Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ ‘đi đòi nợ thành… cướp’
HĐXX nhận thấy căn cứ kết tội không chắc, nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sáng 11-7, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Xuân Linh, Phạm Thành, Trương Văn Dũng, Nguyễn Mây Hồng, Lê Văn Thỏa, Nguyễn Nam Ninh (trú Nghệ An và Hà Tĩnh) bị truy tố về tội cướp tài sản.
Sau phần xét xử, nhận thấy căn cứ kết tội không chắc chắn, nhiều mâu thuẫn, tình tiết mới trong vụ án chưa được làm rõ nên HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đây là lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung thứ ba của tòa này sau khi đã mở phiên xử. Trước đó, vụ án này đã ba lần tạm hoãn phiên tòa vì vắng mặt phía bị hại là vợ chồng ông Phạm Ngọc Sáng và bà Tống Thị Lan (trú TP Thanh Hóa, Thanh Hóa).
Bị cáo Nguyễn Xuân Linh (ngồi giữa, hàng đầu) cùng các bị cáo khác.
Theo hồ sơ, trong khoảng thời gian từ ngày 9-1-2015 đến ngày 12-2-2015, Linh, Thành, Hồng, Dũng, Thỏa, Ninh đã mang dao đến mỏ quặng của Công ty Ngọc Sáng chờ bà Lan, ông Sáng (chủ mỏ) đến với mục đích đòi tiền bà Lan đang nợ. Linh cho rằng bà Lan còn nợ Linh 4,2 tỉ đồng, trong đó bà Lan viết hai giấy nhận nợ tổng số tiền 3,7 tỉ đồng.
Khoảng 13 giờ chiều 12-2-2015, khi bà Lan, ông Sáng mang tiền đến trả lương cho công nhân thì Linh cùng đồng phạm đã đến phòng làm việc hai người trên đe dọa. Tại đây, họ đã đánh bà Lan, ông Sáng, chém ông Bùi Minh Châu bị thương tích 1% để buộc hai người trên phải trả tiền. Trong khi cả nhóm đang thực hiện hành vi thì bị công an ập vào bắt giữ.
Cáo trạng truy tố sáu người về tội cướp tài sản theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS. Các bị can trên bị tạm giam từ 12-2-2015 cho đến nay.
Tại phiên xử ngày 8-7 và sáng 11-7, bị cáo Linh và các bị cáo tiếp tục cho rằng không phạm tội cướp tài sản mà là chỉ đi đòi nợ. Linh cũng cho rằng: Bà Lan có gọi điện cho Linh hẹn ngày 12-2-2015 đến mỏ trả lương cho công nhân và trả nợ cho Linh.
Linh rủ thêm năm bị cáo trên đi cùng vì lấy nợ số tiền nhiều, cầm về trên đường không yên tâm. Khi đi cả nhóm không mang hung khí và có vào báo cáo sự việc với Công an huyện Quế Phong, Đồn biên phòng Tri Lễ (huyện miền núi Quế Phong) về việc vào mỏ quặng của Công ty Ngọc Sáng để lấy nợ.
Video đang HOT
Bị cáo Linh và các bị cáo khai việc đánh bà Lan là do bức xúc bột phát vì ông Sáng, bà Lan không giữ lời hứa trả nợ và có lời nói thách thức. Luật sư bào chữa cho bị cáo Linh đã trích đoạn video, ghi âm do phía bị hại cung cấp cho thấy ông Sáng có nói với Linh là “có 500 triệu trả lương cho công nhân, bây giờ chú lấy thì tôi đưa, không thì để tôi trả cho công nhân”. Linh trả lời “bây giờ lật à?” và không thể hiện Linh và đồng bọn cướp tiền.
Tại phiên tòa, phía bị hại là ông Sáng, bà Lan vắng mặt nên không thể đối chất. HĐXX cho rằng các tình tiết trên cần phải điều tra bổ sung để làm rõ.
Đ.LAM
Theo Danviet
'Te tua' sau khi thắng kiện cơ quan
Sau khi thắng kiện cơ quan, một giáo viên dạy nghề bị phân công đi giẫy cỏ, quét lá keo, hốt phân gà... Quá cùng cực, người này phải bỏ việc...
