“Trả thù đời” không phải cái cớ bênh vực Trung Quốc bành trướng Biển Đông
Hành xử luật rừng, ăn trên ngồi trốc luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã và đang thể hiện trên Biển Đông quá đủ rồi, không cần thêm giáo sư Valencia phụ họa.
Giáo sư Mark Valencia, một học giả Hoa Kỳ là giáo sư thỉnh giảng thường xuyên tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Khẩu, Hải Nam ngày 17/10 có bài phân tích về Biển Đông trên The Straits Times. Ông bênh vực lập trường của Trung Quốc trong vụ việc Mỹ tuyên bố sẽ tuần tra tự do hàng không, hàng hải 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa.
Giáo sư cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc lựa chọn các phản ứng với động thái này của Hoa Kỳ cũng như vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng.
Giáo sư Mark Valencia, ảnh: nghiencuubiendong.vn.
Theo ông Valencia, mục đích chính của Mỹ trong hoạt động này là chứng minh với đồng minh, đối tác cũng như dư luận khu vực và thế giới về quyết tâm của Washington bảo vệ tự do hàng không – hàng hải, ngăn cản từ xa các hoạt động và tuyên bố gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên học giả này cho rằng, làm như vậy là nguy hiểm và có thể gây phản tác dụng vì nó sẽ gây khó khăn cho “vai trò lãnh đạo” của Trung Quốc?!
Mark Valencia tin rằng sẽ không có khả năng Trung Quốc cố gắng bỏ qua những hành động (họ cho là) khiêu khích của Mỹ. Washington tin tàu chiến hay máy bay Mỹ không xâm nhập “lãnh hải” hay “không phận” Trung Quốc. Bởi lẽ các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng là các rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mực nước biển và không có quyền đòi hỏi quy chế lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS. Trung Quốc sẽ lựa chọn một cuộc đồi đầu.
Nói như vậy rõ ràng không phải ông Mark Valencia không hiểu luật, ông thừa khả năng nhận thức được rằng 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp ấy không phải đảo tự nhiên và không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS. Nói cách khác, hoạt động tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý các thực thể này hoàn toàn hợp pháp. Nhưng ông vẫn tìm cách bênh vực Bắc Kinh, phải chăng theo ông lẽ phải luôn thuộc về cường quyền và bạo lực? PV.
Về phương án khả năng phản ứng của Trung Quốc, giáo sư Valencia cho hay: Trung Quốc có thể lựa chọn quấy rối các tàu Mỹ bằng cách điều chiến đấu cơ bay ngay trên đầu, hoặc dùng tàu Cảnh sát biển đuổi các tàu hải quân Mỹ, hoặc dùng nhiều “tàu cá” để cản trở đường đi của tàu Mỹ. Đó chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất. Tồi tệ nhất là Bắc Kinh sẵn sàng đối đầu với các máy bay và tàu chiến của Mỹ bằng lực lượng quân sự của mình và yêu cầu phía Hoa Kỳ “rời khỏi vùng biển Trung Quốc”.
Washington có thể bị đặt vào thế bí, không rút lui có thể gây ra cuộc khủng hoảng, đối đầu quân sự, còn nếu rút lui thì mặt mũi nào nói chuyện với các đồng minh, đối tác trong khu vực. Ông Valencia tin rằng Hoa Kỳ có thể đã đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) ở Trung Quốc cũng như khả năng điều tiết của lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh đã công khai yêu sách “chủ quyền” của mình ở Biển Đông và xem nó là vấn đề “tự tôn dân tộc, đổi lại cho 1 thế kỷ bị xỉ nhục”.
Điều đó cho thấy sẽ rất khó khăn đối với lãnh đạo Trung Quốc để “lùi bước” trong những vấn đề này, vì vậy các hành động của Mỹ sắp tới có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng. Ông cho rằng trong trường hợp Mỹ tuần tra 12 hải lý hay Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là “phản ứng bằng hành động”. Vì vậy sự bấp bênh về pháp lý và chính trị sẽ thống trị Biển Đông, các vụ bạo động có khả năng sinh sôi nảy nở.
Thẩm quyền và tính hợp pháp của các cơ chế giải quyết tranh chấp, thậm chí là ngay cả hiệu lực của UNCLOS cũng sẽ bị suy yếu. Với những nước như Philippines hay bất kỳ bên yêu sách nào khác ủng hộ phán quyết của tòa, Trung Quốc có thể gia tăng áp lực kinh tế và chính trị. Trung Quốc từng tuyên bố rằng các nước nhỏ đừng “cợt nhả” với Bắc Kinh?!
