Trải nghiệm thú vị với phiên chợ đêm ở cầu ngói Thanh Toàn
Lần đầu tiên chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn hoạt động và đã thu hút hàng nghìn du khách, người dân tham gia và trải nghiệm vào tối 16.8.
Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) công nhận xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1990. Đầu năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là điểm du lịch. Đây cũng là điểm du lịch cộng đồng được vinh danh Giải thưởng ASEAN ở nội dung Khu du lịch cộng đồng tiêu biểu.
Cầu ngói Thanh Toàn có kiến trúc độc đáo, đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1990
Thời gian qua, UBND thị xã Hương Thủy đã có nhiều chương trình để thúc đẩy phát triển du lịch ở khu vực cầu ngói Thanh Toàn- một trong cầu cổ có kiến trúc độc đáo bậc nhất của Việt Nam. Vào các dịp lễ Tết, các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế…, nơi đây cũng thường diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật và du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Phục vụ ẩm thực Huế tại phiên chợ đêm
Nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch cộng đồng vào ban đêm, UBND thị xã Hương Thủy đã quyết định tổ chức phiên “Chợ đêm cầu ngói” vào các đêm 16 âm lịch định kỳ hàng tháng. Du khách đến đây rất thích thú khi được trải nghiệm với nhiều trò chơi dân gian như: tham gia hô bài chòi, bịt mắt đập om, đạp nước trên sông…; cùng thưởng thức ẩm thực đặc sản Huế và các món ăn dân giã của đồng quê; tham quan và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch do người nông dân quê trồng…
Khu vực phục vụ ẩm thực và trưng bày các sản phẩm quà lưu niệm tại cầu ngói Thủy Thanh
Video đang HOT
Thưởng thức các loại bánh Huế, chè Huế
Du khách tham gia chơi bài chòi ở phiên chợ đêm cầu ngói
Du khách lựa chọn những bó rau sạch ngay tại phiên chợ đêm
Điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn nằm ven Thành phố Huế nên rất thuận tiện cho việc các đơn vị lữ hành dẫn khách đến tham quan, trải nghiệm.
SƠN THÙY
Theo baovanhoa.vn
Tìm kiếm phố ẩm thực cho thành phố di sản
TP Huế (TT-Huế) nên có phố ẩm thực làm hài lòng những du khách khó tính nhất. Tuy nhiên, việc tạo dựng một phố ẩm thực như vậy trong lòng một thành phố di sản như Huế vẫn đang là bài toán chưa được giải xong.
Các công viên ở TP. Huế như Thương Bạc, Phú Xuân... là địa điểm từng diễn ra Liên hoan Ẩm thực quốc tế. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn.
* Theo thống kê từ nhiều nguồn tư liệu, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì riêng mảnh đất xứ Huế đã sở hữu đến 1.300 món. Trong tương lai, Huế sẽ là Kinh đô ẩm thực. Đề án "Huế - Kinh đô ẩm thực" đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Du lịch tỉnh TT-Huế hợp tác với Công ty Cổ phần Đại Nam - Thái Y Viện đã được khởi động từ tháng 2-2019 với mục đích hướng đến sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới.
Khó khăn duy trì phố ẩm thực
Hằng ngày, ở khu phố cổ Gia Hội (thuộc ba phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu, TP Huế) có khá đông thực khách tìm tới. Ở đây có những thương hiệu nổi tiếng của Huế như mè xửng Thiên Hương, bún bò mệ Kéo, bánh bèo-nậm-lọc Bà Đỏ... Còn nhớ, vào Festival Huế 2002, khi phố ẩm thực tại đường Bạch Đằng thuộc khu phố cổ Gia Hội mở ra, không chỉ du khách mà cả người dân Huế cũng kéo đến đây để thưởng thức các món ăn đặc trưng, đậm đà chất Huế nhưng giá cả lại hết sức bình dân.
Suốt từ ngày phố ẩm thực mở ra, đêm nào nơi đây cũng đông đúc từng dòng người. Tuy nhiên, những khó khăn ban đầu khiến cho phố ẩm thực này không thể duy trì mặc dù các hộ đăng ký kinh doanh ở đây được ưu đãi không đóng thuế kinh doanh mặt bằng trong một năm; hộ gia đình nào có nhu cầu sửa chữa nhà cửa để phục vụ du lịch cũng sẽ được cho vay vốn ưu đãi...
Mới đây, trong tháng 6-2019, về việc cử tri có ý kiến nên có phố ẩm thực tại đường Chi Lăng và đường Bạch Đằng, đoàn đại biểu HĐND TP Huế có giải trình như sau: Qua khảo sát, việc xây dựng khu phố ẩm thực tại đường Chi Lăng và đường Bạch Đằng không thể thực hiện được vì ảnh hưởng đến trật tự đô thị và mỹ quan đô thị. Về vấn đề này, ông Huỳnh Cư- Bí thư Thành ủy Huế, Chủ tịch HĐND TP Huế, nhìn nhận thêm: "Muốn xây dựng tuyến phố ẩm thực đặc trưng cho Huế thì phải xây dựng với đẳng cấp cao. Trên thực tế, các tuyến đường này không đủ các điều kiện phù hợp như không đủ không gian để phục vụ hàng ngàn thực khách, không có bãi giữ xe đủ rộng để đón xe du lịch...".
