Trả lời cử tri, các bộ chưa đi thẳng vào trách nhiệm
Y đức là vấn đề đang gây bức xúc vẫn chưa được cải thiện. An toàn đập thủy điện chỉ được làm chiếu lệ. Giá vàng trong nước vẫn chênh cao… Đây là những vấn đề UB Thường vụ Quốc hội chỉ ra khi đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị cử tri.
Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (tháng 6/2013) do UB Thường vụ Quốc hội tiến hành (theo báo cáo mới được gửi đến Quốc hội) ghi nhận nhiều kết quả, nỗ lực của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cơ quan giám sát chỉ rõ, việc trả lời của các bộ, ngành vẫn còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cụ thể, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị.
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế, UB Thường vụ Quốc hội ghi nhận, vấn đề giảm tải bệnh viện, quản lý giá thuốc, BHYT đã được Bộ Y tế quan tâm, triển khai thực hiện tích cực. Mạng lưới y tế cơ bản được bố trí phù hợp với với địa bàn dân cư. Chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao. Công tác quản lý giá thuốc đã được triển khai tích cực; thị trường thuốc cơ bản được ổn định…
Nhưng một lần nữa, y đức lại được nhắc như một điểm tối trong ngành. Y đức trong một số bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, theo nhận xét của UB Thường vụ Quốc hội, đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng quá tải bệnh viện, bệnh nhân phải nằm gậm giường, hành lang… vẫn chậm được khắc phục.
Việc đấu thầu thuốc còn hạn chế, giá thuốc còn có sự chênh lệch giữa các địa phương, giữa các bệnh viện và giữa bệnh viện với thị trường bên ngoài, nhất là chưa quy định rõ tiêu chuẩn, độ tinh khiết của nguyên liệu sản xuất thuốc dẫn đến một số loại thuốc chất lượng không cao, nhưng giá rẻ đã trúng thầu.
Tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến TƯ vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản do chính sách đầu tư, hỗ trợ các tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách thu hút y sỹ, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hiệu quả, chưa phù hợp với thực tế. Công tác quản lý việc hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn nhiều bất cập…
Đây là những vấn đề mà cơ quan giám sát yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế cần nghiên cứu, có giải pháp đồng bộ, nâng cao hơn nữa dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Video đang HOT
Liên quan đến những kiến nghị về đảo đảm an toàn đập thủy điện, UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần qua các kỳ họp. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành địa phương tăng cường kiểm tra, đề ra nhiều giải pháp trữ nước và vận hành xả nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, nước cho sản xuất, vừa bảo đảm an toàn các đập thuỷ lợi, thuỷ điện trong mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, cơ quan giám sát cũng chỉ ra tồn tại hạn chế như công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực tế chưa được thường xuyên, một số nơi việc thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn đập còn hình thức, chiếu lệ. Chưa có cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập đối với các hồ chứa trên cùng lưu vực khi tham gia xả lũ.
Vì vậy, cơ quan giám sát đòi hỏi các bộ, ngành có liên quan tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, có phương án cụ thể phòng, chống lũ lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra quy định về trình tự, thủ tục, nội dung lập, thẩm định và phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với các đập thuỷ lợi, thuỷ điện vào mùa mưa lũ.
Về vấn dề tái cơ cấu DNNN, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, trong nhiều kỳ họp gần đây, cử tri cả nước quan tâm kiến nghị về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, TCty nhà nước và quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 3 tập đoàn, chuyển đổi tương ứng thành các TCty. Các bộ cũng đã hoàn thành phê duyệt 31 đề án tái cơ cấu các TCty trực thuộc.
Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu DNNN vẫn bị cho là chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao. Cơ chế quản lý, vấn đề lao động, chế độ tiền lương, sử dụng tài sản, sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp chưa được hoàn thiện…
Vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu, Chính phủ, Thủ tướng đã tăng cường chỉ đạo Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, tổ chức lại hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của ngân hàng thương mại.
Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Trong đó, 3 ngân hàng đã hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng đã sáp nhập vào ngân hàng khác, 1 ngân hàng sẽ được hợp nhất với tổ chức tín dụng khác, 3 ngân hàng còn lại đang thực hiện phương án tái cơ cấu.
Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu được khái quát là mới đạt kết quả bước đầu, chưa bền vững. Vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa giải quyết được căn bản.
