Trải nghiệm beta Fallout 76: Cần có một phép màu
Trong tình trạng hiện tại, bản beta Fallout 76 trên PC sẽ khiến game thủ choáng váng, không phải vì sự hấp dẫn mà bởi sự cẩu thả và bất tài của Bethesda.
Đợt thử nghiệm beta Fallout 76 dành cho PC đã bắt đầu vào ngày hôm nay, và đúng với dự đoán (nhưng trái với mong đợi) của game thủ khắp thế giới, ngày beta này không hề suôn sẻ. Khá nhiều game thủ đã thông báo rằng họ bị một bug lớn với tựa game của Bethesda: khi bấm nút Play, nó… xóa luôn toàn bộ client game nặng gần 50GB và buộc game thủ phải tải lại mọi thứ từ đầu. Một số game thủ nói họ mất sạch dữ liệu game ngay cả khi chỉ mở Bethesda Launcher chứ chưa cần bấm nút Play.
Phản hồi của Bethesda sau khi bug này ảnh hưởng đến rất nhiều game thủ.
Không rõ bao nhiêu game thủ bị ảnh hưởng bởi bug này, nhưng diễn đàn hỗ trợ khách hàng của Bethesda gần như “nổ tung” với những chủ đề báo lỗi. Trước tình hình đó, Bethesda đã phải công bố rằng họ biết về vấn đề đang xảy ra và đang xem xét điều gì sẽ xảy ra.
Đây chưa phải là bug xóa dữ liệu tệ hại nhất, bởi nó chỉ xóa bản cài Fallout 76 trên máy game thủ. Bug tương tự xảy ra hồi năm 2001 với tựa game Pool of Radiance: Ruins of Myth Drannor kinh hoàng hơn nhiều: khi bạn gỡ trò chơi này, nó sẽ xóa toàn bộ các file hệ thống trên máy tính. Tuy nhiên, điều xảy ra với Fallout 76 lại là một điềm báo cho vô số vấn đề mà game thủ sẽ gặp phải trong tương lai, với một phần mềm thuộc hàng… rác rưởi như Bethesda Launcher và “truyền thống” làm game tràn ngập bug của Bethesda.
Trải nghiệm game
Thật may mắn là Mọt tui không nằm trong nhóm những người gặp lỗi trên, nên đã kịp chơi thử vài tiếng beta Fallout 76 trước khi bắt tay vào thực hiện bài viết này để chia sẻ trải nghiệm của mình cùng các bạn.
Và thật đáng tiếc, điều đầu tiên mà tác giả cảm nhận được khi chơi Fallout 76 là nó không phải một game dành cho PC. Nói đến một game PC, bạn nghĩ đến những gì? Sự tự do khi tinh chỉnh đồ họa? Độ phân giải linh hoạt? Phù hợp với nhiều cấu hình máy? Điều khiển tiện lợi bằng chuột – phím? Tin buồn cho các bạn: trong thời điểm hiện tại, bản beta Fallout 76 hoàn toàn không hỗ trợ bất kỳ điều gì trong số những thứ vừa được nhắc đến.
Đây là tất cả các tùy chỉnh đồ họa của game hiện tại.
Cụ thể, game không hỗ trợ màn hình Ultra Wide thời thượng (21:9, 36:10) mà chỉ hỗ trợ 16:9 bình thường. Nó cũng không cho phép bạn thay đổi góc nhìn (FOV), mà bó buộc ở mức 70 độ. Trong file .ini của game, có hai dòng mã quy định FOV nhưng sau khi thử thay đổi, Mọt tui không nhìn thấy bất kỳ sự khác biệt nào. Game cũng không cho phép bạn chỉnh… khử răng cưa, một tùy chọn tồn tại trong gần như mọi tựa game PC hiện tại. Game thủ có thể ép card đồ họa khử răng cưa nếu sử dụng NVIDIA Control Panel, nhưng sự vắng bóng của tùy chọn này trong một tựa game PC là không thể chấp nhận được.
