Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ồ ạt
Doanh nghiệp trong nước nhất là mảng bất động sản thời gian qua đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn ngân hàng nhằm hút các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay có 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với tổng giá trị đạt 5.509 tỷ đồng và 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 22.185 tỷ đồng. Riêng trong tháng 2 có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 4 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ riêng lẻ với tổng giá trị đạt 1.800 tỷ đồng.
Việc phát hành ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp “ba không” nếu không được chấn chỉnh có thể dẫn đến mất khả năng chi trả, gây hệ luỵ cho nền kinh tế.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu với 15.520 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56%. Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 1 – 3 năm là 9.313 tỷ đồng, chiếm 60%. Nhóm xây dựng đứng ở vị trí thứ 2 với 7.930 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng giá trị phát hành.
Tập đoàn I.P.A, Chứng khoán Thành Công và DRH Holdings là những cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực phát hành trái phiếu. Cụ thể, Hội đồng quản trị Tập đoàn I.P.A mới đây đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không đảm bảo bằng tài sản trong 2022. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 9, 5%/năm nhằm thực hiện các dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công cũng đã phê duyệt phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 1 năm, lãi suất 10%/năm nhằm tài trợ cho các giao dịch cho vay ký quỹ, đầu tư.
Trong khi đó, Hội đồng quản trị DRH Holdings đã phê duyệt phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản trong quý I/2022.
Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây đựng Tường Khải và Công ty cổ phần Xây dựng Minh Trường Phú là hai doanh nghiệp đáng chú ý nhất với khối lượng phát hành lần lượt là 2.990 tỷ đồng và 2.950 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021 có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223,01 nghìn tỷ đồng, có 55,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2, chiếm 25%, 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2 – 4 năm. Một số ngân hàng có khối lượng phát hành đáng chú ý trong năm như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 17.030 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội 13.350 tỷ đồng.
Video đang HOT
Kế đến là nhóm bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 214,44 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%. Khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành giao động trong khoảng 5 – 13% một năm.
Đáng chú ý, 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu, tỷ lệ này đã tăng khoảng 4 – 5% trong nửa cuối năm 2021 khi diễn biến giá cổ phiếu bất động sản tương đối thuận lợi cho việc thế chấp.
62% nhà đầu tư sơ cấp vẫn là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán, và được phân phối lại trên thị trường thứ cấp cho các nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên, trái phiếu lưu hành trên thị trường là của doanh nghiệp không niêm yết, với chỉ số tài chính không được công bố rộng rãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, khi tỷ lệ đòn bẩy của toàn ngành có xu hướng tăng trong nửa cuối 2021.
243 doanh nghiệp phát hành lần đầu trong năm 2021, với khối lượng phát hành chiếm 40%. Trên 60% trong số đó là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so với năm 2020, trong khi giảm ở hầu hết các nhóm ngành còn lại.
Các doanh nghiệp phát hành lần đầu với khối lượng lớn chủ yếu nhóm bất động sản nhà ở (điển hình gồm: các công ty thuộc nhóm Masterise Group huy động vốn đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An xấp xỉ 15.500 tỷ đồng, nhóm công ty Sun Valley, Bách Hưng Vương, Wealth Power xấp xỉ 9.420 tỷ đồng, Công ty Đầu tư xây dựng Vạn Trường Phát xấp xỉ 6.000 tỷ đồng đầu tư Khu đô thị Việt Phát.
Một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ lãi suất trên 12% năm như: Công ty Bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Tập đoàn APEC Group… Theo báo cáo, trong năm 2021, Công ty Phát Đạt đã phát hành 9 đợt trái phiếu với tổng giá trị 2.305 tỷ đồng. Hầu hết các lô trái phiếu có lãi suất 12 – 13%/năm đáo hạn năm 2023.
Mục đích phát hành nhằm tài trợ vốn cho dự án phân khu 2, quy mô 36,09 ha, phân khu 4, quy mô 34,16 ha, phân khu 9 quy mô 45,98 ha thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định); Dự án Trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Astral City quy mô 3,73 ha tại tỉnh Bình Dương và dự án Hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu I – Khu Cổ Đại quy mô 84,1 ha thuộc quận 9, TP.HCM.
