Trắc nghiệm vui: Cách bạn cắt một tờ giấy có thể nói lên những gì?
Đây là một bài kokology rất đơn giản nhưng rất đúng. Bạn hãy đọc câu hỏi, và nghĩ ra cách nào thì chọn ngay chứ đừng cân nhắc quá nhiều nhé!
Hãy tưởng tượng một người quan trọng đối với bạn (một người bạn thân, một vị sếp…) đưa cho bạn một tờ giấy và một cái kéo, rồi bảo bạn cắt tờ giấy ra làm đôi.
Bạn thích cắt tờ giấy đó theo cách nào?
a. Cắt một đường thẳng.
b. Cắt một đường lượn sóng.
c. Cắt một đường zigzag.
d. Cắt một đường cong.
Video đang HOT
Câu hỏi này tượng trưng cho cách mà bạn sẽ chọn khi muốn kết thúc một mối quan hệ với ai đó đấy. Bạn đã chọn phương án nào rồi?
a. Một khi bạn đã không thích, thì bạn sẽ kết thúc mối quan hệ ngay lập tức, không băn khoăn, không tính toán thiệt hơn, không hối tiếc. Bạn thậm chí sẽ nói thẳng với người kia rằng bạn không còn muốn tiếp tục mối quan hệ này nữa, bất kể họ có thể cảm thấy ra sao. Đó là do bản tính thẳng thắn của bạn, chứ không phải là bạn thích khiến cho người khác bất ngờ và đau khổ gì cả. Và một khi bạn đã kết thúc mối quan hệ, thì bạn cũng không bao giờ muốn dính dáng hay liên lạc lại nữa.
b. Cho dù biết là một mối quan hệ không tốt cho mình, nhưng bạn luôn cảm thấy khó khăn, không thể chấm dứt hoàn toàn ngay được. Bạn suy nghĩ quá nhiều, cân nhắc quá kỹ, cuối cùng không biết thế nào là tốt hơn hay tệ hơn. Thực tế, với hầu hết mọi chuyện trong cuộc sống, không ai biết chắc chắn trước được kết quả cả. Trong chuyện gì cũng có chút rủi ro và không thể dự đoán, nên việc bạn nghĩ quá nhiều mà vẫn không đưa ra được quyết định thực ra chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn mà thôi.
c. Bạn có cái đầu khá lạnh, nên khi bạn muốn dừng một mối quan hệ nào đó, bạn rất dứt khoát, thậm chí tỏ ra lạnh lùng, không chút cảm xúc, kiểu tuyệt đối cắt đứt liên lạc mà không hề nói năng gì. Bạn cũng có thể tỏ ra gay gắt và đối đầu, đặc biệt nếu đối phương còn lúng túng. Bạn thực sự không quan tâm đến việc người kia có thể bị tổn thương vì thái độ của bạn. Dù sao, cách này cũng hơi thái quá, bởi về sau, hai bên rất khó nhìn mặt nhau.
d. Bạn biết nghĩ đến cảm xúc của người khác, nên trong mọi trường hợp, bạn đều thích cách tiếp cận nhẹ nhàng, thích cách “nói giảm, nói tránh”. Kể cả trong tình huống phải kết thúc một mối quan hệ, bạn cũng tìm cách thể hiện lịch sự nhất, như giảm dần liên lạc, tránh các việc có liên quan…, thay vì nói thẳng với đối phương. Cách của bạn có thể không nhanh chóng giải quyết được vấn đề, nhưng thường sẽ không để lại tổn thương sâu sắc và bạn cũng không bị trách móc về sau.
Theo hoahoctro.vn
Trắc nghiệm vui: Hãy tưởng tượng ra việc bạn đang ở một bệnh viện hoặc phòng khám!
Bạn cũng có thể từng phải đến bệnh viện, hoặc đến thăm người quen. Dù thế nào, hãy sẵn sàng nhé, bài kokology này yêu cầu bạn tưởng tượng ra việc bạn đang ở một bệnh viện hoặc phòng khám! Nhưng đừng run, chỉ là trong ý nghĩ thôi mà!
1. Hãy tưởng tượng bạn đang ở hành lang của một bệnh viện hoặc phòng khám lớn, chờ đến lượt mình. Có một cậu bé cứ chạy lung tung quanh khu vực chờ mà chẳng ai trông, và bạn nhắc cậu bé đi chậm lại, cẩn thận hơn. Cậu bé phản ứng thế nào?
