Trải nghiệm một ngày thăm cụm ba danh thắng tuyệt đẹp tại Phú Yên
Gành Đá Đĩa, ngọn hải đăng Gành Đèn và bãi Xép nhiều năm nay đã trở thành một cụm du lịch không thể bỏ qua của tỉnh Phú Yên.
Do có vị trí địa lí thuận lợi, cùng nằm trên một cung đường, ba danh thắng: Gành Đá Đĩa, ngọn hải đăng Gành Đèn và bãi Xép nhiều năm qua đã trở thành một cụm du lịch mang tính biểu tượng của mảnh đất “hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên.
Đối với những tín đồ “xê dịch,” nơi đây được nói vui rằng: “Hễ giơ máy ảnh lên là sẽ có ảnh đẹp.”
Nhìn từ xa, Gành Đá Đĩa trông như một tổ ong khổng lồ với những phiến đá hình lăng trụ xếp liền nhau tràn xuống biển. Có những chỗ đá được xếp cao và thẳng rồi lại có chỗ đá xếp trải dài, nghiêng nghiêng như chồng bát đĩa, có lẽ vì thế mà cái tên Gành Đá Đĩa ra đời.
Video đang HOT
Sự sắp xếp quá hoàn hảo này khiến nhiều người sẽ nghĩ rằng do bàn tay con người tạo ra, nhưng đây lại là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Phú Yên thơ mộng. Nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng những khối đá đó đã có tuổi đời lên đến 200 triệu năm, do những hoạt động của núi lửa ở cao nguyên Vân Hòa, phần nham thạch phun trào dẫn ra biển nhưng gặp nước và “hiện tượng dị ứng lực” tạo ra địa chất độc đáo này.
Bãi đá trải rộng san sát nhau chung một màu đen huyền bí, cùng cảnh sắc hùng vĩ khi đứng trước nơi giao thoa giữa đá, biển và trời là một trải nghiệm thú vị khó quên khi tới đây.
Nếu Gành Đá Đĩa mang một vẻ đẹp kì bí thì chỉ cách đó khoảng 1km, Ngọn hải đăng Gành Đèn lại mang một vẻ đẹp hùng vỹ, được đánh giá là một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất ở miền Trung.
Ngọn hải đăng này nằm trên một gành đá được tạo nên từ nhiều tảng đá màu hồng nhạt lớn nhỏ khác nhau trải từ ngọn núi cao xuống biển. Cảnh sắc nơi đây như một bức tranh tuyệt đẹp, được thiên nhiên cân đối, một bên là biển cả bao la, một bên là núi cao và đá nhọn, chính giữa trung tâm là ngọn hải đăng sừng sững, được chấm phá bằng những đợt sóng dữ dội tung bọt trắng cả một khoảng trời.
Hải đăng Gành Đèn giúp điều hướng hoạt động ra vào của tàu thuyền trên vùng biển Phú Yên, định hướng ra vào vịnh Xuân Đài và vũng Chào.
Cách đó không xa là địa điểm cuối cùng của cụm danh thắng, nơi gắn liền với bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”: Bãi Xép. Từ ngày bộ phim ra rạp, bãi xép ngày càng được nhiều người ghé thăm. Nơi đây mang một vẻ đẹp bình dị nhưng không kém phần hùng vĩ khi một bên là vách núi cao dựng đứng xuống bờ biển, bên trên lại là một cảnh sắc trữ tình với bãi cỏ xanh mượt, trải dài và đều cả trăm mét.
Trong cái tên Phú Yên, chữ “Phú” có thể mỗi người có một cách hiểu khác nhau, nhưng chữ “Yên” thì có lẽ nhiều người sẽ đồng quan điểm là “bình yên” chính bởi những cảnh sắc như thế này.
Gành Đá Đĩa- Sự tạo hóa kì thú của thiên nhiên
Nhắc đến du lịch Phú Yên, không ai không nhắc đến gành Đá Đĩa- địa điểm du lịch độc đáo với các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.
Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 40km. Đá ở đây được dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa.
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động của núi lửa cách nay khoảng gần 200 triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc.
Đá Dĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét. Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ông khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá. Theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, du khách xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hoá của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra. Đến với danh thắng này, nhiều người đều liên tưởng đến những hình thù được làm bằng đá ở đảo Phục Sinh- Chile hay Cánh đồng Chum - Lào, khác nhau là những công trình đá trên do chính bàn tay con người tạo ra- và đến nay nó vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.
Gành Đá Đĩa còn là nơi lý tưởng cho những người thích câu cá, đứng ở đây quăng câu ra xa để ngồi chờ, đây chính là thời gian để người ta có thể thả mình theo những đợt sóng xô vào gành đá đĩa, tạo nên những âm thanh khi dữ dội lúc lại nhẹ nhàng. Bên cạnh, những chiếc thuyền thúng của ngư dân để dài trên gành đá đĩa đã tạo nên một điểm nhấn đẹp cho địa điểm du lịch này.
Tự hào khi nói về gành Đá Đĩa, anh Đỗ Vũ Thành- Phó Chánh Văn phòng Huyện uỷ Tuy An đã kể về truyền thuyết gành đá như sau: Từ rất lâu, không biết chính xác là thời điểm nào nhưng theo tương truyền thì ở đây có đôi vợ chồng rất giàu có. Tuy vậy, người vợ không may chết sớm trong khi chưa kịp sinh một mụn con nào cả. Sau khi vợ chết, người chồng lấy rất nhiều tài sản ban phát cho dân nghèo. Phần còn lại ông đã cất vào kho cạnh bờ biển (tức gành Đá Đĩa ngày nay) và đi tu. Sau đó ông đã qua đời mà chưa sử dụng hết số của cải còn cất dấu.
Biết được số của cải to lớn này đang được cất giấu ở gần bờ biển nên những kẻ tham lam đã dùng nhiều cách để chiếm đoạt. Tuy vậy, sau nhiều tháng chúng vẫn không xâm nhập được vào chỗ cất giấu tài sản nên chúng đã chất củi đốt cháy nơi này. Lửa đang cháy bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho bạc mất hút lên không trung và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng. Sáng hôm sau, người dân khu vực này kéo nhau ra phía bờ biển, thì phát hiện kho bạc của người nhà giàu nọ không còn nữa mà chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau... Và còn rất nhiều truyền thuyết li kì xung quanh địa điểm du lịch này nữa.
Tuy là địa điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn rất nhiều du khách khi có dịp đến Phú Yên nhưng tại địa điểm này, các dịch vụ du lịch cộng thêm đều không có. Do đó du khách chỉ có thể ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm rồi liền quay lại thành phố Tuy Hoà hoặc ra thẳng thành phố Qui Nhơn.
Điểm đến gành Đèn, Phú Yên Cách gành Đá Đĩa (xã An Ninh đông, huyện Tuy An) gần một cây số về phía bắc là gành Đèn. Ở đây, trên những gộp đá nhiều hình dáng và màu sắc độc đáo có ngọn hải đăng hai màu đỏ - trắng nhô cao, in bóng trên nền trời xanh, báo hiệu cho tàu thuyền ngoài khơi biết đường ra vào...