Trái ô môi, hương vị miền Tây mộc mạc gợi nhắc về kí ức tuổi thơ của bao người
Không chỉ có cái tên độc đáo, trái ô môi ở miền Tây còn mang đến hương vị dân dã làm bao người say đắm.
Không biết trẻ con thời nay thế nào chứ lũ nhóc làng quê ngày xưa đơn giản lắm. Không cần trà sữa, kẹo ngọt chi cao sang, cứ mỗi độ trưa hè rủ nhau ra mấy mảnh đất sau nhà rồi tìm nhặt những loại cây trái là đã đủ hấp dẫn cho một bữa quà vặt. Nào là bình bát, nhãn lồng, me nước… bao nhiêu là thức ngon hấp dẫn khiến đứa nào cũng say mê. Và đương nhiên không thể bỏ qua trái ô môi, hương vị mộc mạc gói gọn kí ức của bao người.
Tên gọi nghe chẳng thi vị nhưng ô môi được ví von là hoa đào của miền Nam. Bởi vì khi vào mùa trổ bông, từng hàng cây sẽ trút hết lá và bắt đầu đơm thành những chùm hoa hồng phấn tạo thành cả vùng trời đẹp ngất ngây. Khi đó, ô môi cũng dần kết trái với những chùm màu xanh non, nho nhỏ như đậu đũa.
Trông nõn nà khi còn non là thế nhưng trái ô môi lại “dậy thì” thất bại. Chúng chuyển hẳn sang màu đen với lớp vỏ cứng cáp và thô cùng với kích thước dài ngoằn. Từng trái ô môi đung đưa trên cành khiến lũ trẻ bên dưới nháo nhào, chực chờ cơn gió đi qua để rụng xuống.
Video đang HOT
Mỗi trái ô môi dài từ 50 – 60cm nên muốn ăn thì phải chắt ra từng khúc mới khám phá được phần thịt bên trong. Hai bên thân có đường gân chạy dài từ đầu đến cuống nên người ta hay dùng dao róc phần mép này để tách chúng ra. Từng múi cơm ô môi xếp thành từng lớp đều nhau và ướm bên ngoài là lớp mật đen sánh sệt. Trông không “khả ái” chút nào nhưng ngộ đời là chúng lại khiến người ta mê mẩn.
Ô môi có vị ngòn ngọt, chút hăng cay và nồng nồng rất lạ. Có lẽ do kết tinh từ mấy tháng trời nên lớp cơm đặc lại và tỏa ra mùi thơm rất riêng. Chấm thêm muối ớt nữa là ôi thôi chẳng cao lương mĩ vị nào thay thế được. Bởi vậy mà mấy đứa con nít cứ phải gọi là thích mê, không quản nhọc công tách từng trái mà thưởng trọn.
Ngoài cơm thì hạt ô môi cũng là nguyên liệu cho nồi chè bình dân ở vùng quê miền Nam. Chúng có màu hồng nhạt, cỡ đầu ngón tay và thường đính kèm bên trong múi ô môi. Sau khi ngâm nước cho vỏ mềm rồi lột sạch thì cứ cho vào nấu cùng dừa. Món chè này rất thơm và có độ bùi béo nhai “đã” miệng.
Có khám phá mới thấy, ẩm thực miền Tây cứ chân chất, mộc mạc như chính bản tính của họ. Từ những thức quà của tự nhiên ban tặng mà đã tạo nên vùng trời của kí ức và hương vị đôi khi nhớ lại bỗng dưng làm người ta cảm thấy bồi hồi.
Theo ttvn.vn
Trẻ con vùng quê còn nhớ hay đã quên thức quả bình dị mà vô cùng hấp dẫn này?
Về những vùng quê bình dị, bạn sẽ được thưởng thức loại quả tuy dân dã nhưng vô cùng lôi cuốn vị giác này đấy.
Ẩm thực miền quê Việt Nam chẳng cần cao quý, sang trọng mà chính những thức quả bình dị, mộc mạc từ thiên nhiên lại tạo nên sức hấp dẫn đối với thực khách. Đa phần người dân nơi đây tận dụng những loại trái cây mọc dại, gắn bó với địa phương mà chế biến ra nhiều món ăn vừa thơm ngon vừa độc đáo. Trong đó phải kể đến bình bát, hương vị gắn bó với tuổi thơ của lũ trẻ nông thôn qua bao đời.
Bình bát, hay còn được gọi là quả na rừng phát triển ở những khu vực nhiệt đới và thường được bắt gặp ở ven bờ kênh, rạch nước lợ của Nam Bộ và một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ. Trái bình bát nhỏ gọn trong lòng bàn tay, có hình tựa như quả tim nhưng lại tròn trịa và đầy đặn hơn. Nếu khi còn non, quả có màu xanh lá mươn mướt thì đến độ chín mùi, lớp vỏ dần chuyển sang màu vàng và thoảng mùi thơm dễ chịu.
Khi bổ đôi, thịt quả bình bát cũng chia thành những múi nhỏ tương tự như mãng cầu và cho rất nhiều hạt. Tuy nhiên, chúng lại có màu vàng, đầy nước trông vô cùng kích thích và hấp dẫn. Bình bát có thể ăn trực tiếp nhưng phải chắc chắn bạn là một dân ăn chua "thứ thiệt". Còn thông thường, thịt quả sẽ kết hợp cùng với đường, sữa và đá để làm nên thức uống giải nhiệt đầy hấp dẫn.
Những buổi trưa nắng oi ả, ly bình bát dầm mát rượi chính là "liều thuốc" cứu cánh vừa thơm ngon, vừa kích thích. Nhờ độ chua dịu hoà quyện trong chút ngọt, chút béo của đường sữa mà thức quả tưởng như bình dân lại bắt trọn vị giác. Nhẩn nha vừa nhấm nháp cái mát lạnh sảng khoái, vừa tận hưởng sự mộc mạc dân dã của làng quê.
Ngày nay dù cho đã có nhiều thức ngon vật lạ nhưng cái mộc mạc, chân chất của bình bát vẫn luôn tồn tại trong kí ức của lũ trẻ làng quê. Chẳng cần phải tìm kiếm chi xa xôi, đi dọc theo bờ kênh mà vớ tay bẻ lấy vài ba quả là đã đủ cho buổi xế chiều quà vặt. Bởi thế mà nếu có dịp về những vùng này, đừng quên tận hưởng hương vị đặc sắc của thức quả này nhé.
Theo Tri Thức Trẻ
Động đất mạnh chấn động Hokkaido, 3 triệu gia đình Nhật mất điện Trận động đất này đã gây chấn động Hokkaido chỉ 2 ngày sau khi một cơn bão lớn đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng đối với vùng Osaka của Nhật. Ảnh: KyodoNews Sáng sớm ngày thứ Năm tại đảo Hokkaido phía Bắc nước Nhật, một trận động đất mạnh đã xảy ra khiến hơn 3 triệu hộ gia đình phải sống...