Trai làng rèn sức chờ 3 năm để được tranh cầu bằng… củ chuối
Sáng nay ngày 2/2, tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch, tại thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng diễn ra hội vật cầu Kim Sơn. Đây là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời nhà Trần) đặt ra nhằm rèn luyện quân sĩ. Ngày nay, lễ hội vật cầu Kim Sơn được phục dựng và tổ chức 3 năm một lần.
Hội vật cầu Kim Sơn 3 năm diễn ra một lần thu hút trai tráng trong vùng tham gia và hàng nghìn người về dự.
Thể lệ hội thi khá khắt khe và có nhiều chi tiết độc đáo. Trong làng có tất cả 24 dòng họ được chia làm 3 giáp: giáp Đông, giáp Nam và giáp Bắc, mỗi giáp sẽ phải chọn ra 6 người, trong đó có một ông làm tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu. Tham gia vật cầu chỉ có thanh niên trai tráng chưa vợ, những người lập gia đình rồi tuyệt đối không được tham gia.
Quả cầu phục vụ việc thi đấu không phải làm bằng nhựa hay cao su mà là được làm từ củ chuối hột nặng 25 kg. Quả cầu chuối hột này cũng phải do chính tay ông trưởng làng đi tìm, đào mang về có đường kính 30 – 40cm, tươi và nhẵn. Sau đó quả cầu được bọc giấy hồng điều có gắn hình các con vật thiêng như Long, Ly, Quy, Phượng. Trước khi hội diễn ra cầu được đặt ở án thờ trong đình làng.
Đến sáng ngày mùng 6 Tết, các già làng tổ chức làm lễ rước cầu từ trong đình ra ngoài sân đình và ban lộc cho các chàng trai tham gia vật cầu. Đúng giờ Thìn, lễ hội vật cầu bắt đầu.
Vào cuộc, giai cầu của giáp nào nhảy xuống lỗ cái trước sẽ giành được quyền tung quả cầu lên để làm sao đưa cầu về lỗ cầu quân của giáp mình. Không khí lễ hội tưng bừng, hào hứng khi mọi người vây kín thành vòng tròn xung quanh để hò reo cổ vũ trong tiếng trống lệnh. Các giai cầu phải khéo léo tìm cách giành được quả cầu vừa tròn nhẵn lại rắn nặng. Cũng có khi quả cầu được cả chục cánh tay cùng tranh dâng lên cao…
Khi kết thúc cuộc đấu, đội có được cầu thắng cuộc thì ném quả cầu chuối xuống ao ngay trước sân đình.
Lễ hội vật cầu Kim Sơn không chỉ thể hiện được tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe mà còn nâng cao tinh thần chăn nuôi của người nông dân. Bởi thế, quả cầu bằng chuối hột sau đó người dân trong làng ai cũng muốn cắt được một miếng để mang về. Miếng cầu này họ sẽ cho lợn ăn với mong muốn lợn không bị dịch bệnh, tăng trọng tốt.
Một số hình ảnh của lễ hội vật cầu củ chuối Kim Sơn:
Video đang HOT
Thu Hằng
Theo Dantri
Đầu xuân xem trai Thủ đô cởi trần vật cầu khổng lồ
Tám thanh niên trai tráng, cơ bắp cuồn cuộn tượng trưng cho tám ông mãnh hổ tranh cướp quả bóng, quả cầu mang đến tiếng cười vui vẻ cho hàng ngàn khán giả là nét đẹp của lễ hội vật cầu cổ truyền làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội).
Cứ vào ngày mùng 4, 5, 6 tháng Giêng hàng năm, làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) lại rộn ràng tổ chức lễ hội Vật cầu cổ truyền tại sân đình.
Tương truyền, lễ hội Vật cầu có từ thời Linh Lang Đại Vương- Hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông, ông tổ chức lễ hội vật cầu như một hình thức rèn luyện sức khỏe cho các binh sĩ để bảo vệ tổ quốc.
Ngày nay, để bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, dân làng Thúy Lĩnh vẫn đều đặn tổ chức lễ Vật cầu để tưởng nhớ công ơn của Linh Lang Đại Vương.
Sân thi đấu Vật cầu có hình vuông có một hố ở chính giữa để đặt quả cầu và bốn hố ở bốn góc sân, tương ứng với "khung thành" của bốn đội.
Mỗi hiệp đấu kéo dài 45 phút và các đội có quyền thay người không giới hạn.
Tám đấu sĩ của 4 đội, họ là những nam thanh niên trai tráng đẹp nhất, vai u thịt bắp, khỏe mạnh, ưu tú nhất của làng Thúy Lĩnh cùng nhau tranh tài. Khi thi đấu họ mặc quần trắng, mình trần, đeo thắt lưng 4 màu: xanh; đỏ; tím; vàng tượng trưng cho tám ông mãnh hổ tranh cướp quả bóng, quả cầu.
Các đấu sĩ có nhiệm vụ phải tranh nhau quả cầu làm bằng gỗ mít được sơn son thếp vàng nặng tới 25kg và đưa về hố (khung thành của đội mình).
Mặc dù vấp phải sự tranh giành quyết liệt của đối phương, nhưng các đấu sĩ vẫn quyết tâm không để mất cầu.
Một pha tranh cướp cầu đẹp mắt được các khán giả hưởng ứng nhiệt tình.
Người dân trong làng thích thú với những màn quyết đấu.
Một pha ghi bàn đẹp mắt của các đấu sĩ được khán giả hò reo tán thưởng.
Lễ hội Vật cầu đã mang đến không khí phấn khởi, vui tươi cho nhân dân trong những ngày đầu năm mới. Bên cạnh đó còn góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Theo Danviet