Trái cây theo đại gia Thái đổ bộ vào Việt Nam
Sản phẩm chế biến từ trái cây Việt đơn điệu, bao nhiêu năm vẫn chỉ quanh quẩn với mít, nhãn… sấy khô.
Sau nhiều năm xếp sau Trung Quốc, nay Thái Lan đã vượt mặt để trở thành nước xuất khẩu rau quả vào Việt Nam nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan vào nước ta đạt gần 60 triệu USD trong ba tháng đầu năm nay, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Rau quả nhập khẩu từ Thái Lan đã chiếm tới 38% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Trong khi đó, rau quả Trung Quốc từ mức 27% nay chỉ còn chiếm hơn 24% thị phần” – ông Kỳ phân tích.
Ngày càng nhiều trái cây Thái
Video đang HOT
Khảo sát một số chợ trên địa bàn TP HCM như Phạm Văn Hai, Bà Chiểu, cho thấy các loại trái cây Thái Lan như bòn bon, măng cụt, me, xoài… đang được bày bán khá nhiều. Giá trái cây Thái có loại cao hơn, có loại thấp hơn trái cây Việt. Ví dụ, xoài Thái 40.000-60.000 đồng/kg, xoài Việt Nam 60.000-70.000 đồng/kg; me Thái giá 40.000-60.000 đồng/kg trong khi không thấy me Việt. Riêng với mặt hàng trái cây chế biến, sản phẩm Thái phong phú hơn hẳn so với hàng Việt.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thông tin do lo ngại trái cây Trung Quốc độc hại nên gần đây nhiều người chuyển sang ăn trái cây Thái.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Võ Mai, nguyên Cục phó Cục bảo vệ thực vật, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: “Nguyên nhân chính khiến trái cây Thái Lan nhập khẩu ngày càng nhiều vào Việt Nam do lòng tin của người tiêu dùng Việt dành cho hàng Thái đã được tích lũy qua nhiều năm, từ hàng công nghệ đến đồ gia dụng cho đến thực phẩm, rau quả. Đặc biệt khi các đại gia Thái thâu tóm hệ thống bán lẻ tại Việt Nam thì hàng hóa Thái Lan nói chung và trái cây nhập theo chân họ vào nước ta ngày càng nhiều” – bà Mai lý giải.
Trái cây Thái xuất hiện ngày càng nhiều trên các sạp bán trái cây tại Việt Nam.
Để cạnh tranh với trái cây Thái
Để đấu với trái cây Thái đang ồ ạt tràn vào cũng như tăng sức cạnh tranh cho trái cây Việt, TS Võ Mai cho rằng, ngành sản xuất trái cây của Việt Nam phải xây dựng mối liên kết chuỗi giá trị từ nông trại sản xuất đến bàn ăn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần quy định cụ thể các vùng nguyên liệu trái cây theo tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalG.A.P… Từ đó sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn và giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt phải ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, kết hợp công nghệ chế biến hiện đại, trong đó tập trung đẩy mạnh công nghệ xử lý, bảo quản và chế biến trái cây. Khi đó mới đảm bảo được đầu ra, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh với trái cây Thái.
“Nhờ làm tốt khâu bảo quản, chế biến… nên Chile đã làm được ít nhất 10 sản phẩm từ trái thanh long, trong khi Việt Nam có diện tích trồng thanh long lớn, năng suất cao nhưng chỉ bán để ăn tươi. Thế nên mỗi khi Trung Quốc ngừng mua thì thanh long Việt Nam lại ế ẩm, rớt giá” – bà Mai dẫn chứng.
Để giảm thiểu tình trạng trên, mới đây một số doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu và sản xuất thành công rượu vang thanh long, và bước đầu được thị trường đón nhận. Tuy vậy, sản phẩm chế biến từ trái cây Việt nhìn chung vẫn còn đơn điệu, bao nhiêu năm cũng chỉ quanh quẩn với mít, nhãn… sấy khô. Do vậy theo TS Mai, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến như làm nước trái cây lên men, trái cây sấy.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng đề xuất các cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với các thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi da xanh (Bến Tre), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), thanh long (Tiền Giang, Long An)… Song song đó, xây dựng các trung tâm chiếu xạ tại các vùng nguyên liệu chuyên canh trái cây đủ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trái cây xuất khẩu.
“Nhà nước cũng nên ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ trái cây sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh với trái cây Thái nói riêng và trái cây các nước nói chung; xúc tiến thương mại, quảng bá tiếp thị trái cây Việt tại thị trường thế giới cũng như nội địa” – đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.
Coi chừng chất lượng trái cây Thái Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết mới đây báo chí Thái Lan thông tin, Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) công bố hơn 57% rau quả các loại của Thái Lan đã được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn “Q” công nhận đạt chất lượng, nhưng bị phát hiện chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt mức an toàn. “Đây là hồi chuông cảnh báo về chất lượng trái cây nhập từ Thái Lan. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây Thái, đặc biệt là trái cây Thái nhập qua tiểu ngạch. Đồng thời các chợ đầu mối phải có các phòng phân tích, kiểm nghiệm chất lượng để kịp thời phát hiện những lô hàng nhập khẩu vi phạm về chất lượng” – ông Kỳ kiến nghị. 204 triệu USD là số tiền người Việt bỏ ra nhập khẩu rau từ nhiều nước trên thế giới trong bốn tháng đầu năm nay. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, con số này tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp thị, quảng cáo tốt Nếu so về chất lượng thì một số loại trái cây Việt như sầu riêng, xoài, thanh long… không thua trái cây Thái. Tuy nhiên, nhờ tiếp thị, quảng bá và bảo quản tốt nên trái cây Thái xâm nhập mạnh vào nước ta. Và đây cũng là bài học cho Việt Nam. Ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp
Theo Quang Huy (PLO)