2. Cửa vào một phòng đang có bác sĩ khám cho bệnh nhân bất chợt hơi hé mở. Dù chỉ chút xíu thôi, nhưng bạn cũng nhìn thoáng được người bệnh, trông có vẻ không khỏe mạnh lắm. Và đó là một người mà bạn biết. Theo bạn, đó là ai?
3. Trợ lý của bác sĩ bước ra và gọi tên bạn. Lạ lùng chưa, người trợ lý này trông rất giống ai đó mà bạn quen biết. Theo bạn thì người đó giống ai?
4. Sau khi khám, bạn lại phải ra ngoài ngồi chờ. Nhưng chỉ một chút thôi, rồi bác sĩ gọi bạn vào. Tuy nhiên, lần này, khi bạn vào, bác sĩ vẫn ngồi trên ghế mà quay lưng lại phía bạn, lẩm bẩm gì đó trong khi xem các giấy tờ khám hoặc các chỉ số của bạn. Trông không có vẻ là bác sĩ sẽ giải thích gì cho bạn cả. Bạn sẽ làm gì?
Nào, chúng ta cùng xem những lời giải đáp nhé!
Bệnh viện là nơi dành cho người bệnh, và là nơi chữa lành. Khi tưởng tượng mình ở trong hoàn cảnh này (tất nhiên, chẳng ai mong muốn!), là bạn đã chạm đến những phần tâm lý đang rất yếu đuối, hoặc cần được quan tâm, của bản thân mình. Nói chung, những phần yếu đuối đó cũng không liên quan gì đến việc thực sự phải vào viện cả, nên bạn đừng lo - bối cảnh trong bài chỉ là để phân tích tâm lý mà thôi.
1. Phản ứng của cậu bé cho thấy cách bạn phản ứng khi người khác phê bình hoặc để ý thấy những lỗi sai, những điểm yếu của bạn. Cậu bé có hành động như thể không nghe thấy bạn (bạn phớt lờ khi người khác phê bình!), hay dừng lại và xin lỗi (bạn chân thành lắng nghe và sửa sai khi bị phê bình!), hay lè lưỡi như một đứa trẻ hư (bạn tỏ thái độ không tôn trọng khi bị phê bình!)? Giờ thì bạn có thể hiểu cảm xúc của người khác khi họ phê bình, nhắc nhở bạn rồi nhé.
2. Người bệnh mà bạn nhìn thấy trong phòng bác sĩ là người mà bạn cảm thấy mình không thể dựa vào những khi gặp khó khăn. Bởi vì, làm sao họ giúp được bạn khi bạn nghĩ rằng họ còn yếu đuối hơn bạn nhiều?
3. Trợ lý của bác sĩ tượng trưng cho người có khả năng quyết định "số phận" của bạn - tất nhiên, thực sự thì không phải, nhưng về tâm lý thì là như thế. Cho nên, người mà bạn nghĩ là trông giống người trợ lý đó chính là người mà bạn luôn kính trọng, hoặc sợ hãi, hoặc ngưỡng mộ. Dù sau này bạn có thể trở nên mạnh mẽ đến đâu, trong tâm trí bạn, dường như người đó vẫn ở trên bạn một bậc - như cách mà ông bà chúng ta vẫn gọi là "át vía" ấy.
4. Cách mà bạn cư xử trước hành vi của vị bác sĩ cho thấy cách bạn xử lý lúc bị bắt nạt hoặc trêu chọc. Nếu bạn chờ đợi, chứng tỏ bạn thường chấp nhận để thời gian làm cho mọi chuyện tự trôi qua. Nếu bạn đòi hỏi được giải thích ngay, chứng tỏ bạn không ngại đối diện với người bắt nạt hoặc trêu chọc bạn và nói cho ra lẽ. Còn nếu bạn bực bội quay người đi ra khỏi cửa, chứng tỏ bạn phản ứng tương đối tiêu cực và né tránh người bắt nạt bạn mà thôi.
Theo hoahoctro.vn
Mẹ phải sống để con chào đời Cẩm ra dấu yếu ớt bằng những ngón tay, một lúc tôi mới hiểu cô muốn có tờ giấy và cây bút. Dòng chữ nguệch ngoạc Cẩm viết: "Em phải sống để nhìn thấy con rồi chết cũng mãn nguyện"! Bị chồng bỏ khi nhập viện, Cẩm chỉ còn lại mẹ là bà Thu (ảnh chụp hai mẹ con lúc ở Bệnh viện...