Trải nghiệm Ford Ranger và Everest Biturbo: tới “Thánh địa” của “Vàng đen” và xe Ford
Dù có tổng chiều dài chỉ 450km qua 2 thành phố miền Bắc, nhưng hành trình Ford Extraordinary Journey đã giúp cả Ford Ranger và Everest 2.0 Biturbo thể hiện “chất” của mình.
Dù chưa có thế hệ mới nhưng vào năm 2018 vừa qua, cả Ford Ranger lẫn Ford Everest đã có thêm hệ động lực hoàn toàn mới với máy dầu tăng áp kép Biturbo kết hợp hộp số tự động 10 cấp. Chỉ sau khi ra mắt thị trường Thế giới không lâu, những dòng xe này cũng đã được Ford Việt Nam phân phối chính thức từ tháng 9/2018. Riêng Ranger lần đầu tiên có phiên bản hiệu năng cao Raptor, và cũng đã nhận được sự quan tâm từ khách hàng đam mê xe.
Nhờ các dòng xe địa hình sử dụng hệ động lực mới này, Ford Việt Nam đã có nửa cuối năm 2018 bứt phá ngoạn mục với những kỷ lục mới về lượng bán liên tục được thiết lập. Trong tháng 3 nói riêng và từ đầu năm 2019 tới nay, Ranger và Everest tiếp tục là những “công thần doanh số” khi tiếp tục chiếm vị trí số 1 và 2 về lượng bán trong toàn bộ dòng sản phẩm của Ford hiện tại. Những thành công này đã phần nào cho thấy được sức hấp dẫn của các phiên bản Ranger và Everest với động cơ mới.
Tuy nhiên do sử dụng họ động cơ EcoBlue với cả dung tích lẫn số xi-lanh nhỏ hơn hẳn so với máy Duratorq cũ, những chiếc Ranger và Everest 2019 vẫn còn bị nhiều người hoài nghi về hiệu năng vận hành dù có thông số trên lý thuyết vượt trội hơn. Chính vì vậy vào đầu tháng 4 vừa qua, Ford đã tổ chức Extraordinary Journey – Hành Trình Khám Phá Phi Thường dành cho các phóng viên, nhà báo và khách hàng tiềm năng để có thể cảm nhận hoạt động của 2 mẫu xe này trong điều kiện thực tế.
Theo lộ trình, những người tham gia trải nghiệm sẽ được xếp theo nhóm trên từng xe Ranger/Everest và cùng nhau trải nghiệm ở các cung đường giữa 2 thành phố miền Bắc là Hà Nội và Quảng Ninh. Dù nghe có vẻ gần nhưng trên thực tế trong 3 ngày, các tài xế sẽ phải cùng nhau vượt qua tổng độ dài đường 450km qua đủ các loại địa hình khác nhau – chưa kể tới các yếu tố bất ngờ của thời tiết giao mùa.
Không chỉ được lựa chọn bởi sự đa dạng về các điều kiện vận hành, ban tổ chức chia sẻ, cung Quảng Ninh cũng được lựa chọn do thành phố này “bước chân ra khỏi cửa là thấy xe Ford”. Người Quảng Ninh là các khách hàng trung thành của Ford Ranger và Everest trong nhiều năm qua, và có lẽ hãng cũng phần nào muốn chứng minh rằng vì sao 2 dòng xe này đã được dân đất mỏ ưa chuộng tới vậy.
Ngày thứ nhất: “Phiêu” cùng Ranger Wildtrak, “điên” cùng Ranger Raptor!
Trong ngày đầu tiên của hành trình, chúng tôi đã dành nửa buổi chỉ để di chuyển từ Hà Nội tới Quảng Ninh qua cung đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ngoài việc được cầm lái ở tốc độ cao, có thể nói cung đường này khá nhàm chán khi tất cả mọi việc tài xế cần làm chỉ là duy trì tốc độ – điều đặc biệt đơn giản với xe số tự động. Tôi được xếp cầm lái Range Wildtrak số 16, chiếc xe gần chốt đoàn và ngồi cùng anh Nhật – phụ trách kỹ thuật của đoàn.
