Trà “đắt nhất thế giới” được trồng bằng phân gấu trúc
Một doanh nhân Trung Quốc khẳng định ông đã tìm ra bí quyết sản xuất loại trà đắt nhất thế giới: phân gấu trúc.
Gấu trúc sinh sống nhiều ở Trung Quốc.
Ông An Yanshi, một cựu giáo viên thư pháp, đã mua 11 tấn phân từ một trung tâm nhân giống gấu trúc để bón cho vườn trà trên núi tại tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc, nơi có loài gấu trúc trắng và đen.
Doanh nhân An cho biết ông sẽ thu hoạch vụ trà đầu tiền vào mùa xuân này và đó sẽ là loại trà đắt nhất thế giới với giá 200.000 nhân dân tệ (35.000USD) cho 0,5kg trà.
Những người uống trà tại Trung Quốc coi vụ trà đầu tiên này là tốt nhất và thành công công nhất. Các đợt về sau sẽ bán được với giá khoảng 3.000USD.
Ông An, 41 tuổi, người rất tâm huyết với dự án mới, đã bị một số người tại Trung Quốc cười nhạo vì những tuyên bố quá lời về các lợi ích sức khoẻ tiềm năng của loại trà sinh trưởng nhờ phân gấu trúc.
Tuy nhiên, ông An khẳng định ông thực sự nghiêm túc với dự án này. Doanh nhân cho hay ông đã từ bỏ công việc tại Đại học Tứ Xuyên để dồn sức cho công ty của ông, tên gọi Trà Gấu trúc. Logo của công ty có hình một con gấu trúc đang cười, đeo một chiếc nơ và cầm một cốc trà xanh đang nghi ngút khói.
Mặc dù ông An hi vọng thu được lợi nhuận từ loại trà trên mà ông trồng trên khu đất rộng hơn 1 héc-ta, mục đích chính của ông là thuyết phục thế giới bảo vệ môi trường và thay thế các loại phân bón hoá học bằng phân động vật – trước khi quá muộn.
“Phân gấu trúc giàu chất dinh dưỡng… và còn tốt hơn các loại phân hoá học”, ông An nói khi đang thưởng thức loại trà được bón với phân bò.
Video đang HOT
Doanh nhân An bên 2 cây trả được bón bằng phân gấu trúc.
“Con người nên tạo mối quan hệ cân bằng với trái đất, môi trường và vũ trụ”, ông nói. “Mọi người đều có bổn phận bảo vệ môi trường”.
Doanh nhân này đã nảy ra ý tưởng sử dụng phân gẩu trúc làm phân bón sau khi tham gia một hội thảo hồi năm ngoái, nơi ông phát hiện ra rằng gấu trúc hấp thụ chưa tới 30 tre mà chúng ăn vào và thải ra 70% còn lại.
Ông An cũng tin tưởng rằng Trà Gấu Trúc sẽ tạo nên cơn sốt, vì thế ông đã lấy bằng sáng chế nhằm ngăn chặn một đối thủ nào đó ăn cắp ý tưởng của ông.
Khẳng định của ông An rằng Trà Gấu Trúc giúp người uống giảm cân và bảo vệ họ khỏi phóng xạ đã bị một số cư dân mạng Trung Quốc nhạo báng. Họ đã tỏ ra nghi ngờ về lợi ích sức khoẻ của Trà Gấu trúc và cái giá đắt đỏ cho đợt thu hoạch đầu tiên.
“Nếu loại phân bón đó tốt cho cây trà tới vậy, tôi muốn hỏi người giáo viên này rằng: Tại sao ông không ăn phân gấu trúc đi? Nếu thế ông ấy có thể hấp thụ 70% chất dinh dưỡng còn lại”, một cư dân mạng có tên là Baihuashu viết.
Một cư dân mạng khác nói: “200.000 nhân dân tệ cho 0,5kg trà gấu trúc – đó là uống trà hay uống máu gấu trúc?”.
Bất chấp những nghi ngờ về loại trà chưa được kiểm nghiệm, ông An cho hay ông vẫn không nao núng và đang cân nhắc về việc mở rộng việc kinh doanh.
“Sau khi đợt trà đầu tiên được thu hoạch, nếu chất lượng thực sự tốt, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất”, ông An nói.
Ninh Nhi
Theo dân trí
Nguyên tắc lựa chọn rau ngon và an toàn
Các bà nội trợ cần chú ý tới việc chọn lựa rau củ quả từ hình dáng đến màu sắc để hạn chế được tối đa những loại rau nhiễm khuẩn đang bán tràn lan trên thị trường.
