Trải nghiệm Bạch Mã
Nếu các bạn nghĩ rằng xứ Huế chỉ có lăng tẩm và khi đến đây chỉ coi việc khám phá mấy danh lam thắng cảnh ở thành phố Huế là đủ thì quả thật đáng tiếc. Bởi xứ mộng mơ ấy còn ghi dấu rất nhiều cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, non nước hữu tình, trong đó phải kể đến vườn quốc gia Bạch Mã.
Bạch Mã đâu chỉ có điểm dừng trên độ cao 1.400 mét so mực nước biển để ngắm nhìn non nước trời mây. Bạch Mã còn hấp dẫn những ai có niềm đam mê khám phá thiên nhiên, núi rừng, muông thú… Những con đường mòn dọc khe suối, đi xuyên núi là trải nghiệm tuyệt vời và đầy thú vị đối với du khách. Ngoài những ngôi biệt thự hoang phế, những dấu tích còn lại từ thời thuộc Pháp, thì những cái tên “ngũ hồ” (năm hồ nước dọc con suối), hay thác Đỗ Quyên (trong ảnh) là đích đến khó có thể bỏ qua.
Thật ra, từ đỉnh Bạch Mã, du khách có thể đi theo con đường mòn để xuống ngũ hồ và thác Đỗ Quyên, nhưng với điều kiện không phải quay lại bãi đỗ xe ở đỉnh đèo vì con đường này khá dài và quay lại là một cực hình không cần thiết trên hành trình vốn dĩ khá gian nan của mình. Do vậy, chuyến trekking của chúng tôi bắt đầu từ điểm dừng chân ở biệt thự Đỗ Quyên nơi lưng chừng đèo Bạch Mã, cách đỉnh đèo chừng 2,5 km. Từ đây, chúng tôi đi theo con đường mòn khá dốc dẫn xuống năm hồ nước mát lạnh và tiếp tục khám phá vẻ đẹp của thác Đỗ Quyên. Thật ra, ban đầu nhìn vào con dốc âm u trong rừng rậm này nghĩ hơi phiêu lưu đối với bất cứ ai chưa quen với du lịch leo núi. Nhưng suy nghĩ ấy cũng chỉ vụt thoáng qua và nhường chỗ ngay cho quyết tâm chinh phục lối mòn đến với ngũ hồ và thác Đỗ Quyên đang chào đón ở phía xa.
Sau hơn 15 phút bám theo lối mòn xuyên rừng rậm, chúng tôi đã đến được dòng suối mát. Trong ngũ hồ, có lẽ hồ số ba ấn tượng nhất với một dòng thác nhỏ chảy rì rào, đổ xuống hồ nước êm đềm không quá lớn, cũng không quá sâu, đủ để cho mọi người ngâm mình thư giãn trong làn nước mát lạnh. Từ đây, nếu tiếp tục men theo đường mòn ven suối sẽ đến được hồ cuối cùng trong ngũ hồ, nhưng đường đi khá khó. So với hồ số ba, hồ số năm có thác nước cao hơn, diện tích mặt hồ nhỏ hơn, nhưng bù lại là có cả ánh nắng mặt trời rọi thẳng xuống mặt hồ nên tạo cảm giác ấm áp hơn.
Khám phá qua ngũ hồ, hành trình lội bộ tiếp tục hướng về thác Đỗ Quyên. Vẫn theo lối mòn có biển chỉ dẫn, đường dẫn đến thác Đỗ Quyên không khó tìm, nhưng rất khó đi, nhiều đoạn phải băng qua suối với đá lởm chởm, phải đu hoặc vịn dây… Hoàng hôn trong rừng rậm, cảm giác như ánh chiều tà xuống rất nhanh.
Khoảng 30 phút lội bộ từ hồ số năm, thác Đỗ Quyên – ngọn thác cao vời vợi giữa non thiêng Bạch Mã cuối cùng cũng đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Sau khi chinh phục khoảng 689 bậc thang, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh dòng thác như một dải lụa trắng xóa trải dài từ đỉnh Bạch Mã. Từ điểm cao trên đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa là mầu xanh của núi, là mầu xanh của bầu trời mùa hạ. Ngọn thác cao chừng hơn 300 mét tuôn chảy ầm ầm giữa rừng Đỗ Quyên như bản nhạc giao hưởng thiên nhiên không lời vang lên không có hồi kết. Đến được đây rồi, mọi ưu phiền của cuộc sống, mọi lo toan đều tan biến, thay vào đó là một cảm giác vô cùng thư thái, thoải mái dâng trào không dễ gì có được.
Sẽ rất thú vị nếu đến với Bạch Mã từ tinh mơ để được chứng kiến khoảnh khắc mặt trời nhô lên từ phía biển, trải ánh nắng xuống phá Tam Giang rồi chạy dần dần qua từng dốc núi. Thêm nữa, du khách cũng có thể tham gia hành trình săn mây lý tưởng ở một trong những đỉnh hùng vĩ của dải đất hình chữ S.
Bình minh và hoàng hôn, Bạch Mã hứa hẹn những cung bậc trải nghiệm cảm xúc thật khó quên đối với những người ưa thích khám phá.
