gửi đến tất cả các bạn học sinh và phụ huynh trên khắp cả nước.
Tập 1 "Thiếu niên nói" sẽ lên sóng vào lúc 21h Chủ Nhật ngày 9/2 trên kênh VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam.
Theo 8saigon
Cách rũ sạch đau đầu trong vòng xoáy tiền bạc khốc liệt Thứ đã mãi mãi mất đi, càng tiếc nuối sẽ càng khiến bản thân đau khổ dày vò. Vậy, chẳng phải cứ "Mặc kệ đi...", biết buông tay đúng lúc, thuận theo tự nhiên, chẳng phải là cách duy nhất và đơn giản nhất để giải thoát cho chính mình khỏi phiền muộn hay sao? Nếu mệt quá rồi hãy niệm chú "Mặc...