Rau quả có vai trò đặc biệt quan trọng trong dinh dưỡng con người. Giá trị chính của rau quả là cung cấp cho cơ thể nhiều muối khoáng, các vitamin, chất pectin và axit hữu cơ. Ngoài ra trong rau quả còn có loại đường tan trong nước và xenluloza.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay người trồng rau đã lạm dụng quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) để phun tưới cho rau quả với mục đích lợi nhuận. Dư lượng HCBVTV tồn dư trong rau quả có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc trường diễn cho người tiêu dùng. Ngộ độc thực phẩm do tồn dư HCBVTV đang là một vấn đề bức xúc. Đã có nhiều vụ ngộ độc xảy ra do ăn rau quả bị nhiễm HCBVTV như rau cải, bắp cải, dưa lê, dưa chuột, cà chua và gần đây là rau muống. Gần đây ở một số vùng nước dùng để tưới cho rau, để rửa rau không bảo đảm vệ sinh, bị nhiễm một số vi khuẩn đặc biệt là phẩy khuẩn tả đã gây bệnh tiêu chảy cấp cho người ăn rau sống và là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo số liệu điều tra mới đây của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội có trên 20% số mẫu rau được kiểm tra vượt mức dư lượng tối đa HCBVTV cho phép. Ở nông thôn hiện nay, đặc biệt là các vùng trồng rau phục vụ cho thành phố, nhiều gia đình sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để tưới rau. Do nắm được đặc điểm của người thành phố thích ăn rau non, xanh mướt; quả ngon, to, đẹp mắt nên họ đã dành những khu vườn riêng chuyên trồng rau, quả bán. Ở những khu trồng rau bán, họ bón phân đạm cho "bốc", phun nhiều hóa chất trừ sâu và phun đến ngày cắt để rau phát triển nhanh, có mã đẹp và nguồn nước tưới thì rất bẩn (có thể bị nhiễm cả hóa chất, kim loại nặng và vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là phẩy khuẩn tả). Bón phân đạm nhiều rau sẽ chứa nhiều nitrat vào cơ thể sẽ chuyển thành nitrosamin gây ung thư. Dư lượng HCBVTV cao có thể gây ngộ độc hoặc bệnh tật. Nhiễm vi khuẩn gây bệnh sẽ gây bệnh tiêu chảy cấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong và có thể lây lan thành dịch trên diện rộng.
1. Nguyên tắc chung khi lựa rau ngon và an toàn
Mùa khô ( tháng 4-5-6) là mùa cao điểm của các loại sâu bệnh nên lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng nhiều hơn mùa mưa. Do vậy, khi mua rau, quả, bạn nên hết sức chú ý. Nên lựa chọn những loại rau có thể gọt vỏ như bí, mướp, tránh những loại rau ăn trực tiếp.
Không nên mua các loại rau quả trái vụ vì khi trái vụ do thời tiết không thuận lợi nên sâu bọ phát triển nhiều, rau quả cằn cỗi, người trồng rau, quả phải sử dụng nhiều loại HCBVTV, thuốc kích thích tăng trưởng. Không nên chọn mua những mớ rau quá non, mỡ màng; các loại hoa quả to và bóng bảy so với bình thường vì với những loại rau quả này người trồng chúng phải dùng không ít HCBVTV, thuốc kích thích tăng trưởng. Hơn nữa, giá thành mua chúng cũng không hề rẻ.
Quan tâm tới nguồn gốc các loại rau. Theo Thạc sĩ (ThS) Nguyễn Văn Đức Tiến - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP.HCM thì: Rau quả không an toàn là rau quả không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Rau, quả phải còn nguyên, hình dáng bình thường, màu sắc tự nhiên, cầm chắc tay, không nứt vỏ, không héo úa, không có mùi lạ như mùa hóa chất
Củ quả an toàn thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại khác có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc quá "cũ kỹ".
Vẻ bề ngoài rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích. Lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn. Lớp vỏ ngoài có vẻ khô cứng hơn, ít độ bóng.
Cảnh giác cao với nhóm rau ăn lá (kể cả rau gia vị) so với các nhóm rau khác. Những loại rau này có thời gian sinh trưởng rất ngắn, nên sau khi phun xịt thuốc trừ sâu, nếu để lâu trên ruộng, rau sẽ bị già, kém phẩm chất. Vì vậy, rau có thể được thu hoạch sớm trước thời gian cách ly.