Vào năm 2008, Đại học Huế đã trao cho các sinh viên Quách Đạo Quang, Phạm Xuân Quỳnh Giao giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo đồng hành cùng cuộc sống về đề tài "Phố Huế Xưa - Phim trường mới - Khu du lịch mới". Theo đó, đề tài này cho rằng nên phục hồi một khu phố cổ và biến dãy phố này thành một khu phố ẩm thực; một làng nghề thủ công truyền thống; một phim trường; một khu phố với các trò chơi dân gian xứ Huế; một khu phố với những tửu quán, rạp hát, các gánh xiếc, các lớp học xưa, các nhà thuốc y học cổ truyền, lò võ cổ truyền; một khu chợ xưa... để phục vụ du lịch, điện ảnh, vui chơi giải trí cho người dân xứ Huế và du khách thập phương. Tuy nhiên, hơn 10 năm đã trôi qua nhưng ý tưởng này hiện vẫn nằm trên... giấy.
Cần tìm địa điểm thích hợp
Nhiều người ví von, nếu có dịp đến Huế, chắc hẳn ai cũng phải một lần ghé vào Đông Ba (P. Phú Hòa). Khi bước vào các gian hàng ẩm thực, du khách sẽ cảm thấy như đây chính là "thiên đường" ăn uống với giá cả rất bình dân. Bởi vậy, từng có ý tưởng biến con đường Chương Dương sau lưng chợ Đông Ba nên trở thành một phố ẩm thực.
Khu phố cổ Gia Hội nếu tìm được nhà đầu tư thì có lẽ vẫn có cơ hội để trở thành một phố ẩm thực đặc trưng cho Huế. Bởi khu phố cổ nằm sát chợ đầu mối Phú Hậu và chợ Đông Ba nên luôn có được nhiều nguồn nguyên liệu tươi ngon để chế biến phong phú, đa dạng các món ăn. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, tuyến đường Trịnh Công Sơn thuộc khu phố cổ Gia Hội có hàng chục hàng quán kinh doanh ẩm thực và thu hút nhiều du khách thập phương.
Công viên Trịnh Công Sơn, nơi từng là sân khấu của Festival Huế, cũng đủ chỗ cho hàng chục chiếc xe khách đậu đỗ. Nếu không thể, thì bến xe Đông Ba gần đó cũng sẽ thuận lợi cho việc đậu đỗ xe. Từ tuyến đường Trịnh Công Sơn, du khách có thể thuận lợi mua mè xửng tại các thương hiệu nổi tiếng ở Huế tại tuyến đường Chi Lăng nằm sát bên cạnh.
Ở tuyến đường Chi Lăng hiện cũng có những hàng quán thu hút đông đảo thực khách như bánh canh o Bướm, bún giấm nuốc đoạn gần cầu Gia Hội và hàng loạt hàng quán bán bún bò, cơm hến, chè Huế kéo dài suốt cả chiều dài con đường.
Bên cạnh đó, mấy kỳ Festival gần đây, công viên Thương Bạc (P. Phú Hòa, TP Huế) là địa điểm diễn ra Liên hoan Ẩm thực quốc tế. Chẳng hạn, tại kỳ Festival Huế 2018, địa điểm này có 80 gian hàng (ẩm thực Huế có 20 gian hàng), phục vụ được hàng ngàn thực khách mỗi ngày.
Tuy nhiên, sau mùa lễ hội, công viên Thương Bạc đã nhanh chóng trở lại nét trầm mặc. Vào ngày 22-7-2019, ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND TP Huế cho biết thành phố sẽ chỉnh lại hệ thống sân và làm đường đi dọc bờ sông Hương trong công viên Thương Bạc, quy hoạch thành khu ẩm thực cho phép các gánh hàng rong vào đây kinh doanh từ 18 giờ đến 24 giờ, nhằm thúc đẩy sự phát triển ở bờ bắc sông Hương.
Theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh TT-Huế, ý tưởng xây dựng khu phố ẩm thực bên công viên Thương Bạc và làm sống động không gian đêm ở bờ bắc sông Hương gắn với Đại Nội đêm đã có từ lâu. Nếu có khu ẩm thực đường phố hình thành, với nhiều món ăn mang đậm hương vị ẩm thực Huế cũng sẽ góp phần giữ du khách ở lại Huế lâu hơn.
Thiết nghĩ, Huế nên sớm hình thành một phố ẩm thực mà trong đó có đầy đủ các món ăn Huế và cũng có thể hình thành tại phố ẩm thực những lớp dạy nấu ăn mà ở đó các nghệ nhân có thể dạy du khách nấu một số món ăn đơn giản. Đây chính là một trong những yếu tố có thể níu giữ chân du khách ở lâu hơn trong chương trình tour đến Huế.
Nguyễn Văn Toàn
Theo cadn.com.vn
Mô hình du lịch homestay ở huyện vùng cao A Lưới Mô hình homestay giờ đây không quá xa lạ đối với đồng bào vùng núi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm gần đây, mô hình này được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển. Qua đó, đã hình thành những tour, tuyến đặc sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; tạo sinh kế, giới thiệu nét...