Trải lòng của những chủ quán hơn 2 tháng “cửa đóng then cài” nay được hoạt động trở lại
Nguồn thu của đại gia đình cô Dung (gồm 7 người) trông chờ cả vào quán phở. Hai tháng nghỉ vì dịch bệnh, không có thu nhập nhưng vẫn phải đóng tiền thuê cửa hàng khiến cô như ngồi trên đống lửa….
12h trưa nay, Hà Nội cho phép một số địa bàn được mở cửa các dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh… sau thời gian giãn cách. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, nhiều cửa hàng đã tất bật chuẩn bị cho việc hoạt động trở lại.
Ngay từ sáng sớm, anh Trường – chủ cửa hàng phở Nam Định trên đường Nguyễn Đổng Chi đã đến dọn dẹp, lau chùi bàn ghế và các vật dụng để chuẩn bị mở cửa đón khách. Anh cho biết, hàng quán đóng cửa hơn 2 tháng, đồ đạc đều bị bám bụi, nấm mốc… Biết tin được buôn bán trở lại anh rất mừng, dù chưa được bán tại chỗ, nhưng bán mang về cũng giúp anh chị có đồng ra đồng vào.
Bên trong, chị Thu – vợ anh Trường đang cùng người em họ lau chùi xoong nồi, dụng cụ chế biến. Chị Thu cho biết, hôm nay anh chị chưa bán hàng, chỉ đến cửa hàng dọn dẹp, sửa soạn, ngày mai mới mở.
Vợ chồng chị Thảo – chủ cửa hàng bún ngan ở đường Hàm Nghi cho biết: Chỉ trong vòng 1 giờ đầu mở cửa, anh chị đã bán được hơn 50 suất bún, sáng giờ chưa ngơi tay. Tối qua, khi biết tin được mở cửa trở lại, anh chị đã sớm dọn dẹp cửa hàng, mua nguyên liệu, chuẩn bị các công đoạn, đến 12 giờ thì bắt đầu mở bán. Theo chị Thảo: “Hơn hai tháng không được ăn phở, nên hôm nay lượng người đến mua rất đông. Cửa hàng chỉ bán mang về, đôi lúc đông khách, mọi người xếp hàng giữ khoảng cách đợi đến lượt chứ không chen lấn”.
Một khách hàng đến mua bún ở cửa hàng chị Thảo.
Bên cạnh cửa hàng chị Thảo là quán miến lươn Nghệ An. Cô Loan – nhân viên cửa hàng cho biết, do quán lấy thực phẩm từ trong Nghệ An ra bán nên nguyên liệu chưa kịp mang ra…
Cô Lan, đang chần xương để chuẩn bị nấu nước dùng, chiều tối mới mở bán. Cô cho biết, ngày đầu mở lại cửa hàng nên không dám bán nhiều.
Cô Dung – chủ quán phở trên đường Nguyễn Hoàng vừa tất bật chuẩn bị đồ cho khách mang về vừa chia sẻ, nguồn thu của đại gia đình cô (gồm 7 người) trông chờ cả vào thu nhập ở quán. Hai tháng nghỉ vì dịch bệnh, không có thu nhập nhưng vẫn phải đóng 100 triệu tiền thuê cửa hàng khiến cô như ngồi trên đống lửa. Biết tin Hà Nội cho phép cửa hàng ăn uống mở cửa trở lại cô mừng lắm, tuy lượng khách không được như ngày bình thường, nhưng cũng giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Anh Thu – chủ cửa hàng điện nước sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị mở lại quán nhỏ. Anh tâm sự, biết tin được mở cửa buôn bán, vợ chồng anh mừng muốn khóc. Gia đình 5 miệng ăn, con trai lớn lại bị xuất huyết não, chi phí điều trị tốn kém… nguồn thu của cả nhà chỉ trông chờ vào cửa hàng.
Bên trong, chị Hằng – vợ anh Thu đang cùng 3 con đang ăn trưa. Bữa cơm gia đình rất đơn giản, chỉ có ít rau sống với một đĩa đậu phụ rán. Chị nói, trước đây anh chị để 3 con ở nhà nhờ ông bà nội chăm sóc nhưng năm ngoái con trai cả đột nhiên bị xuất huyết não nên anh chị phải đón cháu từ quê (Ninh Bình) lên Hà Nội chữa trị. Tuy nhiên, anh trai lên thì đứa em cũng đòi lên theo, nhất quyết không chịu ở nhà. Anh chị đành phải đón cả 3 con lên sống trong không gian phòng trọ chật hẹp. Dường như biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các con rất ngoan.
Anh Đạt – nhân viên cửa hàng sửa chữa xe máy đang kiểm tra lại máy móc. Anh cho biết, 2 tháng đóng cửa chuột bọ cắn đứt dây điện, máy móc để lâu không dùng khô dầu hỏng hóc. Ngày đầu mở cửa khách hàng chưa có nhiều nên anh tranh thủ kiểm tra lại các loại máy móc, dụng cụ.
Hà Nội cho phép mở hàng quán tại một số quận, huyện
Từ 12h trưa 16/9, Hà Nội cho phép mở hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về), kinh doanh văn phòng phẩm... tại các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
(Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Nội dung nêu trên nằm trong công văn số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành vào chiều 15/9 gửi các cơ quan liên quan.
Cụ thể, từ 12h trưa ngày 16/9, đối với địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9) được hoạt động một số loại hình kinh doanh.
Bao gồm, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Một quán phở gia truyền nằm trên phố Nguyễn Sơn đã được mở bán mang về từ vài ngày trước do chính sách nới lỏng của quận Long Biên (Ảnh: Mạnh Quân).
Về quá trình tổ chức thực hiện kinh doanh các lĩnh vực nêu trên, Hà Nội yêu cầu các cơ sở, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương.
Các cơ sở phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, phải khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc đối với khách đến mua hàng...
Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Hà Nội yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn triển khai các tiêu chí, điều kiện, biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc phải kiểm soát được dịch bệnh, độ bao phủ vắc xin, ý thức chấp hành của người dân...
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Hà Nội giao phối hợp với các quận, huyện thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng quét mã QR cho toàn bộ người dân, các nhà hàng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị... trên địa bàn. Riêng lực lượng Công an thành phố phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, các cơ quan liên quan triển khai nhanh các phần mềm quản lý di biến động dân cư và các dữ liệu phòng, chống dịch theo hướng tích hợp các dữ liệu liên quan vào mã công dân.
Hà Nội cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện sau thời gian giãn cách xã hội và tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý để báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch, báo cáo phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ngày 21/9 tới đây.
Trước đó, sau khi nghe báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch và trên cơ sở kết quả đã đạt được, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch và một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.
Ngày đầu Q.7, TP.HCM thí điểm mở cửa trở lại: Khách chưa nhiều nhưng quán vẫn vui Ngày đầu Q.7, TP.HCM thí điểm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có kiểm soát, nhiều hàng quán đã mở bán. Dù lượng khách chưa nhiều như trước dịch nhưng các chủ quán vẫn vui vẻ vì có đồng ra đồng vào trang trải. Đợi người của quán cơm chuẩn bị xong các phần khách đặt, shipper mới vào...