Tra tấn dã man người giúp việc vì nghi ăn cắp đồ
Nghi ngờ người giúp việc ăn cắp đồ, các đối tượng đã nhốt nạn nhân ngay trong quán cơm, sau đó dùng nhiều hung khí như ổ khóa cửa, thanh sắt cời lò than, dây thép nung đỏ đánh vào nhiều chỗ trên thân thể nạn nhân…
Công an TP Biên Hòa – Đồng Nai vừa ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm Đào Văn Lưu (26 tuổi), Đào Văn Lân (là anh em ruột, ngụ tại tỉnh Bình Phước) và Hoàng Văn Sơn (17 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) có liên quan đến vụ việc bắt giữ người trái pháp luật và đánh đập dã man một người phụ nữ.
Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Kết (28 tuổi), quê Thanh Hóa, là người ở nhờ tại quán cơm gà Phan Rang (754/2, đường Phạm Văn Thuận, KP.5, phường Tam Hiệp, Biên Hòa-Đồng Nai) là quán cơm của Đào Văn Lưu và Đào Văn Lân.
Được biết, trước đó, chiều ngày 14/3, vào khoảng 17h30, do nghi ngờ chị Kết lấy trộm chiếc laptop và 5 triệu đồng của mình, Đào Văn Lưu đã gọi điện cho em mình là Đào Văn Lân và một số bạn bè tới, nhốt chị Kết ngay trong quán cơm, cử Hoàng Văn Sơn là em họ của Lưu và Lân canh cửa, ngăn không cho người xung quanh tới can thiệp, dùng nhiều hung khí như ổ khóa cửa, thanh sắt cời lò than, dây thép nung đỏ đánh vào nhiều chỗ trên thân thể chị Kết. Hiện lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tập trung điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
BS Khiêm đang kiểm tra trước khi cho bệnh nhân Kết đi chụp Mri chiều 18/3
Trưa ngày 18/3, tai Khoa Ngoại thần kinh, lầu 3, B1, tức sau 48h được chuyển từ bệnh viện (BV) Đa khoa Thống Nhất – Đồng Nai về chăm sóc, điều trị chuyên khoa tại BV Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Kết( 28 tuổi), ngụ tại 305 B, tổ 19, khu phố 3, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa-Đồng Nai vẫn trong tình trạng thất thần, chưa hết những cơn hoảng loạn tinh thần vì bị sốc.
Những bệnh nhân nằm xung quanh đều ái ngại nhìn người phụ nữ trong tình trạng thương tích đầy tay, chân với những vết bỏng, rách da, thịt như những vết dao chém, vùng mặt cũng chi chít vết bỏng tương tự do bị thanh sắt nung đỏ đập vào.
“Hàng chục thanh niên to khỏe, mặt mũi bặm trợn, dùng rất nhiều những vũ khí như thanh sắt cời lò than nung vào bếp đập vào vùng mặt và vùng tay, chân. Tôi van xin luôn miệng và cố chứng minh là mình không lấy đô cua của họ, không biết tiền của anh Lưu để ở đâu, nhưng nhóm người không thèm để tai lời van xin của tôi, Lưu còn lấy viên than tổ ong đang nóng rừng rực trong bếp dí vào bàn chân trái của tôi, rồi tìm cách dí vào mặt tôi. Một tên khác mà tôi biết là thành phần giang hồ, Lưu gọi đến dùng tay đấm vào mặt, vào mắt tôi túi bụi. Tôi choang váng, thì một tên khác dùng một ổ khóa cửa bọc vào một chiếc khăn đập vào nhiều chỗ trên đầu tôi, tôi loạng choạng, cố thoát thân, la hét kêu cứu nhưng chúng cho tên Sơn canh giữ cửa. Chúng còn xông vào thay nhau đạp lên bụng tôi. Cho tới sáng khi thấy tôi thoi thóp, chắc sợ tôi chết, Lưu và Lân tự chở tôi đi cấp cứu tại BV Thống Nhất Đồng Nai và sau đó BV chuyển tôi lên Chợ Rẫy” .
…Chị Kết vừa khóc vừa kể lại với PV báo CAND bằng giọng có lúc ngắt quãng…
“Tao không cần Công an điều tra, tao đánh cho mày phải nhận mới thôi! Mày không cần phải đợi ông Long(anh của Đào Văn Lân, người cho chị Kết ở nhờ-PV) về đưa mày đi, tao cho mày đi “suốt” luôn!”. Chị Kết kể lại lời của Đào Văn Lưu khi vừa tra, khảo, bắt chị phải nhận tội lấy Laptop và 5 triệu đồng của Lưu.
Chị Kết với nhiều vết bỏng trên thân thể do bị thanh sắt nung đỏ đâm.
Video đang HOT
11h30 trưa ngày 18/3, chị Nguyễn Thị Kết phải nhờ một thân nhân người bệnh nằm cùng giường và anh Trần Đoàn (là hàng xóm, cạnh quán cơm đưa chị vào BV Chợ Rẫy), nâng người chị dậy để lấy nước tiểu gửi phòng xét nghiệm. Phải mất cả 15 phút hai người đàn ông này mới giúp chị thực hiện lấy được chút nước tiểu nhưng… toàn máu. Chị đau đớn nằm xuống, ứa nước mắt, thảng thốt: Không biết em có sao không?thận vỡ hay gì! ?…”.
12h trưa theo yêu cầu của BS trực tiếp điều trị, chị Kết tiếp tục được đưa sang chụp MRI kiểm tra phần cột sống. BS Trần Thiện Khiêm , đang chăm sóc cho chị, cho biết: “qua chụp chiêu cùng các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, chúng tôi đang nghi ngờ chị Kết có thể bị dập, bể đốt sống số 1 phần thắt lưng. Chúng tôi sẽ hội chẩn tiếp để quyết định phẫu thuật cột sống hay không”.
Theo BS Khiêm cho biết, chị Nguyễn Thị Kết được chuyển vào Khoa Ngoại thần kinh BV vào khoảng 20h tối 16/3 trong tình trạng nhiều vết thương trên người. Chủ yếu là vết bỏng độ I, độ II của vật cứng như sắt nung đỏ đập vào da, thịt. Trên mặt có nhiều vết bỏng kéo thành vệt dài, ngoài ra bệnh nhân còn bị gẫy răng, vùng cột sống thắt lưng qua hình ảnh chụp cho thấy có tình trạng bị lún, xẹp hẳn ở vùng đốt sống 1 thắt lưng. Chưa có biểu hiện bị liệt tay, chân. Vùng đầu chưa phát hiện có tổn thương nội sọ nhưng đang cho theo dõi kỹ.
“Ngoài nguy cơ phải mổ cột sống, chúng tôi cũng đang rất lo cho vết thương bỏng vùng bàn chân trái của bệnh nhân. Chẩn đoán bỏng nặng tới 55%. Nguy cơ hoại tử phải mổ ghép da sau này”. BS Khiêm nói thêm.
Được biết, chị Kết đang tiếp tục được điều trị tích cực kháng sinh liều cao, và chăm sóc toàn diện. Khoa Ngoại thần kinh sẽ mời khoa Bỏng cùng hội chẩn. Và thời gian nằm viện của chị Kết ít nhất phải mất cả tháng với nhiều lần phải phẫu thuật lọc, ghép da vùng chân trái.
Chị Kết cho biết, chị là công nhân may của một công ty nước ngoài tại Biên Hòa Đồng Nai từ năm 2008 tới 2011, sau đó do phải sinh con nên đã quay trở lại ra Bắc. Khi con trai được hơn 2 tuổi, do điều kiện chưa cho phép, chị tạm gửi con cho ông bà Ngoại nuôi hộ, vừa vào lại Biên Hòa, Đồng Nai đầu tháng 3/2014 để chờ xin việc trở lại.
