Trại lan “khổng lồ” và gã “khùng” mang lan ngọc điểm trả về rừng
“…Mấy ngày này tôi đi tìm một chủ rừng khả tín để gởi lại một phần tài sản, công sức của tôi… Đó là khoảng vài ngàn giò lan ngọc điểm rừng Bình Thuận.
Còn vì sao phải tìm chủ rừng khả tín vì khi đưa lan vào rừng rồi nó cần được giữ gìn… bởi người “săn” lan rừng dạo này đông lắm…” – Nguyễn Ngọc Tính ở thôn 4, xã Tân Phúc ( huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) nói một cách quả quyết vậy.
Gây dựng vườn lan rừng ngọc điểm trên vùng đất mới
Lần đầu tiên tôi biết trại lan ngọc điểm rộng 1,2 ha ở nơi trước kia là đất rừng của Ngọc Tính, một nông dân tuổi ngoài 40. Đây là trại lan ngọc điểm rừng lớn nhất tỉnh Bình Thuận cũng nên, khi mà đến nay giới chơi lan tỉnh này chưa ai công bố diện tích lan lớn như thế.
Nguyễn Ngọc Tính – chủ trại trồng loài lan ngọc điểm rừng.
“Trước tôi ở xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lên Tân Phúc lập nghiệp năm 23 tuổi (1999). Đầu tiên làm thuê cho người chuyên canh cây đu đủ…” – Ngọc Tính chậm rãi kể. Chúng tôi đang ngồi trong căn nhà vòm, nhìn ra hố đào, nơi Tính nói để tích nước tưới cho trại lan mỗi ngày vài lần, tùy theo nắng nóng…
Lúc này là thời điểm của nàng Ngâu, mưa nắng bất chợt, lan dễ bị sâu bệnh, nhưng trại lan này vẫn xanh, màu xanh quyến rũ! Tính tiếp: “Lên đây, ai có tiền đều mua đất lập vườn, nhiều vài ha, ít vài ngàn mét vuông, nên tôi không khỏi ao ước điều đó. Cuối cùng tôi nhờ tía bán giúp 2 công đất vườn ở quê, vừa đủ mua 2 ha đất để trồng nhãn tiêu da bò…”.
Rồi sau mấy năm chăm sóc, Ngọc Tính thu nửa tỷ đồng tiền nhãn. Tiếp tục mua đất và từ 2007 trồng thêm quýt đường. Với một chút lanh lợi, người chủ trẻ hãm quýt ra trái sau tết, lúc mà quýt các nơi không còn nhiều, nhờ vậy được giá.
“Một năm bán quýt được vài tỷ đồng chớ?”- tôi cắt ngang. Ngọc Tính đáp: “Thưa với anh, tôi lên sóng Truyền hình Bình Thuận mấy lần vì là người trồng quýt thu nhập cao. Sướng! Nhưng không khỏi lo sẽ có lúc quýt dội hàng vì người trồng quýt ở Tân Minh, Tân Phúc và Tân Đức ngày một nhiều. Chưa kể, quýt trồng tại Tân Phúc là quýt ghép, sau 5 năm là giảm năng suất, cần đầu tư lại”.
Nghĩ vậy, nhưng chưa biết chuyển hướng ra sao thì có người bạn giới thiệu Ngọc Tính mua cây lan ngọc điểm rừng (cứ phải thêm chữ rừng để phân biệt với ngọc điểm cấy mô, lai tạo) hoa dài khoảng 40 cm, giá 700.000 đồng… Được vài hôm, một người nài lại 1,5 triệu đồng. Lúc này Ngọc Tính mơ hồ nhận biết: Ngọc điểm rừng nếu đẹp, hoa đẹp rất có giá, còn giá bao nhiêu thì chưa rõ…
Video đang HOT
Tìm hướng đi
Đó là buổi chiều xuân 5 năm trước (2014), Ngọc Tính nảy ý nghĩ đến với nghề trồng lan ngọc điểm rừng. Tính mày mò học cách chăm lan, tìm hiểu về lan xuất khẩu. Qua đó anh biết, phong lan không còn là thú chơi của người có tiền, mà của nhiều người, kể cả người bình dân. Đặc biệt, trong nhiều loại lan, người miền Bắc rất chuộng ngọc điểm rừng Bình Thuận.
