Tra tấn bạn man rợ, nhóm du học sinh Trung Quốc lãnh án
Một nhóm du học sinh Trung Quốc đã phải trả giá đắt sau những hành động tra tấn man rợ bạn học của mình trên đất Mỹ, với các mức phạt tù kéo dài, theo AP.
Sự tự do của những du học sinh Trung Quốc tại Mỹ cũng mang theo những hệ lụy khác – Ảnh: Bloomberg
Yunyao “Helen” Zhai bị kết án 13 năm tù, Yuhan “Coco” Yang 10 năm và Xinlei “John” Zhang lãnh án 6 năm, AP dẫn bản án hôm 17.2 dành cho 3 sinh viên người Trung Quốc ở California, Mỹ.
Các công tố viên cho biết nhóm này phạm tội làm nhục nạn nhân (cởi đồ), đánh đập và đốt vào cơ thể hai người bạn học của họ.
Zhai, 19 tuổi, bị buộc tội bạo lực với một cô gái 16 tuổi, người bị đấm và tát vào tháng 3.2015 tại một nhà hàng và công viên ở Rowland Heights, phía đông thành phố Los Angeles.
Hai ngày sau vụ ấy, các công tố viên nói rằng nhóm của Zhai bắt cóc một người bạn cùng lớp 18 tuổi. Họ đưa cô bạn này tới một công viên để thực hiện hành vi lột đồ, đánh đập, đấm, đá, nhổ nước bọt, dùng thuốc lá đốt và bắt người này tự ăn tóc của mình suốt 5 tiếng đồng hồ.
Video đang HOT
Zhai đã tấn công cô gái 16 tuổi vì cho rằng mình không được tôn trọng. Trong khi đó, cô gái 18 tuổi bị hành hung vì đã cãi nhau với một cậu trai và liên quan tới một hóa đơn chưa thanh toán ở nhà hàng, các điều tra viên cho biết.
Nhóm sinh viên này nằm trong số hàng ngàn du học sinh Trung Quốc đang theo học ở Mỹ, và không có sự quản thúc của phụ huynh. Nhiều này kéo nhau về ở tại khu vực Thung lũng San Gabriel, ngoại ô Los Angeles.
Các sinh viên này đã nói lời xin lỗi trước tòa. Riêng Zhai cho biết cô hy vọng rằng việc làm của mình không gây ám ảnh cho các nạn nhân trong phần còn lại của cuộc sống, đồng thời đổ lỗi cho cách hành xử của gia đình đã dẫn tới những hành động của cô.
“Họ gửi tôi tới Mỹ để có cuộc sống tốt hơn và một nền giáo dục đầy đủ hơn. Song song với điều này là sự tự do. Thực tế, rõ ràng đã có quá nhiều sự tự do. Ở đây, tôi trở nên cô đơn và lạc lối. Tôi không nói ra điều này với cha mẹ mình vì không muốn họ lo lắng”, Zhai nói.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Hàng xa xỉ nhắm đến du học sinh Trung Quốc ở Mỹ
Các thương hiệu xa xỉ phương Tây đang mong muốn đầu tư vào tài sản mới của những người Hoa giàu có, bằng cách chú ý đặc biệt vào các du học sinh Trung Quốc trên đất Mỹ.
Ảnh: Reuters
Theo Reuters, chiến lược chuyển trọng tâm vào các du học sinh Trung Quốc trên đất Mỹ đã tỏ ra có hiệu quả đối với một số nhãn hiệu, chẳng hạn như trung tâm mua sắm Beverly, Los Angeles.
Đơn vị này gửi xe buýt đến đón các gia đình người Trung Quốc ở Đại học California và Đại học Nam California vào đầu năm, và cả khi các học sinh tốt nghiệp. Trung tâm mua sắm tài trợ cho nhóm 45.000 sinh viên Trung Quốc và Susan Vance, giám đốc tiếp thị trung tâm Beverly, gọi đây là một trong những kế hoạch marketing thành công nhất của họ.
Khách mua hàng người Hoa chi 31% trong tổng số 273 tỉ USD - số tiền chi cho hàng hóa xa xỉ trên toàn thế giới, và Mỹ là thị trường lớn nhất bên ngoài châu Á, theo hãng tư vấn Bain & Co. Khi tăng trưởng kinh tế Đại lục chậm lại và chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đang làm ảnh hưởng đến doanh thu hàng hóa cao cấp ở Trung Quốc, các nhãn hàng xa xỉ đã quay sang chú ý khách mua người Hoa khi họ đặt chân đến Mỹ.
Du học sinh Trung Quốc đang hào hứng với túi xách Louis Vuitton và Gucci, giày Tory Burch, cũng như các mẫu thời trang từ Fendi, Alexander McQueen, Bottega Veneta và Yves Saint Laurent. Đây là kết quả một cuộc phỏng vấn với nhiều người mua hàng sinh viên ở New York (Mỹ).
Không rõ bao nhiêu phần trăm doanh số bán hàng sang trọng có được nhờ sự đóng góp của khách hàng học sinh, sinh viên, nhưng các thương hiệu hàng đầu đã nhìn nhận đây là nhóm khách hàng quan trọng, giúp họ tiếp cận với nhóm khách khác lớn hơn và khó tính hơn, đó là cha mẹ và gia đình các du học sinh. Tiếp thị qua học sinh, sinh viên trở thành một kênh quan trọng.
Khách hàng người Trung Quốc đến cửa hàng Tiffany & Co ở New York - Ảnh: Reuters
Báo cáo Hurun Report ước tính có khoảng 29% các bậc phụ huynh Trung Quốc giàu có cho con đi du học chọn các trường ở Mỹ. Cục Du lịch bang California chỉ ra rằng gia đình và người thân của du học sinh Trung Quốc đến thăm họ thường xuyên, và cơ quan du lịch của Úc cho hay các sinh viên Đại lục có thể có đến 14 chuyến đi và về giữa Úc và Trung Quốc trong những năm họ du học.
Khách du lịch Trung Quốc thường mua hàng hóa cho bạn bè và gia đình để tránh thuế và hàng giả. Ở Bắc Kinh, Fang Wen, người có con gái đang học tại Đại học Rice ở Houston, cho hay con gái cô thường mang các loại hàng hóa nhỏ như mỹ phẩm, quần áo và đồ trang sức về cho mình. Các công ty bán hàng xa xỉ đang nhận ra điều đó, và tiếp cận với giới du học sinh.
Tại New York, cửa hàng Prada thu hút sinh viên vào bằng cách cung cấp voucher trị giá khoảng 200 USD cho túi da. Hãng sản xuất túi xách của Anh Mulberry Group mở bán riêng cocktail và các món tráng miệng cho du học sinh Trung Quốc ở một cửa hàng tại khu SoHo của quận Manhattan, mời 100 khách hàng đầu tiên đến buổi tiệc ra mắt của mẫu túi xách được hãng kết hợp với người mẫu Cara Delevingne thiết kế.
Anna Szubrycht, nhà sáng lập hãng tư vấn Chic Being, cho hay: Đây là nhóm khách hàng rất khó tiếp cận, nhưng một khi bạn đã tiếp cận được, thì bạn đã ở bên trong và có thể thực hiện nhiều hoạt động tiếp thị tuyệt vời từ bên trong. Dù vậy, việc kết nối trực tiếp và liên tục với các học sinh, sinh viên là chuyện khó khăn, vì học sinh, sinh viên tập trung vào việc học và người đứng đầu nhóm của họ thay đổi hằng năm.
Thu Thảo
Theo Thanhnien