Trong thời gian chưa tìm được chỗ trọ, chị ở nhờ quán cơm gà Phan Rang trên do quen biết với ông Đào Văn Long là anh trai của Đào Văn Lưu và không ngờ rằng mình đã gặp tai họa khủng khiếp như vậy
Theo Huyền Nga
Công an nhân dân
Xét xử phúc thẩm vụ "mổ bướu mỡ, liệt hai chân"
Ngày 4/9 vừa qua, Tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân Tối cao tại Tp HCM đã mở phiên xét xử vụ kiện "liệt hai chân sau khi mổ bướu mỡ" với nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nghệ, bị đơn là bác sĩ (BS) Võ Xuân Sơn.
Trước đó, ngày 26/4, Tòa sơ thẩm đã đã tuyên buộc BS Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ 57 triệu đồng nhưng cả ông Sơn và ông Nghệ đều kháng cáo. Đây là vụ kiện có nhiều tình tiết được dư luận quan tâm, nhất là những người làm trong nghề y.
Ông Nghệ (giai đoạn mới bó nẹp, chống nạng).
Tóm tắt vụ việc
Có một khối u nhỏ bẩm sinh ở vùng thắt lưng năm 2005, thấy xuất hiện triệu chứng đau lưng và tê mỏi hai chân, ông Nguyễn Văn Nghệ, 53 tuổi, cư trú ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Tp HCM đến Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình Tp HCM xin thăm khám. Tại đây, bác sĩ cho biết là u mỡ, cần phải mổ nhưng khá khó khăn và tốn kém vì khối u nằm ngay tủy sống, nơi có nhiều đôi dây thần kinh.
Được người quen chỉ dẫn, ông Nghệ sang BV Vật lý vi sinh nhưng vẫn không chữa được. Ông Nghệ kể: "Họ giới thiệu và cho tôi số điện thoại của BS Sơn, lúc đó đang công tác tại Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi liên lạc, BS Sơn bảo tôi đến phòng mạch của ông ở quận 5". Tiến hành khám cho ông Nghệ, BS Sơn nói ông rất giỏi mổ loại u này.
Ông Nghệ kể tiếp: "BS Sơn hẹn tôi đến BV Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn ITO để ông ấy trực tiếp mổ. Tôi đã đóng gần 14 triệu đồng. Sau phẫu thuật, tôi vẫn đến khám, uống thuốc đúng chỉ định và tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của BS Sơn".
Thế nhưng 3 năm sau, hai chân ông Nghệ yếu dần. Khi kiểm tra, BS Sơn yêu cầu mổ lại với lời hứa "sẽ trở lại bình thường". Lần mổ thứ hai được BS Sơn tiến hành tại BV STO Phương Đông vào cuối tháng 6/2008 với chi phí gần 30 triệu đồng. Mổ xong, BS Sơn giới thiệu ông Nghệ đến BV Điều dưỡng, phục hồi chức năng. Sau 4 tháng luyện tập tại BV này, do kết quả không tiến triển nên BV Điều dưỡng, phục hồi chức năng chỉ định làm thêm hai cái nẹp, nẹp từ bắp đùi tới bàn chân. Để đi đứng được, ông Nghệ phải dùng thêm hai cây nạng.
Ông nói: "Trong năm 2009, tôi đến tái khám ở chỗ BS Sơn thêm 3 lần. Mỗi lần khám mất hơn 1 triệu đồng, là tiền xét nghiệm máu, siêu âm nhưng từ năm 2011 tới nay, tôi phải ngồi xe lăn vì cứ chống nạng đi là bị ngã. Trước kia, thu nhập từ cơ sở nước tinh khiết của tôi đủ nuôi gia đình nhưng do bị liệt, tôi phải ngưng kinh doanh từ đầu năm 2009. Tôi đã bán hết tài sản để chữa trị nhưng không những không thuyên giảm, mà còn liệt vĩnh viễn".
