Trải nghiệm đi lên từ số không
Trong những hồi ức nhiều màu sắc về năm tháng hoạt động ngoại giao sôi động của ông Nguyễn Hữu Chủ, 68 tuổi, câu chuyện tiếp quản Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại tokyo sau ngày 30/4/1975 vẫn luôn khiến ông bồi hồi…
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (giữa) thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo, tháng 12/1978. (ông Nguyễn Hữu Chủ là người thứ ba từ trái)
… Về mối lương duyên Việt Nam – Nhật Bản, về những đồng nghiệp cũ – người còn, người đã ra đi…
Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Chủ, ngay sau Ngày thống nhất đất nước, Bộ Ngoại giao ta đã nhờ Đại sứ quán Cuba tại Nhật Bản trông giữ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo cho đến tháng 1/1976, khi đoàn cán bộ ngoại giao Việt Nam chính thức sang tiếp quản…
Sứ mệnh đặc biệt
Vào thời điểm ấy, trong số 13 cán bộ thuộc biên chế của Đại sứ quán Việt Nam, ông Chủ gần như trẻ nhất (chưa đầy 30 tuổi) và là người duy nhất chưa từng kinh qua nhiệm kỳ công tác nước ngoài nào… Ông cùng với hai đồng nghiệp là ông Vi Minh Tân – điện báo viên và Khổng Khuê – Trưởng phòng Thông tin Bộ Ngoại giao có một “sứ mệnh” đặc biệt là “chuyên chở máy điện đài rất cồng kềnh, nặng mấy tạ” sang Nhật Bản. Đó là lý do mà ba ông phải đến xứ sở Hoa anh đào bằng tàu biển. “Tiền cước đâu mà đi máy bay chứ”, ông Chủ cười hiền.
Ông còn nhớ thuyền trưởng của chuyến tàu đấy là ông Cao Trọng Tùng, quê ở Nghệ An và đây là lần đầu tiên vị thuyền trưởng này đi viễn dương. Cho nên, “chao ôi là hồi hộp và cả lo lắng nữa”, ông Chủ không sao quên được cảm giác đó, nhất là đối với một chàng trai mới cưới vợ được vài tháng và lần đầu tiên đón một cái Tết không hề ấm áp ở Hong Kong…
Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, khi tàu cập cảng Naoetsuko ở phía Bắc Nhật Bản, đoàn được ông Inoue ở Cục châu Á, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đón tiếp nhiệt tình và nồng hậu. “Người Nhật mà, lúc nào họ cũng chu đáo, tận tụy và khiêm tốn”, ông Chủ đúc kết về con người Nhật Bản nói chung mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Tiếng Nhật có thể không xa lạ với ông Chủ vì ông đã có gần năm năm học tập chuyên về Nhật Bản tại CHDCND Triền Tiên (1967-1972) song những ấn tượng “mục sở thị” đầu tiên về đất nước Mặt trời mọc vẫn khiến ông “choáng”. Một đất nước rất hiện đại, thể hiện ở những chiếc tivi màu ông nhìn thấy ở khắp nơi hay sự văn minh của đường phố – xe ô tô đi ngoài đường lúc 12 giờ đêm đều tự giác dừng lại khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ…
Không sai sót
Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo khi ấy là một ngôi nhà gỗ nằm trên một quả đồi, rộng 2.200 m2. Trong tám tháng (5/1975 đến 12/1975), các bạn Cuba giúp mình trông nom, dọn vườn, chặt cây… cho đến khi đoàn cán bộ ngoại giao Việt Nam sang vào đầu năm 1976.
Video đang HOT
Người đứng đầu cơ quan đại diện lúc đó là Đại biện lâm thời Trần Đức Tuệ và đến tháng 7/1976, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản là ông Nguyễn Giáp đến Tokyo. Nhiệm vụ của ông Chủ bấy giờ là phiên dịch, lễ tân và giúp ông Lê Minh Hương, Bí thư thứ hai về công tác lãnh sự, Việt kiều. Cùng làm phiên dịch với ông Chủ còn có ông Nguyễn Hữu Sự…
Ông Chủ còn nhớ như in cảm giác vinh dự khi là một trong những người đầu tiên treo cờ đỏ sao vàng ở Đại sứ quán. Cảm giác tự hào lắm mỗi khi nhìn tấm biển bằng đồng đúc chữ “Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản” bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. “Cả cờ và tấm biển đều mang từ Việt Nam sang vì nếu làm ở Nhật thì đắt lắm”, ông Chủ cho biết.
