Trái cây tăng giá từng ngày theo… hạn, mặn, thương lái lùng mua
Cam sành, cam xoàn, nhãn, chôm chôm… sắp vào vụ chính, đáng lẽ giá cả phải chăng, nhưng hiện nay đi khắp cả chợ chẳng tìm được sạp trái cây nào ưng ý. Hạn mặn đang diễn ra khốc liệt khiến nhiều vườn cây ăn trái ở miền Tây bị ảnh hưởng nặng về sản lượng và chất lượng, kéo theo giá bán cũng tăng.
Thương lái lùng mua
Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Ý (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) có thói quen uống nước cam hàng ngày. Thế nhưng, cả tuần nay, mỗi lần đi chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chị Ý dạo từ đầu chợ đến cuối chợ vẫn không tìm được sạp nào bán cam sành ưng ý. Trái thì quá nhỏ, ít nước, giá lại cao.
Như loại cam nhỏ nhỉnh hơn trái chanh, trước đây là hàng dạt, chỉ bán cho các xe ép nước cam ven đường, giá vài nghìn đồng/kg. Thế mà hiện nay, cả chợ chỗ nào cũng thấy bán loại cam này, giá 13.000 – 15.000 đồng/kg. Còn cam loại lớn, ngon, mọng nước, bình thường chị Ý mua với giá 15.000 đồng/kg nhưng hiện đã tăng lên 25.000 đồng/kg. “Giá tăng nhưng cam vỏ dày, sần sùi, ít nước nên vắt ra rất đắng” – chị Ý kể.
Trái cây trong siêu thị cũng tăng giá bán. (ảnh: Nguyễn Vy)
Chị Tư Bình bán trái cây ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức phân trần, mùa này đáng lẽ trái cây dồi dào, giá phải chăng vì sắp vào chính vụ. Nhưng hiện nay, nước mặn tràn vào đồng, nhiều vườn cam không có nước tưới héo chết hết nên không có hàng. Mà có thì trái cũng không được đẹp mã, giá lại cao. Hiện giá cam đã tăng gần 10.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng.
Không chỉ cam, chanh, chôm chôm các loại cũng tăng giá mạnh trong những ngày qua. Cụ thể, chôm chôm Java từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, nay là 16.000 – 18.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn từ 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 30.000 đồng/kg. Riêng giá chôm chôm Thái đang ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg trong khi trước đó chỉ 28.000-30.000 đồng/kg.
Dù tăng giá cao nhưng nhiều tiểu thương nhận xét, chôm chôm vụ này trái nhỏ, hạt to và ít cơm. Nhiều chủ sạp còn không lấy được hàng đẹp, phải bán loại dạt, trái còn xanh và chát nên khách hàng chê.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Ngọc Nhân – Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) cũng cho biết, chôm chôm Java đang vào cuối vụ, sản lượng ít, lại gặp ảnh hưởng của hạn mặn nên trái nhỏ. Giá thu mua chôm chôm tại vườn đã tăng gần gấp đôi nên nhà vườn rất phấn khởi. Giá chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái cũng tăng từng ngày và được thương lái lùng mua rất nhộn nhịp.
Dự báo sản lượng giảm
Ông Nguyễn Văn Nhiên (ngụ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) có 7.000m2 đất vườn trồng sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác. Từ sau Tết Nguyên đán, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào tận vườn, có lúc đo được đến 2gr/lít khiến gần 50% số cây trồng trong vườn ông Nhiên bắt đầu suy kiệt, mất sức sống. Ông Nhiên cho biết, đây là vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh, năm nay hạn mặn khốc liệt, cây không đủ nước tưới nên nhà vườn không kích thích ra hoa. Do đó, dự báo sắp tới sản lượng sầu riêng trên thị trường sẽ giảm nhiều.
Để giúp vườn cây cầm cự qua mùa hạn, nhiều nhà vườn phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua nước ngọt về trữ tưới cho cây. Giá bơm nước ngọt từ đầu nguồn sông Tiền về khoảng 4,5 – 5 triệu đồng/80m3 nước ngọt. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp cây cầm cự qua mùa hạn mặn, không đủ để cây phát triển, ra hoa kết trái như thông thường.
“Sầu riêng giúp gia đình tôi thoát nghèo, giờ mà hạn mặn, sầu chết cây là lại tái nghèo, thậm chí đổ nợ nên tôi lo lắm!” – ông Nhiên than thở. Điều ông Nhiên lo lắng hơn là nếu bị nhiễm mặn, sầu riêng rất khó hồi phục, do đây là cây trồng lâu năm. Chi phí tái tạo vườn, dưỡng cây sau này cũng sẽ khiến giá thành sản xuất tăng cao.
Ông Trần Duy Thuận (ở xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An), cũng chia sẻ, với các cây họ cam, chanh, khô hạn sẽ khiến cây không đủ sức nuôi trái. Một thời gian, cây sẽ chết hoặc vụ sau sẽ kém năng suất.
