Trải nghiệm du lịch marathon vùng Bảy Núi
Trong khi Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức thành công nhiều cuộc chạy marathon thì Bảy Núi với điều kiện tự nhiên, cảnh đẹp tương tự, hoàn toàn có thể khai thác loại hình du lịch mới này. Khi thu hút được nhiều vận động viên (VĐV) về tham gia, nhiều dịch vụ “ăn theo” cũng có cơ hội phát triển.
Dậy sớm, thử thách vượt núi Cấm
Là một người yêu thích loại hình thể thao chạy bộ, chạy marathon vượt địa hình, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cảm thấy say mê khi có dịp khám phá vùng Bảy Núi – An Giang, đặc biệt là núi Cấm – “nóc nhà” miền Tây Nam Bộ. Để gợi ý cho An Giang tổ chức những cuộc chạy marathon vượt địa hình Bảy Núi, mới đây, ông Nam đã dẫn đoàn 12 VĐV tham gia cuộc chạy marathon khám phá núi Cấm.
“Trong số những người tham gia chạy, có những VĐV chuyên nghiệp của nhóm MDRs (Mekong Delta Runners), những người từng tham gia những sự kiện marathon ở Đà Lạt, Sapa, La An… từng hoàn thành chinh phục những đường chạy cự ly 70km, 100km. Tuy nhiên, cũng có những người mới bắt đầu tham gia hoặc tham gia lần đầu. Mục đích là để những VĐV chuyên và không chuyên có những cảm nhận, góp ý khác nhau để xây dựng lộ trình chạy tốt nhất, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau” – ông Nam chia sẻ.
Từ sáng thứ 7, đoàn 12 VĐV đến từ các địa phương khác nhau, gồm: TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL bắt đầu di chuyển về núi Cấm, thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm nghỉ đêm dưới chân núi. Với sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên thuộc Ban Quản lý (BQL) Khu du lịch núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên), bắt đầu từ 4 giờ 30 phút sáng chủ nhật, khi núi Cấm còn chìm trong bóng tối mịt mờ hơi sương, đoàn đã xuất phát lên núi theo lối đường bộ dọc suối Thanh Long, tẻ ra đường chính lên điện Ba Lưới, băng qua điện Năm Ông.
Khi các VĐV lên đến tượng Phật Di Lặc thì đỉnh núi Cấm đã dần sáng, mặt trời lấp ló xa xa. Trong ráng đỏ rạng đông cộng với sương mù giăng lối, núi Cấm trở nên huyền ảo. Lúc này, các VĐV chạy vài vòng quanh hồ Thủy Liêm để thưởng thức khí trời trong lành, mát lạnh như Đà Lạt.
Khi mặt trời sáng tỏ hơn, đoàn VĐV tiếp tục hành trình khám phá điện Bồ Hong, điện Huỳnh Long (điểm cao nhất đỉnh núi Cấm), sau đó vòng qua chùa Phật Nhỏ, vồ Chư Thần, qua ngã 3 suối Thanh Long rồi về lại chân núi Cấm lúc 12 giờ trưa. Giám đốc BQL Khu du lịch núi Cấm Đinh Văn Chắc đã chờ sẵn tại cổng BQL để trao chứng nhận đã chinh phục thành công núi Cấm “Nóc nhà miền Tây Nam Bộ” cho từng VĐV.
Video đang HOT
Sau khi hoàn thành cuộc chạy marathon khám phá núi Cấm, các VĐV được thưởng thức món ngon vùng Bảy Núi trước khi lên xe trở về với công việc thường nhật.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam tham gia đoàn marathon khám phá núi Cấm
Kỳ vọng tour du lịch mới
Lần đầu tiên tham gia khám phá núi Cấm, chị Lê Thiên Kim (công tác tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp) không khỏi ngạc nhiên: “Buổi sáng trên núi Cấm rất đẹp, trong lành và yên bình. Không ngờ trên núi lại có những vườn bơ, sầu riêng, quýt đường, vườn dâu say trái đến vậy. Người dân trên núi rất hiền hòa, mến khách. Bình thường, em chỉ chạy bộ 2-3km vòng quanh công viên buổi sáng trước khi đi làm. Nếu có tham gia các cuộc chạy marathon thì cự ly xa nhất cũng chỉ 10km. Lần này, em vượt đoạn đường 21km mà lại là đường núi nên có những lúc đuối sức. Tuy nhiên, khi mình có ý chí, quyết tâm thì cũng hoàn thành. Cảm giác chinh phục núi Cấm rất tuyệt vời”.
