Trả đũa vụ Huawei: Vì sao Trung Quốc nhắm nông nghiệp Canada
Bắc Kinh đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của của công ty Richardson (Canada) sang thị trường Trung Quốc mà không cần lý do.
Tuyên bố chấm dứt nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp này của Bắc Kinh chính thức có hiệu lệnh từ ngày 1/3. Ngày 5/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc ngăn chặn công ty Richardson International Ltd của Canada.
Ngoại trưởng Freeland nêu rõ: “Tình hình của công ty Richardson khiến tôi quan ngại sâu sắc. Chúng tôi tin rằng không có cơ sở khoa học hay pháp lý nào cho quyết định trên.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau cho biết Chính phủ Canada đang theo dõi sát tình hình và sẽ làm việc với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể.
Hoạt động xuất khẩu hạt cải dầu của Richardson sang Trung Quốc nếu bị ngừng trệ trong thời gian dài không chỉ đẩy doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế Canada.
Tàu chở hạt cải dầu của Canada
Đến nay, Cơ quan Hải quan Trung Quốc vẫn chưa đưa ra câu trả lời về việc này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là hành động mang tính trả đũa của Bắc Kinh trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai chính quyền đang ngày càng xấu đi liên quan đến vụ việc của Huawei.
Video đang HOT
Canada hồi tháng 12/2018 đã bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn công nghệ Huawei theo yêu cầu của chính quyền Mỹ. Washington cáo buộc bà Mạnh tham gia các hoạt động lách luật trừng phạt và hỗ trợ cho chính quyền Iran.
Hôm 1/3, Canada xúc tiến quá trình dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để tiến hành các hoạt động điều tra, xét xử. Điều này làm chính quyền Trung Quốc nổi giận. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc ra sắc lệnh chấm dứt nhập khẩu hạt cải dầu của Canada.
Đây cũng là động thái đầu tiên mà Trung Quốc trả đũa nhằm vào các hoạt động kinh tế giữa hai quốc gia. Trước đó, Bắc Kinh chỉ tiến hành bắt giữ các công dân của Canada du lịch hoặc làm việc tại Trung Quốc.
Đáng chú ý, việc chấm dứt nhập khẩu hạt cải dầu là đòn trừng phạt trực diện và nguy hiểm đối với nền kinh tế của Canada, trong đó, Richardson là một trong những công ty cung cấp hạt cải dầu hàng đầu thế giới.
Những loại hạt có dầu, hoa quả và ngũ cốc chiếm gần 17% kim ngạch xuất khẩu của Canada sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, thị trường đông dân nhất thế giới tiêu thụ của Canada 2,5 tỷ CAD (1,88 tỷ USD) hạt cải dầu.
Động thái này của Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế của Canada tổn thương, tác động trực tiếp đến uy tín của Thủ tướng Justin Trudeau. Kể từ thời điểm Ottawa hỗ trợ Washington trong các vấn đề của Huawei, Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo sẽ trả đũa mạnh tay.
Làn sóng phản đối chính sách của Thủ tướng Trudeau liên quan đến cách hành xử với Huawei trong nội bộ Quốc hội Canada cũng ngày càng gia tăng. Bản thân dư luận Canada cũng hình thành những làn sóng phản đối vấn đề này, họ cho rằng Ottawa đã không hợp lý trong cách tiếp cận vấn đề với Trung Quốc.
Nếu kinh tế Canada bị tác động nghiêm trọng, làn sóng chống đối với ông Trudeau sẽ ngày càng phức tạp.
Đây cũng là cách mà Trung Quốc đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Khi Washington áp thuế hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bắc Kinh ngược lại đã chặn mọi hợp đồng nhập khẩu nông sản của Mỹ.
Điều này đã tác động lớn đến uy tín chính trị của ông Donald Trump, ngay lập tức các nghị sĩ đối lập đã lên tiếng công kích, ngành nông nghiệp của Mỹ sụt giảm nặng nề và Nhà Trắng phải đưa ra gói cứu trợ lên tới 12 tỷ USD.
Bà Mạnh Vãn Châu đã trở thành con tin của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, chỉ có điều, Ottawa đã bị cuốn vào cuộc chiến này. Hiện tại, Ottawa chỉ đang xúc tiến các kế hoạch dẫn độ mà vẫn chưa có phán quyết cuối cùng từ Bộ trưởng Bộ tư pháp.
Nhiều ý kiến cho rằng việc gia tăng sức ép vào ngành nông nghiệp của Canada sẽ tạo ra tác động lớn lên Ottawa, rất có thể trong thời gian tới, nếu mâu thuẫn của người dân gia tăng lên chính quyền của ông Trudeau, Canada sẽ thay đổi quan điểm trong việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.
Minh Hoàng
Theo Datviet
Canada lên án vụ công dân Kirk Woodman bị bắt cóc, giết hại ở Burkina Faso
Chính phủ Canada ngày 17/1 đã lên án và bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ một công dân nước này bị bắt cóc và giết hại ở Burkina Faso.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết Canada lên án những đối tượng thực hiện "tội ác kinh hoàng này", đồng thời nhấn mạnh Ottawa đang làm việc với Chính phủ Burkina Faso và các đối tác quốc tế khác nhằm đưa các thủ phạm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đó cùng ngày, trao đổi với báo giới, người phát ngôn của Bộ An ninh Canada cho biết ông Kirk Woodman, một nhà địa chất là công dân nước này, bị phát hiện đã chết sau khi bị bắt cóc vào ngày 15/1 vừa qua tại một mỏ vàng thuộc một khu vực bất ổn của Burkina Faso.
Burkina Faso nằm ở trung tâm dải Sahel trải dài tại rìa phía Nam của sa mạc Sahara. Khu vực này trở thành hang ổ của các phần tử cực đoan sau khi Libya chìm trong hỗn loạn năm 2011, tiếp đó là hoạt động nổi dậy của các nhóm Hồi giáo ở Bắc Mali và sự trỗi dậy của phiến quân Boko Haram ở Nigeria.
Cuối năm ngoái, Burkina Faso đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh thuộc 7 trong số 13 khu vực hành chính của nước này, sau khi 10 cảnh sát bị giết hại gần biên giới với Mali.
Thùy An (TTXVN)
Theo Tintuc
Canada "cứng" với Trung Quốc, yêu cầu thả ngay các công dân bị bắt giữ Canada yêu cầu phía Trung Quốc thả tự do ngay lập tức cho 2 công dân nước này bị bắt giữ hôm 11/12 với lý do nghi ngờ "đe dọa an ninh" quốc gia. Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc hôm qua có dấu hiệu leo thang khi Chính phủ Canada tỏ ra khá gay gắt khi chỉ trích...