Chuyện ít người biết về núi Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng
Tỉnh dậy, ông già kinh ngạc khi thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp ngồi bên mình, còn quả trứng bị vỡ thành năm mảnh, đã biến thành năm hòn núi đá to lớn, cỏ cây rậm rạp, mà ngày nay là danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước được coi là danh thắng hàng đầu của thành phố Đà Nẵng. Phía sau những ngọn núi tuyệt đẹp này là một truyền thuyết đầy màu sắc huyền bí mà không phải ai cũng biết.
Truyền thuyết về Ngũ Hành Sơn được ghi lại từ kho tàng truyện cổ của người Chăm. Theo cổng thông tin điện tử của thành phố Đà Nẵng, chuyện kể rằng từ thời xa xưa có một cụ già từ miền biển phía Bắc đi trên một con thuyền và theo gió cập vào một bãi biển hoang sơ mà ngày nay là bãi biển Non Nước.
Thấy địa thế thuận lợi, cụ dựng một túp lều cỏ và sống bằng nghề chài lưới. Một ngày nọ, khi sửa soạn ra khơi, cụ bỗng thấy trời bổng nổi sấm, mặt biển rung động dữ dội. Rồi một con rồng khổng lồ từ biển tiến vào. Cụ hoảng hốt tìm nơi lẩn trốn.
Từ nơi ẩn nấp, cụ nghe thấy tiếng gầm thét dữ dội. Hé mắt ra nhìn, cụ thấy dưới bụng con rồng lăn ra một quả trứng lớn. Sáng hôm sau, rồng trườn về phía biển sâu. Rồi từ dưới biển, một con rùa vàng khổng lồ hiện lên, xưng là thần thần Kim Quy và nhờ ông cụ bảo vệ quả trừng của Long Quân.
Biết là thần linh hiển thị giao cho mình việc trọng đại, cụ già than thở rằng mình tuổi già, sức yếu không đủ sức đảm đương. Thần Kim Quy liền trao cho cụ già một chiếc móng và nói rằng hễ có chuyện chẳng lành thì cứ cầm móng và cầu nguyện, thần sẽ có cách giúp. Cụ già đành nhận lời.
Thần Kim Quy liền quay ra biển và biến mất. Còn cụ già từ đó giữ gìn và chăm nom quả trứng rất cẩn thận, không lúc nào lơ là. Thời gian trôi qua, quả trứng càng ngày càng lớn.
Một hôm, gian lều của ông cụ bị những tên vô lại đốt cháy. Ông cụ cầu cứu móng rùa. Bỗng nhiên quả trứng lớn bổng và lòng trứng hiện ra một cái hang đá có đủ giường chiếu sẵn sàng. Ông già vừa đặt mình xuống là ngủ thiếp ngay.
Giữa lúc đó thì một cô gái bé từ trong lòng trứng xuất hiện bên cạnh giường của ông già. Sữa ở mạch đá trong hang chảy ra nuôi cô gái bé lớn lên như thổi. Hàng ngày có những con khỉ hái hoa quả đến cho cô ăn, có những con chim cu tha bông đến dệt cho cô mặc.
Ông già ngủ một giấc dài tỉnh dậy lấy làm kinh ngạc khi thấy một thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên cạnh mình, còn quả trứng bị vỡ thành năm mảnh, đã biến thành năm hòn núi đá to lớn, cỏ cây rậm rạp, chim chóc thú vật nhộn nhịp.
Từ đây, ông già ở bên cô gái của Long Quân như ở với con ruột của mình. Hai người sống no đủ bằng các sản vật của năm ngọn núi và dốc lòng làm việc thiện, cứu chữa dân nghèo trong vùng, khiến tiếng lành vang tới tận kinh đô.
Chẳng bao lâu, nhà vua nghe tin cô gái xinh đẹp sống ở vùng núi đẹp như tiên cảnh, bèn sai quan quân mang lễ vật đến cầu hôn và cưới cô gái về làm vợ. Ông lão vô cùng buồn rầu nhưng vì hạnh phúc của người được thần gửi gắm nên ngậm ngùi tiễn đưa cô về cung.
Khi cô gái và đoàn tùy tùng vừa rời khỏi, mặt biển bỗng dậy sóng và thần Kim Quy hiện lên, giọng vang vang: "Ngươi đã làm tròn bổn phận của mình, Long Vương rất cảm kích. Nay ngươi hãy cùng ta xuống long cung để tận hưởng cuộc sống bất tử".
danh thắng xa gần biết đến...">
Và ông lão ngồi lên lưng rùa để đến với cuộc sống mới mà ông xứng đáng được nhận. Nơi ông từng sống trở thành vùng đất thiêng, được gọi là Ngũ Hành Sơn. Theo thời gian, người dân đến quần tụ dưới chân núi, lập đền chùa trên núi, và Ngũ Hành Sơn trở thành danh thắng xa gần biết đến...
Mời quý độc giả xem video: Đà Nẵng chuyển mình xứng tầm "anh cả" miền Trung.
Chèo thuyền kayak ngắm cảnh Tràng An Bên cạnh dịch vụ trải nghiệm cảnh đẹp thắng cảnh Tràng An trên thuyền gỗ truyền thống, từ ngày 17-8, du khách khi tới Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình sẽ có thể tự mình chèo thuyền kayak để khám phá vẻ đẹp của non nước Tràng An. Việc đưa loại hình chèo thuyền Kayak vào Khu du lịch Sinh...