TQ: Vạch ra hàng loạt sai phạm của tỉnh giáp Nga khi để Covid-19 bùng phát trở lại
Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt chính quyền tỉnh Hắc Long Giang – có biên giới giáp Nga, vì yếu kém trong việc xử lý các trường hợp nhiễm Covid-19 nhập cảnh dẫn đến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng, sự bùng phát của Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang có thể phá hỏng nỗ lực của cả nước trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Quốc vụ viện Trung Quốc yêu cầu mọi thành phần của hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh Hắc Long Giang phải nỗ lực đẩy mạnh xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Những chỉ trích gay gắt của Quốc vụ viện Trung Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi phái đoàn thanh tra được cử đến tỉnh Hắc Long Giang để giám sát việc kiểm soát dịch bệnh tại đây.
Từ đầu tháng 4, một số cụm lây nhiễm Covid-19 đã xuất hiện tại Cáp Nhĩ Tân và Mẫu Đơn Giang – 2 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hắc Long Giang.
Truyền thông Trung Quốc trước đó đưa tin, một người đàn ông 87 tuổi tại Hắc Long Giang đã gây ra một chuỗi lây nhiễm Covid-19 cho 78 người khác trong bệnh viện.
Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết, những trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Hắc Long Giang chủ yếu đều có liên quan đến người nhập cảnh từ Nga và chính quyền địa phương đã thiếu chặt chẽ trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Một trạm kiểm dịch Covid-19 tại tỉnh Hắc Long Giang (ảnh: Reuters)
Theo tuyên bố của Quốc vụ viện, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã để dịch bệnh âm thầm lây lan trong thời gian dài, dẫn tới nhiều người bị nhiễm Covid-19. Điều này ảnh hưởng rất xấu tới dư luận xã hội, làm tăng áp lực cho Trung Quốc trong cuộc chiến với Covid-19 song song với phục hồi kinh tế.
Tỉnh Hắc Long Giang còn mắc nhiều sai phạm khác, như không cách ly 14 ngày đối với người về từ nước ngoài, không làm xét nghiệm Covid-19 đầy đủ và để xảy ra tình trạng dịch bệnh lây lan trong bệnh viện.
Hắc Long Giang là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Trung Quốc, có biên giới giáp Nga. Tỉnh này đang trở thành tâm điểm của làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 2 tại quốc gia tỷ dân.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 1.5, Hắc Long Giang đã ghi nhận tổng cộng 384 ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong đó, 381 trường hợp nhiễm virus nhập cảnh từ Nga.
Đến ngày 1.5, Nga ghi nhận tổng cộng 114.431 ca nhiễm Covid-19 với 1.169 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Video đang HOT
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Tỉnh "điểm nóng" Covid-19 của TQ từng hứng chịu dịch bệnh khiến 6 vạn người chết ra sao?
Năm 1911, một dịch bệnh chết chóc đã quét qua Trung Quốc, khiến hơn 60.000 người tử vong và thiếu chút nữa trở thành đại dịch. Tỉnh Hắc Long Giang, nơi đang là "điểm nóng" Covid-19 mới tại Trung Quốc là tâm điểm của dịch bệnh nói trên.
Hắc Long Giang - tỉnh có biên giới giáp Nga, đang trở thành "điểm nóng" mới của Trung Quốc trong dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới virus theo ngày gia tăng, chủ yếu đến từ dòng người nhập cảnh.
Năm 1911, bệnh dịch hạch cũng bùng phát mạnh tại tỉnh này. Phong tỏa, kiểm dịch, đeo khẩu trang, che mặt, hạn chế đi lại và nhiều biện pháp đã được Trung Quốc áp dụng vào thời điểm đó nhưng dịch bệnh đã nhanh chóng cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người.
Sau khi dịch hạch được kiểm soát, Trung Quốc đã triệu tập một hội nghị để tìm hiểu về nguyên nhân của dịch bệnh với sự tham gia của các chuyên gia y tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp.
Từ mùa thu năm 1910 cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát vào năm 1911, ước tính đã có khoảng 63.000 người tử vong tại Trung Quốc. Dịch bệnh đáng sợ này đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế về quy mô bùng phát.