Về vấn đề bình ổn vàng, báo cáo giám sát cho biết, để khắc phục tình trạng “cơn sốt vàng” mỗi khi giá vàng thế giới biến động mạnh, gây ảnh hưởng bất lợi tới tỷ giá, làm gia tăng lạm phát và gây bất ổn kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng nhà nước được đánh giá đã tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, với các giải pháp phù hợp. Đến nay, thị trường vàng miếng đã có chuyển biến tích cực, không để xảy ra hiện tượng “sốt vàng”. Tuy vậy, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới còn cao.
Đánh giá chung về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cơ quan giám sát cho rằng, những tồn tại đã nêu tại các kỳ họp trước vẫn còn. Cụ thể, việc nghiên cứu, trả lời các kiến nghị của cử tri còn chậm, chưa kịp thời. Một số văn bản trả lời của các bộ, ngành vẫn còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri kiến nghị, chưa đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của cử tri nhưng vẫn chưa được khắc phục. Cá biệt có bộ còn nhầm lẫn giữa nội dung báo cáo về chất vấn và trả lời chất vấn với báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri.
P.Thảo
Theo Dantri
Đề nghị bổ sung "tội lãng phí" để xử hình sự người... vung tiền
Đại biểu Quốc hội yêu cầu nhấn mạnh quyền giám sát của người dân về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin tố giác lãng phí, quy định xử lý hình sự người lãng phí, đề nghị bổ sung tội danh vào Bộ luật hình sự...
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị luật chỉ quy định vấn đề này đối với khu vực nhà nước, không quy định đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Việc đưa ra các quy định điều chỉnh đối với khu vực tư nhân đòi hỏi nhà nước phải kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động này. Điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân. Còn nếu chỉ dừng dừng ở mức độ khuyến cáo và không có chế tài xử lý thì không nên quy định trong luật.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trăn trở với tình trạng lãng phí tài sản công (Ảnh: Việt Hưng)
Không tán thành hướng lập luận này, ông Hiển lật lại, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với nhiều lĩnh vực quan trọng, dẫn đến tình trạng xảy ra lãng phí lớn xảy ra. Vì vậy, quy định với cả khu vực tư vẫn bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương "tiết kiệm là quốc sách", nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.
Về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc chống lãng phí, nhiều ý kiến "phê" những quy định này còn chung chung.
Tiếp thu góp ý này, UB Thường vụ QH đã bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như chương trình, kết quả xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đồng thời giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai trong từng lĩnh vực cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Về giám sát, dự thảo luật quy định công dân có quyền giám sát việc thực hiện quy định thông qua hình thức dân chủ trực tiếp (như tố giác, khiếu nại, tố cáo) hoặc gián tiếp (như phản ánh với đại biểu dân cử, MTTQ). Để khuyến khích, động viên công dân phát hiện và phản ánh lãng phí, luật không quy định về trách nhiệm giám sát của công dân mà chỉ đặt ra trách nhiệm với các cơ quan nhà nước liên quan.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí.
Báo cáo của Chủ nhiệm UB Thường vụ Quốc hội cũng khái quát, một số ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm trong việc ban hành chính sách không phù hợp gây lãng phí. Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu ý kiến này, bổ sung Điều 16 trong dự thảo luật quy định cụ thể nội dung này.
Về tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng, đại biểu cũng góp ý cần quy định, làm rõ điều kiện đối với công trình của địa phương, tránh tổ chức động thổ, khánh thành tràn lan, gây lãng phí.
UB Thường vụ Quốc hội giải thích, dự thảo luật đã giao Thủ tướng quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quan trọng quốc gia. Còn đối với địa phương, nếu quy định cứng trong luật sẽ khó khăn trong thực hiện nên vẫn giao Thủ tướng quy định chi tiết vấn đề này.
Sau hết, nhiều đại biểu băn khoăn về việc luật có quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lãng phí nhưng Bộ luật Hình sự hiện không có điều khoản, tội danh nào quy định việc xử lý hành vi này. Nhận định ý kiến của đại biểu hoàn toàn xác đáng, UB Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề sớm hoàn thiện, đưa nội dung xử lý hành vi lãng phí vào Bộ luật Hình sự.
P.Thảo
Theo Dantri
Quốc hội quyết ngân sách kiểu... chuyện đã rồi (!?) Bàn về "quyền lực nhà nước ở địa phương", đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, quan điểm này sẽ duy trì nhiều HĐND hoạt động rất hình thức. Ông cảnh báo, ngay cả Quốc hội hiện tại, trong việc quyết định ngân sách cũng đành gật đầu cho những... chuyện đã rồi. Từ ngày 25/9, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức...