Trái bóng ảo, quả đắng thật – Kỳ 3: Đại gia sạt nghiệp
Dính đến cờ bạc, không ít người đã tan nát cửa nhà, bán sạch tài sản, thậm chí đi lừa gạt kiếm tiền trả nợ rồi dính vào vòng lao lý.
Ô tô do một đại gia mê cá độ bóng đá thuê đem cầm cố được công an thu hồi – Ảnh: Nguyên Bảo
Như con thiêu thân
Trong khi đang thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tiếp nhận phản ánh của một người dân ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM) bức xúc về cá cược bóng đá. Trong gia đình người này, ai cũng có học thức, công việc ổn định nhưng chỉ riêng ông Th. (hơn 40 tuổi) đã lâm vào banh bóng, phải tan nát cửa nhà. Ông đang là tài xế, vợ bán tạp hóa và có 2 hai con. Trong 10 năm dính đến cờ bạc, ông Th. đã phải bán 2 căn nhà khoảng 14 tỉ đồng. Dù gia đình can ngăn và nhiều lần trả nợ thay, nhưng ông Th. vẫn như con thiêu thân. Mới đây, ông Th. đến nhà mẹ ruột nài nỉ xin cứu lần cuối cùng, trả món nợ 200 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ một tuần sau, chủ nợ kéo đến đòi nợ hơn 1 tỉ đồng! Đến đường cùng, hai vợ chồng ông Th. bỏ trốn, buộc người mẹ già yếu phải chăm sóc 2 đứa con đang tuổi đi học.
Trong giới cờ bạc, chuyên nghiệp và dữ dằn nhất phải kể đến Dũng “thẹo” (chủ salon ô tô Hùng Dũng trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM), kẻ từng gây xôn xao dư luận khi bỏ trốn qua Mỹ, để lại món nợ hơn 500 tỉ đồng.
Theo một nguồn tin, tháng 10.2013, một số chủ nợ đã qua tận Mỹ tìm Dũng “thẹo” đòi nợ, nhưng chỉ thu được ít tiền. Trước khi bỏ trốn, Dũng đã lừa hàng trăm người, chiếm đoạt hơn 20 triệu USD. Tất cả mọi nguồn cơn cũng bắt đầu từ năm 2009, khi Dũng sa lầy vào cờ bạc. Làm được bao nhiêu tiền, Dũng đem nướng vào cá độ bóng đá qua mạng và sòng bài ở nước ngoài. Túng thiếu, Dũng làm liều mua thiếu nhiều lô xe đem bán sạch, xe khách hàng gửi cũng bán luôn và vay mượn hàng trăm tỉ đồng đổ vào “lò nướng” cá độ… dẫn đến vỡ nợ.
Một con bạc cháy túi nổi danh khác phải kể đến là đại gia địa ốc T.Q.Dân (ngụ Q.Tân Phú, chủ tịch HĐQT của một công ty địa ốc có tiếng). Trong giới cờ bạc, nhiều người quen gọi Dân là Gia “lùn”. Vì thua bạc, Dân đã bán đi nhiều nhà cửa trị giá cả trăm tỉ đồng. Đến đường cùng, Dân liều mình làm hồ sơ giấy tờ nhà giả mang đi thế chấp ngân hàng; chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng, rồi bỏ trốn…
Video đang HOT
Khi thua bạc nợ nần, con bạc không chỉ đi lừa đảo, cướp tài sản mà còn tìm đến cái chết để trốn nợ. Thời gian gần đây, giới cờ bạc rộ lên tin bà P.L (một “đại gia” ở Q.1) đã nhảy lầu tự tử vì nợ nần. Mặc dù bà P.L đã bán nhiều căn nhà mặt tiền ở Q.1 và sang cả thương hiệu kinh doanh thực phẩm khá nổi tiếng nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần. Sau khi kiểm chứng từ một nguồn tin đáng tin cậy, kết cục của nữ “đại gia” này đúng như tin đồn, nhưng vụ việc đã xảy ra khá lâu và thông tin này ít ai biết vì bà tìm đến cái chết ở nước ngoài.
