Trải lòng của vị Thượng tá công an nhiều lần lo hậu sự cho tử tù
Đời nghề của Thượng tá công an Hồ Như Vọng gắn với việc thi hành án (THA) tử hình với nhiều tử tù mang tội danh như trùm ma tuý, những tay đại ca giang hồ cộm cán, những kẻ máu lạnh giết người, cướp của và cả tội phạm tham nhũng…
Tội ác của họ phải trả giá bằng khung hình phạt cao nhất của pháp luật, họ đều được ông lo hậu sự chu đáo như những người bình thường.
Đời người ai cũng chỉ sống một lần…
Tôi tìm gặp Thượng tá Hồ Như Vọng tại nhà riêng. Không phải là một người lạnh lùng như tôi vẫn nghĩ về những người THA tử hình, ở ông Vọng có sự gần gũi, chân chất và đôn hậu. Ông có dáng người nhỏ nhắn, lanh lẹ nhưng đôi mắt vẫn phảng phất đâu đó chút buồn khi nói về thân phận của những tử tù. Nghe những chuyện THA tử hình ông kể, tôi càng thấm thía hơn câu nói: “Đời người ai cũng chỉ sống một lần”…
Câu chuyện ông kể là những kết nối miên man trong ký ức, những lần xử bắn tử tù từ khi còn bắn lưu động đến trường bắn Yên Sở và sau này là trường bắn Cầu Ngà. Mỗi tử tù là một câu chuyện dài, một số phận gắn kết cả đáng thương và đáng trách. Nhưng tất cả đã về thế giới bên kia, có điều họ đã tự đưa cái chết đến sớm với mình, những cái chết đã được báo trước.
Khi mới vào ngành công an, ông Vọng được giao những nhiệm vụ khác nhau như ngoại tuyến, cảnh vệ sau đó một thời gian được điều về trại giam Hà Nội với nhiệm vụ dẫn giải phạm nhân đến các trại cải tạo. 16 trại giam của công an Hà Nội chẳng ai không biết đến ông Vọng “đen” Hoả Lò. Ông là người chu đáo, sau một lần lo hậu sự cho phạm nhân cẩn thận, Ban giám thị quyết định giao một công việc hệ trọng hàng đầu ở trại giam cho ông: Tổ chức thi hành án tử hình. Vậy là công việc này theo ông suốt và kéo dài tuổi hưu của ông thêm 3 năm vì Ban giám thị trại giam chưa tìm được người thay thế.
Thượng tá Hồ Như Vọng.
Video đang HOT
Nhớ lại việc tổ chức THA tử hình đối với tử tù thời gian đầu ông Vọng nói: “Trường bắn không có, chúng tôi phải đưa tử tù đi bắn lưu động nhờ các huyện như Thanh Trì, Đông Anh, Từ Liêm… vất vả lắm. Có khi tìm được địa điểm rồi, nhưng chính quyền địa phương không đồng ý lại phải tìm nơi khác. Cứ bất ổn như vậy, nên nhiều khi có quyết định THA đối với tử tù rồi mà phải mất vài hôm tìm địa điểm xong mới tiến hành xử bắn được, có nhiều vụ một tuần sau mới THA được”.
Kể lại với phóng viên về vụ THA tử hình với hai tử tù trẻ tuổi này, ông trầm ngâm: “Lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ năm, cũng không nhớ rõ tên của hai tử tù này”. Nhưng những gì xảy ra tại điểm bắn tử tù khiến ông nhớ mãi. Đó là việc THA quá khó khăn.
Vụ ấy, tổ chức bắn tử tù tại Bát Cổ (Bãi Phúc Tân- Hà Nội). Ngày xưa nơi đó còn hoang vu lắm. Một vùng bãi của sông Hồng, gần đó có nghĩa địa. Hai tử tù này, phạm tội giết người, cướp của tại đền Bà Kiệu – một địa điểm danh thắng nằm ngay sát Hồ Hoàn Kiếm đối diện với đền Ngọc Sơn. Khi ấy hai tên này tuổi còn trẻ lắm. Khuôn mặt của hai đứa trẻ mới lớn tuổi 20, còn non choẹt. Vậy nhưng, phút chốc biến thành ác quỷ, chúng giết người dã man để cướp của.
Vụ án quá nổi tiếng của thời kỳ cách đây đã rất lâu, thời còn chiến tranh phá hoại miền Bắc (khoảng những năm 60 – 70 của thế kỷ trước – PV). Ngày đấy, người dân Hà Nội ai cũng biết đến vụ án này. ông Vọng nói: “Việc người dân kéo đến xem THA tử hình rất nguy hiểm. Bởi bắn lưu động không có tấm chắn đạn, rất có thể xảy ra sơ suất”. Xong việc, cán bộ pháp y mới vào khám nghiệm tử thi sau đó ông Vọng và các đồng nghiệp mới tiến hành khâm niệm tử thi và đưa chôn ngay tại chỗ bắn.