Video đang HOT
Những luận điệu dọa nạt, hành xử luật rừng, ăn trên ngồi trốc luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã và đang thể hiện trên Biển Đông quá đủ rồi, không cần thêm giáo sư Valencia phụ họa. Ông đã đánh giá quá thấp Hoa Kỳ cũng như khu vực.
Nếu công pháp quốc tế, công lý lại dễ dàng bị khuất phục trước cường quyền như thế, thế giới đã không thể có nổi một ngày yên bình. Giáo sư Mark Valencia có thể tiếp tục giảng những điều ông muốn cho người Trung Quốc nghe, nhưng nói những lời này với cộng đồng quốc tế thì thật nực cười và lố bịch.
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Ứng xử ở Biển Đông cần rõ ràng nhưng đúng luật, kẻo sẽ tiếp tay cho Trung Quốc
Ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo...
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh việc Việt Nam nên phản ứng ra sao trước những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, đặc biệt là tuyên bố của Hoa Kỳ sẽ tuần tra tự do hàng không hàng hải phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa. Để rộng đường dư luận, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này của ông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Những ngày gần đây Biển Đông lại nóng lên bởi thông tin Mỹ sắp triển khai tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải trên vùng biển, vùng trời quốc tế vùng biển quốc tế bán kính 12 hải lý xung quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, bãi đá ở Trường Sa mà nước này xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay.
Dư luận không chỉ quan tâm đến những phản ứng võ mồm của Trung Quốc, mà còn chú ý đến thái độ, phản ứng của chính Việt Nam chúng ta.
Bên cạnh luồng quan điểm mong mỏi hoạt động bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông do Mỹ tiến hành sớm diễn ra, vẫn còn những quan điểm tỏ ra hoài nghi, lo ngại động thái này. Thậm chí có quan điểm còn viện dẫn Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để đòi Mỹ phải "xin phép" Việt Nam trước khi tiến hành tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp, xây dựng trái phép.
Vậy nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào dưới góc độ pháp lý? Nó có tác động và ảnh hưởng ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Báo điện tử Đất Việt ngày 16/10 đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: "Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo: Vai trò của Việt Nam". Bài báo này đã dẫn một số thông tin có liên quan đến Luật biển quốc tế và luật biển Việt Nam để nhận xét, đánh giá động thái nói trên của Hoa Kỳ, trong đó có nhấn mạnh:
"Theo quy định của Luật biển Việt Nam mọi hoạt động của tàu quân sự của nước ngoài trong lãnh hải của Việt Nam đều phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam."
"Theo đó, tàu thuyền, máy bay nước ngoài trước khi có hoạt động trong vùng biển của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để thực hiện đúng quy định của Công ước 1982 của LHQ về Luật biển và Luật biển CHXHCN Việt Nam."
"Luật Biển Việt Nam quy định, "việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển"".
Những lập luận này thiếu cơ sở, chưa nắm được Luật Biển Việt Nam cũng như UNCLOS, hoặc là chưa nắm được các hoạt động của Hoa Kỳ nên những ý kiến như trên đưa ra lại đang là những gì Trung Quốc mong muốn, bởi lẽ: 7 thực thể mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam và nay bồi lấp thành đảo nhân tạo là những rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm nên hoàn toàn không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý theo Điều 13, Mục 2, Phần II của UNCLOS.
Những bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các công trình nhân tạo trên biển chỉ có một vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét. Vì vậy, các giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép hay các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông chỉ có vùng an toàn bán kính 500 mét.
Tất nhiên chúng ta chưa bàn tới vấn đề chủ quyền vì đó là câu chuyện khác. Như vậy, bên ngoài phạm vi bán kính 500 mét xung quanh các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng là vùng biển, vùng trời quốc tế mà các nước chứ không riêng gì Hoa Kỳ có quyền qua lại, tự do hàng không hàng hải.
Bãi Vành Khăn gồm những rặng san hô ngập dưới mặt nước đã bị Trung Quốc hủy hoại và biến nó thành đảo nổi với đủ cầu cảng, sân bay.
Còn phạm vi vùng biển, vùng trời quốc tế này đến đâu sẽ còn phụ thuộc vào cả các thực thể khác ở Trường Sa do các bên đóng giữ, nhưng chắc chắn đó không thể là "lãnh hải" của 7 thực thể Bắc Kinh đã bồi lấp thành đảo nhân tạo.