"Sau khi thắng kiện, từ một giáo viên dạy nghề, tôi bị cơ quan phân công đi giẫy cỏ, quét lá keo, hốt phân gà... Đó là những ngày tủi nhục nhất mà tôi đã phải trải qua".
Bà Lê Thị Huệ, 40 tuổi, ngụ phường Phước Long, TP Nha Trang, Khánh Hòa, uất ức kể lại chuyện hậu thắng kiện giám đốc Trung tâm Giáo dục-Lao động và Xã hội (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa).
Chuyện 17 điếu thuốc và "án" kỷ luật buộc thôi việc
Hơn một năm nay, bà Huệ liên tục gửi đơn khắp nơi để kêu cứu. Nội dung đơn của bà Huệ là những câu chữ đẫm nước mắt kể lại những sự việc tưởng như không thể xảy ra.
Đầu tháng 1-2011, bà Huệ trúng tuyển viên chức, làm việc tại phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng của Trung tâm Giáo dục-Lao động và Xã hội (đặt tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) với công việc quản lý, dạy nghề cho học viên. Ngày 21-1-2014, bà Huệ đưa học viên đi lấy nước, để cặp ở bàn làm việc. Khi bà Huệ quay lại, ông Hồ Thanh Kỳ, Phó Giám đốc trung tâm, bất ngờ thông báo trung tâm bắt quả tang trong cặp của bà có 17 điếu thuốc lá.
Bà Huệ cho rằng số thuốc lá này không phải của mình mà do ai đó lén bỏ vào để làm hại bà. Bà yêu cầu lãnh đạo trung tâm lập biên bản, làm rõ ai đã lục cặp của bà, ai đã bỏ thuốc vào để làm hại bà. Tuy nhiên, ông Kỳ không đồng ý.
Gần hai tháng sau, ông Phạm Đức Tân, Giám đốc trung tâm, yêu cầu bà Huệ viết tường trình, phải nhận sai phạm là đã mang thuốc lá vào trung tâm. "Dù không sai phạm gì nhưng tôi vẫn chấp nhận viết tường trình, trong đó tôi tiếp tục khẳng định tôi không biết gì về số thuốc lá. Vừa xem qua bản tường trình, ông Tân đã xé rồi vứt xuống đất, dùng chân giẫm đạp ngay trước mặt nhiều người" - bà Huệ kể.
Ngay chiều hôm đó, ông Phạm Đức Tân ký hai quyết định là kỷ luật với hình thức buộc thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Huệ.
Bà Lê Thị Huệ với chồng đơn khiếu nại, tố cáo Trung tâm Giáo dục-Lao động và Xã hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Thắng kiện nhưng phải nghỉ việc
Sau nhiều lần khiếu nại nhưng không được giải quyết, bà Huệ khởi kiện ra tòa. Ngày 30-9-2014, TAND huyện Khánh Vĩnh tuyên hủy hai quyết định của trung tâm về thi hành kỷ luật buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Huệ. Tòa cũng buộc trung tâm phải nhận bà Huệ trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký; phải thanh toán sáu tháng tiền lương không được làm việc tại trung tâm cộng thêm hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, tổng cộng hơn 47 triệu đồng.
Tòa không chấp nhận yêu cầu của bà Huệ về buộc trung tâm đứng ra xin lỗi, phục hồi danh dự do quyết định kỷ luật trái pháp luật gây ra cũng như yêu cầu bồi thường tổn thất về vật chất, tinh thần.
Theo bà Huệ, hơn một tháng sau khi tòa tuyên án, trung tâm gọi bà đến làm việc trở lại. "Nhiệm vụ của tôi ghi trong hợp đồng lao động là quản lý, giáo dục học viên. Thế nhưng khi tôi trở lại làm việc, trung tâm phân công tôi hằng ngày phải đi hốt phân gà, một mình vào rừng giẫy cỏ, quét lá keo. Ngoài ra, họ cấm tôi giao tiếp với học viên. Họ cũng yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên không được lại gần tôi. Tôi gần như bị cách ly với mọi người. Dù vậy, tôi vẫn cắn răng làm việc" - bà Huệ kể.