Những chuyện “mua dây buộc mình”
Trong đời nghề của ông Vọng hy hữu lắm mới có lúc thấy thở phào, vui sướng tại trường bắn. Chuyện đó, chỉ xảy ra khi THA tử hình đối với Xiêng Phênh, một tay buôn ma tuý có quốc tịch Lào. Ông Vọng nhớ, hôm ấy đã chuẩn bị mọi thứ tại trường bắn để THA với Xiêng Phênh. Nhưng sát đến giờ không thấy áp giải tử tù. Mọi thứ cứ im lìm như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, có tin hoãn THA, ông không tin lắm, chạy vào tận trại giam hỏi thì hay tin hoãn thật. Đến giây phút cuối, Xiêng Phênh đã khai những tình tiết quan trọng nên được hoãn THA để tiếp tục điều tra.
Ông thở phào nhẹ nhõm, vậy là một người đã được tiếp tục sống, biết đâu sẽ có thể hoàn lương. Vui cho số phận một con người, nhưng dây rắc rối lại vận vào ông Vọng. Quan tài đã chuẩn bị, mua rồi không thể trả lại, mang về trại giam cũng không được vì sẽ gây xôn xao dư luận không tốt cho các tử tù khác. Thôi đành để lại, chờ đến lần THA sau, nhưng cũng phải có chỗ giấu.
Ngẫm nghĩ một hồi, ông nhớ đến trang trại của anh Hoàng, một người quen gần đó có ngôi nhà bỏ hoang. Gửi ở đấy là thích hợp. Nghĩ sao, làm vậy, ông mang quan tài đến ngôi nhà hoang ấy, trong trang trại của anh Hoàng để nhờ. Quan tài đã được bọc cẩn thận và để ở nơi hoang tàn coi như ổn thoả. Vậy nhưng, một thời gian có dịch bệnh, trang trại của anh Hoàng lợn chết rất nhiều.
Vậy là, họ cứ đổi cho ông Vọng mang “của nợ” đến gửi nên xui xẻo. Ông Vọng đành muối mặt để họ nhiếc móc chứ cái vận đen đến đúng lúc mình gửi quan tài thì biết giải thích làm sao? Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, vài tuần sau có phạm nhân ốm chết, quan tài được chuyển đi. Còn Xiêng Phênh, khi được hoãn THA, thoát khỏi chiếc quan tài vì đã “đoái công chuộc tội” đã được giảm án từ tử hình xuống chung thân.
Cũng có chuyện ông Vọng buộc phải nhớ lâu vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của ông. Ông kể lại, có một đối tượng nhà ở Nam Đồng, bị đột tử chết. Trại giam đã thông báo với người nhà, vận động đến ký vào biên bản họ không phản ứng gì. Nhưng khi ra đến bệnh viện, (đối tượng được giữ ở bệnh viện Việt Nam – Cu Ba) thì người nhà huy động lực lượng ngăn chặn không cho đem người chết đi chôn. Mọi di biến động đều không thể diễn ra. Chỉ đạo của công an Thành phố Hà Nội là trong 3 ngày phải đưa tử thi đi chôn cất nhưng gia đình kiên quyết chống đối. Cuối cùng, lãnh đạo công an Thành phố phải thuyết phục mới đưa xác phạm nhân đi chôn được.
Quản giáo trông coi tử tù và chuyện kể từ chốn biệt giam
Ông Vọng nhớ rõ, đó là lần đầu tiên đưa phạm nhân đi chôn tối. 8h tối nơi nghĩa trang Văn Điển đã u ám lắm rồi. Không bóng người, chỉ mấp mô những nấm mồ xếp hàng im lìm. Nước ngập đến gối, huyệt đầy nước ấn mãi quan tài vẫn nổi lên. Hơn 8h tối mộ phần cho tử tù mới xong.
Ông Vọng ra về, lòng nặng trĩu thì lại có thông tin báo rằng: Gia đình đối tượng có rắp tâm thuê kẻ xấu hãm hại ông. Được cảnh báo, nên mỗi khi đi làm ông phải thường xuyên thay đổi lộ trình. Ngày ấy không có xe máy, cứ chiếc xe đạp cà tàng ông phải đi vòng vèo thêm 2/3 đường nữa. Sáng đi sớm, chiều về muộn, giờ giấc, lịch trình luôn thay đổi như người tập đánh trận giả. Anh em trong trại giam thấy vậy thì thương ông lắm, nhưng cũng động viên phải thay đổi như vậy nhằm đảm bảo an toàn. Cứ như thế, ròng rã nửa năm đằng đẵng ông thực hiện “đánh nghi binh” trên đường đi làm. Mãi sau đó, mọi chuyện ổn thoả, ông mới được trở lại con đường quen thuộc… từ nhà đến trại giam.
