Trả hồ sơ để làm rõ thêm một số tình tiết vụ “cô đồng bổ cau”
Ngày 21/8, TAND thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương mở phiên hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Thị Hương (còn gọi là “ cô đồng bổ cau”, SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.
Trước đó, năm 2023, Hương nổi tiếng trên mạng xã hội với các clip bói toán không có cơ sở. Khi bói toán, Hương thường xưng “cô”, vừa nói chuyện bổ cau, vừa nhận xét về căn quả của người khác với câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi”.
Trước khi bị khởi tố, Hương đã bị Công an thị xã Kinh Môn xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan.
Một trong số những nạn nhân của Hương là anh T. T. X cùng mẹ đẻ là bà V. T.H (ở Hải Dương). Khoảng cuối năm 2022, gia đình anh X gặp phải một số vấn đề khó khăn. Qua giới thiệu của một số người, anh X và bà H đến nhà Hương ở khu dân cư Nam Hà (phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) xem bói, xem phong thuỷ và tìm hiểu về những khó khăn trong cuộc sống của gia đình.
Bị cáo Hương tại phiên tòa ngày 21/8.
Khi Hương đọc tên một số người thân trong gia đình, anh X thấy có một số người đọc chưa đúng tên, còn một số tên thì anh không xác minh được có đúng hay không vì là họ hàng đều sinh sống ở xa.
Khi xem đến phần phong thuỷ, Hương nói, nhà anh X đang ở bị yểm bùa, trước cửa nhà có ma quỷ quấy phá, làm ảnh hưởng vận hạn của gia đình, tiền làm ra bao nhiêu cũng mất hết. Nghe thấy Hương nói vậy, anh X và bà H rất lo lắng nên đã đã hỏi Hương cách giải hạn.
Hương “phán” rằng, anh X và bà H phải làm lễ giải và phải có hình nhân thế mạng, di cung hoán số cho cả nhà và làm lễ để phù hợp hướng nhà và cúng bái bát hương.
Video đang HOT
Tiếp đó, Hương gợi ý gia đình anh X cần làm giá làm lễ, cầu bán được nhà, cầu bình an với tổng số tiền 270 triệu đồng. Anh X trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình thì Hương giảm giá xuống còn 180 triệu đồng.
Trương Thị Hương thời điểm bị cơ quan điều tra công bố quyết định khởi tố.
Trong lúc “phán”, Hương bảo anh X, nếu ai hỏi thì phải nói làm lễ đóng tiền 300 triệu đồng. Hương cam kết: “Sau khi làm lễ xong thì chỉ ít ngày gia đình anh sẽ bán được nhà. Nếu nói sai, Hương sẽ bị mù mồm”.
Vừa do hoàn cảnh gia đình đang gặp trắc trở, phần khác lại tin tưởng vào những lời Hương hứa hẹn nên gia đình anh X đã làm theo yêu cầu của Hương.
Sau khi nhận tiền, Hương hẹn anh X cùng Hương đi đến một ngôi đền ở tỉnh Lạng Sơn để cúng lễ.
Đúng hẹn, anh X cùng và H và một số người giúp việc thuê xe ô tô đến một ngôi đền ở tỉnh Lạng Sơn. Khoá lễ do Hương thực hiện kéo dài qua đêm thì xong. Tuy nhiên sau đó, anh X đã phát hiện ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hương nên đã làm đơn tố cáo.
Cũng với thủ đoạn trên, Hương còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của một nạn nhân khác là anh N.V.T (ở Hải Phòng) để chiếm đoạt số tiền 180 triệu đồng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, Hương đã chiếm đoạt của các bị hại 240 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Hương cho rằng, gia đình hai bị hại tự tìm đến nhờ cậy bị cáo làm lễ giải hạn chứ bị cáo không dụ dỗ, không lôi kéo họ đến cúng bái. Hương biện minh, bị cáo không nhớ đã nói những gì vì khi làm lễ cho họ, bị cáo không còn là mình nữa…
Khi Hội đồng xét xử công bố tài liệu sao kê thể hiện số tiền bị hại chuyển đến tài khoản của Hương thì bị cáo đổ thừa rằng, không nhớ và không biết.