Vị trí của Vault 76 trong game.
Chưa hết, Fallout 76 là một bản chuyển hệ (port) hạng bét của console lên PC, chứ không phải một tựa game PC. Khi chơi beta Fallout 76 trên PC với chuột – bàn phím, bạn muốn có khả năng điều khiển linh hoạt bằng hơn 100 phím bấm khác nhau chứ không phải sự gò bó của tay cầm, nhưng Bethesda hoàn toàn thất bại trong việc tạo ra một cách điều khiển hợp lý cho bản PC của Fallout 76. Enter để xác nhận nghe khá bình thường, nhưng bấm… Tab để hủy bỏ? Z và C để xoay vật phẩm? Túi đồ tối giản thiết kế cho console? Nhiều phím bấm không thể chỉnh sửa? Không tắt được Motion Blur, Depth of Field (hai tính năng làm mờ nhòe khung hình mà Mọt tui rất ghét)? Thiếu bảng chat bằng chữ? Không có tùy chọn bật/tắt (toggle) hai động tác ngắm bắn và ngồi? Tất cả những điều trên cho Mọt tui thấy rằng Fallout 76 là một tựa game console được gấp rút chuyển hệ lên PC cho kịp ngày ra mắt.
Hiệu năng của game cũng tỏ ra rất bất ổn. Nếu bạn không có gì ngoài điều kiện và đang sở hữu RTX 2080 mới nhất, game có thể chạy tốt ở 4K, Ultra, số khung hình trên 100, nhưng với 1080 Ti, Mọt tui phải giảm đồ họa xuống… medium trên màn hình chỉ 25601440. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, game thủ cũng có trải nghiệm trái ngược nhau: một số nói rằng game quá nặng, trong khi số khác nói game chạy mượt mà.
Người than giật, kẻ nói mượt.
Khối đá có vân bề mặt sơ sài.
Ánh sáng mặt trời đến từ… lòng đất.
Đó là chuyện kỹ thuật. Giờ đến lối chơi. Dù biết game hiện còn trong giai đoạn beta, Fallout 76 vẫn khiến tác giả cảm thấy cô đơn đến lạ kỳ, điều chưa từng xảy ra trong những tựa game Fallout trước dù chúng là game chơi đơn, trong khi Fallout 76 là game chơi mạng. Nguyên nhân của điều này có lẽ là do Bethesda quyết định không để bất kỳ một NPC nào tồn tại trong Fallout 76. Tất cả những gì chúng ta có thể gặp phải chỉ là lũ robot vô hồn, hoặc những con quái vật muốn “xin tí tiết” mà thôi.
Việc không đưa NPC vào game còn gây ra một hậu quả khác. Thỉnh thoảng Mọt tui nhận được nhiệm vụ đi tìm anh A, chị B vì một lý do gì đó, nhưng lại biết thừa rằng khi đến nơi, mình sẽ chỉ nhìn thấy cái xác của nhân vật đó bên cạnh một Holotape bạn cần để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong khi đó những người chơi khác rất hiếm khi xuất hiện, và ngay cả khi họ xuất hiện, khả năng rất cao là bạn cũng chẳng thể giao tiếp được với họ vì rào cản ngôn ngữ, hoặc bị phớt lờ.
Đi đến đâu bạn cũng chỉ có thể tìm thấy xác chết và Holotape.
Một lần PvP hiếm hoi, khi một người giấu sau vách tường cho turret bắn.
Tính năng PvP của bản beta Fallout 76 cũng bị hạn chế mạnh mẽ, bởi nhân vật chỉ có thể PvP khi người kia phản kích. Nếu PK, có những trừng phạt rất nặng đang chờ đợi bạn, chẳng hạn một debuff kéo dài 2 giờ (không tính thời gian thoát game) và thông báo vị trí của bạn cho tất cả người chơi khác trên bản đồ. Trong khi đó việc tử nạn không khiến bạn mất gì nhiều ngoài những thứ nguyên liệu linh tinh chưa kịp cất giữ. Những hạn chế này khiến game thủ rất ít khi giao tiếp với nhau, trừ khi game thủ có sẵn một nhóm 4 người chơi cùng nhau, và cản trở trò chơi trở thành một tựa game multiplayer thực thụ. Những game thủ không thích PvP thậm chí còn có thể bật chế độ hòa bình để không phải nhận sát thương từ người khác.
PvP đã chán, PvE cũng không khá hơn. Do đặc trưng là một game chơi mạng, Fallout 76 không thể tạm dừng thời gian vì bất kỳ lý do gì, bao gồm khi bạn bật VATS nên việc chiến đấu tỏ ra rất vụng về và cập rập. Cảm giác bắn súng của game rất chán – điều đặc trưng của series Fallout, trừ Fallout 4 có sự giúp đỡ của id Software – trong khi VATS chỉ là một tính năng aim-assist đơn giản. AI của các loại quái vật tỏ ra khá đần độn khi có thể kẹt vào bất kỳ thứ gì trong môi trường, bao gồm những khối đá cao chưa đến đầu gối!
Mọt tui cũng có thể bắn đạn cầu vồng chả khác gì trong Wanted!
Kỹ thuật kém, lối chơi nhàm, cả đồ họa cũng là một điểm yếu của game. Là một tựa game được phát triển bởi một studio giàu kinh nghiệm, thừa tiền của và nhân lực, nhưng Fallout 76 lại có những vấn đề lớn về đồ họa. Nhiều vật thể có vân bề mặt (texture) tương tự game từ thế kỷ trước, mặt nước chỉ là một mặt phẳng xấu xí, các vật thể “nhảy” vào khung hình…
Mặt nước của một game thời 2018.
Khi chơi beta Fallout 76, Mọt rất bất ngờ khi nhận ra có một điều mà Bethesda đã hoàn thiện ngay trong giai đoạn beta này: tính năng microtransaction. Dù nó chưa được mở trong giai đoạn beta, Fallout 76 đã có một hệ thống bán hàng ảo bằng tiền thật “xịn” gọi là Atomic Shop, sẵn sàng để hút máu khi game ra mắt sau 2 tuần nữa. Điều an ủi duy nhất có lẽ là giám đốc Bethesda Peter Hines thề thốt rằng những vật phẩm được bán trong Atomic Shop bằng Atom (đơn vị tiền ảo của game) chỉ đơn thuần là trang trí. “Bạn không bị ép buộc phải bỏ tiền vào Atomic Shop để mua đồ. Chúng tôi sẽ cho bạn rất nhiều Atom khi chơi game.”
Các vật thể “nhảy” vào khung hình.
Tóm lại, Mọt tui cho rằng Bethesda sẽ cần mượn đèn thần của Aladdin, phép màu của bà tiên hay sự phù hộ của bất kỳ thần phật nào họ có thể nghĩ đến để biến bản beta Fallout 76 rác rưởi hiện tại trở thành một tựa game hấp dẫn trong vòng 2 tuần. Có thể Fallout 76 sẽ trở nên rất hấp dẫn trong vài tháng hoặc vài năm nữa, khi Bethesda thực sự hoàn thiện trò chơi, nhưng vào lúc này, nó chỉ là một tựa game mì ăn liền được làm ra để hút máu, không hơn không kém.
Theo motgame
Ragnarok M: Eternal Love mang lại trải nghiệm không khác gì PC bằng việc bỏ auto nhiệm vụ
Ragnarok M: Eternal Love chính thức ra mắt phiên bản SEA đồng thời ưu ái gamer trong nước khi hỗ trợ cả ngôn ngữ tiếng Việt
Gameplay Ragnarok M: Eternal Love
Ragnarok M: Eternal Love có thể nói là một trong những đầu game được chuyển thể lên nền mobile vô cùng tự tin khi nói không với tính năng auto click nhiệm vụ. Với đa số game MMORPG thời kì bây giờ, bạn chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với những quá trình làm nhiệm vụ có phần giản đơn khi người chơi chỉ việc click vào tab nhiệm vụ, nhân vật sẽ tự động chạy đi lấy đồ, đánh quái thu thập.