Cá nhân tôi tin rằng người Mỹ rất hiểu luật, họ đang tìm cách bảo vệ luật pháp quốc tế và vô hiệu hóa chủ trương giành sự công nhận trên thực tế những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Dù còn những tranh cãi, nhận thức khác nhau về tính chất pháp lý của 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng là những rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển, hay một số trong 7 thực thể là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm, hay có thực thể nào là những mỏm đá nhổ lên mặt nước biển khi thủy triều lên để áp dụng các quy chế pháp lý theo UNCLOS, nhưng chắc chắn chúng không phải "đảo" theo định nghĩa của UNCLOS, không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Trong vụ kiện của Philippines họ xác định, ít nhất là 3 bãi Vành Khăn, Xu Bi, Ga Ven là những bãi cạn nửa nổi nửa chìm và hoàn toàn không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Các quan chức Mỹ cũng nói với tờ The Wall Street Journal rằng công việc tuần tra đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Trường Sa sẽ chỉ thực hiện đối với các thực thể vốn là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoặc rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển trước khi Trung Quốc bồi lấp.
Như vậy có thể thấy hoạt động của Mỹ là hợp pháp, đáng hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức hiện thực hóa quy chế lãnh hải 12 hải lý cho 7 thực thể này, mà theo UNCLOS chúng không thể có.
Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và bị đe dọa bởi hành vi leo thang của Trung Quốc trong việc xâm lược, chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa 7 thực thể ở Trường Sa thành đảo nhân tạo có 3 đường băng quân sự dài trên 3000 mét và nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, hơn ai hết, Việt Nam chúng ta cần phải nắm rõ cục diện, tính chất pháp lý của các thực thể ở Trường Sa cũng như hoạt động của các bên để có phản ứng phù hợp.
Cũng xin nhấn mạnh rằng, Mỹ chỉ bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông nói chung, Trường Sa nói riêng. Nói cách khác, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích hợp pháp của Mỹ, nhưng trong trường hợp này lợi ích của Mỹ trùng với lợi ích của Việt Nam và khu vực.
Đó là Mỹ chống lại âm mưu bành trướng, hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang thực hiện, bắt đầu từ việc thay đổi cấu trúc vật lý 7 thực thể ở Trường Sa, tiến đến thay đổi quy chế pháp lý đòi 12 hải lý lãnh hải, thậm chí còn hơn thế nữa là có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý cho chúng.
Trong khi chúng ta đang công khai chủ trương yêu cầu mọi hoạt động trong Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và đang cố gắng triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn đó, tại sao chúng ta không ủng hộ hành động hợp pháp, bảo vệ lẽ phải của Hoa Kỳ mà lại đặt vấn đề ngược lại? Tất nhiên chúng ta không hoan nghênh và kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào theo kiểu "đục nước béo cò".
Kể cả Việt Nam có đang đóng giữ 7 thực thể này thì vẫn có những thực thể không đủ điều kiện hưởng quy chế 12 hải lý và Mỹ hay các nước khác hoàn toàn có quyền qua lại theo đúng tinh thần UNCLOS.
Đúng là: "Việt Nam luôn hoan nghênh tất cả các nước có sự quan tâm, chia sẻ, có tiếng nói và việc làm ủng hộ, góp phần việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông nhưng phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông...".
Tuy nhiên, về luật pháp quốc tế hay cả Luật Biển Việt Nam, không có điều khoản nào cho thấy 7 thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa là "có lãnh hải 12 hải lý". Nếu không làm rõ vấn đề này, phát biểu, bình luận không đúng không trúng nội dung những tuyên bố của phía Hoa Kỳ là vô hình trung có lợi cho Trung Quốc, đúng những gì Bắc Kinh đang ra sức tuyên truyền và mong muốn đạt được, nên nó lợi bất cập hại.
Do đó với tư cách là một người nghiên cứu về Luật Biển Việt Nam, UNCLOS cũng như đã từng tham gia đàm phán, hoạch định biên giới với Trung Quốc và các nước liên quan, trên bộ cũng như trên biển, cá nhân tôi cho rằng ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo cho Trung Quốc bành trướng Biển Đông.
Ts Trần Công Trục
Theo giaoduc
Những tuyến đường sắt ngổn ngang của Trung Quốc ở nước ngoài Tâm lý dè chừng Trung Quốc cùng sự phản đối của người dân địa phương đang khiến nhiều đại dự án xây dựng của Bắc Kinh trong khu vực đối mặt nguy cơ đổ vỡ. Vận chuyển đậu nành xuất khẩu ở Brazil chủ yếu phụ thuộc vào các tuyến đường quốc lộ kém chất lượng, như xa lộ BR-163 với nhiều đoạn...