Một trong những điều tâm đắc nhất của ông Chủ về những tháng ngày đầu tiên tiếp quản đại sứ quán là việc đi lên từ con số không mà không mắc phải sai sót nào. Tiếp quản Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa đồng nghĩa với việc không có sự bàn giao kinh nghiệm. Vậy mà các hoạt động ngoại giao của cơ quan đại diện diễn ra rất trơn tru và êm thấm.
Ông đơn cử một chi tiết như Đại sứ quán Việt Nam có nhận thư mời của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản tham dự một sự kiện của họ. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản trong bối cảnh hiện nay nhưng lại khá “tế nhị” ở thời điểm bấy giờ, khi quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc không hề thuận lợi. Các sự kiện của phía Hàn Quốc đều được phía Việt Nam cân nhắc. Thậm chí khi nhận được giấy mời, mình còn hỏi ý kiến của các bạn Cuba. Tương tự như vậy với Đài Loan, phải hết sức thật trọng…
Tự hào Việt Nam
Là người tham gia công tác cộng đồng của Đại sứ quán, ông Chủ cũng nhớ như in cái Tết đầu tiên ở Tokyo do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Hàng trăm người đến dự, trong đó có đại diện các cơ quan chính phủ, đoàn thể của Nhật, nhiều người Việt có đóng góp tích cực cho hoạt động của Đại sứ quán như các ông Nguyễn An Trung, Huỳnh Sỹ Chánh, Trần Văn Thọ, đông đảo sinh viên và cả chị em lấy chồng Nhật cũng đến dự… Về phía ngoại giao đoàn có đại diện các nước như Lào, Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là các bạn Cuba đến nhảy múa, đánh đàn dương cầm… rất vui.
Hai tiếng Việt Nam cũng xuất hiện khá dày đặc trên báo chí Nhật Bản bấy giờ. Ông Chủ nhớ rằng có nhiều nhà báo Nhật đến đặt câu hỏi là “Vì sao Việt Nam có thể thắng đế quốc Mỹ?”. Sau đó, cứ đến Quốc khánh là có bài phát biểu của Đại sứ Việt Nam trên báo Kinh tế Nhật Bản. Mối quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam ngày càng tăng lên, đặc biệt sau chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh vào tháng 12/1978 – chuyến thăm cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 21/9/1973)…
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tất nhiên là không phải bắt đầu từ việc Việt Nam tiếp quản Đại sứ quán, mà có thể tính từ khi Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973 hay xa hơn nữa là từ cuối thế kỷ XVI, khi các nhà buôn Nhật đến Việt Nam buôn bán… Bốn nhiệm kỳ công tác tại xứ sở Phù tang cho phép ông Chủ chứng kiến những dấu ấn mạnh mẽ, những bước đi đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản song thời điểm tiếp quản Đại sứ quán vẫn là hồi ức không bao giờ phai mờ…
Đó là khởi nguồn đáng nhớ trong sự nghiệp ngoại giao hơn 40 năm của ông, nơi ông có nhiều kỷ niệm ấm áp với những đồng nghiệp lớn mà giờ đây, có người mãi mãi không trở lại như các ông Nguyễn Giáp, ông Lê Minh Hương, ông Nguyễn Hữu Sự…
Theo Hồng Phúc
Thế giới và Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp lãnh đạo Malaysia, Philippines, Thái Lan
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Malyasia Najib Tun Rajak; Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino; và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Malaysia
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Tun Rajak, Thủ tướng Najib Tun Rajak đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm Malaysia trong năm nay; bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia thời gian qua và nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Malaysia sớm hoàn thiện văn kiện Tuyên bố chung, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia trong năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam rất quan tâm và dành ưu tiên cao cho hợp tác thương mại gạo với Malaysia và đề nghị hai bên xem xét ký riêng Bản Ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo cấp chính phủ nhằm tạo khung pháp lý, đưa hoạt động này đi vào ổn định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao việc Chính phủ Malaysia đã tích cực hợp tác trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo trả tự do cho các ngư dân Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân thời gian qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc hội kiến Thủ tướng Malaysia (ảnh: Chinhphu.vn).
