Trách nhiệm của ai khi không có thuốc độc để xử tử hình?
“Nhà nước đang lạm dụng, làm tổn thương lòng tin của người dân?”, “Trách nhiệm của ai khi không có thuốc độc để xử tử hình?”… Những câu hỏi sau cùng trong phiên thảo thảo luận về tình hình tội phạm, phòng chống tham nhũng có lẽ cũng là câu hỏi “hóc” nhất.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) trả lời cho câu hỏi, công tác chống tham nhũng sao chưa hiệu quả là vì cả 3 yếu tố, công cụ phòng chống hữu hiệu theo kinh nghiệm của nhiều nước ở Việt Nam đều thiếu và yếu.
Quy định kê khai tài sản đã thực hiện 7 năm nay nhưng vẫn chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát thu nhập, tài sản dù từ nguồn chính đáng, tham ô hay rửa tiền… Ông Quyền đặt vấn đề phải kiểm soát được thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội chứ không chỉ người có chức có quyền. Vì nếu bố làm vụ trưởng mà con trai là giám đốc ngân hàng, kiểu gì cũng vẫn có thể gửi hàng nghìn tỷ đồng ở ngân hàng Thụy Sỹ được.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: “Sai phạm nào xảy ra cuối cùng cũng quy lỗi tập thể”.
Vấn đề thứ 2, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, kinh nghiệm các nước chống tham nhũng thành công đều tổ chức cơ quan độc lập chuyên điều tra, xử lý án tham nhũng với những cơ chế hết sức đặc biệt. Ông Quyền ủng hộ quan điểm cho thể chế, thành lập ngay cơ quan điều tra như thế ở Việt Nam.
Sau nữa, ông Quyền phân tích: “Mỗi khi có chuyện xảy ra luôn thấy cảnh tướng đổ cho đồng, đồng đổ cho tướng, rồi cuối cùng việc được quy thành… lỗi tập thể”. Sự vận hành “lủng củng” như vậy, theo ông Quyền, vì thiếu luật công vụ để phân định rõ ràng vai trò, nhiệm vụ của từng người, từng chức danh trong bộ máy điều hành.
Cuối cùng, đại biểu yêu cầu Chính phủ báo cáo về việc tái cơ cấu Vinashin sau thời gian đã hơn 3 năm từ khi những sai phạm, tiêu cực ở tập đoàn này bị phanh phui. Kinh nghiệm trong việc tổ chức lại tập đoàn này, ông Quyền cho là bài học quan trọng để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế.
Không nói thêm về tình trạng tội phạm cũng như kết quả phòng chống tham nhũng năm 2012, đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) tiếp cận theo hướng mổ xẻ nguyên nhân vấn đề. Theo ông Trường, thời gian qua, bên cạnh những tiêu cực, lãng phí về vật chất với nhiều mức độ khác nhau, nhà nước cũng đang phung phí lòng tin của người dân.
Xói mòn lòng tin đang biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Khiếu kiện tố cáo vượt cấp tăng vì thiếu lòng tin khả năng giải quyết ở cấp dưới. Không dám tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham nhũng, bởi thiếu lòng tin vào sự bảo vệ.
Thấy người thi hành công vụ xử lý một người thì nhiều người khác xung quanh tuy không có liên quan nhưng sẵn sàng tham gia bênh vực người bị xử lý, mặc dù chưa biết đúng sai, cũng vì không tin vào người thi hành công vụ.
Chạy chức, chạy quyền, chạy trường, chạy lớp vì sợ cứ để tự nhiên e rằng không đến lượt mình cũng là một biểu hiện thiếu lòng tin. Đua nhau mua vàng, đô la tích trữ vì thiếu lòng tin vào giá trị đồng tiền. Anh em, cha con đánh nhau vì phân chia tài sản, cũng vì thiếu lòng tin, sợ được nhiều, được ít.
Tội phạm liên quan đến chức vụ tham nhũng, hối lộ thường được hưởng án treo cũng là xuất hiện sự bán tín, bán nghi và rồi cũng dẫn đến thiếu lòng tin. Học sinh tự vẫn chỉ vì đánh mất 500.000đ quỹ lớp hoặc cắt tay để phản đối cách dạy của thầy cô cũng là phản ứng của người thiếu lòng tin. Đòi nợ bằng luật rừng thay vì luật nhà nước cũng là vì không còn lòng tin ở cán cân công lý.
