Trả lời chất vấn dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội
Nội dung phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội lần này nhận được nhiều đánh giá tốt đẹp từ các đại biểu. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng mong những quyết sách cần đột phá hơn trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội lần này, 4 vị Bộ trưởng của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham gia trả lời chất vấn của các vị đại biểu.
Bên hành lang Quốc hội sáng nay 14/6, PV Dân trí đã ghi lại những nhận xét của đại biểu Quốc hội về phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng.
Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Bộ trưởng Chuyền trả lời chất vấn rất tốt
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội rất rành rọt, tỏ ra nắm chắc vấn đề. Cá nhân tôi đánh giá Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn rất tốt. Bộ trưởng có phong cách của người phụ nữ duyên dáng, mạnh mẽ, rất thu hút sự quan tâm theo dõi của đại biểu Quốc hội đáp ứng nhiều mong muốn trong chất vấn của các đại biểu.
Tuy nhiên, còn một số điểm mà Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần làm rõ như kịp thời thực hiện những chính sách đã có; rà soát lại những chính sách hiện có để điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống; hoặc sớm ban hành các quy định công việc thuộc Bộ LĐ-TB&XH, để thực hiện các Luật, Pháp lệnh Nhà nước đã ban hành… Những việc đó Bộ trưởng cần chú ý thực hiện tốt hơn.
Xung quanh hồ sơ làm thủ tục chứng nhận “Người có công”, tôi tâm đắc với cách Bộ trưởng cam kết đối với những trường hợp bị thất lạc hồ sơ, Bộ sẽ cố gắng vận dụng tất cả các điều kiện để thực hiện việc này. Tôi đánh giá đây là mặt tích cực của Bộ trưởng, nhằm đáp ứng mong muốn của cử tri cả nước đối với những người có công.
Hiện nay, có nhiều trường hợp thuộc dạng này chưa giải quyết được và ngành LĐ-TB&XH im lặng không dám trả lời những thắc mắc của họ. Bởi thủ tục quy định người có công rất chặt chẽ, nhưng do hoàn cảnh khách quan của chiến tranh nên chưa thực hiện được. Tôi cảm thấy rất hài lòng với trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và mong các vị Bộ trưởng khác đăng đàn cũng trả lời chất vấn của đại biểu với phong cách như vậy.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa:Đề nghị có lộ trình cụ thể về cải cách tiền lương
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nắm rất chắc vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn. Tuy nhiên để truy đến cùng trách nhiệm của một tư lệnh ngành, nhất là vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chăm lo cho các đối tượng chính sách vẫn chưa làm thỏa mãn mong muốn của đại biểu Quốc hội và cử tri.
Chẳng hạn, nói là đào tạo nghề có lãng phí hay không? Chồng chéo hay không?… Với tư cách là Bộ trưởng phải có một cách xâu chuỗi đầu mối giữa các bộ, ngành, kể cả với các bộ liên quan khác, cũng như các đoàn thể có chương trình đào tạo nghề. Theo tôi thấy, đào tạo nghề hiện nay rất tốn kém, hiệu quả mang lại để người dân thụ hưởng chưa được như mong muốn.
Bộ LĐ-TB&XH là Bộ đa ngành và Bộ trưởng cũng đã phân công cho các Thứ trưởng và các Tổng cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ này nghiên cứu một chương trình cụ thể. Ví dụ: Giải quyết việc làm, trong bối cảnh hiện tại sẽ tập trung đào tạo nghề gì… để vừa xuất khẩu lao động, vừa giải quyết việc làm ngay ở nông thôn, đồng thời giúp các doang nghiệp có chi phí tốt nhất để nhân công đào tạo nghề giảm được chi phí của các doanh nghiệp? Mặt khác, về lĩnh vực chính sách phải có tư duy tổng hợp, rà soát lại các loại chính sách, nhất là đối tượng người có công và chính sách cho chế độ hưu trí. Nếu nghiên cứu tổng thể về tiền lương, phải nghiên cứu hết sức kỹ càng, bao quát, không thực hiện theo kiểu chắp vá, thiếu tính bền vững, làm cho các đối tượng làm công ăn lương hoặc các doanh nghiệp hàng năm điều chỉnh lương rất khó khăn. Tôi đề nghị Chính phủ có lộ trình và quan điểm cụ thể trong chương trình cụ thể về cải cách tiền lương.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Giải pháp của Viên trưởng VKS cần mang tính đột phá
Phần trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình rất rõ ràng, cụ thể, nêu được những giải pháp cần thực hiện. Tuy nhiên, những giải pháp của Viện trưởng cần mang tính chất đột phá, cụ thể hơn và phải có tiến trình thực hiện rõ hơn. Viện trưởng cũng cần giám sát thường xuyên, để đánh giá những cán bộ của mình trong quá trình thực hiện những công việc của thực tiễn, từ đó mới nêu ra được định hướng cho vấn đề đào tạo tiếp theo.