TS Võ Hữu Thoại – Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, nhà vườn không nên xử lý cho cây ra hoa trong giai đoạn này. Thay vào đó nên thực hiện các biện pháp giữ ẩm cho cây như sử dụng rơm rạ phủ gốc cây, tưới tiết kiệm… Bên cạnh đó, cần tỉa cành, tạo tán; tăng cường bón phân hữu cơ, kali và phân lân cho cây; có thể phun phân bón lá giúp cây tăng sức đề kháng và khả năng chịu hạn.
Chi hàng chục triệu đồng mua nước ngọt cứu cây
Đến nay, tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra tại ĐBSCL đối với lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 (ảnh hưởng trên 30% năng suất) khoảng 39.000ha.
Bộ NNPTNT cũng thông tin, nguồn nước ngọt tích trữ cho việc tưới cây đang cạn dần. Nếu hạn mặn còn tiếp tục kéo dài, nhiều vườn cây trồng ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Hiện nhiều hộ nông dân đang phải mua nước ngọt từ các vựa nước với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/m3 để dùng cho sinh hoạt và tưới cây. Có vùng bị xâm nhập mặn nhiều, xa nguồn nước ngọt, giá nước lên đến 150.000 đồng/m3 như tại Bến Tre.
Theo Danviet
Trang trại "thần kỳ", cây trái trĩu cành, tốt tươi giữa trời hạn hán
Giữa trời nắng hạn khô khốc, 14ha trồng canh của trang trại này vẫn tốt tươi, trỉu quả sum suê. Những thảm cỏ dại chen nhau nở hoa, vươn mình vây phủ lấy trang trại. Chủ nhân của trang trại "thần kỳ" trồng chanh này là ông Trần Duy Thuận, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Trong khi nhiều chủ vườn trồng cây ăn trái, nhất là trồng chanh tại huyện Bến Lức -"thủ phủ" chanh của tỉnh Long An, đang vật vã xoay xở nguồn nước ngọt để cứu vườn cây khô khốc bởi hạn mặn, thì chủ nhân của 14ha trang trại chanh này ông Trần Duy Thuận mỗi sáng cứ thong dong ra ngắm vườn chanh. Đâu là "bí quyết" không chỉ giữ cho trang trại trồng chanh trụ vững giữa mùa nắng hạn kỷ lục mà còn có trái thu hoạch bền vững?
Khác với các vườn chanh khác được phát quang cỏ dại, tại trang trại trồng canh của ông Thuận có những thảm cỏ được "nuôi" phủ khắp nơi. Ông Thuận chia sẻ, sau đợt nắng hạn, hạn mặn kỷ lục vào năm 2016 khiến tại Bến Lức nhiều vườn chanh cháy khô, rút kinh nghiệm đối phó với hạn mặn, các thành viên HTX nhận thấy việc sử dụng thảm cỏ dại để bảo vệ cây chanh trong mùa hạn mặn là rất hợp lý.
Và thế là cỏ dại được "nuôi" tại trang trại này chứ không phát quang như nông dân trồng chanh vẫn làm. Các lớp cỏ xung quanh gốc sẽ giữ độ ẩm cho cây chanh trong những tháng hạn hán, giúp đất tơi xốp và giúp cây canh đậu trái tốt hơn. HTX không phun thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy cắt cỏ khi thấy cỏ dại quá cao và phần cỏ bị cắt được giữ lại gốc chanh. Do đó, khi nắng hạn, cỏ vẫn sống và bảo vệ gốc chanh không mất nước. Cỏ được cắt bỏ sẽ oai mục và trở thành phân hữu cơ bón cho cây chanh. Hàng năm, từ tháng 10 cho đến khi qua đợt nắng hạn, cỏ sẽ được giữ lại cho mọc phủ khắp trang trại trồng chanh để chống hạn.
Cùng với việc "nuôi" cỏ dại, HTX cho lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động tiết kiệm nước dưới mỗi gốc chanh. Hệ thống này không chỉ có nhiệm vụ tưới nước tiết kiệm mà còn bón phân, thuốc cho từng gốc chanh.
Theo ông Thuận, mô hình "nuôi" cỏ dại giúp cây chanh chống hạn đang được một số nông dân tại huyện Bến Lức học tập và áp dụng vào sản xuất. Ông Phùng Văn Hội - một hộ nông dân trồng 3ha chanh chia sẻ, khi thấy phương pháp trồng cỏ dại bảo vệ cây chanh trước hạn hán của HTX rất hiệu quả nên ông đã áp dụng cho vườn chanh của mình và cũng thành công...
Theo Danviet
Vụ hai người đàn ông chết bất thường dưới chân cầu: Hé lộ bất ngờ về các nạn nhân Liên quan đến vụ hai người đàn ông tử vong bất thường tại chân cầu Long Kim, hiện cơ quan chức năng huyện Bến Lức vẫn đang tiếp tục điều tra về vụ việc. Theo đó, danh tính hai người đàn ông tử vong dưới chân cầu Long Kim thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An được xác định...