Trải lòng của cô gái chuyển giới bị bố mẹ kỳ thị “nửa nam nửa nữ”
Mỗi lần nhìn thấy em trong hình dạng như vậy bố mẹ em lại nói: “Mày nam không ra nam, nữ không ra nữ”, Trâm chia sẻ.
Nguyễn Huyền Trâm, 22 tuổi, ở Hà Nội trải lòng về nỗi đau phải trải qua.
Muốn ăn bữa cơm cùng gia đình cũng khó
Tại Hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều câu chuyện đau lòng được người chuyển giới chia sẻ. Họ mong muốn tìm lại giới tính thật và được xã hội thừa nhận.
Bạn Nguyễn Huyền Trâm, 22 tuổi, ở Hà Nội tâm sự, từ nhỏ đã có những cử chỉ, lời nói, ăn mặc giống con gái. Em thích chơi trò con gái. Năm lên cấp 2, Trâm có sự khác biệt về cơ thể: Vòng 1 to dần ra, ngực phát triển trong khi đó bộ phận sinh dục lại như bao người đàn ông khác.
“Em nói với bố mẹ về những khác biệt của mình và khao khát tìm lại giới tính thật. Bố mẹ em liên tục ngăn cấm, chửi bới, cấm em không được mặc váy, đánh son, thậm chí, bố mẹ em còn cấm chơi với đám con gái cùng chang lứa”, Trâm chia sẻ.
Cô gái chuyển giới cho biết, cô chỉ nghe lời bố mẹ cho đến khi học xong cấp 3. Trâm muốn sống thật với giới tính và bỏ qua những lời đàm tiếu xung quanh. Trâm bắt đầu nuôi tóc dài, sơn móng tay, móng chân, váy xòe, đi guốc cao.
Trâm một mình đi phẫu thuật chuyển giới nâng ngực. Xong xuôi, em mới báo cho gia đình biết.
“Mỗi lần nhìn thấy em trong hình dạng như vậy bố mẹ em lại nói: “Mày nam không ra nam, nữ không ra nữ, mày làm mất mặt bố mẹ”. Em đáp: “Bố mẹ không chấp nhận con thì con sẽ bỏ đi”. Từ đó, em ra ngoài sống một mình và chặn số điện thoại của bố mẹ. Đến bây giờ, em muốn được về ăn bữa cơm đầm ấm cùng gia đình cũng khó”, Trâm trải lòng.
Trâm cho biết, từ ngày bỏ ra ngoài sống, em đi xin việc nhưng không nơi nào nhận bởi thân hình khác biệt của mình: Nửa nam, nửa nữ.
Về tình yêu đôi lứa, Trâm trải lòng: “Đến giờ, em vẫn chưa dám yêu thêm ai vì trước đó có một vài người họ đến với Trâm chỉ vì tò mò về thân hình. Họ muốn khám phá, tìm thú vui và nhày nhụa thân xác từ người chuyển giới”.
Từ câu chuyện đau lòng của đời mình, Trâm đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế cho phép trẻ xác định lại giới tính trước tuổi dậy thì để có biện pháp y học can thiệp kịp thời. Hơn nữa, Trâm cũng mong muốn pháp luật có quy định sửa đổi lại giấy tờ để sống đúng nghĩa với giới tính của bản thân. Trâm hi vọng mọi người bớt kỳ thị và thông cảm hơn với những người chuyển giới.
May mắn hơn Trâm, Hoàng Kiều Lam tên khai sinh là Vũ, 20 tuổi sống TP.HCM không bị gia đình kỳ thị nhưng lại bị xã hội, bạn bè kỳ thị.
Video đang HOT
Hoàng Kiều Lam cho biết, em cũng yêu nhiều nhưng cứ yêu lại chia tay
“Rất nhiều lần em đi cùng bạn đến dự sinh nhật và bị đuổi về. Họ nói em: Trông kinh tởm, cái loại nam không ra nam nữ không ra nữ đến đây làm bẩn bữa tiệc”, Lam kể.
Hiện tại, Lam là một thợ làm tóc vì em không thể xin được bất kỳ một công việc nào ở cơ quan, văn phòng.
Về tình yêu, Lam cho biết, em cũng yêu nhiều nhưng cứ yêu lại chia tay vì mọi người trong gia đình bạn trai không ai chấp nhận.
Vì mong muốn tìm lại giới tính thật nên Lam cũng mong muốn Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam sớm thông qua. Từ đó, Lam và mọi người trong cộng đồng người chuyển giới, song giới được phẫu thuật, được thay đổi giấy tờ, hồ sơ hợp pháp.
Chi phí phẫu thuật có thể lên tới 1,5 tỷ đồng
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, hiện có gần 400.000-500.000 người mong muốn chuyển giới. Tuy nhiên, hiện trong nước không có những dịch vụ chuyên biệt về chuyển đổi giới tính.
Hiện tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay dao động từ 23 triệu đến hơn 1,5 tỷ đồng. Với nhóm từ nữ sang nam, chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng. Với nhóm từ nam sang nữ, chi phí trung bình là hơn 128 triệu đồng.
Chi phí phẫu thuật cao cũng khiến nhiều người tìm kiếm các dịch vụ “chui” giá thấp từ các cơ sở tư nhân ẩn chứa nhiều rủi ro.
Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Huy Quang, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người mong muốn chuyển đổi giới tính.
Theo đó, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: Đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần….
Ngoài ra, nếu không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được công nhận thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.