“Đất làm trại mình có rồi, nhưng mọi cái còn lại phải mua. 2 năm đầu, tôi mất 300 triệu đồng vì chuẩn bị không đạt… Ví dụ, thấy không ít người trồng lan hay bỏ than trong chậu, tôi cũng mua mấy tấn, nhưng từ lúc bỏ than vô, chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng hơn 1 năm, cây lan chỉ ra được vài lá, lá không xanh mà vàng, rồi rụng đi. Thứ hai, móc sắt để treo chậu lên giàn. Từ đầu tôi mua móc nhỏ nên khi lan lớn, trọng lượng chậu tăng, móc ngoắc ra làm rơi cả chậu. Phải thay gần 10.000 chậu và gần như vậy với số móc sắt… Cũng nhờ trả học phí cho sự thiếu hiểu biết như vậy, tôi am hiểu dần ngọc điểm rừng”.
Giống ngọc điểm mà Ngọc Tính đang trồng tên khoa học là Rhynchostylist Gigantea, còn gọi là đai châu, lan me, nghinh xuân (ra hoa đúng địp Tết Nguyên đán). Ngọc điểm nói chung có 4 loại.
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trong sách “Cây cỏ Việt Nam”, cho biết: Ngọc điểm có mặt từ Bình Tuy (nay là Tân Minh, Tân Phúc, Tân Đức và một số nơi khác) kéo dài đến Nha Trang, ngược lên sông Krong Pak (Đắk Lắk). Những năm 80 thế kỷ XX, Bình Thuận rất giàu các loại lan rừng. Trữ lượng lớn, khoảng vài chục vạn cây và có cả ngọc điểm trắng, ngọc điểm hồng (do biến đổi gen). Vùng này bị ảnh hưởng gió biển nhiều, khí hậu tương đối nóng, lan mọc thấp, dưới 5 m, dễ lấy…”.
Nhân giống ngọc điểm
“Cách đây hơn 15 năm, nơi tôi đang đứng đây đến giáp xã Gia Huynh (Tánh Linh) là rừng lá buông, rừng sản xuất đang trong giai đoạn nghèo đi vì bàn tay của con người…Sau vài năm, phần lớn diện tích rừng, đất rừng ở đây được dành cho các dự án kinh tế lớn nhỏ của nhiều người…Ngọc điểm rừng thân leo, sống tầm gởi vì vậy không tránh khỏi cảnh giày xéo, là thứ bỏ đi trong mắt những đại gia lắm bạc nhiều tiền, đang mơ mộng những dòng mủ cao su trắng chảy vào thùng chứa mỗi sáng mai ra… Vì vậy, khi thu thập ngọc điểm, tôi dựa vào lao động địa phương, đồng bào dân tộc – những người làm thuê cho dự án.”.
Ngọc Tính kể tiếp: “Tôi dặn họ: Nếu thấy ngọc điểm, cứ mang về, tôi trả thù lao với giá 800.000 đồng/kg (20 cây lớn nhỏ. Giá này, nhiều người ưng bụng vì họ làm “sặc gạch” chỉ được 200.000 đồng/ ngày)”…
Thay vì chăm sóc số lan có được từ 15 – 20 tháng để mỗi ký lan giống đẻ khoảng 10 kg lan thành phẩm, bán với giá 400.000 đồng/kg, Tính tách cụm lan thành nhiều thân nhỏ, vô chậu, hoặc trồng lên cây vú sữa, là giá thể ưa thích của lan… rồi tưới phân, kích thích lá rễ… Với cách làm này, một cụm lan ban đầu có thể cho ra vài chục giò lan khỏe mạnh, nếu được chăm sóc tốt.