Viện trưởng Viện Kiểm sát trả lời đúng về lĩnh vực chuyên môn, nhưng đại biểu Quốc hội mong muốn Viện trưởng rõ ràng và cụ thể hơn về trách nhiệm của một “tư lệnh” ngành.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Cần giải đáp rõ ràng phương hướng phát triển
Các Bộ trưởng đã trả lời rất nghiêm túc. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Hải Chuyền, thể hiện được trách nhiệm đối với ngành mình quản lý. Bộ trưởng mới chuyển sang ngành LĐ-TB&XH một thời gian ngắn nhưng đã nắm rất chắc các vấn đề, trả lời rất rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Tôi chia sẻ với những khó khăn, phức tạp đặt ra cho các ngành.
Đối với ngành LĐ-TB&XH, vấn đề thực hiện chính sách đối với người có công, quan điểm nhất quán của Nhà nước đã rất rõ ràng nhưng ở những trường hợp cụ thể vẫn tồn đọng đó là các trường hợp hiện nay đã mất hồ sơ gốc việc khôi phục lại gặp khó khăn.
Tuy nhiên, về các phần trả lời khác, tôi chưa thật sự hài lòng. Ngành nào cũng có những vấn đề khó khăn. Nhưng với những câu hỏi mang tính chất chung thể hiện ý thức đối với lĩnh vực quản lý của ngành, thì phải được giải đáp một cách rõ ràng. Ví dụ như phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời không rõ về phương hướng phát triển của ngành văn hóa – thể thao du lịch như thế nào.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Giải pháp của Bộ trưởng Phát còn hiền quá
“Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp và tôi thấy Bộ trưởng cũng đã lắng nghe các câu hỏi một cách nghiêm túc và trả lời. Tôi có một băn khoăn trong giải pháp, tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá.
Nhiều lĩnh vực, thí dụ như ngành vật liệu xây dựng, ngành bất động sản trong thời gian vừa qua khi gặp khó khăn các Bộ trưởng, Thứ thưởng của ngành này thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo và đưa ra những yêu cầu đề nghị Quốc hội, đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp hỗ trợ. Còn ngành nông nghiệp, người nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành mình tôi thấy còn nhẹ quá.
Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong những kiến nghị, giải pháp của mình. Phải gấp rút hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể.
Theo Dantri
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông ra khỏi danh sách chất vấn
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các đại biểu đã chọn 3 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, L Đ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn kỳ này.
Đây là 4 trong số 5 vị trong danh sách chất vấn Đoàn thư ký kỳ họp đưa ra trước đó để xin ý kiến các đại biểu. Bộ trưởng Thông tin - Truyền Thông Nguyễn Bắc Son là vị thứ 5 được gợi ý chất vấn các đại biểu đã thống nhất chưa "duyệt" đăng đàn tại kỳ họp này.
Tổng hợp ý kiến các đại biểu chiều qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình là 2 vị trưởng ngành nhận ít phiếu yêu cầu chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhất trong danh sách 5 người Đoàn thư ký đưa ra. Sau khi cân nhắc, để đảm bảo tiêu chí nội dung chất vấn hài hòa giữa các vấn đề kinh tế, xã hội, nội chính... Viện trưởng VKSND tối cao được chọn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát và Phạm Thị Hải Chuyền đã được chọn trả lời chất vấn kỳ này (ảnh: Việt Hưng).
Theo nội dung Đoàn thư ký xin ý kiến trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát sẽ giải trình 3 nhóm vấn đề, gồm biện pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tăng xuất khẩu nông sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; và công tác quản lý nhà nước về vấn đề giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền sẽ giải trình các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh sẽ trả lời chất vấn về tăng cường quản lý nhà nước để tạo sự chuyển biến về văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước, khắc phục những tồn tại về sự "xuống cấp" đạo đức, văn hóa trong xã hội; biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch; lễ hội tràn lan gây lãng phí...
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ phải làm rõ thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong thời gian qua; biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tố...
Phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều thứ 4 (12/6) đến hết ngày thứ 6 (14/6) tới.
Theo Dantri
4 Bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn tuần tới Đoàn thư ký kỳ họp vừa gửi tới các đại biểu danh sách các bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son. Danh sách cụ thể Đoàn Thư ký chuyển tới đại biểu, ngoài 4 Bộ trưởng...