“Trại T25″ – nơi ghi dấu niềm vui lẫn nỗi buồn
“ Trại T25″, không phải là nơi giam giữ tù nhân mà là khu nhà chờ thông tin bệnh nhân của BV Chợ Rẫy. Nơi đây, người nhà bệnh nhân chờ đón cả tin vui và kể cả tin buồn của người thân.
Niềm vui, nụ cười hạnh phúc xen lẫn với nỗi buồn cùng tiếng khóc hòa quyện trong không gian 200 m2 khiến ai đến đây lần đầu tiên cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động…
Thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều người từ thân nhân cũng trở thành bệnh nhân. Ảnh: Linh Bùi
T25 – nơi không muốn đến
Phòng chờ thông tin T25 xin gọi tắt là căn nhà tạm bởi nó chỉ rộng khoảng 200 m2được dựng lên bởi mái lợp tôn sơ xài, một dãy ghế đá và một dãy giường dành cho những người nhà chờ thông tin có người thân phải phẫu thuật hoặc nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu nghỉ ngơi.
Bệnh nhân khi vào đây đều là bệnh nặng, trải qua những ca đại phẫu với chi phí khác nhau, có khi lên hàng trăm triệu đồng. Cũng có những gia đình điều kiện kinh tế ổn định nhưng phần nhiều đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Họ vừa lo “chạy tiền” để trả viện phí vừa chạy ăn từng bữa.
Đêm là khoảng thời gian khiến nhiều người đợi chờ lo lắng trong lòng thấp thỏm nhất là khi nghe: “Xin mời người nhà của bệnh nhân…”. Cứ nghe đến tên ai là người đó lại như giật bắn cả người. Tiếng mời giữa đêm khuya khoắt thường là tin báo chẳng lành.
Tuy bệnh viện đã bố trí thêm những chiếc quạt nhằm tạo không khí thông thoáng nhưng lượng người chờ ngày càng đông, thời tiết nắng nóng, ngột ngạt. Mọi người ví phòng chờ T25 là lò thiêu tập thể. Cứ vài phút là phòng thông tin lại nhắc nhở mọi người rằng không được trải chiếu nằm ở lối đi. Đến đêm, mọi người lại ùa ra xếp chiếu nằm dài chắn cả một lối đi. Họ chỉ muốn tìm một chỗ để ngả lưng, chợp mắt dăm ba phút nhưng lo âu phập phồng giật mình tỉnh giấc để lắng nghe loa phát thanh có gọi… tên.
Bước ra khỏi T25, một là bệnh nhân đã chiến thắng thần chết, người nhà chuyển bệnh nhân qua khu chăm sóc khác và chờ ngày ra viện, còn lại thân nhân lặng lẽ thu dọn đồ đạc về và chuẩn bị an táng cho người thân. Tuy ở bất kỳ hoàn cảnh nào nhưng họ luôn chờ đợi trong trạng thái hy vọng “ngày mai trời lại sáng”…
Bác Minh, bảo vệ tại BV Chợ Rẫy, chia sẻ nhiều đêm đang thiu thiu ngủ thì bỗng nghe tiếng khóc ré lên từ một người nào đó thì biết ngay rằng gia đình họ đã gặp chuyện không may, có lẽ người nhà đã không qua khỏi.
Bác Minh cho biết thêm: “Có người chỉ mới vào đây hai tiếng đồng hồ, bệnh viện đã gọi lên và trả người thân về nhà do không thể tiếp tục cứu chữa. Cứ như vậy thậm chí họ còn chẳng có cơ hội để hy vọng…”.
Anh Tuấn (quê Long An) ngồi lặng lẽ một góc ở khu nhà tạm T25, đã 2 giờ sáng anh vẫn cố gắng thức không dám ngủ. Anh có mẹ phải mổ não và thở ống khí hơn hai tháng nay. Cả gia đình anh cũng đã sống trong khu nhà tạm T25 này từng ấy thời gian, bán đất bán nhà để chạy chữa lo cho mẹ. Căng thẳng, mệt mỏi làm anh cáu gắt nên không ít lần anh Tuấn đã cãi vã với các cô y tá.
Video đang HOT
Một góc trại T25 được chính các thân nhân ví như trại “tị nạn”. Ảnh: Linh Bùi
T25 – Tình thương, niềm tin và hy vọng
Tuy những người có hoàn cảnh khó khăn ở đây chiếm đa số nhưng họ luôn đùm bọc chia sẻ nhau từng bữa cơm, nước uống thậm chí là cả chỗ ngủ. Từ xa lạ bỗng chốc trở thành thân quen, có lẽ họ đồng cảm cùng chung cảnh ngộ, đợi chờ giây phút sinh tử của người thân.
