Trái cây Việt Nam thua trên sân nhà
Việt Nam có nhiều lợi thế về cây trái nhiệt đới, mùa nào quả nấy. Tuy nhiên, do bao bì, mẫu mã sản phẩm kém, giá bán cao và yếu trong khâu quảng bá khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng… một lượng lớn trái cây nhập khẩu đang hiện diện, khiến trái cây Việt Nam rơi vào tình thế thua ngay trên sân nhà.
Trái cây nhập khẩu luôn hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Hải
Sức ép về giá cả và mẫu mã
Tại Hà Nội, trái cây nhập khẩu có giá bán khá mềm và hút khách, điển hình như táo Mỹ, táo gala New Zealand chỉ từ 56.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, các loại táo nhập đang ở giai đoạn giữa mùa nên giá khá rẻ, ngang với mức giá của nhiều loại trái cây đặc sản trong nước như măng cụt, xoài cát Hòa Lộc… nên thu hút lượng lớn khách mua.
Theo Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi đêm lượng trái cây dồn về chợ đầu mối Thủ Đức dao động từ 17.000 đến 18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Táo, lê, cam của Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… là những mặt hàng được ưa chuộng hơn cả.
Không những chiếm lĩnh thị phần tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối…, tại hệ thống siêu thị như Lotte Mart, Maximark, Satra Food… trái cây ngoại được bày bán khá nhiều và bắt mắt với nho, cam, táo, lê, chery… Ngoài ra, trái cây mang mác “ngoại” cũng được bày bán khắp các nẻo đường giao thông, chợ con, chợ cóc của Hà Nội.
Theo bà Đặng Thị Loan, quận Hà Đông, trái cây nhập khẩu được khách hàng ưa chuộng do mẫu mã đẹp, giá bán cũng phải chăng.
Video đang HOT
Tận dụng thế mạnh trong nước
Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả cả nước đã đạt gần 1,4 tỷ USD, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn sản phẩm đã và đang mở cửa cho trái cây Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Dự kiến, xuất khẩu trái cây sẽ đem về trên 2 tỷ USD trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trái cây đang được coi là mặt hàng “cứu tinh” cho xuất khẩu nông sản. Hiện các bộ, ngành đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại với mặt hàng này, mặt hàng được cho là có tiềm năng cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Doanh, khai thác thị trường nước ngoài là cần thiết, nhưng không nên bỏ qua thị trường trong nước. “Việt Nam chi khá nhiều tiền để nhập khẩu trái cây nước ngoài. Với thị trường khó tính như nước ngoài, trái cây Việt Nam còn được ưa chuộng thì không có lý do gì không được người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Vấn đề ở chỗ, việc quảng bá, giới thiệu còn hạn chế, tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng trái cây Việt Nam” – ông Lê Quốc Doanh nói.
Đề cập nội dung trên, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho biết, ngoài trái cây nhập ngoại, các siêu thị cũng bày bán nhiều loại trái cây giống nước ngoài được trồng trong nước, loại này khá đắt khách, vì giá rẻ. Ví như mít giống Thái khoảng 30.000 đồng/kg, dưa hấu giống Mỹ được trồng tại Long An có giá 13.000 đồng/kg, dưa hấu giống Nhật giá 10.900 đồng/kg. Nhiều giống cây ăn quả trồng tại Việt Nam có giá chỉ bằng nửa mức so với hàng ngoại nhập, nên được người tiêu dùng đón nhận.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, sau thời gian dài phấn đấu, trái cây Việt Nam từng bước thỏa mãn điều kiện nhập khẩu của nhiều nước như: Mỹ, New Zealand, Nhật Bản… Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, những năm trở lại đây, thị trường trong nước cũng được doanh nghiệp chú ý khai thác. Vấn đề là cần quan tâm đến chất lượng, bao bì, mẫu mã và khắc phục những bất lợi về thời tiết, để trong tương lai gần trái cây Việt Nam mới đứng vững trên sân nhà. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài, đồng thời tận dụng những thế mạnh để khai thác cả thị trường trong nước. Nếu thực hiện được điều này, nguồn lợi từ xuất khẩu tăng, ngược lại nhập khẩu trái cây sẽ giảm, đây là hai cái lợi cần thực hiện song hành.