Đến lúc này, BS Sơn... buông tay. Khi thấy BS Sơn không muốn điều trị cho mình nữa, ông Nghệ yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ về tài chính nhưng BS Sơn từ chối, cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm. Tháng 9/2010, ông Nghệ xin giám định tại Hội đồng Giám định y khoa Tp HCM. Kết quả cho thấy ông mất 85% sức lao động. Vì vậy, ông kiện BS Sơn ra tòa.
Khám bệnh tại Phòng khám đa khoa quốc tế Exson (ảnh minh họa).
Theo giới chuyên môn, thì khối u mỡ của ông Nghệ là u mỡ ở tủy sống. Nó hình t hành vào những tháng cuối của thai kỳ mà nguyên nhân có thể do rối loạn chuyển hóa mỡ. Theo thời gian, khối u lớn dần, chèn ép vào các đôi dây thần kinh tủy sống, dẫn đến triệu chứng tê, mỏi, và có thể liệt. Hiện tại, y học có nhiều phương pháp điều trị nhưng xác suất thành công của tất cả những phương pháp này đều rất thấp.
Diễn tiến phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm
Vụ ông Nghệ khởi kiện BS Sơn được TAND quận 10 thụ lý, và đưa ra xét xử vào ngày 24/4/2013. Tại phiên tòa, ông Nghệ trình bày: "Lần đầu khi đến phòng mạch của BS Sơn ở quận 5, BS Sơn đã nói với tôi: "Anh tìm đúng chỗ rồi. Tôi là người mổ bướu mỡ giỏi nhất Đông Nam Á". Tuy nhiên, kết quả là tôi không đi lại được, không thể tự tiểu tiện, không thể làm chồng, mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người phục vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình và chất lượng cuộc sống".
Vẫn theo ông Nghệ, thì trong quá trình mổ, BS Sơn đã dùng một tấm phim (neuropatch) để bao bọc, ngăn chặn sự phát triển của khối u mỡ nhưng khối u này vẫn phát triển. Việc BS Sơn tự ý sử dụng tấm phim nhưng không cho ông biết là cố tình biến ông thành "chuột bạch" để thử tay nghề, thử phát minh mới.
Về phía BS Sơn thì cho rằng việc ông Nghệ bị liệt là việc nằm ngoài ý muốn. Nếu ông Nghệ không mổ thì ông cũng bị liệt vì khi đến khám, các xét nghiệm chẩn đoán cho thấy ông Nghệ đã liệt 1/2 chân. Việc phẫu thuật chỉ bóc tách được một phần bướu mỡ, sau đó nó tiếp tục phát triển, phình to, chèn ép, gây liệt. Đây không phải là lỗi của bác sĩ vì y học vẫn chưa giải quyết được.
Bên cạnh đó, BS Sơn còn nói: "Đã nhiều lần giải thích là cái u này không thể nào bóc hết được, chỉ được 50/50 thôi, không dám hy vọng nhiều. Hơn nữa, ông Nghệ còn ký cam đoan đồng ý xin phẫu thuật, thậm chí vợ ông cũng ký. Nếu ông Nghệ khó khăn thì tôi sẽ hỗ trợ 15, 20 triệu đồng chứ không bồi thường vì tôi không sai".
Riêng chuyện sử dụng tấm phim, BS Sơn thừa nhận đã dùng nó để bao bọc khối u mỡ vì được phép của các cơ quan y tế, đúng quy trình điều trị của ngành y nhưng không thành công do khối u này phát triển quá nhanh. Hai BV nơi ông Nghệ mổ thì xác định là chỉ cung cấp dịch vụ, còn chuyên môn do BS Sơn chịu trách nhiệm.
Phản bác lại, ông Nghệ cho rằng BS Sơn đã tư vấn không đúng bản chất bệnh vì không bệnh nhân nào chấp nhận tốn tiền trong trường hợp "năm ăn năm thua". Hồ sơ bệnh án phần tiên lượng bỏ trống. Việc hội chẩn không phải do bác sĩ chuyên khoa cột sống thực hiện mà chỉ là BS của các khâu khác nhau chuẩn bị cho ê kíp mổ.
