Trà Sen Tây Hồ cầu kỳ mà thanh nhã bậc nhất
Người Việt cùng với thú ngắm sen, thưởng thức thứ hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết lại sáng tạo nên một thú thưởng trà cầu kỳ mà thanh nhã tuyệt diệu, đó là văn hóa Trà sen Tây Hồ.
Dẫu vẫn biết trên đời có nhiều thứ Trà rất quý, nhất là những loại trà từ phương Bắc bên xứ Tầu, xứ Nhật. Tuy nhiên những loại trà quý hiếm bên họ dù thực quý nhưng sự cầu kỳ trong công đoạn làm trà lại rất nhiêu khê, mang nặng tính hình thức, man mọi hay thậm chí rất rất lao khổ. Ví như thứ trà Trảm Mã, phải giết ngựa chém chết tức thì moi bụng lấy trà. Hay Bạch Mao hầu trà, Trùng điệp trà… đều là thứ trà hiếm vì phải cưỡng ép thú vật ăn lá chè, nhặt phân sâu ăn lá chè để có vài chung trà “quý”. Kỳ quái hơn nữa còn có cả loại trà Trinh nữ, là thứ trà dùng mồ hôi trên người con gái đồng trinh để ướp lá chè… Còn người Việt cùng với thú ngắm sen, thưởng thức thứ hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết lại sáng tạo nên một thú thưởng trà cầu kỳ mà thanh nhã tuyệt diệu, đó là văn hóa Trà sen Tây Hồ.
Hương sen dáng sen và cả những điều tinh túy, tao nhã nhất của đất trời như được lẫn trong từng cánh sen. Hồn sen được coi là tao nhã nhất luôn thuộc về vùng sen Tây Hồ với những hình ảnh đẹp dịu dàng tinh khiết rất riêng của Hà Nội. Từ hàng bao đời nay, hồ Tây vào mùa sen nở luôn khiến lòng người lữ khách chẳng thể dứt áo quay đi. Màu xanh tươi của lá, hòa với sắc hồng dịu nhẹ của sen, những gam màu lạnh mát đó cứ bồng bềnh trên mặt nước Tây Hồ, trong nền trời mây lồng lộng trong sáng tinh khôi, rất gần với vẻ đẹp duyên dáng của những tà áo dài Việt Nam. Vì thế, “thi nhân mặc khách” thưởng sen, thưởng trà, thưởng sắc.. mà không sao quên nổi bóng hình người phụ nữ Việt thướt tha bên đóa sen hồng.
Vào sáng sớm, khi những giọt sương còn long lanh trên lá, khi mặt trời còn chưa kịp chiếu rọi thứ ánh nắng gay gắt của mùa hè, đi qua đoạn đường vào phủ Tây Hồ, người ta dễ bị ngây ngất bởi hương sen tinh khiết cứ nhẹ nhàng vương vấn mãi. Hương sen tao nhã, màu sen hồng lẫn trong màu xanh của lá đọng sương đã tạo nên một bức tranh hoàn mỹ. Và lẫn trong bức tranh tinh khiết của đất trời đó, là hàng vạn cánh chè đang được từng cánh sen ấp ủ nâng niu suốt đêm trường. Để chờ người làm Trà sen tới trút lọc.
Trà sen Tây Hồ không phải tự nhiên mà vang danh, chưa nói đến sự cầu kì chế biến. Mà đầu tiên nhờ sự quý giá của sen Hồ Tây vốn rất riêng. Hoa sen nơi đây đẹp hơn mọi nơi khác, bởi sen Hồ Tây có nhiều cánh xếp vào nhau, nhụy vàng thẫm, cánh hồng phớt sắc, màu hồng rất lạ không nhạt không sẫm, hương thơm ngào ngạt. Không chỉ có hoa mà lá cũng mang rất đậm mùi hương, thứ hương ngái nồng của thứ đất bùn vốn trầm lắng cả ngàn năm, vị ngọt của nước Tây Hồ thiêng đất Thăng Long. Bông sen hồ Tây cũng to hơn các bông sen nơi khác, màu hoa hồng tươi, khi nở bung cánh lớn. Một năm trồng sen, thu hoạch vỏn vẹn chỉ trong vài tuần. Hoa sen, lá sen, thân sen, củ sen đều được bà con dùng cho mọi việc. Nhưng thứ tuyệt vời nhất mà sen Tây Hồ đem đến cho đời thì chỉ có một, là Trà sen.
