Trải nghiệm card đồ hoạ GIGABYTE RTX 2080 Ti Gaming OC: 36,5 triệu đồng cho một thú vui tao nhã
Ngay từ những ngày đầu hứng thú với video game, mình luôn hiểu rằng đây là một thú vui cực kỳ tao nhã nhưng cũng vô cùng tốn kém.
Cũng chính vì vậy mà nói thật mình cũng chả bất ngờ khi thế hệ card đồ hoạ Nvidia GeForce RTX 20 series có mức giá khiến nhiều người phải khóc thét. GIGABYTE RTX 2080 Ti Gaming OC là ví dụ điển hình, khi mà tiền mua nó đủ để bạn có thể sắm một chiếc laptop gaming tầm trung hoặc một chiếc iPhone XS Max 256 GB,… Ơ, kể một hồi thì hoá ra cũng chả có món đồ công nghệ cao cấp nào giá rẻ cả.
Như mọi năm, GIGABYTE chào sân game thủ với dòng sản phẩm Gaming OC trước khi tung ra con át chủ bài AORUS cao cấp nhất của mình. Nói thế nhưng RTX 2080 Ti Gaming OC cũng chẳng phải dạng vừa, với việc sử dụng bộ xử đồ hoạ GeForce RTX 2080 Ti mạnh nhất dành cho gaming của Nvidia và hệ thống tản nhiệt WindForce trứ danh. Mức giá 36,5 triệu đồng cũng không phải là đắt nhất so với các bạn bè cùng trang lứa.
Thông số kỹ thuật:
Bộ xử lý đồ hoạ: RTX 2080 Ti
Số nhân CUDA: 4352
Tốc độ xung nhịp: 1665 MHz (OC mode)
Bộ nhớ: 11 GB GDDR6 352 bit
Nguồn phụ: 8 8 pin
SLI: Nvidia NVLINK
Cổng kết nối: DisplayPort 1.4 x 3, HDMI 2.0b x1, USB-C x1
Giá bán lẻ: 36.490.000 đồng
Bảo hành: 3 năm
Thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt
Không khác biệt nhiều so với thệ hệ trước
RTX 2080 Ti Gaming OC (mình sẽ gọi tắt là 2080 Ti OC) vẫn trung thành với ngôn ngữ thiết kế truyền thống của GIGABYTE, đơn giản không cầu kỳ và đề cao hiệu quả. Card sử dụng tông màu đen xám chủ đạo, kết hợp những chi tiết góc cạnh mạnh mẽ và hệ thống tản nhiệt 3 quạt WindForce. Độ hoàn thiện cực tốt, tương xứng với tư cách là một trong những dòng card đắt tiền nhất hiện nay. Ngày xưa mình từng rất thích kiểu tản lồng sóc của dòng Founder Edition, nhưng kể từ khi Nvidia chuyển qua phong cách bếp ga thì bớt yêu lại rồi.
Video đang HOT
Như mọi khi thì GIGABYTE cũng trang bị cho 2080 Ti OC backplate kim loại. Khác với năm ngoái, backplate được ốp vào GPU và chip nhớ nên sẽ đóng vai trò như một phiến tản nhiệt lớn bên cạnh việc làm đẹp và bảo vệ.
Nhiệt từ GPU và chip nhớ sẽ được rút ra bằng 6 ống đồng, dẫn đến các lá tản nhiệt được chia làm 3 khối trải dài trên thân card.
Nhiệt sau đó sẽ được đẩy ra ngoài bằng 3 quạt 80 mm, với thiết kế cánh có vân để tăng lượng gió và giảm ồn. Một điểm thú vị là quạt ở giữa sẽ quay ngược chiều với 2 cái còn lại, giúp không khi lưu thông tốt hơn.
Bên cạnh HDMI và DisplayPort tiêu chuẩn, một điểm nhấn của thế hệ card RTX 2080 Ti mới là bổ sung thêm USB-C. Điều này cho phép bạn có thể xuất tín hiệu lẫn cấp điện cho màn hình cũng như các kính VR sử dụng USB-C, nói chung là rất tiện.
Về cơ bản thiết kế của card màn hình cao cấp năm nay, ít nhất là đợt đầu tiên không có quá nhiều khác biệt so với những thế hệ đi trước. 2080 Ti OC vẫn dùng khe cắm PCIe 16x, chiếm 2 slot khi gắn vào máy và yêu cầu nguồn phụ 8 8 pin cùng bộ nguồn tối thiểu 650 W. Chúng ta có đèn LED RGB tích hợp vào logo GIGABYTE trên thân card.
Hứa thật nhiều, làm một nửa
Vẫn là một chiếc card xuất sắc về hiệu năng
Nvidia cũng giống như nhiều hãng công nghệ hiện nay, hứa hẹn rất nhiều với RTX 2080 Ti. Nổi bật trong đó là công nghệ ray tracing giúp hình ảnh chân thật hơn, DLSS sử dụng AI để khử răng cưa nâng chất lượng. Và dĩ nhiên, sự cải thiện hiệu năng so với những dòng card màn hình trước đây. Trong hằng hà sa số lời hứa đó, Nvidia mới chỉ thực hiện được phân nửa khi hiệu năng của RTX 2080 Ti quả thật là vượt trội so với GTX 1080 Ti trước đây.