Theo_Hà Nội Mới
Vì sao trái cây giá rẻ như bèo nhưng vẫn ế?
Nhiều loại trái cây giá rẻ được bày bán tràn lan trên các tuyến đường TP HCM với giá rẻ như bèo, nhưng sức mua khá thấp.
Trong khi các siêu thị cho biết trái cây Việt vẫn tiêu thụ khá tốt dù giá cao. Theo các siêu thị, người tiêu dùng không còn ưu tiên giá rẻ mà quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại nông sản.
Nhà vườn và người kinh doanh đều gặp khó
Thời gian gần đây, trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại TP HCM như Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Quang Trung (Q.Gò Vấp), Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức)..., người đi đường chứng kiến nhiều loại trái cây giá rẻ như thanh long, ổi (dưới 10.000 đồng/kg), chôm chôm tróc, dưa hấu (12.000 đồng/kg), bưởi năm roi (15.000 đồng/hai trái), bơ (20.000 đồng/kg)... Tuy nhiên, theo nhiều người bán, dù giá thấp nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn.
Bán trái cây xe đẩy lưu động dưới lòng đường TP HCM - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
"Chưa bao giờ giá thanh long xuống thấp như vậy. Thanh long ruột đỏ Phan Thiết mà chưa đến 10.000 đồng/kg, nhưng mỗi ngày chỉ có lèo tèo khách đến hỏi mua dù trưng bảng rõ giá tiền, nói kỹ về nguồn hàng" - anh N.Q.H., chủ xe bán thanh long tại đường Tân Sơn (Q.Gò Vấp), than thở.
Ông Đ.V.Đ - chủ xe bơ Đắk Lắk tại đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) - cũng cho biết cả ngày chỉ tiêu thụ được vài ký, chỉ đủ tiền ăn và xăng xe.
Trong khi đó, nhiều nhà vườn cũng than tiêu thụ trái cây gặp khó, dù sản lượng sụt giảm mạnh và giá cả đứng ở mức thấp. Theo ông Đoàn Thanh Tường (H.Cần Giờ), tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài khiến sản lượng trái cây giảm nhiều so với mọi năm, chỉ vỏn vẹn 3 tấn. Tuy nhiên với giá bán 16.000 đồng/kg tại vườn, doanh thu của vườn cây sụt giảm mạnh so với mọi năm.
Ông Minh - xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, chủ vườn ổi 6.000m2 - cũng cho biết không những sản lượng sụt giảm do nắng nóng kéo dài, chất lượng ổi cũng bị giảm so với mọi năm như bị nám, trái nhỏ... "Mỗi ngày tui chỉ bán khoảng 100kg ổi bán tại vườn với giá 10.000 đồng/kg loại 1, dưới 8.000 đồng/kg đối với ổi dạt nhưng vẫn bị thương lái chê ỏng chê eo không mua" - ông Minh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tài - chủ vườn măng cụt tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - cho biết vườn măng cụt xum xuê lá nhưng không cho quả. "Hơn 13 công đất nhưng chỉ thu được 1 tấn trong khi mọi năm đạt 3-4 tấn, doanh thu không đủ bù chi phí chăm sóc vườn cây" - ông Tài than. Theo ông Tài, trái măng cụt bị tóp, khô, ít ngọt và không có nhiều thịt như mọi năm cũng là một trong những lý do khiến việc tiêu thụ gặp khó.
Lo bị cân gian, mua nhầm trái cây Trung Quốc
Chị Trần Thị Sáng, nhà ở đường Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp, cho biết không dám mua trái cây bày bán dọc đường nữa vì sợ "rước thêm bực mình". Theo chị Sáng, nhiều loại trái cây trông rất bắt mắt, chỉ khi mua mới biết mình bị lừa. "Hôm bữa tiện đường đi làm về, thấy thanh long ghi giá 15.000 đồng/kg, lựa chán chê, đem lên cân đã bị tính giá 20.000 đồng, hỏi lại thì bảo 15.000 mua chỉ được loại nhỏ, héo queo nên nhất định tôi không mua nữa" - chị Sáng kể.