Sau khi lăn bánh qua trạm phát thẻ đầu vào, một trong những đường cao tốc đẹp nhất miền Bắc đã hiện ra trước các xe trong đoàn. Không ai bảo ai, toàn bộ các “bác tài” đều bắt đầu nhấn ga tăng tốc dũng mãnh. Ở các số thấp từ 3 trở xuống, hộp số của chiếc Ranger Wildtrak kéo tua máy lên khá cao trước khi chuyển lên số cao hơn, và bắt đầu trở nên mượt mà hơn ở “nước hậu” khi đã có trớn. Khá nhanh chóng sau đó, tôi đã nhanh chóng đạt tới tốc độ tối đa 120km/h của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và bắt đầu bật chế độ Cruise Control để có trải nghiệm lái “nhàn nhã” hơn.
“Four wheels move the body – Two wheels move the soul” – Đó là một câu nói thường được dân biker thường xuyên nhắc tới để nói về sự lay động cảm xúc trên những chiếc mô tô so với xe hơi. Tuy nhiên với mô tô, bạn sẽ không chỉ được tận hưởng con đường trước mặt một mình – mà còn chia sẻ được cảm xúc đó với nhiều người bạn đồng hành hơn. Với những câu chuyện không hồi kết cùng anh Nhật về đủ các chủ đề khác nhau, quãng đường cao tốc dài hàng trăm km và tưởng chừng rất nhàm chán đã nhanh chóng trôi qua một cách đầy hứng khởi.
Đương nhiên bạn sẽ không thể cùng “tám chuyện” với những người bạn đồng hành khi ở trong một cabin với đầy tiếng ồn và sự dằn xóc. Và về mặt này, có thể nói Ranger Wildtrak đã thể hiện khá tốt khả năng chống ồn và rung của mình. Với kết cấu thân trên khung không liền khối, chiếc xe không thể khử ồn và rung hiệu quả như các dòng xe con hay crossover với khung unibody.
Nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn của một chiếc bán tải, có thể nói Ranger Wildtrak đã thể hiện tốt mặt này. Không chỉ có thể trò chuyện trong cabin mà không cần nói to, tôi và người bạn đồng hành cũng có thể tiếp tục tham gia vào những thử thách thú vị trong buổi chiều mà gần như không cần nghỉ trưa bởi khoang cabin đem lại sự thoải mái.
Sau một bữa cơm trưa nhanh chóng, chúng tôi lại tiếp tục lái những chiếc xe tới ven bờ vịnh Hạ Long để tham gia vào 1 trong 2 điểm nhấn ấn tượng nhất của Extraordinary Journey – trải nghiệm làm một tay đua rally với chiếc bán tải hiệu năng cao “hàng hot” Ranger Raptor. Trên khu đất mềm của công trường đang xây dở, một đường đua song song đã được dựng lên mô phỏng theo các track của giải xe địa hình đối kháng Knock out the King (KOK).
Những thành viên đoàn được xếp theo từng đội chơi và sẽ phải chạy đua với 2 đối thủ: thời gian và các tay đua chuyên nghiệp, từng vô địch các giải đua xe địa hình lớn tại Việt Nam. Dù trông qua đường đua này có vẻ khá đơn giản với một góc cua lòng chảo, vài đường lượn zig-zag, cầu vòm, gò mấp mô… nhưng trên thực tế, nó đòi hỏi cả kỹ năng ghi nhớ track, độ tập trung cao và trình độ của tài xế. Điều này đã được chứng minh bởi những tay đua chuyên nghiệp khi dù chỉ chạy Ranger Wildtrak “bản thấp”, họ vẫn chiến thắng tất cả mọi người lái chiếc Raptor ưu việt hơn.
Dù đã cố gắng ghi nhớ đường chạy, tăng tốc – phanh nhịp nhàng và đánh trả lái nhanh nhất có thể nhưng dưới áp lực của một chiếc Ranger Wildtrak bên cạnh, tôi vẫn đi nhầm một góc cua và kéo dài thời gian hoàn thành vòng chạy lên quá mốc 2 phút. Tuy nhiên qua đường chạy này, Ranger Raptor đã bộc lộ rõ tốc độ và sự ổn định của mình trên địa hình offroad.