Tuy nhiên thì quay ngược trở lại khoảng thời gian 10 năm về trước, khi ấy nhiệm vụ trong hầu hết các game online client đều đòi hỏi game thủ tự tìm hiểu và làm theo hướng dẫn không hề dễ dàng và Ragnarok là một trong số đó. Chính vì thế mà việc không đi theo xu hướng thị trường của bản mobile Ragnarok M: Eternal Love khiến không ít người chơi bất ngờ đồng thời cực thích thú khi những trải nghiệm trên nền mobile này thực sự không quá khác xa với phiên bản game online huyền thoại.
Có thể nói chính tính năng quen mà lạ này của Ragnarok M: Eternal Love là điều khiến người chơi không thể không chơi tiếp ngay từ lần chạm đầu tiên. Ở phiên bản này, Ragnarok M: Eternal Love bao gồm 6 nhân vật cho người chơi lựa chọn: Hunter, Priest, Blacksmith, Wizard, Knight và Assassin. Mỗi hệ nhân vật người chơi có thể chọn lựa giữa hai giới tính nam/nữ đồng thời theo dõi các thông tin điểm thuộc tính của hệ nhân vật đó khá trực quan ở giao diện ban đầu.
Ngay sau đó, hành trình của game thủ trong Ragnarok M: Eternal Love sẽ bắt đầu từ những nhiệm vụ nhỏ nhất. Như đã nói ở trên thì Ragnarok M: Eternal Love không hề có tính năng auto click để nhân vật tự nhận/làm/hoàn thành nhiệm vụ nên người chơi buộc phải theo dõi từng câu chữ để tìm vị trí cũng như hiểu nhiệm vụ cần đánh quái hay thu thập đồ. Bên cạnh đó thì bản đồ cũng là trợ thủ đắc lực để người chơi dễ dàng hơn trong quá trình tìm kiếm NPC cũng như các bãi quái.
Và để cho người chơi dễ dàng rảnh tay hơn một chút khi trò chơi đã bỏ đi tiện ích làm nhiệm vụ thì Ragnarok M: Eternal Love cũng được trang bị hệ thống auto khá cụ thể đến từng loại quái vật trong map dã ngoại. Và bạn chỉ có thể treo để tấn công 1 loài quái vật duy nhất khi cần phải treo máy. Nhìn chung, Ragnarok M: Eternal Love cũng có đôi chút chỉnh sửa tiện ích gọi là phù hợp với nền mobile hơn chứ thực ra, hầu hết các tính năng, hoạt động trong game vẫn không khác gì game online PC và đòi hỏi người chơi cần phải tìm hiểu thật kĩ.
Với khoảng vài chục level đầu tiên, Ragnarok M: Eternal Love khá khác biệt với những tựa game cùng thể loại khi trò chơi tập trung chủ yếu vào các nhiệm vụ và đả động khá ít đến các hoạt động cạnh bên. Một điểm cực thu hút game thủ của Ragnarok M: Eternal Love là tính năng giao dịch tự do có vẻ như vẫn sẽ được giữ nguyên tương tự phiên bản PC. Đồng nghĩa với việc người chơi có thể tự do giao thương, trao đổi các vật phẩm với nhau khác biệt hoàn toàn với nhiều đầu game nhập vai hiện tại.
Theo game4v
Trải nghiệm Ragnarok M: Eternal Love Hành trình hoài niệm với những cảm xúc vô hạn trong từng nhiệm vụ Ragnarok M: Eternal Love đã xây dựng nên một thế giới với những bản đồ, khung cảnh vẫn còn in đậm trong hồi ức cùng lối chơi nhập vai đầy cuốn hút trong từng chi tiết. Dù đã biết trước Ragnarok M: Eternal Love là phiên bản mobile được một nhà phát triển Trung Quốc hợp tác với chính cha đẻ của Ragnarok...