Một số bà nội trợ có kinh nghiệm khẳng định nguồn hàng được bày bán trên đường chỉ là hàng loại 3, 4. Ví dụ mặt hàng ổi có tới 3-4 loại khác nhau, với nhiều mức giá nhưng đều ghi chung 10.000 đồng/kg, khi tính tiền người mua mới tá hỏa vì giá lại là 20.000 đồng/kg. "Tui đã "dính bẫy" một lần rồi. Thấy ổi đẹp và giá rẻ nên tấp lại mua, ai dè chủ hàng chỉ loại ổi nhỏ, bầm... để riêng một góc rồi bảo những loại này mới có giá 10.000 đồng/kg, còn ổi loại 1 phải 20.000-25.000 đồng/kg" - chị Lê Thị Thủy (Q.Bình Thạnh) bức xúc.
Trong khi đó, nhiều người đã lỡ mua trái cây được bày bán dọc đường ấm ức cho biết thường bị cân gian, bán lận. Theo chị Nguyễn Thị Hoa - P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, sau khi mua 2kg xoài được chủ hàng khẳng định như đinh đóng cột là "cát Hòa Lộc", đem về cân lại chỉ còn hơn 1,5kg và ăn "chua lè", khác xa với vị ngọt lịm của miếng xoài được "bao ăn" của một xe đẩy trên tỉnh lộ 10. Cũng theo chị Hoa, nhiều loại trái cây trông rất bắt mắt nhưng không biết có phải hàng Trung Quốc không nên không dám mua tùy tiện nữa.
Lý giải về tình trạng trái cây đang rẻ nhưng người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà, nhiều nhà bán lẻ cho rằng ngoài lý do cung vượt cầu khi vào mùa, người tiêu dùng không còn ưu tiên giá rẻ mà chỉ tin dùng sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu. "Sức mua các mặt hàng trái cây vẫn ổn định, vào thời điểm nhà bán lẻ phối hợp với nhà làm vườn khuyến mãi, doanh số ghi nhận bao giờ cũng tăng vọt" - đại diện Saigon Co.op nói.
Theo nhiều siêu thị, các loại rau củ quả tươi là một trong những ngành hàng thế mạnh tiêu thụ tốt nhất, trong đó chủ yếu là trái cây nội. Dù thừa nhận điểm yếu của trái cây Việt là hình thức không đa dạng, chất lượng không đồng đều nhưng ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc đối ngoại Big C VN, cho biết người tiêu dùng ngày càng thích mua trái cây tại các siêu thị là do có xuất xứ rõ ràng, chất lượng ổn định và được trưng bày bắt mắt.
Ngoài ra, để hỗ trợ tiêu thụ, thúc đẩy hàng nông sản Việt, nhiều hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, Lotte, Big C vẫn có những chính sách thu mua trái cây, nông sản với mức giá ổn định suốt mùa. "Giá trái cây, nông sản vào rộ vụ thu hoạch thường thay đổi thất thường, có khi lên rất cao nhưng có khi cũng rẻ như cho. Để tạo sự công bằng, chúng tôi đều ký kết thu mua với nhà vườn từ sớm, giá cả ổn định, tránh gây thiệt hại cho người bán cũng như người đi mua hàng và cả siêu thị" - đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết.
Theo NTD
Trái cây Trung Quốc tràn ngập: Người tiêu dùng thờ ơ vì sợ độc Có "mã" bắt mắt, nguồn hàng dồi dào nhưng trái cây Trung Quốc vẫn khiến người tiêu dùng quay lưng vì sợ độc Trái cây có xuất xứ Trung Quốc tràn chợ nhưng ế ẩm rất ít người mua Trái câyTrung Quốc hiện đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tại Hà Nội, ở hầu khắp các chợ đầu mối, chợ tạm hay...