Trải nghiệm du lịch hấp dẫn ở ‘viên ngọc xanh giữa sông Hậu’
Cồn Sơn (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) là một khu đất nổi giữa sông, rộng khoảng 70ha. Nơi đây được ví von là ‘ viên ngọc xanh giữa sông Hậu’ với khí hậu trong lành, cây trái sum sê, cảnh quan yên bình, người dân hiền lành, hiếu khách.
Những năm gần đây, Cồn Sơn là điểm đến thu hút du khách nhờ nhiều hoạt động thú vị như thăm vườn trái cây, làm bánh dân gian, xem “xiếc cá”, thưởng thức ẩm thực miền Tây,…
Từ trung tâm TP Cần Thơ, du khách di chuyển khoảng 10km đến bến đò Cô Bắc (đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thủy) để thuê thuyền ra Cồn Sơn.
Lênh đênh trên những chiếc tàu, thuyền gỗ, du khách sẽ được ghé thăm các bè cá nổi nhấp nhô giữa sông. Không chỉ nuôi cá thông thường, các nhà bè tại Cồn Sơn còn mở trải nghiệm hấp dẫn như massage cá, nuôi “thủy quái”… để phục vụ du khách.
Nổi tiếng nhất tại đây là bè cá của ông Lý Văn Bon (Bảy Bon). Nhà bè có trên 30 bè cá lớn nhỏ (khoảng 5.000m2), nuôi đủ loại cá khác nhau, trong đó có các loại quý hiếm như cá hồng vỹ, cá heo đuôi đỏ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc,… hay các giống cá có ngoại hình bắt mắt, đặc tính độc lạ, phù hợp cho khai thác du lịch như cá mang rỗ (mang rổ, cá pháo cao xạ), cá koi, cá phụng…
Rời bè cá, du khách sẽ tiến sâu vào cồn, khám phá những nhà vườn xanh mướt, sum sê nhãn, chôm chôm, vú sữa, bưởi…, cùng người dân thu hoạch trái cây, hay làm bánh xèo, bánh bò, cá lóc nướng,…
Video đang HOT
Du khách trải nghiệm làm bánh cùng người dân Cồn Sơn
Cách người dân ở đây làm du lịch rất đặc biệt. Mỗi hộ gia đình có lợi thế riêng, nhà làm vườn cây, nhà xây ao cá, nhà chuyên chế biến món ngon từ cá, nhà chuyên nấu món ăn từ gà… Người dân kết hợp với nhau rất đoàn kết để cùng chia sẻ lợi nhuận.
Nhiều hộ dân từ làm nông đơn thuần, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập bấp bênh, đã trở nên khấm khá hơn khi chuyển sang làm du lịch.
Tiêu biểu như nhà vườn của anh Nguyễn Thành Tâm (46 tuổi). Từ năm 2015, gia đình anh mở cửa đón khách trải nghiệm ao cá, vườn cây. Anh luyện cho cá lóc bay, cá trê “vượt cạn”, “bú bình” để hấp dẫn du khách tò mò tìm tới trải nghiệm. Mùa cao điểm, nhà vườn đón 1.500 khách/tuần.
Hiện, nhà vườn này nuôi khoảng 60.000 con cá lóc to, nhỏ, hơn 20.000 con cá trê “vượt cạn”. Anh Tâm trồng hơn 600 gốc ổi chuyên để thu hoạch phục vụ du khách miễn phí, không bán. Ổi được trồng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu.
Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn còn đang hướng tới “5 không” để tạo nét riêng biệt, môi trường văn minh – an toàn cho du khách: Không rác thải, không khói bụi, không xe máy, không hàng rong và không ăn xin. Dịch vụ lưu trú tại đây cũng đang được quan tâm đầu tư để phát triển đa dạng hơn.
Cồn Sơn đã và đang là điển hình cho du lịch cộng đồng kết hợp hài hòa giữa gìn giữ văn hóa bản địa, hướng đến sự bền vững và không ngừng sáng tạo, thay đổi phù hợp với thị hiếu du khách.
Độc đáo Cồn Sơn
Được bồi đắp phù sa trên dòng sông Hậu hiền hoà, Cồn Sơn có cây trái xanh mát, sum suê và những người dân chân phương, mộc mạc luôn niềm nở chào đón khách tới thăm.
Dù không xa đất liền, nhưng vừa đặt chân đến Cồn Sơn, du khách như đến một vùng đất mới, bình yên và trong lành đến lạ, bởi bao quanh là sông nước, tách biệt với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt nơi thị thành.
Thời gian gần đây, Cồn Sơn là cái tên được nhiều người biết đến trên bản đồ du lịch miền Tây với loại hình du lịch cộng đồng. Nằm giữa sông Hậu, cách đất liền khoảng 600 m và cách bến Ninh Kiều khoảng 6 km, Cồn Sơn thuộc quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ. Từ bến đò Cô Bắc, chỉ mất từ 5-10 phút ngồi đò là du khách có thể đặt chân lên Cồn Sơn.