Đối với anh Lê Huỳnh Anh Tuấn (làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, thành viên nhóm MDRs, Mekong Delta Runners) thì đoạn đường chinh phục núi Cấm chưa là gì so với những cuộc marathon được tổ chức chuyên nghiệp trong nước như: Vietnam Mountain Marathon khám phá Sapa (Lào Cai), Vietnam Trail Marathon khám phá Mộc Châu ( Sơn La), Vietnam Jungle Marathon khám phá Pù Luông ( Thanh Hóa), Đà Lạt Ultra Trail (DLUT) khám phá Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Đây là những giải chạy núi việt dã được tính điểm Asia Trail Master, thu hút hàng ngàn VĐV trong nước và quốc tế tham gia. “Các giải marathon này có nhiều cự ly như: 35km, 40km, 55km, 70km, 100km. Ai muốn tham gia cự ly nào thì chọn điểm xuất phát theo cự ly đó, nhưng tất cả các cự ly đều kết hợp cùng một đường chạy, có bảng hướng dẫn, hỗ trợ. Mỗi VĐV muốn tham gia đều phải đóng tiền cho ban tổ chức giải, chi trả các dịch vụ trên đường chạy nên số tiền thu được là rất lớn” – anh Tuấn thông tin.
Theo thành viên nhóm MDRs, vùng Bảy Núi hoàn toàn có thể tổ chức giải marathon chuyên nghiệp định kỳ hàng năm hoặc thiết kế những quãng đường chạy marathon dành cho công ty, doanh nghiệp. “Với giải marathon chuyên nghiệp, có thể thiết kế đoạn đường chạy từ núi Sam (Châu Đốc) vào Tịnh Biên, khám phá rừng tràm Trà Sư, chinh phục núi Cấm, chạy vòng qua núi Dài, núi Cô Tô (Tri Tôn), tức quãng đường chạy kết hợp nhiều địa hình.
Trên đường chạy có những hàng cây thốt nốt, hàng trâm để VĐV “check-in”, có những quán nước thốt nốt, cửa hàng đặc sản, dịch vụ tại những điểm dừng để VĐV nghỉ ngơi, thưởng thức. Riêng những đoạn đường chạy ngắn như chinh phục núi Cấm, có thể xây dựng đường chạy rồi bán gói dịch vụ để các công ty, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động tham gia. Tôi nghĩ, loại hình du lịch marathon có tiềm năng phát triển tốt và tính bền vững cao” – anh Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN
Theo baoangiang.com.vn
Tiềm năng Tịnh Biên đang được bứt phá
Gần đây, sự xuất hiện của Nhà máy điện mặt trời tại xã An Hảo đã mang đến tín hiệu tốt lành về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của H.Tịnh Biên (An Giang).
"Cánh đồng" pin điện mặt trời
Người dân địa phương phấn khởi cho rằng lâu nay họ cứ nghĩ đơn giản nhà máy quang năng chỉ cung cấp điện cho EVN, góp phần giải tỏa "cơn khát" thiếu điện cho hàng trăm ngàn hộ dân vùng biên giới. Giờ đây, người dân ngạc nhiên khi "cánh đồng" pin điện mặt trời bỗng dưng trở thành mô hình thu hút du khách, là điểm dừng chân lý tưởng, phục vụ "check-in" cho du khách nội địa và cả Campuchia.