“Ngọc điểm rừng Bình Thuận mình và ngọc điểm Hòn Hèo (Nha Trang) khá nổi danh trong giới chơi lan. Lá nó dài, bản lá rộng, cây khỏe mạnh, có thể ra 4 vòi hoa cong, dài từ 15 – 40 cm. Hoa màu trắng hồng điểm dày sắc tím, thơm nhẹ, kéo dài nhiều ngày. Với xứ Bắc, trong những tháng nhiệt độ cao, ngọc điểm Bình Thuận vẫn thích nghi, sinh trưởng tốt… Đây là lý do vì sao nó được ưa thích” – Tính tiếp tục câu chuyện.
“Hiện nay, người ta vẫn thu thập lan rừng, chứ?”. “Khó lắm anh ơi. Nguyên nhân, quanh đây bây giờ là rừng cao su, rừng keo lai… Rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông gần đây thì dân “săn” ngọc điểm cũng chà đi xát lại”. “Ngọc điểm vẫn bán đầy trên đường phố kìa!”. “Ngọc điểm lấy từ rừng Lào, Campuchia về có giá 300.000 đồng/kg. Ngọc điểm Lào lá và rễ khá dài, còn ngọc điểm Việt lá sậm màu hơn, rễ ngắn”…
Cũng theo chủ trại lan, khó nói chính xác giá ngọc điểm rừng vì còn tùy thuộc vào hoa, vào sự “bề thế” của chậu lan, độ lớn của trụ lan…Hoa nhiều, chuỗi hoa đẹp và dài, nếu là đột biến gen tuyền sắc trắng, hoặc sắc hồng, giá cực cao 1 – 2 tỷ đồng/chậu… là thường.
1 trụ ngọc điểm rừng Bình Thuận trên giá thể gốc vú sữa, đường kính 1 – 1,5 m, không ít nơi chào giá 70 triệu đồng/trụ. Lý do nó đang được ưa chuộng. Nhiều người đánh giá: Ngọc điểm Bình Thuận cánh nhỏ hơn không bầu tròn như hàng Thái nhưng mùi thơm kéo dài, kể cả 1 tháng sau Tết Nguyên đán. Nó là hàng rừng mà đạt 70% số điểm so ngọc điểm lai, cấy mô của Thái, quả là tuyệt vời!
Trả ngọc điểm về rừng
Đến cuối năm 2018, sau 4 năm kiên trì, cũng như đã chi 6 tỷ đồng, Tính có được 1,2 ha (trong số gần 10 ha chuyên trồng cây) để làm trại lan, với 15.000 chậu; 1.000 trụ lan, cao từ 1,5 – 2 m/trụ… Trại bắt đầu có khách mua sỉ, từ 200 – 300 chậu, với giá 800.000 – 1 triệu đồng/chậu (12 – 15 lá). Đa phần được chuyển đi Bắc.
Và, cũng lúc này đây, phong trào trồng lan, sản xuất lan giống có phần phát triển ở Tân Minh, Tân Phúc. Các trại đều có suất đầu tư từ 2 tỷ đồng trở lên và đa phần chủ trại là người miền Tây lên Tân Phúc, Tân Minh lập nghiệp những năm 90 của thế kỷ XX.
… “Lợi ích như vậy, sao Ngọc Tính lại nghĩ đến chuyện trả một phần ngọc điểm lại cho rừng?”- tôi tò mò. “Cái gì cũng có nguyên nhân. Khi thành lập các trại lan, người quen biết tôi đi mua lan về, kể lại: Quá khó tìm ngọc điểm. Chả bù những năm 90 thế kỷ XX, bước chân vào rừng Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ… gặp “quá sá cà sa” phong lan.