Giám đốc cũng thành kẻ lừa lọc
Mỗi mùa giải đều có án hình sự Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Công an TP.HCM cho rằng cờ bạc chính là nguyên nhân phát sinh tệ nạn như: trộm cắp, cướp tài sản, lừa đảo và cũng có trường hợp tự kết liễu đời mình. “Mỗi mùa giải bóng đá quốc tế, tại TP.HCM đều xảy ra nhiều vụ án liên quan đến cá độ bóng đá. Vì thế trước khi giải bóng đá khai mạc, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP đều có công văn gửi công an các quận, huyện tăng cường phòng chống tệ nạn cờ bạc và tăng cường tuần tra kiểm soát”, vị này cho biết.
Xuất thân từ một gia đình giàu có và học thức ở Lâm Đồng, sau khi tốt nghiệp trung học, không sống dựa vào gia đình mà muốn tự lập, P.T.U khăn gói xuống TP.HCM lập nghiệp rồi thành công trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, từ khi bước vào vũng lầy banh bóng vào năm 2009, thay vì ngồi trước máy vi tính để tính toán đầu tư xây dựng, U. chủ yếu dán mặt vào màn hình để cá cược.
Đến đầu năm 2010, U. nợ tiền cá độ bóng đá tổng cộng khoảng 6,6 tỉ đồng. Do nợ nần, U. cùng với con bạc khác đã lừa bán xi măng cho một công ty xây dựng ở Q.1, chiếm đoạt hơn 33,5 tỉ đồng. Sau khi bị bắt, U. khai nhận: thường hay truy cập vào trang mạng sbobet để cá cược bóng đá. Sau khi lừa được số tiền nói trên, U. đã sử dụng gần 10 tỉ đồng trả nợ cá độ…
Tương tự là trường hợp của T.T.T (ngụ Q.11, phó giám đốc một công ty TNHH). Từng là thiếu gia của một gia đình giàu có chuyên mua bán ô tô, nhưng do mê cá độ đá banh, T. đã phá sản. Thua độ liên tục khiến T. dựa vào uy tín gia đình để lừa nhiều khách hàng. Không ít lần chủ nợ kéo đến nhà T. đòi tiền. Gia đình T. nhiều lần phải chạy khắp nơi gom tiền để trả nợ thay. Đến đường cùng, T. làm liều thuê 13 ô tô xịn, rồi số thì mang đi cầm cố, số thì làm giả giấy tờ bán sạch. Khi không còn đường xoay xở, T. bỏ trốn.
Giữa tháng 11.2013, chúng tôi đã tiếp xúc với ông M., là chủ nợ của T. và được ông cho hay: “Nó đã mượn của tôi 100.000 USD nhưng không chịu trả. Lúc mượn tiền nó nói mượn đỡ 1 tháng để nhập ô tô nhưng rồi tắt máy luôn. Vừa rồi, người nhà của tôi đã phát hiện nó đang lẩn trốn ở Thái Lan”.
Theo TNO
Trái bóng ảo, quả đắng thật
Đường dây cá độ bóng đá 500 tỉ đồng vừa bị Bộ Công an triệt phá tại TP.HCM chỉ là một trong những mắt xích nhỏ của "tập đoàn" cá độ cá mập ở Việt Nam.
Sau vụ việc khá chấn động này, ai cũng tưởng thị trường cá độ sẽ im ắng hơn nhưng hoàn toàn không phải thế...