Dịch hạch năm 1911 bùng phát mạnh mẽ nhất tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang ngày nay.
Y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ khi đối phó với bệnh dịch hạch tại Trung Quốc năm 1911 (ảnh: NY Times)
Cáp Nhĩ Tân thời đó là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân cư người Trung Quốc, Nhật Bản và Nga với nhiều hoạt động thương mại, trong đó, nổi bật là buôn bán da, lông các loại thú như chồn, rái cá. Dịch hạch có thể đã bùng phát từ chính những hoạt động buôn bán động vật hoang dã kiểu này.
Rái cá cạn là loài gặm nhấm sống chủ yếu trên các vùng đồng cỏ, thảo nguyên ở Mông Cổ và vùng Mãn Châu (một phần diện tích thuộc tỉnh Hắc Long Giang ngày nay).
Những tay lái buôn từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản ban đầu chủ yếu thu mua lông và da của loài chồn Zibelin, chồn nâu và rái cá từ các thợ săn người địa phương mà chưa mấy để ý đến da của của loài rái cá cạn. Tuy nhiên, khi nhiều kỹ thuật nhuộm mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, lông của loài rái cá cạn trở nên rất được ưa chuộng nhờ chất lượng tốt.
Hàng ngàn thợ săn đã đổ xô đi săn bắt rái cá cạn để lấy lông bán cho thương lái nước ngoài. Giá trị của lông rái cá cạn đã tăng vọt vài năm trước khi dịch hạch bùng phát. Người dân thời đó không ăn thịt những con rái cá cạn bị bệnh nhưng cũng không bao giờ bỏ đi bộ lông của chúng.
Dù chưa thể xác định chính xác thời điểm bùng phát, tuy nhiên, ca nhiễm dịch hạch đầu tiên đã được phát hiện bởi nhóm bác sĩ người Nga ở Mãn Châu Lý - một thành phố cấp huyện thuộc khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) ngày nay.
Bác sĩ đứng cạnh xác những nạn nhân dịch hạch chờ đi hỏa thiêu (ảnh: CNN)
Các triệu chứng đáng báo động khi người nhiễm bệnh sốt cao và ho ra máu. Tại Mãn Châu Lý, người chết nằm la liệt trên phố và những toa tàu chở hàng được biến thành phòng cách ly.
Cũng giống như cách Covid-19 lây lan bằng những chuyến bay ngày nay, đường sắt thời đó trở thành "phương tiện" của sự lây lan. Nhiều người từ Mãn Châu Lý đã di chuyển đến Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang và mang theo dịch bệnh.
Bệnh dịch hạch thể viêm phổi sau đó đã lan tới những thành phố có các tuyến đường sắt lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Vũ Hán. Ngay cả Thượng Hải, thành phố cách xa Mãn Châu Lý hơn 3.000km cũng có người nhiễm dịch hạch.
Tại khu ổ chuột đông đúc của Cáp Nhĩ Tân, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng. Đến ngày 8.11.1910, Cáp Nhĩ Tân đã ghi nhận ít nhất 5.272 người tử vong. Con số này còn tiếp tục tăng lên khi mãi đến năm 1911, dịch hạch mới cơ bản được kiểm soát.
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế về về cơ sở vật chất, kĩ thuật nhưng Trung Quốc thời điểm đó đã phản ứng nhanh chóng với dịch bệnh. Các cơ sở cách ly được thành lập, hầu hết là được chuyển đổi từ những toa tàu chở hàng. Thân nhân của những người tử vong vì dịch hạch và người buôn lông thú sẽ được cho cách ly tại các cơ sở này.
Bác sĩ Wu Lien-the, người góp công lớn trong phòng chống dịch hạch năm 1911 tại Trung Quốc (ảnh: CNN)
Nếu sau 5 - 10 ngày ở trong cơ sở cách ly mà không biểu hiện triệu chứng, họ sẽ được cho ra ngoài với vòng tay thắt chặt bởi một nút chì để chứng minh rằng không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu một người nhiễm bệnh xuất hiện, gần như toàn bộ người trên toa tàu cách ly đều cũng sẽ bị nhiễm.
Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh này vào thời điểm đó là gần 100%. Tổ chức tang lễ cho người tử vong vì dịch hạch bị cấm, hỏa táng tập thể được triển khai.
Tại Cáp Nhĩ Tân, bác sĩ Trung Quốc Wu Lien-teh phát hiện ra căn bệnh đang hoành hành là dịch hạch thể viêm phổi. Ông khuyến khích người dân đeo khẩu trang hoặc che mặt để phòng tránh lây nhiễm.
Đầu năm 1911, Trung Quốc huy động bác sĩ và các nhà dịch tễ học từ khắp cả nước hội tụ về Cáp Nhĩ Tân để tham gia phòng chống dịch bệnh dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Wu.
Đây là thời điểm người dân chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên việc hạn chế đi lại gần như không thể thực hiện. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng làm giảm đà lây nhiễm của dịch bệnh, nó có thể lây lan ra khắp Trung Quốc.
Một người đàn ông được kiểm tra sức khỏe trong dịch hạch năm 1911 (ảnh: Theguardian)
May mắn, các biện pháp như thành lập khu cách ly, phong tỏa và đeo khẩu trang, che mặt mà bác sĩ Wu cùng nhóm chuyên gia đưa ra đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ lây nhiễm tại Cáp Nhĩ Tân đã giảm nhanh chóng. Biện pháp chống dịch thời đó được thực hiện rất quyết liệt, bất kỳ nhà trọ nào xuất hiện ca nhiễm dịch hạch đều bị đốt rụi.
Mặc dù vậy, dịch hạch vẫn lây lan dọc theo các tuyến đường sắt. Đầu tháng 1.1911, Thẩm Dương đã có 2.571 người tử vong vì dịch hạch. Việc kiểm dịch và hạn chế ra khỏi nhà được thực hiện nghiêm ngặt và giúp thành phố này giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Cuối tháng 1.1911, bác sĩ Wu tuyên bố dịch bệnh đã được kiểm soát tại Cáp Nhĩ Tân, sau khi hàng loạt bệnh nhân được đưa đi hỏa táng.
Một hội nghị quốc tế để tìm hiểu về nguyên nhân bùng phát và thảo luận về biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã được Trung Quốc tổ chức sau đó.
Thời điểm bấy giờ, Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh chấp với các nước khác và việc tổ chức một hội nghị nhiều bên có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia hội nghị đều cam kết rằng sẽ chỉ tập trung vào khoa học chứ không đề cập đến chính trị.
Một trường hợp nghi nhiễm dịch hạch được đưa đi điều trị (ảnh: Shahnawazalam)
Ngày 3.4.1911, Cố Cung tại Thẩm Dương, Trung Quốc được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị. Ngoài các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, nhiều nước khác như Italia, Hà Lan, Mexico... cũng gửi chuyên gia đến tham dự.
Thời điểm đó chưa có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên việc tìm cách đối phó với dịch bệnh là trách nhiệm của riêng từng nước.
Hội nghị y học tại Thẩm Dương kết thúc vào 28.4.1911. Những kết luận được đưa ra đều xoay quanh vấn đề kiểm soát dịch bệnh, cải thiện vệ sinh và những biện pháp ngăn chặn nạn săn bắt loài rái cá cạn.
"Mọi nỗ lực nên được thực hiện để bảo đảm việc giáo dục y khoa một cách hiệu quả", bác sĩ Wu kêu gọi khi kết thúc hội nghị.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Vương Nam
"Điểm nóng" mới của dịch Covid-19 ở Trung Quốc Tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc hiện đang trở thành "chiến trường" mới của nước này trong dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới virus trong ngày liên tục gia tăng, chủ yếu đến từ dòng người nhập cảnh. Trung Quốc đã ghi nhận 108 ca nhiễm mới trong ngày 12.4, mức tăng cao nhất kể từ ngày 5.3. Số ca nhiễm mới...