Qua đó cho thấy tài nguyên rừng ngày càng sụt giảm… Bởi vậy, tôi đoán chắc: Trước nhu cầu hiện nay, đến lúc nào đó ngọc điểm rừng trở thành của hiếm. Rồi tôi nghĩ đến cách nhân giống ngọc điểm của mình hiện nay chắc chắn không bằng nhân giống thông qua tự nhiên. Không gì bằng bà mẹ tự nhiên. Thứ hai, tôi rất yêu rừng, thích vào rừng khi có thời gian rảnh rổi.Vậy, hà cớ gì tôi không xin phép chính quyền, chủ rừng nào đó cho phép trả lượng lan ngọc điểm về lại rừng?
Tôi sẽ dùng lạt tre buộc ngọc điểm vào thân cây rừng mà nó ưa thích. Sau thời gian không dài, cây rừng khắc nuôi lan; lấy mưa, lấy gió, lấy nắng trời làm thức ăn để lan nảy nở… Đó là cách gởi trả lại tự nhiên một phần những gì con người lấy đi lâu này. Chỉ sau vài năm, số lan gởi vào rừng phát triển (với điều kiện phải được chủ rừng giữ gìn tốt, có trách nhiệm), đến lúc đó mình thu thập lại phần nào, ngọc điểm rừng sẽ không mất giống. Tôi biết sẽ mất rất nhiều công cho việc tôi vừa nói với anh, cũng như có người cho tôi “khùng”. Khùng cũng được, chẳng sao cả…!”- Tính nói rồi cười.
Vĩ thanh
Bình Thuận trước đây giàu tài nguyên rừng (trên 440.000 ha rừng). Thế nhưng, rừng Bình Thuận chịu không ít tác động, đã giảm đáng kể về trữ lượng, về chủng loại thực vật… Vì vậy, những người như Ngọc Tính đáng được trân trọng bởi góp phần bảo tồn nguồn gien lan rừng. Và, từ chuyện lan rừng ngọc điểm nghĩ đến chuyện: Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên phong lan để tiếp tục lai tạo, nhân giống, cuối cùng là xuất khẩu lan, một hướng đi nhiều tiềm năng, mang lại nguồn thu cho đất nước.
…Ai chơi lan, tự họ đã yêu thiên nhiên, hiểu biết ít nhiều về giá trị về giá trị vật chất, giá trị tinh thần do cây mang lại… Đa phần họ biết nhìn cây, nhìn hoa mà thấy cả sức sống diệu kỳ trong cái tưởng như mong manh, lặng thầm…
Có thế, người ta mới hy sinh thời gian, công sức, chăm cây như chăm con… Trồng lan, chơi lan đều cần có “con mắt” như người xưa nói: “Thức giả, thị bảo, bất thức giả, thị thảo”, nghĩa là: “Biết thì là bảo vật, không biết chỉ là cỏ”…
Theo Hà Thanh Tú (Báo Bình Thuận)
Nam thanh niên chết bên vệ đường cạnh chiếc xe máy ở Bình Thuận
Công an Bình Thuận đang làm rõ nguyên nhân nam thanh niên chết bên vệ đường Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.
Đến trưa 13/5, Công an huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã xác định nhân thân của nam thanh niên chết bên vệ đường vào rạng sáng cùng ngày.
Chiếc xe máy tại hiện trường, được cho là của nạn nhân. (Ảnh: L.Long)
Nạn nhân được xác định là Cao Phương (24 tuổi, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).
Thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra khoảng hơn 0h cùng ngày, trên Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Nhiều người đi đường phát hiện một xe máy nằm trên đường, phía ngoài hộ lan có một thi thể nam giới.
Nhận được tin báo, cơ quan chức năng huyện Hàm Tân đã đến hiện trường lập biên bản, đưa thi thể thanh niên này về bệnh viện để điều tra nguyên nhân thiệt mạng.
Được biết, anh Phương đi làm thuê ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
TIÊU PHONG
Theo Danviet
Tai nạn giao thông, 2 cha con tử vong dưới gầm xe ben Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận khiến 2 cha con tử vong. Theo báo Bình Thuận, vụ tai nạn xảy ra vào sáng ngày 12/4, tại ngã tư Sông Phan, đoạn km1749 600 QL1A qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Xe ben gây tai nạn. Ảnh:...