Để kiểm chứng điều này, mình đã sử dụng hệ thống thử nghiệm với cấu hình như sau: Intel Core i7-8700K, bo mạch chủ ASUS Z370 Maximus X, 16 GB DRR4-3200 Kingmax Zeus, nguồn FSP Hydro PTM 750 W, hệ điều hành Windows 10 Home và màn hình ASUS XG32VQ. Kết quả ở một số bài benchmark và tựa game phổ biến như sau:
3DMark Time Spy
Shadow of The Tomb Raider (DX12, max setting, 2560×1440@144 Hz)
Deus Ex: Mankind Divided (DX12, max setting, 2560×1440@144 Hz)
Mordor: Shadow of War (DX11, max setting, 2560×1440@144 Hz)
Do màn hình của mình chỉ hỗ trợ đến 2560×1440@144Hz nên hẹn các bạn ở bài viết sau với độ phân giải 4K. Thực tế cho thấy là trải nghiệm mà RTX 2080 Ti mang lại rất ấn tượng, còn bạn không ấn tượng thì thôi cũng chịu vì giờ chả có card gaming nào mạnh hơn nữa rồi. Tuy vậy cũng có thể thấy là ngay cả ở 2560×1440, sức mạnh của RTX 2080 Ti vẫn chưa đủ để bạn có thể khai thác hết khả năng của những trò chơi nổi tiếng là sát phần cứng như Shadows of The Tomb Raider.
RTX 2080 Ti OC được ép xung sẵn lên 1665 MHz so với tiêu chuẩn 1545 MHz của Nvidia, để cải thiện thêm hiệu năng. Tuy vậy sử dụng thực tế thì với hiệu điện thế (voltage) và điện năng cấp (Power) được GIGABYTE thiết lập, xung nhịp của card có thể biến thiên lên tối đa 1890 MHz. Card hoạt động khá êm ái ngay cả khi fullload, với nhiệt độ tối đa 70 độ trong môi trường phòng máy lạnh 24 độ.
Vấn đề lớn nhất của GIGABYTE RTX 2080 Ti Gaming OC hiện nay không nằm ở bản thân nó, mà là ở việc Nvidia và các nhà phát triển game có giữ được lời hứa hay không. Rất nhiều công nghệ mới như ray tracing, DLSS vẫn chỉ gói gọn trong các bản demo mà chưa được áp dụng vào thực tế. Thậm chí là mình đã mua trò Shadow of The Tomb Raider với kỳ vọng sẽ trải nghiệm hiệu ứng ray tracing, nhưng đợi mỏi mòn vẫn chưa thấy Square Enix cập nhật.
Lời kết
Nói cho tròn thì hiện nay vẫn còn quá sớm để đánh giá khả năng của GIGABYTE RTX 2080 Ti cũng như các dòng card GeForce 20 series. Bên cạnh hiệu năng thuần được cải thiện thì vẫn còn những công nghệ mới đầy triển vọng trong tương lai nhưng chẳng xài được ở hiện tại như ray tracing và DLSS. Vấn đề đặt ra lúc này là liệu GIGABYTE RTX 2080 Ti có đáng mua hay không?
Xin khẳng định luôn nếu bạn đủ tiền thì nó hoàn toàn đáng, vì đây là một trong những dòng card màn hình mạnh nhất hiện nay và ít nhất là trong vòng 12 tháng tới. Bạn có thể chê Nvidia chưa thực hiện lời hứa để giúp chúng ta tận dụng hết sức mạnh của nó, nhưng móc số ra đọ thì cũng chả dòng nào bằng được RTX 2080 Ti. Còn nếu không đủ kinh phí, ừ thì có lẽ chuyện đáng hay không cũng không còn quan trọng nữa
Theo Tinh Te
Trên tay Gigabyte RTX 2080 Gaming OC 8G với tản nhiệt 3 quạt
Như vậy là một trong những chiếc card RTX 2080 đầu tiên đã về Việt Nam và phiên bản mình trên tay là bản custom của Gigabyte với tên gọi GeForce RTX 2080 Gaming OC 8G.
Thời gian mượn không lâu nên mình chưa thể test được hiệu năng của chiếc card này nhưng với hệ thống tản nhiện mạnh hơn với 3 quạt và hỗ trợ OC thì mình nghĩ phiên bản RTX 2080 của Gigabyte sẽ có hiệu năng nhỉnh hơn so với phiên bản Founder Edition.