Các con bạc tại quán cà phê đang lướt web tìm kèo - Ảnh: N.B
Cá độ mọi lúc mọi nơi
Đầu tháng 11.2013, lân la đến các quán cà phê truyền hình trực tiếp bóng đá, chúng tôi ghi nhận nạn cá độ bóng đá ăn tiền tại những điểm này vẫn diễn ra nhộn nhịp... Một buổi tối chủ nhật, tại một quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) với cả 5 màn hình đang phát các chương trình bóng đá, hàng chục con mắt dán vào màn hình không rời. Tiếng la hét, rên rỉ đầy tiếc nuối bất chợt vang lên... mỗi khi xuất hiện pha bóng hụt của trận cầu. Hàng chục dãy bàn ghế nêm kín từ trong quán ra đến tận lề đường, không còn một chỗ trống.
Ngồi bên cạnh, anh D. (ngụ Q.5) khoe với chúng tôi vừa mới bắt "xỉu" và thắng 2 chai (2 triệu đồng - PV). Bàn bạc say sưa về kèo độ, rồi D. rủ chúng tôi cùng nhập trận. Thấy chúng tôi chần chừ, D. băng qua hàng ghế, chen vào bên trong quán ghi độ. Qua quan sát, chúng tôi phát hiện 2 góc tối bên trong quán có 2 người đàn ông to con xăm mình, chăm chú gõ máy vi tính không ngừng, cá cược trực tiếp ăn thua với khách tại quán, chung chi tiền mặt. Càng về khuya, máu đỏ đen của con bạc càng tăng "áp", tiền đặt cược cũng tăng vùn vụt bởi các trận cầu đã gần đến hồi kết thúc. Đây là thời khắc phân thua thắng bại giữa nhà cái và con bạc. Không chỉ quán cà phê này, con bạc còn rỉ tai nhau về nhiều quán cà phê khác ở các quận: 10, Bình Thạnh, Tân Bình... cũng là điểm đến của họ.
"Mấy đường dây tổ chức cá cược ăn thua trực tiếp tại quán cà phê thường không lớn. Các con bạc này chủ yếu tập trung vào ngày thứ bảy, chủ nhật vừa cá cược vừa xem cho hấp dẫn. Những đường dây lớn tổ chức cá cược kín đáo hơn, không bao giờ nhà cái, con bạc tập trung ở quán cà phê như vậy vì sợ công an bắt", một chiến sĩ thuộc lực lượng Công an TP.HCM tiết lộ.
Qua giới thiệu của một con bạc, khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được D. và T. (chủ một trang mạng). Khi biết chúng tôi là con bạc trung thành, họ mới tỏ ra cởi mở, tiếp thị nhiều trang mạng cá độ với hậu mãi hấp dẫn nhằm lôi kéo chúng tôi. D. và T. là "đại lý" cấp nhỏ của một đầu trên tên là L. (ngụ Q.Bình Tân). L. đã lập 3 trang mạng cho D. và T., mỗi trang nộp 1.000 USD vào tài khoản để đánh. Đánh được vài tháng, 2 bên tin tưởng nhau, 2 người này đã xin làm cấp dưới của L. để hưởng huê hồng 1% trên tổng số tiền con bạc đánh. Nhưng thực tế để cạnh tranh với các đường dây khác, D. lẫn T. buộc phải chiết khấu 0,8% số tiền đặt cược cho chính các con bạc. Sau khi tiếp thị, T., D. bật máy tính, truy cập vào một trang mạng và hướng dẫn cặn kẽ cho chúng tôi. Họ còn giải thích về một con bạc nộp vào tài khoản ảo 2.000 USD nhưng do thua 1 trận nên chỉ còn 1.800 USD...
Cò con... cho đến đại bàng
Qua những đường dây cá độ bóng đá bị Công an TP.HCM hay Bộ Công an triệt phá, mới biết quy mô thị trường cá cược bóng đá ở Việt Nam như thế nào. So với các đường dây sau đây, đường dây của T., D., L. chỉ là cò con.