Video đang HOT
Dù cũng sử dụng nền tảng máy và hộp số như Wildtrak nhưng chiếc xe tăng tốc nhanh và mượt hơn nhiều, cũng như có độ nghiêng thân xe nhỏ và tay lái nhanh, nhạy khi cua gắt. Sự ổn định và các đặc tính lái này có được nhờ vào hệ treo Fox “hàng hiệu”, chassis cải tiến và bề rộng lốp lớn hơn. Và phải tới khi dừng lại, tôi mới phát hiện ra rằng hiệu năng ấn tượng này có được mà thậm chí chưa cần cài đặt sang chế độ địa hình Baja chỉ có trên phiên bản này!
Và cũng giống như tôi, nhiều người trong đoàn cũng quên cài đặt chế độ lái sang Baja, tuy nhiên ngày trải nghiệm đầu tiên dần khép lại đã không cho phép các thành viên đoàn có thể chạy thử Raptor một lần nữa. Tạm rời xa những chiếc xe, chúng tôi đã có một đêm nghỉ ngoài vịnh Hạ Long để nạp năng lượng trước khi bước sang ngày thứ 2.
Ngày thứ 2: Khó khăn càng làm trải nghiệm thêm thú vị
Sang ngày thứ 2, cả đoàn tiếp tục lên đường di chuyển để ghé thăm mỏ than Đèo Nai tại Quảng Ninh. Và đó sẽ là một trải nghiệm thú vị để thử thách những tính năng địa hình của Ranger và Everest nếu như không có một yếu tố bất ngờ: trời đổ mưa lớn. Mưa rơi trắng xóa khung cảnh, khiến kính chắn gió trở nên mờ mịt đến nỗi cả đoàn xe phải bật đèn cảnh báo mà nối đuôi nhau đi. Mưa lớn cho những con đường vào mỏ than trở nên mềm và lầy lội, khiến những chiếc xe con bình thường khó có thể vào được.
Tuy nhiên, thời tiết xấu bất ngờ lại taọ điều kiện để chúng tôi có thể thử thách hiệu quả của hệ dẫn động 4 bánh trên Ranger và Everest. Gài sang chế độ 4 bánh cầu nhanh 4H, tay lái của xe trở nên nặng hơn do sức mạnh của động cơ được dẫn tới cả cầu trước, thay vì chỉ cầu sau như 2H. Bù lại, toàn bộ những chiếc Ranger và Everest trong đoàn đều đã dễ dàng băng qua những cung đường khúc khuỷu, hẹp, dốc và sình lầy khi đi vào mỏ than.
Cũng tại đây, hệ thống hỗ trợ đổ đèo của chúng đã phát huy tối đa hiệu quả để tất cả mọi người trong đoàn có thể vượt qua các con dốc trơn trượt một cách an toàn. Đến với mỏ than Đèo Nai, tất cả mọi người đều choáng ngợp không chỉ trước khung cảnh hùng vĩ của một thung lũng than sâu hút sau nhiều năm khai thác, mà còn bởi sự xuất hiện của những chiếc xe mỏ siêu trường, siêu trọng. Sánh đôi bên cạnh chúng, những chiếc Ranger và Everest với thiết kế hầm hố bỗng chốc trở nên nhỏ bé như chàng chăn cừu David đối đầu với người khổng lồ Goliath!
Khi cả đoàn rời mỏ than cũng là lúc thời tiết thay đổi 360 độ: những tia nắng ấm bắt đầu xé tan mây mù, và đường khô trở lại để tôi có thể “ăn cua” – lái xe qua những cung đường chữ S dẫn từ mỏ than vào nội đô. Dù không đem lại sự kích thích tột cùng như khi “ăn cua” trên một chiếc mô tô, nhưng độ ổn định của chassis trên Ranger và Everest cùng trợ lực lái nhẹ nhàng đã đem tới những cảm xúc hứng khởi trong tôi. Các hệ thống như hỗ trợ giảm thiểu lật xe đều phát huy được tốt vai trò của mình khi chiếc xe băng qua những con đường ngoằn ngoèo, đèo dốc với nhiều khúc cua tay áo và chướng ngại địa hình khác xuyên suốt ba khu mỏ than.
Trước khi tham gia vào Extraordinary Journey, lần cuối cùng tôi đặt chân tới Quảng Ninh là từ 2017. Chỉ trong 2 năm, thành phố này đã “lột xác” hoàn toàn, với những công trình hoành tráng, độc đáo và các con đường lớn. Và đúng như những gì ban tổ chức đã chia sẻ, Quảng Ninh thực sự là thành phố của xe Ford – những chiếc Ranger và Everest chạy trên các con phố ở Đất mỏ nhiều đến nỗi một số người đã bị lạc khi đoàn bị cắt ngang bởi đèn đỏ và bám nhầm theo xe của dân ở đây!