Trải nghiệm cảm giác đi qua cầu khỉ, bơi xuồng giữa không gian xanh mát. |
Du khách thích thú khi được tự tay làm ra những chiếc bánh kẹp, bánh lá truyền thống. |
Với diện tích nổi khoảng 70 ha, từ bao đời nay, cư dân Cồn Sơn sinh sống bằng lợi tức thu được từ những vườn cây ăn trái. Đất Cồn Sơn trù phú, người Cồn Sơn đôn hậu. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để nơi đây phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Mô hình du lịch cộng đồng trên Cồn Sơn chỉ mới phát triển từ năm 2015 do Đoàn thanh niên phường Bùi Hữu Nghĩa đứng ra phát động tổ chức. Đến nay, mô hình này đang được quận Bình Thuỷ hỗ trợ phát triển. Hiện tại, khoảng 20 hộ trong số 79 hộ dân trên cồn tham gia làm du lịch cộng đồng, kết hợp phát huy nét văn hoá và lối sống tình làng nghĩa xóm, theo kiểu mỗi nhà góp một sản phẩm. Các hộ gia đình đều được tạo điều kiện tối đa để hoạt động, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp khách, được phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó nắm bắt, tuân thủ các quy định chung, cùng nhau làm du lịch cộng đồng khá bài bản và chuyên nghiệp. Đội ngũ hướng dẫn viên là người bản địa, chủ yếu là các bạn đoàn viên, thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hoa.
Đến Cồn Sơn, du khách được tận mắt xem "tuyệt chiêu" cá lóc bay. |
Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông nhỏ, chỉ vừa cho người đi bộ và xe đạp, nên hầu như không có tiếng còi xe và khói bụi. Đường sá sạch đẹp, vườn cây rợp bóng, cảnh vật nhiều nơi vẫn giữ nét đẹp mộc mạc của nhà vườn xưa. Du khách đến Cồn Sơn không chỉ trải nghiệm cuộc sống với nông dân như tát mương bắt cá, bơi xuồng, hái trái cây, thưởng thức nhiều loại trái ngon, học làm nhiều món ăn và các loại bánh dân gian mà còn như được trở về không gian cộng đồng làng xóm Nam Bộ truyền thống.
Vườn vú sữa bơ hồng hơn 15 năm tuổi của cô Sáu mang hương vị ngọt ngào trên đất Cồn Sơn. |
Tuỳ sở thích, du khách có thể lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào, vì thế người làm du lịch ở đây luôn chú trọng đầu tư và ngày càng hoàn thiện dịch vụ. Trong đó có thể kể đến một số hộ tiêu biểu như nhà vườn Thành Tâm có cá lóc bay, vườn ổi, tát đìa bắt cá; Nhà vườn Công Minh có bà Bảy Muôn với nghề làm bánh dân gian; Nhà vườn chôm chôm Song Khánh; Vườn nhãn da bò của ông Năm Minh; Vườn vú sữa bơ hồng của bà Sáu; Bè cá với nhiều loài quý hiếm của ông Bảy Bon; Thưởng thức món gà xé bưởi của bà Sáu Cảnh... Mỗi nhà mỗi sản phẩm đặc trưng cùng hợp tác mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm riêng có ở nơi này.
Một Cồn Sơn dân dã ngay sát đất Tây Đô, khách đến đây được người dân tiếp đón tự nhiên mà nồng hậu. Ở đây, mỗi hộ gia đình sẽ đăng ký làm một hoặc hai món bánh dân gian, món ăn phục vụ du khách, tuỳ thời gian, số lượng và yêu cầu của từng đoàn khách, hướng dẫn viên du lịch sẽ bố trí khách đến sau khi thông báo trước cho từng nhà chuẩn bị. Như vậy, khách sẽ có cơ hội đến với nhiều nhà, tìm hiểu nhiều loại hình trong cùng một chuyến đi, không thấy đơn điệu và trùng lắp. Khách dùng bữa tại một nhà, các nhà khác sẽ mang món chuyên đến góp sau khi nhận được yêu cầu của người hướng dẫn.
Điều du khách có thể dễ dàng cảm nhận được khi đến với Cồn Sơn là ở đây không có sự cạnh tranh. Hôm nào nhà này đông khách, không đủ người phục vụ thì các nhà khác qua phụ theo kiểu "vần công". Sự thân tình, chân chất ấy chính là phần hồn riêng có, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch cộng đồng ở Cồn Sơn, gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá - văn minh miệt vườn sông nước.
Khách Việt thăm Angkor Wat, xúc động thấy đóa sen trong tay bức tượng cổ Tôi đến Siem Reap, Campuchia vào những ngày đầu tháng 11, với niềm háo hức để đặt chân đến Angkor Wat. Lời tòa soạn: Ngày càng có nhiều người Việt ra nước ngoài du lịch, học tập, sinh sống và làm việc, nhờ đó được trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống, như cùng dân làng ở châu Phi nhảy múa...