Sau gần hai tuần, bà Huệ bị lãnh đạo trung tâm gọi lên thông báo sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do không hoàn thành nhiệm vụ. Bà lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa yêu cầu can thiệp thì trung tâm bất ngờ điều chuyển bà qua làm kế toán trong khi bà chưa bao giờ trải qua công việc này. Không chỉ thế, trung tâm không cho bà Huệ ăn nghỉ tại cơ quan trong khi nhà bà cách trung tâm gần 60 km.
"Tố cáo đúng nhưng không có chuyện trù dập"
Bức xúc trước hoàn cảnh trên, bà Huệ gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bị lãnh đạo trung tâm trù dập cùng nhiều sai phạm khác xảy ra tại trung tâm.
"Giám đốc trung tâm yêu cầu tôi rút hết các đơn tố cáo nếu muốn làm việc bình thường, nhận đầy đủ các chế độ. Khi tôi không đồng ý, trung tâm đã vô cớ cắt hết các khoản tiền chế độ của tôi. Đến khi Sở LĐ-TB&XH yêu cầu chi trả, trung tâm mới hứa giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán hết cho tôi..." - bà Huệ nói trong nước mắt.
Trong báo cáo kết quả giải quyết đơn tố cáo của bà Lê Thị Huệ do ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, ký ngày 24-6 gửi UBND tỉnh, Sở thừa nhận nhiều nội dung bà Huệ tố cáo đúng sự thật. Theo đó, trung tâm đã tự tiện, vô cớ trừ nhiều khoản tiền của bà Huệ như các khoản tăng thu nhập, tiền thưởng lao động tiên tiến, tiền chế độ các ngày lễ, đau ốm...
Theo báo cáo của Sở, nhiều sự việc xảy ra tại trung tâm cũng được bà Huệ tố cáo đúng như nhiều cán bộ của trung tâm đánh bạc tại trụ sở cơ quan, nhân viên trung tâm mang thuốc lá vào cung cấp cho học viên cai nghiện, nhân viên trung tâm giả chữ ký của lãnh đạo, làm hồ sơ giả cho học viên để về nhà...
Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu trung tâm thanh toán đầy đủ các khoản tiền của bà Huệ. Riêng các cán bộ, nhân viên đánh bạc tại trụ sở cơ quan, mang thuốc lá vào cung cấp cho học viên cai nghiện chỉ... phê bình, rút kinh nghiệm!
Tuy nhiên, sở này khẳng định việc bà Huệ tố cáo lãnh đạo, cán bộ trung tâm câu kết trù dập, uy hiếp bà đến mức bà phải nghỉ việc là không có cơ sở. Văn bản của Sở cũng cho rằng việc phân công công việc cho viên chức thuộc thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, viên chức phải chấp hành theo quy định.
PV đã đăng ký làm việc với Sở LĐ-TB&XH để tìm hiểu thêm về vụ việc này. Tuy nhiên, Sở chỉ đưa văn bản báo cáo nói trên chứ không đáp ứng yêu cầu của PV.
"Con này giống như bị thần kinh" (?!) Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Lao động và Xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa), nói về bà Lê Thị Huệ như sau (trích nguyên văn): "Nó (chỉ bà Huệ - PV) nói là quyền của nó. Trước đây, nó làm ở phòng Dạy nghề-sản xuất, có chăn nuôi, sản xuất. Ai ở phòng đó cũng phải xuống chăn nuôi, sản xuất ở chuồng gà. Ai cũng phải làm những việc đó. Làm ở phòng sản xuất thì buộc phải làm với gà chứ làm sao! Nó kiếm cớ nói vậy thôi. Con này giống như bị thần kinh, cố ý phá trung tâm ấy mà. Anh em trên này đâu có ai chơi với nó. Nó cứ đến cơ quan ở một mình, ăn một mình rồi nó chán nó nghỉ thôi!".
TẤN LỘC
Theo PLO
'Ly hôn rồi mà mẹ vẫn chưa yên' Người cha kiện mẹ ra tòa tranh chấp tài sản sau ly hôn, đứa con phát biểu "cha làm khổ mẹ cả đời, ly hôn rồi mà mẹ vẫn chưa yên...". ảnh minh họa Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM, năm 2011 ông NND và bà NTP đã ly hôn. Tiếp sau đó, ông D. khởi kiện yêu...