Thủ tướng Najib Tun Rajak khẳng định Malaysia đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của hai bên trên nhiều lĩnh vực; khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, đặc biệt là trong tiếp cận với các công việc có tay nghề và thu nhập ổn định; nhất trí hai bên sớm ký kết Bản Ghi nhớ (MOU) về tuyển dụng lao động Việt Nam sang việc tại Malaysia trong năm 2015.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Malaysia nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đoàn kết nội khối. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam tích cực ủng hộ Malaysia hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2015 cũng như đánh giá cao các sáng kiến của Malaysia trong năm Chủ tịch. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi hợp tác trong quá trình đàm phán TPP về một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Về vấn đề biển Đông, hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc duy trì hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau, hợp tác thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, hàng không, bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); kêu gọi tất cả các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình, trong đó có việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Philippines
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Benigno Aquino, hai bên bày tỏ hài lòng chứng kiến quan hệ song phương Việt Nam - Philippines đang phát triển tốt đẹp và tích cực vì lợi ích của hai nước, vì sự phát triển của cộng đồng ASEAN; cho rằng hai nước đã xây dựng được nền tảng vững chắc để đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới. Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí thúc đẩy các cơ chế hợp tác đã được thiết lập giữa hai bên phát triển hiệu quả hơn như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao; phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Philippines (12/7/1976-12/7/2016).
Hai bên đánh giá cao việc hai nước tiếp tục duy trì kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng đều và ổn định trong những năm gần đây; nhất trí tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên có nhiều cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam rất quan tâm và dành ưu tiên cao cho Philippines trong hợp tác thương mại gạo; đề nghị hai nước tiếp tục có các biện pháp cụ thể để hợp tác hai nước trong lĩnh vực này luôn duy trì hiệu quả cao, trong đó có việc sớm ký Nghị định thư sửa đổi về hợp tác nông nghiệp và gạo.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác biển là một trong những trụ cột hợp tác góp phần tích cực vào quan hệ giữa hai nước; nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biển, hải quân, quốc phòng, sớm triển khai kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban Hỗn hợp về các vấn đề Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn hai nước đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khác như quản lý an ninh thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Hai bên đánh giá cao sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành hai nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới ngư dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Philippines đã đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam; đề nghị Philippines sớm giải quyết cho ngư dân Việt Nam nhanh chóng trở về đoàn tụ gia đình. Tổng thống Benigno Aquino bày tỏ sự biết ơn phía Việt Nam đã giải cứu 6 ngư dân Philippines, đưa họ trở về nước an toàn và cam kết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục để đưa ngư dân Việt Nam trở về nước.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines đều nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đoàn kết nội khối. Tổng thống Philippines mong Việt Nam tham gia tích cực Cấp cao APEC 2015 tại Philippines và nhấn mạnh Philippines cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 2917.
Thủ tướng chia sẻ nguyên tắc duy trì hoà bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau trên Biển Đông với Tổng thống Philippines.
Về vấn đề biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc duy trì hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau, hợp tác thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, hàng không, bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); kêu gọi tất cả các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình, trong đó có việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Hội kiến Thủ tướng Thái Lan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trên tất các các lĩnh vực. Đánh giá cao kết quả kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ hai nước lần thứ 2 vừa tổ chức tại Hà Nội. Nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; kết nối du lịch, giao thông vận tải, cả đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Hai Thủ tướng đã thảo luận các biện pháp để thúc đẩy kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trước thời hạn 2020. Theo đó, hai bên cần có các biện pháp tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh giao thương hàng hóa, nhất là các loại hàng hóa hai nước có thế mạnh; tìm kiếm các biện pháp mới như thanh toán bằng đồng nội tệ của mỗi nước; hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo, cao su, hồ tiêu. Thủ tướng Thái Lan cho biết sẵn sàng tạo điều kiện để Việt Nam mở chi nhánh ngân hàng tài Thái Lan.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí việc cần giải quyết một cách hữu nghị, nhân đạo những trường hợp tàu thuyền, ngư dân 2 bên vi phạm vùng biển của nhau. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhất trí hai bên hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này, đồng thời nghiên cứu để hợp tác đánh bắt chung giữa hai nước hoặc giữa hai nước với một nước thứ 3; đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn sinh sống ổn định tại Thái Lan. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam lao động tại Thái Lan, đồng thời hai bên sớm ký Thỏa thuận hợp tác về lao động.
Hai Thủ tướng nhất trí sớm tiến hành họp Nội các chung. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn và nhận lời mời của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thăm Chính thức Thái Lan và đồng chủ trì họp Nội các chung giữa hai nước.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Thái Lan trong vai trò là nước điều phối ASEAN - Trung Quốc đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi giữa hai bên về vấn đề Biển Đông. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, hàng không, bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); kêu gọi tất cả các bên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng thêm tình hình, trong đó có việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đơn phương thay đổi nguyên trạng; nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông (COC).
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng Na Uy: "Bản thân đã trải nghiệm, tôi hứa sẽ thêm nhiều người dân đến Việt Nam" Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/4/2015. Sau lễ đón được tổ chức trọng thể vào sáng 17/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Erna Solberg đã tiến hành hội đàm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào đón Thủ tướng Na Uy...