Tốt nhất, người tiêu dùng không nên ngại khó, tìm mua rau ở những nơi uy tín, đảm bảo an toàn, có thương hiệu, và nhất là có kiểm tra chứng nhận quy trình sản xuất (siêu thị, cửa hàng rau an toàn...).
Những loại rau quả chiếm tỷ trọng lớn trong bữa ăn như rau sống, rau nấu canh, luộc, xào... cần phải ngâm kỹ và rửa sạch. Khi ngâm rửa, nếu quan sát thấy có vết màng nhớt, váng dầu nổi trên mặt nước thì cần ngâm kỹ với thời gian gấp đôi và tốt nhất không nên ăn sống mà phải chế biến chín. Có thể an tâm với các loại củ quả gia vị, vì sử dụng với số lượng ít trong bữa ăn.
Đối với nhóm rau có nguy cơ cao như nhóm rau ăn lá, tốt nhất nên ngắt bỏ phần đọt vì nếu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thường tập trung ở phần này do thuốc thường được đưa lên phần lá non và đọt để diệt sâu hại khi chúng ăn phải. Thận trọng, người tiêu dùng không nên mua rau có sự phát triển bất bình thường như lá bị biến dạng, to bất thường do sử dụng thuốc tăng trưởng quá liều, hoặc nhiễm thuốc diệt cỏ.
Hạn chế mua rau củ gọt sẵn. Tuy nhìn bề ngoài chúng rất tươi ngon nhưng có thể chúng chứa một số hóa chất được pha trộn khi ngâm. Bên cạnh đó, rau củ khi ngâm cũng mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng vốn có của chúng.
2. Cách lựa chọn một số loại rau
Cà chua: những quả cà chua sạch thường không có màu đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ do được để chín tự nhiên, những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm. Trong đống cà chua, cũng có những quả xanh hơn quả khác. Do không qua quá trình dấm nên phần cuống cà chua sạch thường vẫn cứng.
Rau cải: non mơn mởn, lá màu xanh ngắt, không thấy dấu vết sâu bệnh, thân chắc mập và đều tăm tắp thì đó là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng rau cải này, nhất là ăn sống.
Mướp đắng: những quả to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn. Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải theo loại giống trồng, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti để dùng thì sẽ an toàn và chất lượng.
Đậu cô ve: những quả dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ, hầu như không có quả nào có vết sâu bệnh thì đó là đậu có bón nhiều phân bón lá, các chất vô cơ thấm vào quả chưa được chuyển hóa thành hữu cơ, có phun thuốc hóa học trừ sâu vào thời gian sát khi thu hoạch, ăn loại đậu này dễ bị độc hại.
Giá đỗ: những cọng giá tròn lẳn, thân trắng nõn, ít rễ là giá được ngâm ủ qua một công nghệ "kinh dị". Khi hạt đỗ nảy mầm, người ta dùng phân bón lá trộn với các loại thuốc trừ sâu, đem pha loãng tưới lên mầm giá rồi ủ kín, thuốc có tác dụng thúc giá đỗ nảy mầm nhanh và phát triển hơn bình thường. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại.
Rau cần nước: không nên dùng những cây rau thân phình to, thân và ngó có màu trắng nõn bất thường vì loại cần này đã được bón quá nhiều phân (phân chuồng, phân hóa học, phân bón qua lá) và phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Loại cần này rất nhanh héo và héo nhiều sau khi thu hoạch, chất lượng giảm và cũng dễ bị độc hại khi ăn.
Khi chế biến các loại rau có bẹ (rau cải, cải thảo...) bạn nên tách rời từng lá và cắt bỏ phần gốc lá, nhặt bỏ những lá sâu, ngâm rau vào nước muối loãng hoặc nước có hòa thuốc tím trong thời gian khoảng 15 phút sau đó vớt ra đem rửa kỹ dưới vòi nước chảy vài lần rồi mới chế biến. Cách làm này tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, có thể làm sạch thuốc trừ sâu, phân bón bám dính trên rau, có tác dụng sát khuẩn, tẩy rửa trứng giun, sán trên rau, qua đó giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm thuốc hóa học và các vi sinh vật có hại vào cơ thể người dùng, nhất là khi ăn rau sống.
Theo PNO
Chè đắt nhất thế giới làm từ phân gấu? Một giảng viên đại học tại Trung Quốc đã thu thập 5 tấn phân gấu trúc với hy vọng sẽ làm ra một loại trà mới có chất lượng tốt và bán với giá gấp 200 lần cà phê chồn. An Yanshi tin rằng phân bón sẽ giúp tăng hương thơm độc đáo cho chè và khiến những vị khách sành sỏi nhất...