Hiện tượng nhiều người thích đọc các trang mạng có nội dung bôi nhọ bóp méo thể chế hơn là đọc các trang mạng chính thống cũng cho thấy tâm trạng xã hội đã và đang xuất hiện những vấn đề không bình thường, một biểu hiện của suy giảm lòng tin.
So sánh với những khoản tài sản lớn thất thoát trong một số vụ án tham nhũng, ông Trường cho rằng đúng là “của đau con xót” còn khắc phục, làm lại được, nhưng lòng tin của người dân, nếu để mất, khó có thể lấy lại.
“Đây là lúc xã hội đòi hỏi những quyết sách cần thiết, giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra. Cả nước vẫn đặt niềm tin vào chúng ta nhưng không thể vì thế mà lạm dụng, làm tổn thương lòng tin của người dân” – ông Trường kết lại phần phát biểu.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Video đang HOT
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh gần như là người sau cùng bấm nút trong phiên thảo luận về tình hình tội phạm, chống tham nhũng năm 2012.
Ông Tranh thừa nhận đánh giá của nhiều đại biểu về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thiếu hiệu quả, mang tính hình thức. Trong số 9 giải pháp được thực hiện, ông Tranh nhẩm tính, có 4 giải pháp mang lại hiệu quả tích cực, 2 giải pháp trung bình và 3 giải pháp hình thức, không hiệu quả (kê khai tài sản, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng).
“Việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập đã thực hiện được 1 bước nhưng chưa đầy đủ. Có trường hợp do bí mật nhà nước, không thể công khai theo quy định. Chúng tôi cũng khó” – ông Tranh thanh minh.
Tổng Thanh tra Chính phủ hứa ghi nhận các ý kiến, góp ý để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Tuy nhiên, ông Tranh cũng ngỏ ý xin Quốc hội thông qua dự thảo luật trong kỳ họp này.
Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): Trách nhiệm của ai khi không có thuốc độc để xử tử hình?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: “Không có thông tin nào cảnh báo khó khăn khi tử hình bằng thuốc độc”.
Tháng 5/2010, đề xuất thay đổi hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc được Chính phủ trình Quốc hội. Vấn đề thời điểm đó rất “ nóng”. Tôi theo dõi cuộc tranh luận với rất nhiều ý kiến “can gián” giữ nguyên hình thức xử bắn hoặc quy định song song 2 hình thức để phạm nhân được quyền chọn.
Chính phủ thì đưa ra nhiều lập luận, ưu điểm của phương thức tiêm thuốc độc. Một lý do quan trọng là cách làm này giúp giảm nhanh án tử hình đang tồn đọng. Vậy là luật được thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2011. 4 tháng sau, Nghị định 82 hướng dẫn thi hành quy định này ra đời, có hiệu lực. 1 trong những nội dung quan trọng nêu trong Nghị định là quy định là 3 loại thuốc (có tên khoa học cụ thể đi kèm).
Khi đó, cơ quan xây dựng đề án khẳng định thuốc do Bộ Y tế cấp theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Tại sao Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện mà không tìm hiểu tiếp ai bán thuốc, trong nước có sản xuất được? Cũng không có thông tin cảnh báo nào về việc khó khăn, không nhập, không mua được thuốc từ nước ngoài hay trong nước có sản xuất được không.
Có “thăm ván mới bán thuyền”, nếu có những thông tin này, tôi tin là Quốc hội sẽ không thông qua luật hoặc nếu có cũng phải định lộ trình thực hiện phù hợp. Thông tin Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cung cấp lại thấy thêm rất nhiều khó khăn nữa, ngoài việc thiếu thuốc.
Vấn đề cần xem xét là trách nhiệm của cơ quan trình dự luật khi tính khả thi của những điều luật đó không đảm bảo.
Không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Trung bình 1 năm nước ta có khoảng 80-100 người bị kết án tử hình. Như vậy con số 500 bị án đang chờ được tử hình chứng tỏ số tồn đọng đã khoảng 5 năm nay.
Bộ Y tế cần trả lời dứt điểm trong kỳ họp này là có mua được thuốc hoặc có sản xuất được thuốc hay không. Nếu không, Quốc hội cần giao cho Bộ khoa học công nghệ thực hiện nhiệm vụ khoa học trọng điểm của quốc gia trong năm tới.
