Trai Bến Tre cầm chắc cả chục triệu mỗi tháng nhờ bán “tim” cây dừa
Phần lõi non của cây dừa, hay còn gọi là “tim” cây dừa không xa lạ đối với người dân miền Tây. Một chàng trai ở Bến Tre đã thu về cả chục triệu/tháng nhờ bán “tim” dừa.
Củ hủ dừa vốn là phần non nhất trên đọt cây dừa, nó được coi như “trái tim” của cây dừa. Có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Từ thực tế đó, anh là Quách Minh Hậu (ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã chọn cách khởi nghiệp với việc bán “tim” của những cây dừa.
Từ củ hủ dừa, anh Hậu kiếm lãi từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: M.A.
Nghe qua có vẻ lạ đời, nhưng công việc này đã giúp anh thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương.
“Tim” dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh: M.A.
Trao đổi với DANVIET.VN, anh Hậu cho hay: “Tôi làm ở thành phố thấy nguồn dừa sau khi phá bỏ ở Bến Tre quá nhiều nhưng không được tận dụng. Sau đó, tôi nhờ một người em ở Sài Gòn đem vô nhà hàng chế biến để khách biết đến. Sau này, người ta quen dần với củ hủ thì mình về quê thu mua, rồi đem lên chợ đầu mối giao cho vựa để tiêu thụ. Nhờ đó, củ hủ dừa của quê mình được nhiều người biết đến hơn”.
Theo anh Hậu, khởi nghiệp với nghề này cũng lắm chông gai. Bởi củ hủ dừa cũng được coi là một món ăn xa xỉ, đó là phần non nhất của cây dừa xem như là trái tim của cây dừa, nên muốn có một cái củ hủ là phải “hi sinh” cả một cây dừa. Vì thế, nguồn nguyên liệu ban đầu hầu như không đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn củ hủ dừa của cở sở anh Hậu được lấy từ các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng,…Ảnh: M.A.
Video đang HOT
“Ban đầu, củ hủ dừa chủ yếu được thu mua từ những vườn dừa già cõi, nông dân chặt dừa để chuyển đổi sang cây ăn trái khác; hay các vườn dừa trồng dày, chủ vườn muốn tỉa bớt cây sau đó lấy củ hủ bán” – anh Hậu cho hay.
Để chủ động hơn nguồn hàng, từ năm 2006 anh Hậu đã liên kết với một số người dân ở miền Tây trồng dừa siêu sớm chuyên để bán củ hủ. Cây dừa thường được trồng từ 2-3 năm trở đi là có thể thu hoạch được. Nhờ đó, nên nguồn hàng của anh Hậu luôn ổn định.
Nhân công sơ chế củ hủ dừa. Ảnh: M.A.
Mỗi tháng cơ sở anh Hậu xuất bán khoảng 10 – 15 tấn củ hủ dừa với giá dao động 35.000 – 60.000 đồng/kg. Ảnh: M.A
“Củ hủ dừa như một loại rau sạch, chủ yếu được dùng chế biến thành gỏi củ hủ dừa để đãi tiệc. Hiện nay, tôi lấy nguồn củ hủ dừa từ thương lái ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh long, Sóc Trăng” – anh Hậu chia sẻ với DANVIET.VN.
Củ hủ dừa được hút chân không và được bảo quản lạnh. Ảnh: M.A.
Trong điều kiện bình thường, củ hủ dừa chỉ bảo quản được trong 2 ngày. Thế nhưng, sau khi được hút chân không và bảo quản lạnh với nhiệt độ từ 5-8 độ C thì có thể sử dụng từ 15 – 20 ngày.
Hiện mỗi tháng cơ sở anh Hậu xuất bán khoảng 10 – 15 tấn củ hủ dừa với giá dao động 35.000 – 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Sau khi trừ chi phú anh thu lãi từ 10 – 15 triệu đồng.
Hiện anh Hậu đang ấp ủ dự định đa dạng hóa thêm các sản phẩm từ cây dừa như sản phẩm củ hủ dừa sấy. Ảnh: M.A.
Anh Hậu cho biết: “Cây dừa chăm sóc đơn giản và nhẹ công, lâu lâu rải phân và xịt thuốc 1 lần thì nó không có con bọ dừa, củ hủ dừa phát triển tốt thì tầm 2 năm mình có thể cắt được. Chính vì vậy, tôi đang khuyến khích một số nông dân ở địa phương trồng xen canh, nhất là trong vườn tạp, để kiểm thêm thu nhập”.
Chưa dừng lại ở đó, hiện anh Hậu đang ấp ủ dự định sẽ đa dạng hóa thêm các sản phẩm từ cây dừa như sản phẩm củ hủ dừa sấy để góp phần nâng cao giá trị hơn nữa cho cây dừa.
Theo Danviet
Vĩnh Long: Truy lùng "con vật lạ", nuốt chửng cả củ hũ dừa non
Mấy ngày qua, người dân ở xã Tân An Luông (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) lo lắng vì vườn dừa của ông Nguyễn Hữu Năm Nhỏ (ấp 3, xã Tân An Luông) bị con vật lạ (chưa xác định) vào vườn cắn phá, nuốt chửng cả củ hũ dừa. Chỉ trong ba đêm, hàng chục cây dừa bị bọn chúng cắn phá ngang gốc, chỉ còn thân cây chờ chết.
Nhiều người đến vườn dừa của ông Năm Nhỏ xem con vật gì cắn phá củ hũ dừa.