Vào buổi sáng sớm hay chiều tối là thời điểm bỏ trà, hái sen. Người làm trà sen không đến trong ngày rộn rã ồn ào trên đầm, mà chọn thời điểm thanh nhẹ lúc sẩm tối và sáng tinh sương mới là lúc những người trồng hoa lặng lẽ chèo con thuyền nhỏ rẽ nước. Đem những búp chè đã sao kỹ nhè nhẹ tách cánh sen hồng thả từng nhúm từng nhúm cho sen ngậm, để suốt đêm ủ ấp những cánh chè ăn trọn tinh tuý trời đất. Rồi đến sáng tinh sương lại se sẽ hái những đóa sen ngậm chè vẫn đang chúm chím nở.
Video đang HOT
Trong những thứ trà uống, Trà sen quả là một tinh hoa của văn hoá Thăng Long và những câu chuyện nghề làm Trà sen tinh quý đến nhường nào của người Kẻ Chợ. Trà sen quý bởi được làm từ sen tươi, được ướp hương sống trong hoa sen. Chỉ có sau mùa sen người ta mới có thể được thưởng thức loại trà thơm đặc biệt này. Từ xa xưa, người dân các làng cổ gồm: Quảng Bá, Tây Hồ và Nghi Tàm đã lưu truyền môn nghệ thuật tinh tế này. Trà sen cốt để dâng tiến vua quan và những bậc quyền quý, nhưng nay đã được đem ra tiếp khách tri âm hoặc là dùng làm thứ quà biếu gói trọn hương vị đất Hà thành… Dù dưới hình thức, ý nghĩa gì thì nghệ thuật ướp trà sen đã trở thành niềm tự hào của người dân Quảng An đất Đại Việt ta.
Làm Trà sen ngoài cách ướp sống ngay trên đầm, những nghệ nhân làm trà còn hái những bông sen từ sớm, vừa chúm chím nở. Sau đó, nhanh chóng tách nhị hoa (hay gạo sen) khỏi bông rồi dùng gạo sen để ướp trà. Chè dùng để ướp phải là thứ trà hảo hạng, những người thợ sẽ ướp trà với những cánh hoa sen nhỏ trong hai ngày. Sau đó, trà được tách khỏi cánh sen sấy khô rồi mới bắt đầu đem đi ướp. Cứ mỗi 1 kg chè, người ta phải dùng hai lạng gạo sen cho một lần ướp. Ướp xong lại đem sấy khô, ướp tiếp lần hai. Vì hương sen chỉ thoang thoảng, nên để hương sen ngấm sâu vào búp trà, các công đoạn cứ lặp đi lặp lại đến bảy lần mới xong. Mỗi lạng gạo sen phải cần tới 80-100 bông hoa, vì thế, để ướp được 1 kg chè, phải cần đến khoảng 1.400 bông sen.
Vì thế, nếu được uống một hớp trà sen nghĩa là bạn đang uống cả một không gian đất trời là vậy. Hỏi có thú chơi nào thanh tao nhã khí được như vậy, có hương, có sắc có vị, có đầy đủ mọi rung cảm của thế gian trần tục, nhưng lại không gắt không tham không tục. Xưa nay có lẽ chỉ có cư dân Bách Việt mới đủ tự hào với thú chơi như vậy!
Theo Eva
Trà của người việt
Trà từ lâu đã trở thành thứ nước uống thân thuộc của người Việt từ Bắc vào Nam, từ nông thôn tới thành phố, đâu đâu chén trà cũng là để mở đầu câu chuyện.
Nếu có dịp về vùng thôn quê miền Bắc bạn sẽ thấy các cụ già sáng ra chưa kịp làm gì đã vội đun ấm nước sôi, vò chè xanh hãm nước uống. Hay ở thành phố thì mỗi khi nhà có việc chén trà là thứ nước không thể thiếu. Pha trà tiếp khách đã trở thành một thói quen, cử chỉ văn hóa lâu đời của người Việt.
Việt Nam có rất nhiều loại trà khác nhau từ trà xanh, trà khô, trà sen... cho tới những loại trà được cách tân theo nhu cầu và cải tiến xã hội như trà gừng, trà atisô, trà hoa cúc, trà linh chi...Nhưng được yêu thích và dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Việt vẫn là các loại trà dưới đây:
Trà xanh (chè xanh)
Trà xanh hay còn gọi là chè xanh, từ lâu đã phổ biến trên khắp các vùng miền Việt Nam. Đâu đâu người ta cũng thấy chè xanh hiện diện, thứ nước uống mà ai ai cũng có thể dùng, vừa để giải khát, giải nhiệt, chống ung thư rất tốt.