Theo Dantri
"Quốc hội nên có thông điệp cam kết không tham nhũng"
"Ngay trong kỳ họp này, Quốc hội nên gửi 1 thông điệp là 498 đại biểu cùng tuyên bố trước quốc dân đồng bào về quyết tâm cao để đẩy lùi tệ tham nhũng, cam kết không phạm vào tham nhũng" - đại biểu Võ Thị Dung phát biểu trước Quốc hội.
Phiên thảo luận về tình hình tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 sang đến buổi làm việc thứ 2 (chiều 1/11) vẫn không giảm sức nóng với nhiều ý kiến sắc sảo của đại biểu.
Cuộc vận động tiết chế lòng tham
Đại biểu Võ Thị Dung: "Đại biểu nào lỡ tham nhũng hãy tự nhận, xin được tha lỗi".
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phản ánh cử tri đang rất bức xúc, bất bình với tệ tham nhũng, vì sao ta càng kêu gọi chống tham nhũng thì nó lại càng nhiều, trầm trọng hơn. Tham nhũng nhiều nhưng phát hiện ít, phát hiện nhiều nhưng xử ít, xử nhẹ, tài sản thất thoát nhiều nhưng thu hồi ít.
Ông Đương đề nghị, trong năm 2013 nên mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức tiết chế lòng tham. "Hãy dùng con mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân cho nước" - đại biểu bày tỏ tâm huyết.
Đại biểu cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức, trước hết là với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Ông Đương phân tích: "Phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền còn khó hơn và dám từ bỏ chức vụ thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân cho nước".
Nếu không làm được thế thì tới đây cũng nên đưa một số bộ trưởng mà dân đang bức xúc về một số lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu, thủy điện ra bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm.
Đại biểu TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tập trung, phối hợp chặt chẽ đột phá vào một số lĩnh vực cử tri bức xúc như ngân hàng, đất đai, khai khoáng, các dự án sử dụng vốn và tài sản công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu thua lỗ, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng... để kịp thời ngăn ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm hình sự, thu hồi tài sản cho nhà nước.
Một đại biểu khác của TPHCM - bà Võ Thị Dung cũng làm xôn xao hội trường với đề xuất, ngay trong kỳ họp này, Quốc hội nên gửi 1 thông điệp đến cử tri và nhân dân cả nước. Cụ thể là 498 đại biểu cùng tuyên bố trước quốc dân đồng bào về quyết tâm cao để đẩy lùi tệ tham nhũng, cam kết không phạm vào tham nhũng.
"Còn những ai đã lỡ tham nhũng thì hãy tự nhận, xin được tha lỗi, sẽ được áp dụng cơ chế không hồi tố nhưng vẫn phải xử lý tài sản bất minh đã có được" - bà Dung kêu gọi.
Kỷ luật thẩm phán tiêu cực trong việc xử án tham nhũng
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) "phê" việc giải quyết án kinh tế, chức vụ, tham nhũng thường kéo dài bất thường. Dù xác nhận việc điều tra án tham nhũng không đơn giản nhưng ông Hiến vẫn bức xúc khi đề cập chuyện, có những vụ án, riêng việc họp liên ngành để thống nhất hướng xử lý cũng mất cả năm mới trả được hồ sơ.
Mặt khác, khi đưa ra xét xử thì tội trạng lại thường nhẹ hơn mức truy tố, án treo tùy tiện.
Ông Hiến nêu dẫn chứng, có vụ án, VKS truy tố về tội tham ô tài sản, lúc xử bị cáo lại được chuyển sang tội cố ý làm trái và 11 bị cáo, trong đó có 7 là quan chức khi đó đều được tòa cho hưởng án treo.
Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp, tòa án thấy VKS truy tố sai mà vẫn xét xử, tòa xử sai VKS cũng không kháng nghị theo thẩm quyền, nghĩa vụ. Thêm cả tình trạng áp dụng pháp luật khác nhau, cùng một hành vi phạm tội trong hai vụ án kinh tế tương đồng, tòa trong Nam xử tội tham ô, ngoài Bắc xử tội cố ý làm trái...
Đại biểu Lê Thị Nga: "Tội phạm tham nhũng rất dễ được hưởng án treo".
Tán thành những nhận định này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội phân tích, án treo là quy định rất nhân đạo trong BLHS nhưng phải xử đúng.