Tuy nhiên so với 2 năm trước, có một điều vẫn không thay đổi ở một bộ phận dân địa phương: ý thức tham gia giao thông chưa cao. Họ sang đường, chuyển làn và rẽ một cách khá tùy tiện và không báo trước, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn rất cao. Và với hệ thống Cảnh báo Va chạm (Pre-Collision Assist) kết hợp chế độ Tự động Phanh Khẩn cấp trong Thành phố (AEB – In-urban Autonomous Emergency Braking), Ranger Wildtrak đã không dưới 3 lần cứu tôi khỏi những tình huống “không kịp trở tay” này.
Về tới thành phố và nghỉ ngơi, ngày thứ 2 của chương trình đã chính thức khép lại. Vào ngày cuối cùng, cả đoàn lại từ Quảng Ninh di chuyển về Hà Nội qua đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Lần này, tôi đã có dịp rời người bạn đường Ranger Wildtrak để trải nghiệm một chút chiếc Everest Titanium. Dù cũng chia sẻ chung hệ động lực như Wildtrak nhưng cũng giống như Ranger, Everest chuyển số “ngọt” và ít thốc tua cao hơn ở các cấp số đầu.
Theo anh Nhật, sự khác biệt này nằm ở phần mềm điều khiển hộp số được cân chỉnh cho phù hợp với từng dòng xe. Trong khi Ranger Raptor là một mẫu bán tải hiệu năng cao và Everest là xe chở người, các phiên bản Ranger 2.0l bình thường còn được thiết kế để có thể tải thêm một khối lượng hàng lớn hơn ở phía sau so với 2 dòng còn lại. Chính vì vậy, Ford đã cân chỉnh “ép tua” số để giúp chiếc xe có lực kéo tốt hơn khi chở cả người và hàng.
Sau 3 ngày gắn bó trên từng cung đường với Ranger, Everest và những người bạn đồng hành vui vẻ, hành trình Extraordinary Journey đã chính thức khép lại khi toàn bộ đoàn đã dừng bánh an toàn tại địa điểm tập kết ở Hà Nội. Với lộ trình được thiết kế đầy thử thách thú vị cùng những yếu tố bất ngờ xuyên suốt hành trình, những chiếc xe Ford Ranger và Everest 2.0l đã thể hiện được hết “chất” của mình, từ đó đem tới những cảm xúc và kỷ niệm khó quên cho toàn bộ những người tham gia.
Nguyễn Huy
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)
Giảm giá nhưng Ford Ranger Wildtrak 2018 tại Việt Nam lại có hàng loạt nâng cấp mới
Thiết kế không quá nhiều thay đổi nhưng công nghệ mới trên Ford Ranger Wildtrak 2018 giúp trải nghiệm xe tiện lợi hơn rất nhiều, giúp mẫu xe này có cơ sở đòi lại ngôi vương phân khúc nếu đủ nguồn cung.
Ford Ranger mới vừa ra mắt thị trường Việt Nam không có quá nhiều khác biệt ở thiết kế. Chỉ có một vài thay đổi nhỏ ở cản trước. Tuy nhiên, những nâng cấp trên xe Ranger tập trung ở công nghệ và khá thiết thực trong đời sống, đặc biệt trên phiên bản Wildtrak cao cấp nhất. Trong khi đó, giá phiên bản này lại giảm 7 triệu, còn 918 triệu đồng.
Hệ thống đèn chiếu sáng
Đèn chiếu sáng HID.
Đèn halogen từng là điểm yếu của Ranger trước đây và thường được chủ xe thay bóng mới hoặc độ đèn khác. Ở phiên bản mới, Ranger đã có đèn HID kèm projector, có thể tự động bật/tắt theo điều kiện môi trường. Xe còn có đèn định vị ban ngày LED và đèn sương mù LED.
Cửa sau thùng xe trợ lực
Nắp thùng trợ lực.
Ranger Wildtrak có cửa sau thùng xe tích hợp thanh xoắn giúp đóng mở nhẹ nhàng hơn. Theo Ford, cửa mới cho khả năng trợ lực tới 70%. Việc nâng hay hạ không tốn sức như trước đây. Hiện Ranger là xe duy nhất trong phân khúc có tính năng này.