Theo Danviet
Bộ Y tế đề xuất người độc thân mới được chuyển giới
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo là một người muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên và phải độc thân. Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã có những trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Thưa ông, trên thực tế, khi mà chưa có luật cho phép chuyển đổi giới tính, đã có nhiều người muốn trở về đúng giới tính thật của mình họ đã phải ra nước ngoài thực hiện. Hiện Bộ Y tế đang trong quá trình hoàn thiện Luật Chuyển đổi giới tính. Ông có thể nói rõ hơn về Luật Chuyển đổi giới tính?
- Một người muốn được can thiệp chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên, độc thân, đã kiểm tra tâm lý, có giới tính sinh học hoàn thiện. Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính, điều kiện của chuyên gia tâm lý, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện can thiệp y học chuyển đổi giới tính, hồ sơ xin được chuyển đổi giới tính...
Theo đó, cá nhân được yêu cầu can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ bốn điều kiện sau: Có giới tính sinh học hoàn thiện (giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể); được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân.
Để công nhận người chuyển đổi giới tính, dự thảo đưa ra ba phương án.
Phương án một: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên; thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án hai: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Phương án ba: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Bộ Y tế đề nghị chọn phương án một và hai. Lý do là hai phương án này sẽ bảo đảm được lợi ích cho cả nhà nước, người muốn chuyển đổi giới tính và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.
Tại sao phải quy định người muốn chuyển giới phải độc thân? Điều này có hạn chế quyền lợi của người có nhu cầu, thưa ông?
- Mọi người cần phải hiểu rằng, người chuyển đổi giới tính "hiện đang không có vợ hoặc có chồng", người chưa kết hôn hoặc người đã ly dị. Bởi khi còn nằm trong quan hệ vợ chồng theo pháp luật, việc chuyển đổi giới tính sẽ đi ngược lại quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Việt Nam không cho phép kết hôn đồng tính, vợ là nữ, chồng là nam. Nam kết hôn với nữ và nữ kết hôn với nam, rất rõ ràng. Nếu người chồng muốn chuyển thành nữ thì quan hệ vợ chồng sẽ là nữ - nữ (vợ - vợ) và ngược lại.
Ngoài ra, sự thay đổi này còn tác động đến vấn đề văn hóa. Nếu cặp vợ chồng có con, khi cho phép chuyển giới, con chung của 2 người sẽ gọi người mới chuyển giới như thế nào cho phù hợp vì bố chuyển giới sang "mẹ" thì đứa trẻ biết gọi bằng gì? Ngay cả trên thế giới cũng không có nước nào cho chuyển đổi giới tính khi đang có vợ hoặc chồng.
Hiện đã có rất nhiều trường hợp tự ra nước ngoài để chuyển giới. Theo ông việc họ ra nước ngoài do Việt Nam chưa có luật hay do trình độ bác sĩ Việt Nam chưa đủ độ tin tưởng?
- Tại Việt Nam chưa cho phép chuyển đổi giới do đó chưa đánh giá được trình độ bác sĩ. Những trường hợp ra nước ngoài phẫu thuật đều là tự đi. Chi phí một quy trình chuyển giới hoàn chỉnh tại một bệnh viện uy tín tại Thái Lan (phẫu thuật chuyển đổi giới tính, hỗ trợ tư vấn) khá cao, từ khoảng 30.000USD cho việc chuyển đổi từ nữ sang nam và khoảng 35.000USD cho việc chuyển đổi từ nam sang nữ.
Bộ Y tế đưa ra Dự thảo luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý để người mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, bảo đảm họ nhận thức được đầy đủ, toàn diện về giới tính thật của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.
Người Việt Nam đã chuyển giới ở nước ngoài đang sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường, xách tay, hoặc qua người quen đã sử dụng truyền miệng lại, với giá cả và chất lượng không thể kiểm chứng.
Ngoài ra, người chuyển giới tại Việt Nam không được chuẩn bị về mặt tâm lý, tinh thần khi chuyển giới. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính mang lại cho họ những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam cũng đã có trường hợp phải chuyển đổi giới. Cụ thể, tại Bệnh viện Xanh Pôn HN đã thực hiện nhiều ca. Như vậy có sai không, thưa ông?
- Hiện nay, tại các bệnh viện trong nước đang làm cho những trường hợp hoàn thiện về giới tính. Có 2 loại: Một loại là xác định lại giới tính (người đang còn trẻ, mới đẻ nhưng bộ phận sinh dục không biết nam hay nữ) đó là những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc lưỡng tính thì người ta làm lại là thành nữ hoặc nam. Hoặc những người đã hoàn thiện giới tính sinh học thì suy nghĩ lại lệch dấu. Hiện nay đang làm cho những người đã hoàn thiện về giới tính.
Người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hormone thường xuyên trong suốt cuộc đời, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trươc khi chuyên đôi giơi tinh, các cá nhân cân tim hiêu ro giới tính mới đê tranh trương hơp hôi hân sau khi chuyên giơi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hà Lê (Lao Động)
Xôn xao hình ảnh nữ chủ tịch phường đứng trên bè để dân kéo "đi thị sát lụt" Nữ Chủ tịch phường lên tiếng về hình ảnh mặc váy, che ô đứng trên bè gỗ qua vùng lụt. Bà Nguyễn Thị Tâm đứng trên bè tre Những bức ảnh này thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ, gây xôn xao trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh nữ Chủ tịch phường mặc váy, che ô, đứng trên...