Lá chè xanh - ảnh Đoàn Xuân
Ở thôn quê (phổ biến nhất là miền Bắc) trước kia thường mỗi nhà hay có một hàng chè trồng cuối vườn, để hàng ngày hái lá hãm nước uống.
Ấm tích hãm chè xanh - ảnh Đoàn Xuân
Chè xanh chỉ việc hái xuống, rửa sạch, vò nhẹ (xé nhỏ) cho vào trong ấm tích (làm bằng sành), châm nước sôi hãm khoảng 30 phút là có thể dùng được. Muốn cho nước xanh và ngon thơm thì lúc vò chè phải nhẹ tay, chỉ làm cho lá chè giập chứ không nát, và khi hãm phải ủ chè cho chín trong những ấm tích được phủ bằng khăn hay đụn rơm.
Trà khô
Trà khô cũng là một dạng của chè xanh, khác là chè khô được làm từ những búp non (hai ba lá) hái trên những đồi chè cao, rồi phơi nắng hay sấy cho khô mới dùng.
Hái chè trên đồi - ảnh nguồn thainguyen.gov.vn
Việt Nam nổi tiếng về trà khô Thái Nguyên, bởi trà được trồng và phát triển trong môi trường đồi núi, ngấm cái nguồn nước trên miền cao nên rất thơm ngon.
Vào những ngày mùa đông lạnh giá, chén trà nóng là người bạn không thể thiếu trong các gia đình của người miền Bắc. Nhiều người nghiền trà khô, uống quanh năm suốt tháng...Đặc biệt khi tết đến xuân về thì hầu như nhà nào cũng có ấm trà khô hãm nước mời khách bên cạnh dĩa mứt gừng hay các loại hạt bí.
Trà sen
Trà sen là một loại trà đại diện của văn hóa trà Việt Nam, trà hái từ những búp non (từ 1 tới 2 lá) ướp với sen. Ướp trà sen là cả một nghệ thuật tinh tế mới đạt được hương thơm như người làm mong muốn.
Cô Thơm hái sen trên đầm - ảnh Đoàn Xuân
Trung bình cứ 1kg trà khô thì cần tới 800 - 1000 bông sen. Ngày trước ở Hà Nội nổi tiếng với sen ở đầm Đồng Trị, làng Quảng Bá, Hồ Tây vì sen ở đây vừa thơm vừa to, một bông sen có từ 50 - 80 cánh. Để sen có mùi thơm thì thường người ta sẽ hái vào sáng sớm, bông sen khi đó còn chưa tỏa hết hương và thấm sương sớm... sen hái về tách lấy phần hạt gạo. Cách ướp trà thì vô cùng công phu, cứ một lớp trà lại rải thêm một lớp gạo sen. Sau cùng phủ kín bằng giấy bản (loại giấy dùng để quấn hương bài) hoặc bằng chính lá sen cuộn lại với nhau. Sau từ 3 - 4 ngày dùng sàng (dụng cụ làm bằng tre) lọc lấy chè sấy khô rồi lại tiếp tục ướp liên tục như vậy khoảng từ 5 - 6 lần tùy vào độ đậm đặc hương sen mà người làm muốn có.
Gạo sen dùng để ướp với trà - simplevietnam.com
Ngày trước khi chưa có máy sấy người ta thường làm thủ công, mỗi lần sấy chè phải sấy bằng cách cho nước sôi vào bình đậy kín, để trong thúng rồi cho chè vào xung quanh áp vào bình nước nóng. Làm như thế để hương sen kết đọng trong mỗi cánh trà lâu hơn.
Có lẽ vì thế mà khi thưởng thức trà sen ta mới cảm nhận được vị chè ngọt mà lại mát, mùi thơm nhẹ nhàng thanh tao. Một ấm trà sen có thể uống nhiều tuần trà mà hương thơm thì vẫn còn đọng lại ngan ngát hương thơm.
Theo ATVN
Tinh hoa trà sen đất Bắc Ngẫm ra tạo hóa cũng khéo sắp đặt để giữa cái oi nồng của mùa hạ lại bung nở loài hoa man mác hương thơm dịu nhẹ làm người ta cảm thấy cái nóng dường như vơi bớt phần nào. Đất Bắc có vùng trồng trà ngon, có loài sen hương thơm ngát, có nghệ nhân ướp trà kinh nghiệm lâu đời và...