Trong giới cá độ bóng đá rỉ tai nhau về các ông trùm tên M., G., B., Ng., T. là những người điều hành đường dây cá độ bóng đá qua mạng quy mô cực kỳ lớn, với hàng ngàn con bạc tham gia, số tiền lên đến hàng chục triệu USD mỗi ngày. Dưới trướng của M. có hàng chục "đại lý" cỡ bự như B. (Q.Bình Thạnh), L. (Q.Phú Nhuận); dưới trướng của những đại lý cỡ bự này lại có hàng trăm cấp... Các ông trùm được ngụy trang dưới vỏ bọc tổng giám đốc, giám đốc công ty; khoác lên người một lý lịch sạch không tì vết. Đặc biệt, tiền bạc của các ông trùm này như "núi" nên sẵn sàng chi tiền tỉ để bộ máy vận hành trôi chảy. Ngoài ra, họ có những quan hệ "vàng ròng" để đối phó khi đường dây bị kẻ khác dòm ngó hoặc triệt hạ các đối thủ cạnh tranh.
Các ông trùm không bao giờ nhúng tay chân vào việc điều hành đường dây cá độ bóng đá mà giao cho người nhà, đàn em thân tín của mình; những thuộc hạ này lại có hàng chục thuộc cấp. Mỗi cấp được mệnh danh là "cảm tử". Khi công an sờ đến "cảm tử", thì mọi thông tin bị bịt kín, không thể khai thác mở rộng bắt tới đầu trên được vì không có chứng cứ. Với cách tổ chức khép kín, tinh vi như trên, đôi khi đụng đến ông trùm cờ bạc còn khó hơn đụng đến ông trùm ma túy. Vụ đường dây cá độ 500 tỉ đồng do Vương Chấn Thanh (37 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Viễn Tín trên đường 3 Tháng 2, Q.11, TP.HCM) cầm đầu bị Bộ Công an triệt phá vào giữa tháng 10.2013 là một điển hình. Cơ quan điều tra nhận định, đầu trên của Thành là một ông trùm lớn hơn nhưng chứng cứ để sờ gáy ông lớn này thì gần như vô vọng.
Mặc dù số tiền trong tài khoản trên mạng là ảo nhưng khi bọn chúng chung tiền thắng thua là tiền thật nên uy tín cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên vẫn có không ít con bạc thua nhiều, ù lì không chịu trả hoặc bỏ trốn. Vì thế, mỗi đường dây cá độ bóng đá đều có quan hệ mật thiết với các tay giang hồ có máu mặt để đi đòi nợ.
Các con bạc kháo với nhau đường dây của M. thuộc cấp quốc gia, quốc tế; chứ không phải loay hoay ở TP.HCM. Tại TP.HCM, chỉ có đường dây của ông trùm B. (ngụ Q.Bình Tân), ông G. (ở H.Bình Chánh) mới đủ tầm cỡ sánh được với ông trùm M. Không ít lần, các ông trùm cạnh tranh với nhau khốc liệt để giành giật khách "xộp". Cách đây không lâu, do một con bạc tên C. (ngụ Q.7, đại gia trẻ ở Sài Gòn) bỏ đường dây của M., đột nhiên quay sang đường dây của ông B. chơi khiến M. căm hận, trù dập bằng một số vụ xì căng đan liên quan đến con bạc này nhưng vẫn không thể lôi kéo được C...
(Còn tiếp)
Theo TNO
Quán bar "chui" bị xử lý 5 lần vẫn tái phạm Rạng sáng 24.11, Công an Q.Tân Bình phối hợp với đoàn liên ngành của Q.Tân Bình (TP.HCM) bất ngờ ập vào quán bar Cảm Tưởng (Feeling), số 654 Âu Cơ (P.10, Q.Tân Bình) và phát hiện hơn 200 người đang nhảy theo tiếng nhạc đinh tai nhức óc. Khi thấy công an, hàng chục người đã tìm cách thoát ra ngoài từ cửa...