Giải thích về số tiền đã chiếm đoạt của bị hại, sau đó người thân của Hương phải bồi thường, bị cáo cho rằng rằng, tiền đó là gia đình họ làm công đức chứ bị cáo không tác động…
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử nhận thấy, vụ án còn nhiều tình tiết cần phải làm rõ thêm nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
'Cô đồng bổ cau' đối diện mức án nào cho tội danh 'Lừa đảo'?
Theo phân tích của luật sư, mức án của "Cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương sẽ phụ thuộc quá trình điều tra của cơ quan công an về việc xác định có thêm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.
Như Sức khỏe & Đời sống đưa tin, ngày 4/8, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Thị Hương (người được biết đến với tên gọi cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi") về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngày 9/8, trao đổi với PV Sức khỏe & Đời sống Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) nhận định, hành vi của đối tượng Trương Thị Hương là hành vi mê tín dị đoan. Hành vi này trước đó đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, việc cơ quan công an khởi tố bà Hương với tội danh như vậy là có căn cứ, đúng pháp luật.
Mức án của "Cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương sẽ phụ thuộc quá trình điều tra của cơ quan công an.
Về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174, khoản 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Trong trường hợp của "Cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương, bước đầu cơ quan chức năng xác định, bị can này đã đưa ra thông tin gian dối với khách hàng về việc bỏ một số tiền ra cúng lễ thì trong một thời hạn nhất định có thể bán được nhà, sau đó chiếm đoạt số tiền 180 triệu đồng của khách.
Đây là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nên cơ quan điều tra, khởi tố Hương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Trường hợp có thêm nạn nhân khác, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào tổng giá trị tài sản mà cô đồng này đã chiếm đoạt để đánh giá tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi của đối tượng này có chuyển sang khung hình phạt khác nặng hơn hay không.
Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng của các bị hại, thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Vị luật sư cũng chia sẻ, kết quả xử lý đối với cô đồng "đúng nhận, sai cãi" Trương Thị Hương sẽ là bài học cho nhiều người khi dễ dàng cả tin vào những hoạt động đồng cốt, bói toán.
Đồng thời, chế tài xử lý đối với đối tượng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các đối tượng lợi dụng hoạt động mê tín tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan như một phương thức để kiếm sống, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Trước đó, vào tháng 12/2022, anh T.T.X cùng mẹ đẻ là bà V.T.H (SN 1967) có đến nhà Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) để xem bói, phong thủy và tìm hiểu về những khó khăn trong cuộc sống của gia đình đang gặp. Tại đây, Hương nói nhà anh X. đang ở bị yểm bùa, trước cửa nhà có ma quỷ quấy phá... gây vận hạn cho gia đình.
Do đó, muốn hóa giải được cần phải làm lễ với số tiến 270 triệu đồng. Nghe xong, anh X. trình bày hoàn cảnh khó khăn không lo được số tiền nói trên và được Hương giảm xuống còn 180 triệu đồng.
Tuy nhiên sau khi hoàn thành lễ cúng xong, một thời gian sau mọi chuyện không diễn ra như lời Hương nói, trong khi anh X. đã chuyển toàn bộ tiền cho Hương. Nghĩ bản thân bị lừa, anh X. làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Trương Thị Hương đến cơ quan công an.
Ghép ảnh dọa ma gây hoang mang đồng bào Một số người sống lưu vong đã ghép ảnh, dựng clip rồi tung tin trên mạng 'ma lai ăn thịt người' nhằm gây hoang mang, bất ổn trong người đồng bào. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Mai Văn Năng, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa, Gia Lai, cho biết một số đối tượng sống lưu vong ở Thái...