Bà Nga chỉ ra sơ hở trong quy định hiện nay là chưa lường hết những điểm đặc thù của tội phạm tham nhũng. Chủ thể tham nhũng rất đặc biệt, phải là người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được. Trong khi điều kiện để áp dụng án treo là: bị phạt tù không quá 3 năm, có những tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt. Rõ ràng người có chức vụ quyền hạn là nhân thân tốt. Ngoài ra tại chiếu theo quy định giảm nhẹ với người "có thành tích, phạm tội lần đầu, đã được thưởng huân huy chương"... thì các vị quan chức đều đáp ứng cả, chức càng cao càng nhiều tình tiết giảm nhẹ.
"Mâu thuẫn là ở chỗ, chúng ta vừa muốn trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, đồng thời lại vừa lấy những đặc điểm của họ ra để cho giảm tội, hưởng án treo" - bà Nga cho rằng, vì thế, không thể "vặn" tòa là xử nhiều án treo được vì nếu cả 100 bị cáo tham nhũng có đủ điều kiện thì tòa cũng cho hưởng án treo đủ cả 100 .
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp kiến nghị xem xét lại quy định về điều kiện để được hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Không thể coi những người phạm tội tham nhũng ngang với những người phạm tội về trật tự trị an khác.
Lý giải vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, tỷ lệ án tham nhũng được "xử treo" đã giảm nhiều những năm qua. Năm 2010, có 36% người phạm tội tham nhũng được cho hưởng án treo, năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn 30,2%.
Ông Bình xác nhận những thông tin như phân tích của bà Nga về việc áp dụng án treo cho người có nhân thân tốt, án dưới 3 năm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vấn đề, theo Chánh án Bình là việc áp dụng quy định đúng hay không.
Án treo nhiều mà đúng vẫn tốt, án treo thấp nhưng sai vẫn không tốt. Không thể nói, với tội phạm tham nhũng, không cho hưởng án treo mà chỉ có thể sửa luật để áp dụng điều kiện nghiêm khắc hơn với người phạm tội tham nhũng" - ông Bình phân trần.
Chánh án TAND tối cao cũng thông tin thêm, năm 2010, ngành đã xử lý, không tái bổ nhiệm 6 thẩm phán cho bị cáo hưởng án treo sai quy định, năm 2011 và 2012 đều có 9 thẩm phán "dính" kỷ luật như vậy. Ngoài ra, nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong việc quyết định cho đương sự hưởng án treo, thẩm phán sẽ bị đình chỉ việc xét xử.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Xử tử hình bằng thuốc độc, vướng không chỉ vì thiếu thuốc"
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình (giữa) cùng Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh (phải) trong giờ nghỉ giải lao.
"Chúng tôi đề nghị UB Thường vụ Quốc hội bố trí một cuộc họp để nghe các cơ quan (TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế) báo cáo về những khó khăn của việc thi hành quy định xử tử hình bằng tiêm thuốc độc. Vấn đề vướng không chỉ vì thiếu thuốc độc.", Viện trưởng VKSNDTC Trương Hòa Bình nói.
Theo ông Bình, hiện cả nước đã xây dựng được 5 đơn vị để tổ chức thi hành án nhưng việc vận chuyển "tử tù" từ các nơi khác (nhất là khu vực vùng sâu vùng xa) đến để thụ án rất phức tạp. Hầu hết các trường hợp phạm tội bị tuyên phạt tử hình đều là tội phạm có tổ chức, dễ xảy ra việc "đánh tháo" tù nhân trên đường di chuyển.
Ngoài ra, mỗi cuộc xử tử phải kéo theo rất nhiều thành phần đi theo tử tội này đến nơi thi hành để chứng kiến, ký xác nhận theo quy định (đại diện VKS, Tòa án, trại giam...) cũng là điều kiện khó đáp ứng.
Còn về nguồn thuốc độc, theo dự kiến, nguyên liệu sẽ được nhập từ nước ngoài nhưng khi nước bạn biết mục đích Việt Nam nhập thuốc về để xử tử hình thì cũng không thuận lợi.
Đến thời điểm này, Bộ Công an vẫn khẳng định có thể thực hiện được hình thức xử tử hình này nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó khăn.
Theo Dantri
"Ngộp thở" với bản báo cáo tình hình tội phạm Tội phạm công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tội phạm vị thành niên... với những con số thống kê biết nói, những diễn biến, biểu hiện đáng giật mình là vấn đề được nhấn mạnh trong phiên thảo luận về tình hình tội phạm tại diễn đàn Quốc hội. Tội phạm ngân hàng - phát hiện nhưng...