Tập đoàn Apec Group là cái tên gây chú ý khi phát hành trái phiếu lãi suất lên đến 13%/năm. Apec Group cho biết lãi suất của trái phiếu do công ty này phát hành ổn định trong thời gian từ 1-5 năm và cao hơn so với kênh ngân hàng truyền thống.
Apec Group đang triển khai hàng loạt dự án khách sạn 5 sao trên cả nước như APEC Mandala Wyndham Phú Yên, APEC Mandala Wyndham Hải Dương, APEC Mandala Wyndham Mũi Né… Tuy nhiên, doanh nghiệp này từng bị phạt vì phát hành “chui” hơn 500 tỷ đồng trái phiếu.
Minh bạch và bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Bài 2: Những nguy cơ tiềm ẩn
Dễ dàng gọi vốn, dòng tiền thu về từ trái phiếu cũng không bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ, khiến doanh nghiệp phát hành có thể tùy ý sử dụng mà các trái chủ khó có thể biết đã khiến làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bùng phát trong thời gian qua.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu vẫn còn tình trạng "vàng thau lẫn lộn".
Thực trạng này đã dấy lên những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2021 trước cơn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp một cách ồ ạt, trong khi cùng thời điểm ở quốc gia láng giềng, quả bom nợ siêu khủng Evergrande đã được không ít chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý lên tiếng cảnh báo, song dường như cả bên bán và bên mua vẫn đang... trong men say.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2018, các doanh nghiệp đã phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224 nghìn tỷ đồng; năm 2019 phát hành đạt 312 nghìn tỷ đồng; năm 2020 phát hành đạt 436 nghìn tỷ đồng và năm 2021 phát hành đạt 722,7 nghìn tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng", quy mô từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể nói, phát hành trái phiếu đã giúp cho nhiều doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ổn định để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong khi điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã tích cực sử dụng trái phiếu.
Không thể phủ nhận trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng sự phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu thời gian qua cũng phát sinh nhiều hệ lụy.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho là tiềm ẩn những rủi ro lớn khi có gần 80% giá trị phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những doanh nghiệp này có năng lực tài chính yếu hơn đáng kể so với các doanh nghiệp đang niêm yết.
Trong khi điều kiện tiếp cận vay vốn ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã tích cực sử dụng trái phiếu. Nhiều trường hợp, chủ đầu tư trong hồ sơ phát hành thông báo huy động tiền từ trái phiếu để hoàn thành một dự án, nhưng trên thực tế lại lấy khoản tiền đó để mua dự án khác hoặc đem tiền đi đầu tư.
Mặt khác, cũng có nhiều doanh nghiệp địa ốc có sức khỏe tài chính yếu kém nhưng rất năng nổ phát hành trái phiếu với mức lãi suất hấp dẫn, trung bình khoảng 13%/năm. Cá biệt có doanh nghiệp đã đưa ra mức lợi nhuận lên tới 18%/năm, gấp khoảng 3 lần so với lãi suất huy động tiền gửi từ các ngân hàng.
Chuyên gia SSI Research cho rằng, các trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc đảm bảo hoàn toàn hoặc một phần bằng cổ phiếu là những "tài sản bất định", mức độ rủi ro rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu bất động sản đang có xu hướng đi xuống.
Chuyên gia SSI phân tích, mục đích phát hành trái phiếu nhất là đầu tư bất động sản thì bản chất là trái phiếu chưa sinh lời. Chưa sinh lời thì doanh nghiệp chưa có khả năng tạo ra nguồn tiền để trả nợ trái phiếu ngắn hạn được. Nhưng các nhà đầu tư chỉ muốn mua ngắn hạn nên doanh nghiệp phải đưa vào các điều khoản mang tính ngắn hạn.
Khi đưa vào các điều khoản mang tính ngắn hạn đó mà nhà đầu tư bán lại trái phiếu hoặc cam kết mua lại thì nguồn tiền chỉ còn cách phát hành trái phiếu tiếp theo để đảo nợ. Và mỗi lần sau phát hành trái phiếu thì lãi suất lại cao hơn lần trước, dẫn tới lãi chồng lãi và rủi ro là người mua càng về sau thì rủi ro càng lớn hơn. Khá nhiều doanh nghiệp khi cạn kiệt vốn đã sử dụng đến "vũ khí" cuối cùng là phát hành trái phiếu.
