Trải nghiệm ‘cánh đồng bất tận’
Những ai từng xem bộ phim ‘ Cánh đồng bất tận’ chắc hẳn khó quên khung cảnh thôn dã Nam bộ thẳng cánh cò bay, những trảng cỏ bàng miên man kéo dài đến tận chân trời.
Du khách tham quan vùng sông nước trong khu du lịch “Cánh đồng bất tận”. Ảnh: KDL.
Và chính tại nơi quay nhiều trường đoạn của bộ phim dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có một khu du lịch sinh thái mang tên “Cánh đồng bất tận”.
Khu du lịch này nằm ở thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách TPHCM khoảng 80km nếu di chuyển theo hướng Quốc lộ 22. Du khách có thể tự túc đi lại bằng xe máy, ô tô, tự tổ chức tour hoặc đặt tour thông qua các công ty du lịch. Do khu du lịch nằm trong vùng kênh rạch chằng chịt nên ô tô, xe máy không thể vào tận nơi. Khi tập kết tại điểm đỗ xe, khách sẽ được tắc ráng (xuồng máy) của khu du lịch đưa vào khu trung tâm.
Nguyên khu này là vùng đất ngập nước, thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Tại đây có hơn 1.000 ha rừng tràm gió nguyên sinh trăm tuổi. Không những vậy đây còn là điểm bảo tồn hơn 80 loại thảo dược quý hiếm.
Đến với khu du lịch “Cánh đồng bất tận”, du khách có thể cảm nhận ngay sự mộc mạc của vùng thôn dã Nam bộ với những cánh đồng bát ngát, những con sông uốn lượn quanh co, những ngôi nhà ven sông, những đám lục bình nở hoa tim tím, những cánh đồng sen, súng bạt ngàn, những con đò lênh đênh trên mặt nước.
Điểm đến đầu tiên là khu đền thờ tưởng nhớ hai vị danh sư của y học cổ truyền là Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông và Anh hùng lao động Nguyễn Văn Bé, người có công khai phá và phát triển vùng đất này.
Video đang HOT
Và chắc chắn điểm đến gây tò mò cho nhiều du khách là cánh đồng cỏ bàng với diện tích rộng hơn 100 ha, nơi quay nhiều cảnh trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Phim trường vẫn còn lưu giữ được nhiều khung cảnh của bộ phim như căn nhà tranh, cầu gỗ tràm, cánh đồng, hồ sen… Đối với những người thích chụp ảnh “check-in”, đây là điểm đến khó có thể bỏ qua.
Sau đó, khách có thể ghé thăm vườn dược liệu, được thưởng thức món khoai mì (sắn) nước cốt dừa và uống trà lá sen trắng do nhân viên khu du lịch trồng và chế biến. Khách có cơ hội tìm hiểu các loại cây dược liệu quý như bạch đàn chanh, tràm trà…
Để hiểu thêm đời sống vùng đất ngập nước, tập quán, sinh hoạt của dân địa phương, du khách có thể đăng ký trải nghiệm hoạt động “dỡ lợp bắt cá”, len lỏi qua từng con kênh, khám phá đời sống hoang dã của hệ sinh thái động thực vật đặc trưng miệt nước nổi.
Khách còn có thể đi thăm nhà máy sản xuất dược liệu Mộc Hoa Tràm, chứng kiến quy trình bào chế nấm vân chi, quy trình bào chế thuốc. Chiều đến thì tắm sông, đi xe đạp dạo quanh vùng đầm lầy ngắm nhìn những đàn cò trắng bay lượn, xa xa là những đụn khói lam chiều cất lên từ căn bếp của nhà dân.
Khi tất cả đã thấm mệt sau nhiều giờ hoạt động, khách nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn đậm chất địa phương, với những sản vật từ vùng đất ngập nước như gỏi ngó sen tôm thịt, lươn um lá nhàu. Nhàu hay còn gọi là cây ngao, là một trong những loại cây thuốc quý thường mọc ở những vùng đất ẩm ướt như bên cạnh kênh, rạch, sông ngòi. Hoặc cũng có thể thưởng thức các món dân dã rất phổ biến ở nông thôn miền Nam như cá lóc nướng cuộn rau rừng, rau luộc tập tàng (nhiều loại rau) chấm kho quẹt, lẩu gà nấu chua ăn kèm bún tươi…
Vì khu du lịch rộng, nhiều hoạt động nên lý tưởng là chọn tour 2 ngày 1 đêm. Nếu ở lại đêm, du khách có thể tham gia hoạt động đi xuồng ngắm hoa súng nở, nghe hướng dẫn viên kể chuyện thời kháng chiến chống Mỹ, với những giai thoại về lực lượng du kích yêu nước đã chiến đấu và trú ẩn trong vùng đất ngập nước này ra sao.
Sáng hôm sau, trước khi ra về, khách có thể ghé mua các sản vật địa phương như tinh dầu tràm, xà phòng, tràm trà…
Check-in cánh đồng rễ đẹp mơ màng ở Chí Linh, Hải Dương
Đã có từ vài trăm năm, đến nay vẫn được người nông dân Côn Sơn tôn trồng, vẻ đẹp khu bãi cây rễ tại rừng thông Côn Sơn (phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ngày càng thu hút du khách trên khắp mọi miền đến trải nghiệm, chụp ảnh.