Ghế bọc da hoàn toàn
Ghế bọc da hoàn toàn.
Ghế xe đổi từ loại da kết hợp nỉ sang da hoàn toàn. Việc sử dụng nội thất da phù hợp hơn với khí hậu nóng như tại Việt Nam. Ranger Wildtrak vẫn được khâu đường chỉ cam đặc trưng trên ghế ngồi để phân biệt với các bản khác.
Hệ thống chống ồn chủ động
Khử ồn đã được áp dụng lên Everest trước đó.
Công nghệ chống ồn (Active Noise Control) mà Ford Việt Nam từng áp dụng lên mẫu SUV Everest nay đã được đưa sang bán tải Ranger. Mẫu xe này sẽ có hệ thống các micro có độ nhạy cao để xác định và đo độ ồn trong xe (chủ yếu từ tiếng máy diesel vọng vào), sau đó phát ngược vào cabin tín hiệu đối ngược thông qua các loa để chúng triệt tiêu lẫn nhau.
Chìa khóa thông minh và đề nổ nút bấm
Đề nổ nút bấm giúp nội thất hiện đại hơn.
Đề nổ bằng nút bấm đã quen thuộc với đa số xe nhưng với bán tải vẫn còn chưa phổ biến. Ranger mới đã có hệ thống đề nổ rảnh tay này. Ngoài ra, chìa khóa thông minh MyKey còn cho phép tùy chỉnh giới hạn tốc độ, âm lượng và một số nhắc nhở khác.
Hỗ trợ đỗ xe tự động
Hỗ trợ đỗ song song tự động trên Everest giống Ranger.
Xe bán tải có kích thước cồng kềnh (chiều dài Ranger hơn 5,3 m) nên việc đỗ xe trong phố không hề đơn giản, nhất là với tài mới. Phiên bản Wildtrak 2018 đã có công nghệ hỗ trợ đỗ xe, kết hợp cùng các cảm biến trước/sau để tự động lùi song song vào điểm đỗ.
Hỗ trợ phanh tự động khẩn cấp
Phanh tự động khẩn cấp đã được áp dụng lên Focus trước đây.
Hệ thống kích hoạt ở dải tốc độ từ 5 km/h đến 80 km/h. Cảm biến có thể phát hiện cả xe lẫn người đi bộ và tùy theo tốc độ để xác định khoảng cách an toàn. Phanh tự động từng được đưa lên xe Focus và rất hữu ích khi di chuyển trong phố đông.
Ga tự động thích ứng
Xe sẽ tự giảm tốc độ theo xe phía trước.
Ga tự động thích ứng (Adaptive Cruise Control) cho phép Ranger hạ tốc độ tự động khi nhận thấy khoảng cách với xe phía trước không an toàn.
Động cơ và hộp số mới
Động cơ bi-turbo mới mạnh hơn.
Ranger Wildtrak bản cao nhất dùng chung động cơ với Raptor. Máy diesel tăng áp kép dung tích 2 lít cho công suất 213 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm, kết hợp số tự động 10 cấp và hệ dẫn động 2 cầu.
Động cơ mới mạnh hơn loại 3,2 lít cũ 16 mã lực và 30 Nm mô-men xoắn. Ranger bản trước chỉ có số tự động 6 cấp. Ford cho biết hộp số mới giúp thu hẹp độ trễ giữa các cấp số để vận hành trơn tru hơn.
Phiên bản Wildtrak thấp hơn sử dụng động cơ diesel 2 lít mới thay cho loại 2,2 lít cũ, có công suất 180 mã lực (hơn 20 mã lực) và mô-men xoắn 420 Nm (hơn 35 Nm). Hộp số tự động cũng nâng từ 6 cấp lên 10 cấp.
Đức Khôi
Theo Trí Thức Trẻ
TOP 3 xe bán tải bán chạy nhất Tháng 3/2019, Mazda BT-50 bất ngờ lên "Á quân" Ngoài vị trí dẫn đầu thuộc về cái tên quen thuộc, vị trí thứ 2 trong "Top xe bán tải bán chạy tháng 3/2019" chứng kiến sự bứt phá vượt bậc của mẫu xe đến từ nhà THACO. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam - VAMA, trong tháng 03/2019, doanh số Ford Ranger tiếp tục tăng...