Trước khi mổ ông Nghệ vẫn lao động, sinh hoạt bình thường nhưng sau khi mổ thì bị liệt, cơ sở sản xuất nước tinh khiết của ông phải đóng cửa thì không thể nói là BS không có lỗi. Vì vậy, ông Nghệ đòi BS Sơn phải bồi thường các thiệt hại đã gây ra tổng cộng 2,6 tỉ đồng bao gồm tiền mổ, tiền mất thu nhập, cấp dưỡng nuôi con, tổn thất tinh thần...
Ngày 26/4, TAND quận 10 đã tuyên buộc BS Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ hơn 57 triệu đồng, gồm tiền mất thu nhập, tiền công thuê người chăm sóc và chi phí do mất khả năng lao động - mỗi tháng 430.700 đồng. Theo nhận định của tòa, đến nay chưa có một kết luận nào của cơ quan chuyên môn xác nhận bệnh lý của ông Nghệ "nếu không mổ cũng bị liệt và mổ rồi cũng bị liệt". Là người trực tiếp thăm khám, điều trị, BS Sơn phải hiểu rõ cơ chế bệnh và biết tiên lượng bệnh sau phẫu thuật.
Tại tòa, BS Sơn chưa đưa ra được chứng cứ, chứng minh là mình đã giải thích rõ cho ông Nghệ biết, rằng có thể có hai khả năng xảy ra đối với bệnh lý của ông để ông tự quyết định trong lúc trước khi mổ lần thứ hai, ông Nghệ chưa bị liệt hoàn toàn.
Vẫn theo Hội đồng xét xử, việc BS Sơn giải thích cho ông Nghệ: "Tiên lượng phẫu thuật là 50-50, cái u này không thể nào bóc hết được..., hy vọng nó đỡ hơn..., không dám hy vọng nhiều" là cách tư vấn một chiều, khiến ông Nghệ tin tưởng, đồng ý mổ lần thứ hai. Việc ông Nghệ làm giấy cam kết chỉ là thủ tục chung, không có cam kết nào của ông Nghệ là sẽ "không khiếu nại nếu ông bị liệt sau mổ".
Tuy nhiên, xét thấy BS Sơn khi mổ cũng mong muốn làm giảm căn bệnh. Việc ông Nghệ bị liệt là nằm ngoài ý muốn. Hơn nữa, cơ quan chuyên môn cũng đã kết luận bệnh không khỏi là do không thể cắt bỏ toàn bộ bướu mỡ và do khả năng tái sinh của bướu. Vì vậy, tòa buộc BS Sơn phải chịu 1/2 trách nhiệm đối với hậu quả do mình gây ra.
Ngay sau đó, cả ông Nghệ lẫn BS Sơn đều kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Sáng ngày 4/9, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Tp HCM đã mở phiên xét xử theo đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Nghệ và BS Võ Xuân Sơn. Tuy nhiên, sau khi nghe các bên tranh luận, tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại vì theo Hội đồng xét xử, cùng 1 vụ án mà có 2 bản án - bản giao cho BS Sơn và bản án lưu trong hồ sơ vụ án - khác nhau là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Những sai sót này cấp sơ thẩm không thể khắc phục được nên hủy toàn bộ bản án, giao cho TAND quận 10 xét xử lại từ đầu.
Như vậy, vụ kiện này phải mất khá lâu nữa mới có hồi kết
Theo Vũ Cao
Một phụ nữ bị tra tấn "như thời trung cổ" vì bị nghi ăn cắp Chị Nguyễn Thị Kết (28 tuổi, quê Thanh Hóa), hiện đang ở nhờ tại một quán cơm trên đường Phạm Văn Thuận, KP.5, P.Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Chiều 14-3, chị bị chủ quán cơm là Đào Văn L. và một nhóm thanh niên tra tấn tàn nhẫn ngay tại quán cơm vì nghi ngờ chị Kết ăn cắp chiếc máy...