Trái phiếu BĐS chiếm “ngôi vương”: Băn khoăn về rủi ro
Với tỷ trọng chiếm 38% trong tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2020, BĐS chiếm “ngôi vương” phát hành trái phiếu.
Thống kê chung của Công ty Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp, quy mô đang tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị thị trường này đã đạt khoảng 950.000 tỷ đồng tính đến cuối 2020, chiếm 15,6% GDP. Đặc biệt, quy mô thị trường tăng vọt trong 2 năm trở lại đây (giai đoạn năm 2019-2020) với mức tăng tới 45%.
Trái phiếu BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Ảnh minh họa
Tính riêng trong năm 2020, trái phiếu doanh nghiệp thực sự bùng nổ khi phát hành sơ cấp đạt 431.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trái phiếu Chính phủ và gấp 1,3 lần năm 2019 khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 320.000 tỷ đồng, cũng gấp gần 3 lần năm 2018.
Các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng là những lĩnh vực hút được lượng tiền lớn thông qua kênh phát hành trái phiếu.
Cụ thể, các danh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS đã dẫn đầu khi chiếm tỷ trọng 38% trong tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2020, BĐS chiếm “ngôi vương” phát hành trái phiếu.
Tỷ trọng này tăng tới 24% so với năm 2019 và giúp lĩnh vực BĐS thu về nguồn tiền 163.700 tỷ đồng.
Xếp thứ hai là ngành ngân hàng với tỷ trọng 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2020. Tỷ trọng này thấp hơn năm 2019 là 37% nhưng cũng giúp cho lĩnh vực này huy động được nguồn tiền 129.300 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tính chung trong 2 năm qua, lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản, từ mức trên 8,5%/năm lên 10,5%/năm, giúp lĩnh vực này gom được nguồn tiền rất lớn.
Rủi ro
Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng “ nóng”, Bộ Tài chính đã đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ… Với các nhà đầu tư cần cẩn trọng, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tránh rủi ro…
Đặc biệt, với vai trò quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Khuyến nghị của Bộ Tài chính đưa ra sau khi có nhiều lo ngại về tính rủi ro từ thị trường trái phiếu BĐS.
Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, thị trường trái phiếu bất động sản phát triển nhanh sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.
Nhà đầu tư phải cẩn trọng với những công ty bất động sản đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao gấp đôi lãi suất ngân hàng bình thường. Bởi lãi suất càng cao sẽ đi đôi với những rủi ro càng cao.
Báo Tiền phong dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cho hay: “Nhiều doanh nghiệp muốn thúc đẩy nhanh các dự án bất động sản, bởi nếu trì hoãn, chậm tiến độ, có nguy cơ bị thu hồi. Vì vậy, để phát hành trái phiếu thành công, lãi suất phải hấp dẫn”.
Trong khi đó, thạc sĩ tài chính Nguyễn Bảo Chương nói rằng, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu đều không có ngân hàng bảo lãnh. Các ngân hàng khá e dè việc bảo lãnh này vì bị tính vào room tín dụng bất động sản.
Còn các doanh nghiệp bất động sản lại lập lờ bằng cách nhờ công ty chứng khoán của các ngân hàng đứng ra phát hành. Ở đây, công ty chứng khoán chỉ đóng vai trò môi giới, còn các quyền, nghĩa vụ, sinh lợi hay rủi ro… đều thuộc về nhà đầu tư.
Quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Nghị định gồm 8 Chương 26 Điều với một số nội dung mới. Theo đó, về phương án tài chính của dự án PPP, Nghị định quy định nguyên tắc phương án tài chính phải phản ánh đầy đủ các khoản chi phí và nguồn thu hợp pháp theo quy định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện và vận hành của dự án PPP.