Ngay khi ra mắt RTX 2080 thì thiết kế của phiên bản Founder Edition đã nhận được không ít lời bàn tán từ giới mộ điệu. Sau nhiều thế hệ card đồ hoạ thì đến RTX 20 series Nvidia đã chính thức từ bỏ thiết kế 1 quạt kèm tản nhiệt lồng sóc cũ mà thay vào đó là hệ thống tản nhiệt 2 quạt với heatsink cỡ lớn giống như các phiên bản custom của OEM. Điều này cũng thể hiện một điều rằng GPU mới mạnh hơn nhưng cũng sẽ nóng hơn và cần hệ thống tản nhiệt tốt hơn. Nhiều người còn ví thiết kế card mới của Nvidia giống cái bếp ga 2 lò, với phiên bản Gigabyte này thì nhìn đỡ hơn nhiều.
Chiếc card này dùng công nghệ tản nhiệt Windforce đặc trưng với 3 quạt với công nghệ quạt chống nhiễu động khí rất khác biệt so với các dòng card cao cấp còn lại của hãng như AORUS hay XTREME Gaming. 2 quạt ngoài cùng sẽ quay cùng chiều nhau còn quạt giữa sẽ quay ngược chiều để cân bằng dòng khí. Thêm nữa là thiết kế quạt với các đường rãnh 3D, chức năng là để chia luồng khí và dẫn hướng luồng khí xuống các heatsink bên dưới.
Chiếc card có 3 cụm heatsink lớn và 6 ống đồng. GPU đặt ngay dưới cụm heatsink giữa với 10 điểm tiếp xúc. Hệ thống tản nhiệt này đủ để làm mát cho con GPU TU104 với mức TDP 215 W. Hệ thống VRM, RAM GDDR6 cũng được tản nhiệt qua hệ thống heatsink này.
Thiết kế tổng thể của RTX 2080 Gaming OC 8G vẫn tương tự phiên bản trước, có đèn RGB Fusion đồng bộ với các phần cứng khác của Gigabyte nhưng trang bị cổng kết nối có phần thay đổi tương tự như phiên bản FE của RTX 2080 đó là bên cạnh các cổng trình xuất như 2 x DisplayPort 1.4 và HDMI 2.0b thì nó có thêm cổng USB-C cho VirtualLink - một chuẩn mới được thiết kế dành cho các loại kính thực tế ảo (VR) thế hệ mới khi với chỉ 1 sợi cáp USB-C với băng thông lớn, nó hỗ trợ đầy đủ tín hiệu hình ảnh và cấp điện luôn cho thiết bị thay vì phải đi nhiều dây như hiện tại.
Một điểm cần lưu ý nữa là số cổng nguồn trên RTX 2080 cũng nhiều hơn so với thế hệ trước như GTX 1080 với combo 8 pin 6 pin, nguồn tối thiểu 650 W. Trong khi đó phiên bản trước chỉ cần một cổng 8 pin với nguồn tối thiểu 500 W. Như vậy thế hệ RTX 2080 dùng nhiều điện hơn hẳn, anh em đang dùng nguồn 550 W sẽ cần phải nâng cấp cả PSU nếu mua card mới.
Về cầu kết nối đa card thì GeForce RTX 20 series trở đi sẽ dùng cầu NVLink với băng thông nhiều hơn gấp 50 lần so với PCIe. NVLink được thiết kế để thay thế giao tiếp chéo giữa GPU với GPU và CPU thông qua PCIe switch, giờ đây với thế hệ NVLink 2.0 thì toàn bộ kết nối giữa GPU - GPU và CPU đều được đảm nhận bởi NV switch với băng thông cao hơn 50 lần so với PCIe. Với NVLink thì chúng ta cũng cần phải mua cầu NVLink SLI mới để dùng với hệ thống nhiều GPU RTX 20 series.
Thống số của phiên bản Gigabyte RTX 2080 Gaming OC 8G không có nhiều khác biệt so với phiên bản RTX 2080 FE của Nvidia với cùng GPU TU104 với 2944 nhân CUDA, hỗ trợ Real-Time Raytracing tích hợp Tensor Core để hỗ trợ các công nghệ AI và xử lý DLSS. Dung lượng VRAM vẫn là 8 GB GDDR6 với độ rộng bus nhớ 256-bit cho băng thông 448 GB/s. Dù vậy với hệ thống tản nhiệt mạnh hơn thì xung nhịp của GPU hứa hẹn sẽ trên mức 1800 MHz (OC). Sức mạnh của RTX 2080 vẫn là một ẩn số dù Nvidia đã công bố là mạnh hơn 6 lần so với thế hệ trước.Thực hư thế nào thì anh em đợi bài đánh giá chi tiết nhé.
Theo Tinh Te
Trên tay Dell G7 15 - Thiết kế đẹp, đồ họa GTX 1060 Max-Q, hỗ trợ cả Thunderbolt 3 G715 thuộc thế hệ laptop gaming mới của Dell với những thay đổi rõ rệt về ngôn ngữ thiết kế, mang đến game thủ một sản phẩm hiện đại, cấu hình phần cứng đủ mạnh đáp ứng yêu cầu công việc lẫn giải trí di động. Đặc biệt giá bán của Dell G715 (tên mã Inspiron 7580) cũng phù hợp với số đông...