Với mồi nhử là lãi suất thật cao, cùng với những quảng bá rất "kêu" để tạo sự tin tưởng, không ít lượng trái phiếu "3 không" vẫn bán ào ào theo hình thức "phát giấy thu tiền" thông qua những kẽ hở mà bên mua khó nhìn thấy. Có thể kể đến như mượn danh ngân hàng để mập mờ về bảo lãnh thanh toán trong khi ngân hàng không phải là bên phát hành, cũng không là kênh phân phối, mà chỉ làm dịch vụ nhưng doanh nghiệp phát hành trái phiếu cố tình gắn tên ngân hàng vào, quảng bá rất "kêu" để tạo sự tin tưởng dụ nhà đầu tư xuống tiền.
Bên cạnh đó, sự mập mờ thông tin trong sử dụng dòng tiền cũng là kẽ hở để doanh nghiệp đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư. Với mức độ minh bạch quá thấp như hiện nay, trong khi các cơ quan quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán nhà nước không theo dõi kịp và sát việc sử dụng dòng tiền của doanh nghiệp. Trái chủ không thể biết được đối tác bán trái phiếu cho mình có sử dụng dòng tiền đúng vào mục đích đã công bố và cam kết hay không thì việc trái phiếu có thể được sử dụng làm công cụ đảo nợ (lấy tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước), tiềm ẩn rủi ro dây chuyền, dẫn tới nguy cơ nợ xấu và mất ổn định tiền tệ bất kỳ lúc nào.
Nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, Bộ Tài chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, khi trên thị trường xuất hiện nhiều trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, thông tin mập mờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Bộ Tài chính đã sớm có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khi đó, bên cạnh ghi nhận những tác động tích cực của trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đánh giá việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group, đồng thời, xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm.
Đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp năm 2021, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng từng cảnh báo về tình hình phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản với dẫn chứng con số trái phiếu đã phát hành lên tới 214.440 tỷ đồng, tương đương hơn 9 tỷ USD và tăng gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng. Đồng thời, cũng bộc lộ lo ngại về sự mất an toàn của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Mức lãi suất phát hành trái phiếu dao động trong khoảng từ 8 - 13%/năm với tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Theo Bộ Xây dựng, việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc cho dù có tài sản đảm bảo, nhưng nếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai, cổ phiếu... thì cũng tồn tại nguy cơ mất mát nếu giá trị tài sản biến động theo chiều hướng xấu, không đủ để thanh toán gốc, lãi vay trái phiếu...
Trên thực tế, có thể thấy, thông thường với doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì việc vay vốn ngân hàng cũng không quá khó khăn, chưa kể mức lãi suất chỉ trên dưới 8%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức chi trả cho các nhà đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp 2 - 3 lần so với lãi suất ngân hàng là điều nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư, đặc biệt với những doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, đòn bẩy tài chính cao...
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc bùng nổ quá nhanh của trái phiếu doanh nghiệp có thể có nguy cơ tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về lãi, khả năng thanh toán của các trái chủ, các vấn đề về quyền lợi của nhà đầu tư. "Nếu trái phiếu doanh nghiệp phát hành không được đảm bảo chất lượng thì không khác gì hoạt động "cho vay họ", khi gặp rủi ro và bị vỡ nợ thì các chủ hụi sẽ đánh bài chuồn. Vỡ nợ trái phiếu gây ra hệ lụy khủng khiếp bởi không chỉ thiệt hại tiền của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của thị trường tài chính, uy tín của thị trường chứng khoán và có thể của cả Chính phủ", TS. Nguyễn Minh Phong cảnh báo.
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ và tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng" trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinGroup, rủi ro vỡ nợ là có, chỉ có điều chưa biết đến khi nào bởi thị trường mới ở giai đoạn đầu, phải 3 - 5 năm nữa mới tới thời gian đáo hạn và đây là vấn đề nhà đầu tư cần lưu tâm.
Siết vốn đổ vào bất động sản để kìm giá nhà Cần kiểm soát chặt những doanh nghiệp phát hành trái phiếu "ba không" do có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường. Thông tư 16/2021 liên quan đến việc các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp (DN) có hiệu lực từ ngày 15-1-2022. Những quy định tại thông tư này được đánh giá là biện pháp mạnh tay góp...