Phương án tài chính gồm 08 nội dung (tổng mức đầu tư dự án; các nguồn vốn thực hiện dự án; đề xuất ưu đãi, bảo đảm nếu có; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; dự kiến các khoản chi phí trong giai đoạn vận hành; phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; các khoản nộp ngân sách nhà nước nếu có đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi tài chính của dự án) được kế thừa trên cơ sở các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Về nguồn vốn thực hiện dự án PPP, bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư, trong đó có bổ sung nội dung mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP theo quy định của Luật PPP gồm các nội dung về: điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chế độ công bố thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nghĩa vụ của các bên liên quan đối với nhà đầu tư trái phiếu khi hợp đồng PPP chấm dứt trước thời hạn theo quy định tại Điều 52 Luật PPP.
(Ảnh minh họa: CT)
Theo đó, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu không kèm chứng quyền riêng lẻ sau khi đã ký kết hợp đồng dự án PPP. Việc phát hành trái phiếu phải tuân thủ quy định của pháp luật về PPP, quy định tại Nghị định của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ).
Ngoài ra, để đảm bảo vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư thực hiện dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng, Nghị định bổ sung quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm gửi cơ quan ký kết hợp đồng, doanh nghiệp dự án PPP phương án đảm bảo huy động vốn chủ sở hữu và các tài liệu chứng minh đảm bảo yêu cầu về vốn chủ sở hữu làm cơ sở để giám sát việc huy động vốn của doanh nghiệp dự án.
Về quản lý, sử dụng, thanh toán vốn nhà nước trong thực hiện dự án PPP, Nghị định quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng, nguyên tác kiểm soát thanh toán vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP và Hồ sơ đề nghị thanh toán vốn nhà nước hỗ trợ. Vốn nhà nước hỗ trợ được thanh toán trên cơ sở phạm vi kế hoạch vốn, dự toán được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch. Đối với vốn đầu tư công được thanh toán trên cơ sở cơ quan quản lý phần vốn nhà nước xác nhận khối lượng hoàn thành và theo tỷ lệ, tiến độ, điều kiện trong hợp đồng dự án, phù hợp với kế hoạch vốn, dự toán hàng năm được giao; vốn nhà nước thanh toán định kỳ cho các hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ, Hợp đồng trên cơ sở khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp và phù hợp với kế hoạch vốn, dự toán hàng năm được giao.
Về quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: Quyết toán niên độ ngân sách theo năm ngân sách được dẫn chiếu thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công.
Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: Đây là nội dung mới, thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật PPP. Sau khi hoàn thành công trình cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp dự án thoả thuận lựa chọn cơ quan kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Giá trị quyết toán này được xác định căn cứ hợp đồng dự án đã ký. Cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp dự án thoả thuận lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Riêng đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP có bàn giao công trình, giá trị quyết toán trên cơ sở báo cáo kiểm toán nhà nước.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Đây là nội dung mới, đảm bảo việc chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp dự án trong trường doanh thu dự án có biến động lớn theo quy định tại Điều 82 Luật PPP, cụ thể, về cơ chế chia sẻ, Khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chia sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này (sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần tăng doanh thu) và khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế (sau khi đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu).
Về chia sẻ doanh thu của Nhà nước, từ nguồn dự phòng ngân sách các cấp, cụ thể, dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương; Dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương.
Về thời hạn thực hiện chia sẻ, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm kiểm toán nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán xác nhận phần doanh thu tăng và Cấp có thẩm quyền có trách nhiệm quyết định sử dụng dự phòng để thanh toán phần chia sẻ doanh thu giảm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan tài chính nhận đủ Hồ sơ.
Ngoài ra, nội dung dự thảo Nghị định còn quy định về chế độ báo cáo, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức cá nhân, và điều khoản thi hành.
Nghị định số 28/2021/NĐ-CP áp dụng đối với các bên trong hợp đồng dự án PPP; cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư PPP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.
Tổng giám đốc MBS: Sẽ không cạnh tranh bằng mọi giá Trong phần thảo luận với tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCK MB (MBS) sáng 10/4, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cho biết, Công ty tập trung cạnh tranh bằng sự khác biệt, phải cân bằng giữa lợi ích khách hàng và hiệu quả kinh doanh. ĐHCĐ của MBS sáng 10/4. Ảnh: Dũng Minh Việc chạy theo các CTCK đối...