Ngày 6-8, dẫn chúng tôi ra thăm vườn dừa khoảng 18 tháng tuổi, ông Năm Nhỏ buồn bã kể: "Gia đình tôi mới lên liếp được mấy công đất trồng 70 cây dừa. Do nhà cách xa vườn nên lâu lâu tôi mới đến thăm vườn một lần. Cách đây khoảng một tuần, khi ra thăm vườn, phát hiện một số cây bị ngã quẹo xuống đất. Tôi chỉ nghi ngờ là do con đuông (bọ cánh cứng) ăn vì đuông ăn là lẽ thường ở xứ trồng dừa này. Khi tôi lại gần thì tá hỏa, phát hiện dưới những gốc cây dừa ngã đó có một lỗ rất to. Có những gốc cây có lỗ từ bên đây thấu qua bên kia. Đi tiếp những liếp khác, tôi cũng phát hiện tương tự, hơn chục cây có dấu hiệu như vậy.
Ban đầu nghi là chuột, tôi về nhà mua thuốc chuột vào thuốc. Sáng hôm sau, khi ra vườn xem, chẳng những không có con chuột nào chết mà phát hiện những cây dừa tiếp tục bị chúng cắn phá tương tự trước đó. Thấy vậy, tôi vào nhà kêu những người anh em, hàng xóm ra vườn xem thì họ cũng không biết con gì. Có người nói con nhím, có người bảo con sóc hay con chồn... nhưng tất cả đều chỉ nghi ngờ chứ chưa thể đoán được khi không phát hiện được dấu tích để lại".
Anh Âu Trọng Hửu, Cán bộ Nông nghiệp xã Tân An Luông nói chưa từng thấy cảnh này.
Đây là hiện tượng dừa non bị ăn thân đầu tiên từ trước đến nay, mà theo nhiều người lớn tuổi đều chưa từng gặp. Lỗ đục khoét xuyên thân có hình tròn, giống như chuột thường khoét trái dừa. Tuy nhiên, theo ông Năm Nhỏ và những người hàng xóm khẳng định, không phải chuột khoét. Bởi những hiện tượng khác lạ: thứ nhất, vết răng cạp và xác bã bỏ lại rất lớn, dài cỡ một lóng tay; thứ hai, từ trước đến nay, chuột chỉ ăn trái dừa non; thứ ba, chung quanh có nhiều vườn dừa cao, thấp đều có nhưng không bị chuột cắn phá.
Chỉ trong ba, bốn ngày, vườn dừa 70 cây của ông Năm Nhỏ đã bị con vật lạ cắn phá ăn hết củ hũ dừa khoảng 35 cây, chiếm 50% tổng số cây trong vườn dừa của gia đình. Khi thuốc chuột không hiệu quả, ông Năm Nhỏ thuê người phát hoang bụi rậm, mua lưới sắt về bao quanh gốc dừa nhằm không cho chúng căn phá tiếp tục. Sáng hôm sau, khi ra thăm vườn, ông Năm Nhỏ không thấy chúng cắn phá nữa mà nhìn kỹ xuống gốc dừa thì thấy phát hiện có dấu hiệu con vật lạ ăn rễ dừa, móc ăn những bẹ non của cây dừa phần lồi ra lưới sắt...
Ông Năm Nhỏ phải mua lưới sắt về bao bọc gốc dừa lại để bảo vệ gốc dừa.
Ông Nguyễn Văn Chín, ngụ cùng địa phương, bức xúc: "Khi xem cây dừa của anh Năm bị con gì cắn ngang củ hũ dừa là chúng tôi cũng lo lắng. Vì ở đây nhà nào cũng trồng dừa. Khi quan sát kỹ, không phải con chuột. Nếu con chuột đi thì phải có dấu hay đường mòn, mà mấy cái dăm để lại dưới đất rất lớn. Một con chuột trong đêm thì khó có thể ăn hết bọng dừa như thế. Hiện nay, chúng tôi nghi ngờ có khả năng xuất hiện con gì lạ hay của ai đó mang về nuôi rồi bị xổng chuồng ra ngoài cắn phá. Mong cơ quan chức năng sớm đến hiện trường khảo sát, điều tra, tìm ra thủ phạm là con gì để nhà vườn trồng dừa chúng tôi yên tâm".
Người dân vẫn chưa biết con gì chỉ một đêm ăn hết cả củ hũ của gốc dừa.
Anh Âu Trọng Hửu, cán bộ Nông nghiệp xã Tân An Luông, cho biết: "Đây là lần đầu tiên thấy con vật lạ ăn củ hũ dừa như thế này. Từ trước đến nay, chỉ có nghe đuông ăn dừa hoặc chuột ăn trái dừa non trên cây, chứ chưa bao giờ thấy cảnh này. Sau khi khảo sát, chúng tôi sẽ báo cáo ngay với ngành chức năng, mà trước hết là cán bộ thú y huyện đến tận vườn khảo sát, lấy mẫu tìm ra con vật gì, hướng dẫn bà con cách bảo vệ an toàn, tránh thiệt hại tài sản".
Theo Bá Dũng (Báo Nhân Dân)
Về Miền Tây lấy củ hủ dừa nấu bữa ăn hoành tráng Thứ cây mọc ở đầu thôn cuối xóm, đi đâu cũng có thể gặp ngay hàng dừa sừng sững tươi xanh với những buồng trĩu trái. Bởi vậy, mà ở xứ này, những món ăn được làm từ dừa không thể đếm hết. Và một trong những đặc sản không thể không nhắc đến là những món ăn làm từ củ hũ dừa....