TQ triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối dự luật Hong Kong
Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad để phản đối dự luật dân chủ Hong Kong, cảnh báo về “hậu quả” nếu dự luật này được phê duyệt.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/11, Thứ trưởng Ngoại giao Zheng Zeguang đã có buổi làm việc với Đại sứ Branstad về việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong.
Cuộc gặp diễn ra một ngày sau chiến thắng gây sốc của phe dân chủ ở Hong Kong trong cuộc bầu cử cấp quận. Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng các nước phương Tây xúi giục tình trạng bất ổn tại đặc khu này.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad. Ảnh: Bloomberg.
“Dự luật của Mỹ coi thường sự thật, coi con nai là ngựa, dung thứ và ủng hộ tội ác bạo lực của các lực lượng chống Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
“Phía Trung Quốc cực lực kêu gọi Mỹ nhận ra tình hình hiện nay, ngay lập tức sửa chữa sai lầm của mình, ngăn chặn dự luật Hong Kong nói trên trở thành luật, đồng thời ngăn chặn mọi lời nói và hành động can thiệp vào các vấn đề Hong Kong cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Nếu không, Mỹ sẽ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả phát sinh”, tuyên bố này cho biết.
Video đang HOT
Trong tuyên bố được đưa ra hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu đã triệu tập William Klein, Tham tán công sứ phụ trách chính trị của Đại sứ quán Mỹ.
“Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ, và Mỹ sẽ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả”, tuyên bố tuần trước nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Zheng và Đại sứ Branstad, theo South China Morning Post.
Khi được hỏi về chi tiết cuộc gặp, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Mỹ tin rằng quyền tự trị, tuân thủ luật pháp và cam kết bảo vệ quyền tự do dân sự của Hong Kong là chìa khóa để duy trì vị thế đặc biệt của đặc khu này theo luật pháp Mỹ, cũng như để duy trì ‘một quốc gia, hai chế độ’ và sự ổn định, thịnh vượng trong tương lai của Hong Kong”.
Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nhằm hỗ trợ người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong. Dự luật này cho phép Mỹ áp lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong liên quan đến hành vi vi phạm nhân quyền.
Đồng thời, dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao phải xác nhận ít nhất một lần mỗi năm rằng Hong Kong vẫn duy trì được mức độ tự trị đủ để đảm bảo được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ trao cho đặc khu này.
Đến ngày 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định có phê quyệt dự luật này hay không, bởi động thái được cho có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại của ông Trump với Bắc Kinh.
Theo vtc.vn
Ủy ban Mỹ: Cần hủy vị thế đặc biệt của Hong Kong nếu TQ đưa quân vào
Washington cần đình chỉ vị thế kinh tế đặc biệt của Hong Kong nếu Bắc Kinh triển khai lực lượng vũ trang đến thành phố, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cảnh báo.
Trong báo cáo thường niên công bố hôm 14/11, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ kiến nghị những biện pháp kinh tế cứng rắn hơn đối với Hong Kong, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ mạnh tay hơn trấn áp biểu tình.
"Địa vị của Hong Kong - một lãnh thổ áp dụng luật riêng về hải quan so với đại lục Trung Quốc - đang chịu áp lực", South China Morning Post trích dẫn báo cáo cho hay.
"Việc Bắc Kinh mạnh tay hơn trong việc kiểm soát chủ quyền đối với Hong Kong làm suy yếu 'mức độ tự trị cao' vốn là thứ bảo đảm cho niềm tin vào năng lực của chính quyền Hong Kong trong việc ngăn chặn công nghệ nhạy cảm của Mỹ bị đưa sang Trung Quốc đại lục".
Trong 5 kiến nghị được ủy ban đưa ra, quốc hội Mỹ nên "ban hành luật nêu rõ rằng mọi điều khoản và địa vị đặc biệt của Hong Kong, được quy định trong Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, sẽ bị đình chỉ trong trường hợp chính phủ Trung Quốc triển khai lực lượng Cảnh sát Vũ trang thuộc Quân Giải phóng Nhân dân can thiệp vũ trang tại Hong Kong".
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Báo cáo cho thấy rõ sự đồng thuận ở Washington rằng những năm hợp tác với Bắc Kinh đã không mang lại, và sẽ không dẫn đến cải cách chính trị mà các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng khi quan hệ chính thức giữa hai nước được tái lập năm 1979.
"Ủy ban đã phân tích nhiều chiều hướng trong đó Trung Quốc đặt ra thách thức cho Mỹ trong suốt nhiều năm", bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington, cho biết.
"Có lẽ là công bằng khi nói rằng đánh giá của họ về bản chất của các mối đe dọa từ Trung Quốc là tiền đề cho những gì đã trở thành thay đổi lớn trong thái độ đối với Trung Quốc tại Mỹ, cũng như việc chính quyền Trump áp dụng chính sách cứng rắn hơn".
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong địa vị đặc biệt của Hong Kong là việc thành phố này được xem là khu vực tách biệt về hải quan và thương mại so với Trung Quốc đại lục.
Điều này có nghĩa là thuế quan mà Mỹ áp đặt với hàng hóa Trung Quốc trong chiến tranh thương mại không áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Hong Kong.
Hong Kong là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc, được hưởng những quyền tự trị nhất định theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Theo đạo luật năm 1992, tổng thống Mỹ có thể ban hành sắc lệnh hành pháp để đình chỉ địa vị đặc biệt của Hong Kong nếu tổng thống thấy rằng vùng lãnh thổ này "không còn được tự trị một cách thỏa đáng".
Theo news.zing.vn
Quan chức đứng sau dự luật dẫn độ HK bị tấn công ở Anh Bà Trịnh Nhược Hoa, người đứng đầu cơ quan tư pháp của chính quyền Hong Kong, bị ngã và "chấn thương cơ thể nghiêm trọng" trong vụ xô xát xảy ra tại London, Anh. Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 15/11 lên án hành động "tấn công bỉ ổi" nhằm vào người đứng đầu cơ quan tư pháp trong...