Ông Nguyễn Thành Huân, Chủ tịch UBND H.Tịnh Biên, cho biết: "Mỗi năm, Tịnh Biên đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Giờ có thêm Nhà máy điện mặt trời ở dưới chân Núi Cấm càng tạo nên nét độc đáo cho vùng bán sơn địa. Hiện nay, huyện khẩn trương thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 948, vốn được xem là "mạch máu" giao thông chủ yếu của địa phương để khách tham quan các khu du lịch thuận tiện hơn".
Với phong cảnh non nước hữu tình cùng những huyền thoại linh thiêng vùng Bảy Núi, Tịnh Biên sở hữu tiềm năng lớn về du lịch. Mặt khác, nơi đây có trên 2.400 giờ nắng/năm, rất thích hợp đầu tư nhà máy điện mặt trời. Nhà máy điện mặt trời An Hảo (giai đoạn 1 có công suất phát điện 104 MW, trải dài trên diện tích 120 ha) đã vận hành thương mại thành công từ giữa tháng 6 vừa qua. Theo chủ đầu tư, công trình này đạt tiến độ thần tốc chỉ hơn 4 tháng triển khai nhờ sự đồng thuận rất lớn của lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền địa phương cùng người dân trong khu vực.
Được biết, giai đoạn 2, diện tích cần đến gần 160 ha đất để triển khai hoàn thiện phần còn lại. Vì vậy, nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào sự quan tâm của cả hệ thống chính trị H.Tịnh Biên để dự án đạt tiến độ trong thời gian sớm nhất. Khi ấy, "thành phố điện mặt trời" có tổng công suất phát điện 210 MW, trải rộng trên 275 ha sẽ là đô thị "văn minh" vùng Thất Sơn. Mặt khác, đây còn là sự kết hợp độc đáo giữa điện mặt trời và nông nghiệp sạch, tạo nên mô hình du lịch trải nghiệm lạ mắt, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng Bảy Núi.
"Thiên đường xanh" Trà Sư
Du khách rất thích thú với diện mạo mới rừng tràm Trà Sư.Ảnh: Viễn Thông
Đến Tịnh Biên không thể không ghé Trà Sư - rừng tràm đẹp nhất Việt Nam. Danh hiệu này đang được xác lập cho khu rừng đặc dụng ngập nước vô cùng độc đáo ở Nam bộ. Trong diện tích khoảng 160/860 ha của khu rừng đã được một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực, với tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp. Chuỗi hạng mục gồm bến đưa đón khách, nhà hàng ẩm thực món ăn dân gian, hệ thống lâu đài bồ câu cùng nhiều dự án quy mô khác đã làm thay đổi hình ảnh "thiên đường xanh" Trà Sư. Những tháng đầu năm nay, Trà Sư đón gần 150.000 lượt du khách đến khám phá, tận hưởng không gian xanh bát ngát...
Tịnh Biên đang có sự bứt phá khá ngoạn mục để sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn ngày càng nhiều hơn, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị, dịch vụ của địa phương mà còn tác động trực tiếp đến thị trường địa ốc. Bởi đơn giản, thị trường có tiềm năng thì các đại gia trong lĩnh vực bất động sản, trung tâm thương mại... mới xuất hiện. "Tịnh Biên đang hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm các làng nghề. Trong đó, "cánh đồng pin năng lượng mặt trời", rừng tràm Trà Sư sẽ là "lõi" trong việc phát triển kinh tế mũi nhọn của vùng đất này", ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định.
Theo thanhnien.vn
Phát triển du lịch mùa nước nổi Khi con nước ngoài sông Hậu, sông Tiền chuyển dần sang màu đỏ của phù sa cũng là lúc các hoạt động du lịch (DL) mùa nước nổi tại An Giang sôi động hẳn lên. Đến với An Giang vào thời điểm con nước tràn đồng, du khách sẽ được tận hưởng loại hình DL sinh thái rất đặc thù, mang đậm chất...