Mọi người ở đây hằng ngày vẫn sinh hoạt cùng nhau mặc cho kẻ tới trước người đến sau. Có người chỉ đến ở thoáng qua một, hai ngày nhưng lại có người chờ người thân đến tận 10 ngày, nửa tháng vẫn chưa nhận được thông tin.
Đặc biệt, T25 hằng ngày luôn có hai cử bữa cơm từ thiện. Một bà cụ 60 tuổi quê ở Lâm Đồng chờ con mổ, chia sẻ: “Bà tuy ở đây suốt, cũng khó khăn nhưng rất ít khi nhận cơm từ thiện vì mình muốn để phần, nhường cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn được nhận. Ở đây số lượng người rất đông mà cơm thì luôn có giới hạn nên mình coi như giúp họ. Ban đêm nhiều người tới sau không có chỗ ngủ mình cũng chủ động chia sẻ chỗ ngủ cho họ”.
Không hề có tiếng khóc than, vẻ mặt u ám hay lời than vãn lúc chờ đợi thông tin người thân, họ luôn mang một vẻ mặt bình tĩnh đến lạ kỳ. Họ hy vọng, đặt niềm tin vào bản thân rằng người thân của họ đang đấu tranh sinh tử và nhất định sẽ chiến thắng thần chết, trở về sum họp với gia đình.
Cả gia đình ba người nhà chị Mỹ (49 tuổi, quê Cà Mau) đều nằm trên chiếc chiếu dài chỉ hơn 1 m chỉ đủ cho một người nằm. Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt sâu thất thần, chị nhớ như in lần đầu đến đây, tôi không thể nào quên buổi tối hôm ấy, khi đang nằm ngủ nhận được cuộc điện thoại báo tin con trai mình bị tai nạn, bị dập phổi. Con được BV tỉnh Cà Mau chuyển lên BV Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng được tiên đoán rất xấu, cần được mổ gấp.
Từ hôm đó đến nay đã một tuần, gia đình chị vẫn túc trực tại trại T25 để đợi thông tin từ bệnh viện, tuy nhiên mỗi ngày chị vẫn được gọi lên thăm con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cộng thêm chi phí phải trả hằng ngày ở bệnh viện vượt quá khả năng, đến tiền ăn một dĩa cơm bình dân bên ngoài giá 50.000 đồng nên hằng ngày chị vẫn phải xếp hàng chen chúc nhận từng bữa cơm từ thiện. Cơm chỉ có rau và đậu hũ nhưng gia đình chị không dám ra ngoài ăn vì sợ bị chặt chém.
Người nằm ngủ trải dài hơn hàng chục mét kín lối đi vào khu nhà tạm. Ảnh: Linh Bùi
Những người sau khi được gọi tên thăm người thân xong đều mang mỗi tâm trạng khác nhau. Người thì vui sướng vì bệnh tình người nhà có tiến triển tốt, người thì vẫn bình thường vì người nhà của họ chẳng có chuyển biến. Nhưng lại có người như muốn sụp đổ khi thấy được cái chết đang dần cận kề người thân của họ.
Cuộc sống vẫn biết là vô thường nhưng trong mỗi con người ai ai cũng luôn muốn đấu tranh sinh tồn cho bản thân và người nhà của mình. Tuy phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, họ vẫn sẵn sàng đánh đổi tất cả để quyết giành lại sự sống…
LINH BÙI
Theo_PLO
Sự thật về hơn 14 tỷ USD Việt Nam gửi nước ngoài
Hơn 14 tỷ USD ra nước ngoài trong năm 2015 không hoàn toàn là tiền gửi ở nước ngoài của các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng trong nước, các chuyên gia nhận định.
Không phải tất cả đều gửi tiền, lấy lãi
Tính toán dựa trên bảng cán cân thanh toán quốc tế được Ngân hàng Nhà nước cập nhật từng quý trên website, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, cho biết: Trong cả năm năm 2015, dòng tiền và tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam (bao gồm các tổ chức tín dụng, khu vực khác) ra nước ngoài đã ở mức hơn 14 tỷ đô la, trong đó của tổ chức tín dụng là hơn 4,6 tỷ đô la và các tổ chức/cá nhân khác là hơn 9,5 tỷ đô la.
Ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý: Số liệu trong cán cân thanh toán quốc tế là lưu lượng chứ không phải trữ lượng. Như vậy, con số gần 14,2 tỷ đô la phải được hiểu là cộng bốn quý của năm 2015, tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng, cá nhân/tổ chức khác ở Việt Nam ra nước ngoài đã tăng thêm 14,2 tỷ đô la, chứ không phải là vào cuối năm 2015 có số dư là 14,2 tỷ đô la.