Mặc dù có nhiều nỗi ám ảnh, nhưng ông luôn tâm niệm cái tâm mình trong sáng thì không có vấn đề gì. Thực tế, với nhiều năm trong nghề, ông luôn lo hậu sự chu đáo cho các tử tù. Với ông đó là việc làm để tích tâm đức. Và ông đã làm đúng theo lương tâm mách bảo nên luôn thấy lòng mình thanh thản. Bởi đây là công việc đầy áp lực tâm lý, nhiều người đã phải xin chuyển công tác khác, thậm chí xin chuyển ngành, còn ông với cái tâm chu đáo với tử tù ông đã lo cho họ trọn vẹn đến hết tuổi nghề. Và cho đến bây giờ, ông vẫn có thói quen thắp nhang trong nhà tất cả các ngày trong tháng. Đó như một thói quen để tâm thanh tịnh và an ủi các vong hồn.
Theo Ngươi đưa tin
Suýt mất mạng vì bắt nữ chủ quán massage phải phục vụ riêng
Dù đã ly hôn, song Hải vẫn thường xuyên quan tâm tới vợ cũ. Biết vợ cũ bị quấy rối, đối tượng âm thẩm chuẩn bị dao, rồi bất ngờ xông vào phòng massage đâm, chém người không tiếc tay.
Bênh vợ cũ, Hoàng Viết Hải chém người không tiếc tay
Với nhận định mặc dù bị cáo quanh co, song đã khai nhận hành vi phạm tội, lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nên đủ cơ sở quy kết Hoàng Viết Hải (SN 1979, trú ở phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phạm vào tội "Giết người". Do đó, cuối phiên tòa sáng nay (24-9), HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hoàng Viết Hải 20 năm tù giam.
Diễn biến vụ án cho thấy, Hoàng Viết Hải và chị Đặng Bích H (SN 1982, cũng trú ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) vốn là vợ chồng của nhau và có 2 con chung. Tuy nhiên năm 2011, chị H đã quyết định ly hôn chồng và tự mình nuôi 2 con nhỏ. Do không có nơi ở ổn định nên Hải vẫn thường xuyên lấy lý do đến thăm con để ở lại quán massage của vợ cũ, tại phường Cổ Nhuế.
Về phần chị H, sau khi ly hôn chồng, chị này dần có quan hệ "tình cảm" với Chu Văn Tứ (SN 1971), trú cùng phường Cổ Nhuế. Nhưng sau một thời gian "mặn mòi", chị H dần ngãng ra vì thấy người đàn ông mới chẳng hề tốt đẹp gì. Song nữ chủ quán massage chẳng thể nào thoát ra khỏi sự "đeo bám" của Tứ.
Trưa 21-11-2012, Hải lại tìm đến chỗ ở của vợ cũ và được nhân viên của chị H cho biết, Tứ thường xuyên đến đây gây sự bằng cách đuổi hết khách đi, sau đó bắt chị H phải phục vụ. Bực tức trước sự quấy rối đó, Hải âm thầm ra chợ mua 2 con dao, rồi mang về cất giấu trong tủ chạn bát đĩa nhà vợ cũ. Những ngày tiếp theo, Hải ở lỳ nhà chị H với các con.
Tối 23-11-2012, Chu Văn Tứ lại tìm đến quán massage của chị H và bắt nữ chủ quán phải vào phòng phục vụ như mọi khi. Trong khi đó, ở phòng bên cạnh, Hải đang nằm ngủ với 2 con. Phát hiện "kẻ" quấy rối lại đến hành hạ vợ cũ, Hải lặng lẽ ra ngoài khép cửa, rồi bất ngờ xông vào phòng massage đâm dao vào bụng Tứ.
Bị đâm, khách hàng chị H phải phục vụ miễn cưỡng vội vùng dậy và chạy sang phòng bên cạnh. Thấy 2 con nhỏ của chị H nằm ngủ, Tứ liền đe dọa sẽ giết chết những đứa trẻ này. Nghe vậy, Hải liền xông vào và dùng 2 con dao đâm, chém túi bụi vào người Tứ, cho tới khi nạn nhân liều mình thoát ra ngoài. Mặc dù bị hại không chết, song đã bị tổn hại 56%.
Xét thấy, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và việc nạn nhân không chết là nằm ngoài mong muốn cũng như ý thức chủ quan của bị cáo, vì thế TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hoàng Viết Hải 20 năm tù giam, theo đúng tội danh bị đưa ra truy tố. Về dân sự, do bị cáo chấp nhận yêu cầu của bị hại nên tòa cũng xem xét và công nhận sự tự nguyện của hai bên với số tiền bồi thường là 45 triệu đồng.
Theo ANTD
Bán nhà dự án, lừa đảo 29 tỉ đồng Tại tòa, bị cáo thừa nhận đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 29 tỉ đồng của các nạn nhân. Hùng khai đưa cho Hiếu 18 tỉ đồng nhưng Hiếu không thừa nhận. Do đó, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ. Bị cáo Hùng, Hiếu tại tòa. Cuối năm 2010, Nguyễn Thế Hùng...