Cây rễ còn có tên khác là cây thanh hao hay Kim Sa Tùng, với cành nhỏ vươn dài, lá hình cánh kim, khi thu hoạch dùng làm chổi, rễ quét nhà.
Bãi rễ ở Côn Sơn gắn liền với truyền thuyết "Ông trồng thông, bà cấy rễ". Chuyện xưa kể lại, cụ Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, sau khi về trí sĩ ở vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc, ngày ngày cụ ông trồng thông trên núi Côn Sơn, còn cụ bà cấy cây rễ phủ khắp vùng đất hoang sơ dưới chân núi.
Trải qua thời gian hàng trăm năm, rừng thông, cánh đồng cây rễ phát triển đã tạo cho Côn Sơn có một cảnh sắc nên thơ tuyệt đẹp.
Đến mùa thu hoạch, cây rễ được người nông dân cắt ngả như cắt lúa, bó thành gánh rồi gánh về nhà phơi khô. Khi rễ đã khô, phần lá sẽ được đập bỏ, phần thân còn lại có thể bán làm chổi.
Cây rễ mỗi năm cho thu hoạch một lần, sau đó tái chăm sóc đến tháng 11 năm sau lại thu hoạch. Mùa đẹp nhất để chụp ảnh là khi cây rễ sắp vào độ thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Khiêm (khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hoà, TP. Chí Linh) thầu một diện tích trồng cây rễ rộng 3 ha trong tổng cộng 15 ha rễ ở Côn Sơn. Khu đồng rễ của gia đình ông ở phía trong cùng, nằm xen với rừng thông tạo nên cảnh sắc vô cùng lãng mạn, nên thơ.
Từ năm 2013 đến nay, khu đồng cây rễ của gia đình ông Khiêm thu hút rất đông du khách đến tham quan và chụp ảnh vào dịp cuối tuần.
Cánh đồng rễ của ông Khiêm nằm dưới hàng thông bạt ngàn, xa xa là những dãy núi trùng điệp tạo nên bức tranh cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Ông Khiêm cho biết thời điểm cánh đồng rễ đẹp nhất vào khoảng tháng 8 âm lịch, khi tiết trời chuẩn bị vào thu có nắng vàng, cây cũng đã cao vừa độ, xanh tốt, sắp được thu hoạch.
Những năm trước, khi khách đến còn ít, ông Khiêm không thu phí. Gần đây, du khách đến chụp ảnh đông phần nào gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, tình trạng vứt rác bừa bãi, bẻ cây rễ xảy ra nên ông có thu phí để có kinh phí cho việc dọn dẹp rác, trồng mới cây rễ ở những chỗ du khách đứng chụp ảnh giẫm chết cây.
Mức thu phí phụ thuộc vào lượng khách, đối với khách đi lẻ, ít người ông Khiêm thu 25.000 - 30.000 đồng/khách.
Khung cảnh mênh mông, thơ mộng của cánh đồng bãi rễ thời gian gần đây thu hút rất nhiều bạn trẻ tới thăm thú, chụp ảnh. Nhiều cặp đôi tìm đến để thực hiện những bộ ảnh cưới.
Nhiều người còn tìm đến đây để tổ chức các buổi dã ngoại vì khung cảnh đẹp, không khí trong lành mát mẻ.
Chị Nguyễn Thị Phượng (Thái Nguyên) cho biết đợt nghỉ lễ 2/9 dài ngày được bạn bè mời ra Hải Dương chơi: "Ở đây tuy k có nhiều dịch vụ nhưng không khí rất mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ rất đẹp. Chỗ tôi cũng có cây này nhưng phần lớn là tự mọc rải rác ở trên núi, tôi không nghĩ là khi được trồng thành cả một cánh đồng thì lại đẹp thế này".
Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (Hải Phòng) từng được bạn bè kể nhiều về cánh đồng bãi rễ nổi tiếng của Côn Sơn. Đợt nghỉ lễ 2/9 dài ngày chị cùng gia đình mới có dịp đến thăm thú, vãn cảnh nơi đây. "Không khí ở đây rất mát mẻ trong lành, cảnh sắc thì vô cùng đẹp. Tôi có cảm giác cánh đồng này tựa như những cảnh quay trong phim Hàn Quốc mà tôi từng xem", chị Hằng cho biết.
Cây rễ có mùi hương thơm rất đặc trưng, dịu quyện vào trong gió cùng cảnh đẹp xanh mướt của bãi rễ bao quanh là rừng thông xa xa có những dãy núi... Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Cánh đồng rong mơ dưới biển hút khách ở Bình Định Ngày 19-6, ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, những ngày qua, có rất đông người dân, du khách đổ xô đến xã biển này để trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng tại bãi rong rêu dưới biển gần đảo Hòn Khô (xã bán đảo Nhơn Hải)....