Dòng tiền và tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam (bao gồm các tổ chức tín dụng, khu vực khác) ra nước ngoài đã ở mức hơn 14 tỷ đô la
Trước đó, khi tính toán dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) quý III/2015 đã thấy có 7,3 tỷ đô la tiền và tiền gửi ra nước ngoài (số liệu quý IV/2015 mới vừa được NHNN cập nhật - PV). Con số này lập tức gây sự chú ý của dư luận.
Trả lời PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng đang có sự hiểu nhầm của dư luận về con số 7,3 tỷ đô la trong quý III/2015 hay gần 14,2 tỷ đô la đi ra nước ngoài của cả năm 2015.
"Đó không phải là tiền gửi đơn thuần của các tổ chức tín dụng, hay các tổ chức cá nhân khác, mà là bao gồm cả những phần khác như tín dụng thương mại và ứng trước" - ông Minh cho biết.
Khi một DN có nhu cầu nhập khẩu, ngân hàng thương mại sẽ phải có khoản tiền bảo lãnh tín dụng cho đơn vị nhập khẩu ấy. Số tiền đó sẽ phải chuyển sang nước ngoài và giữ ở một tài khoản ở nước ngoài. Khi hàng hóa nhập khẩu vào đến Việt Nam thì khoản tiền được thanh toán.
"Về nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước, phải tách tiền gửi và tín dụng thương mại riêng, nhưng thường không thể bóc tách được, hoặc nếu tách ra không có độ chính xác cao. Cho nên Ngân hàng Nhà nước bỏ chung vào mục "tiền và tiền gửi". Con số bảo lãnh tín dụng mới là đáng kể trong số 14,2 tỷ đô la này", ông Đinh Tuấn Minh nhận định.
Do không bóc tách rõ ràng giữa tiền gửi và tiền bảo lãnh thương mại, cho nên vị chuyên gia này cũng cho rằng không có đủ cơ sở để đánh giá "tiền gửi tăng nhiều hay ít, đột biến hay không", "bình thường hay bất thường".
Theo giải thích của ông Nguyễn Xuân Thành thì tại Việt Nam, dòng tiền và tiền gửi xuyên biên giới là dòng tiền mà các tổ chức/cá nhân trong nước gửi ra nước ngoài không có hoặc có kỳ hạn rất ngắn.
"Tiền và tiền gửi không phải là tiền chuyển ra nước ngoài để thanh toán dịch vụ (du lịch, y tế, giáo dục); không phải là tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; không phải là tiền đầu tư chứng khoán nước ngoài; không phải là tiền cho vay có kỳ hạn" - ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Đâu là sự bất thường?
Khi tính toán con số tiền và tiền gửi 7,3 tỷ đô la đi ra nước ngoài trong quý III/2015, các chuyên gia của VEPR nhận định rằng đây là con số bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ.
Theo giả thuyết của VEPR, diễn biến bất thường này một phần có thể xem như tình trạng "bẫy thanh khoản" với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.
Lãi suất huy động và cho vay USD vốn ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng. Hệ quả là, ngân hàng thương mại không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu.
Nếu giả thuyết là đúng, theo VEPR, "việc đưa lãi suất huy động về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, do đó phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho DN, và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài" - VEPR đánh giá.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn trong thanh khoản ngoại tệ là hơi vội vàng. Việc tiền gửi ở nước ngoài tăng lên cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ của DN không cao, và dẫn đến dư thừa thanh khoản về ngoại tệ chứ không phải là khó khăn thanh khoản.
Khi có thể huy động tiền nhàn rỗi ở trong nước với lãi suất 0%, và dư thừa tiền nhàn rỗi, ngân hàng thương mại có thể tối ưu hóa khoản tiền ấy bằng cách đem gửi ở ngân hàng nước ngoài với cơ cấu hợp lí để làm sao đảm bảo được an toàn trong việc thanh khoản cũng như đảm bảo đồng tiền sinh lời.
Thêm vào đó, ngân hàng thương mại không chỉ có mỗi một kênh huy động ngoại tệ để cho vay ngoại tệ mà còn một kênh quan trọng nữa là dùng nội tệ mua giao ngay hoặc mua trả sau với Ngân hàng Nhà nước.
"Điều đó hoàn toàn không có gì lo ngại", ông Nguyễn Tú Anh đánh giá.
Hà Duy
Theo_VietNamNet
Khó giữ đôi mắt của nữ sinh viên bị tạt acid giữa phố Sài Gòn Theo các bác sĩ BV Chợ Rẫy, đôi mắt của bệnh nhân bị bỏng trắng tiên lượng khó giữ được.Lúc 14 giờ chiều 30-3, bệnh nhân Tăng Thị Thu Hường (20 tuổi, Krông Năng - Đắk Lắk) đã được chuyển vào khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy do BV quận 12 chuyển đến. Đây chính là nữ sinh viên bị tạt acid trên...