TQ thử nghiệm J-20, thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương
Trung Quốc đang thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên ở vùng núi gần biên giới Ấn Độ nhưng trong tương lai, J-20 sẽ được điều đến tuần tra Thái Bình Dương, nhằm đối trọng với tiêm kích F-22 và F-35 Mỹ.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc.
Theo Sputnik News, tuần trước, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc được phát hiện ở vùng núi thuộc khu tự trị Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ.
J-20 xuất hiện ngay sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ, về việc New Delhi điều tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đến gần biên giới hai nước. Giới phân tích nhận định, đây được coi là động thái đáp trả của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Vasiliy Kashin cho rằng, việc thử nghiệm trang thiết bị quân sự ở tầm cao đã trở thành ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc, dù là ở địa điểm nào.”Có khả năng Trung Quốc cố tình tung ảnh lên mạng internet nhưng việc thử nghiệm máy bay chiến đấu ở tầm cao là điều sớm muộn cũng diễn ra”, ông Kashin nói.
Trong những năm qua, quân đội Trung Quốc đã đạt tiến bộ lớn về việc thử nghiệm thiết bị quân sự ở tầm cao. Nhiều tên lửa tầm, trung, tầm xa, máy bay chiến đấu và trực thăng đã trải qua thử nghiệm tại khu vực sân bay trên núi.
Video đang HOT
“Trung Quốc có lý do để tiến hành thử nghiệm ở vùng núi cao. Vì đây là khu vực có không khí loãng và nhiệt độ thấp, các trang thiết bị quân sự cần phải làm quen với thời tiết khắc nghiệt”, ông Kashin giải thích.
Ông Kashin tin rằng, Ấn Độ không cần thiết phải lo ngại hoạt động thử nghiệm quân sự mới nhất của Trung Quốc. “Nếu nhắc đến hệ quả thực sự đối với an ninh Ấn Độ, các máy bay như J-10 hay J-11B còn tạo ra mối đe dọa lớn hơn việc thử nghiệm J-20″.
Chiến đấu cơ J-20 được cho là vẫn còn kém xa tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ 5 so với F-22 Mỹ.
“Ấn Độ đã có thể đảm bảo thế cân bằng sức mạnh bởi New Delhi sở hữu tên lửa phòng không S-400 của Nga, máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKI và đang hợp tác với Nga trong chương trình phát triển máy bay tàng hình thế hệ 5 (FGFA)”, ông Kashin cho biết.
Chuyên gia quân sự Nga nhận định, chiến đấu cơ J-20 sau khi trải qua thử nghiệm ở vùng núi phía tây Trung Quốc, sẽ được điều đến tuần tra vùng biển tây Thái Bình Dương.
J-20 phù hợp hơn với mục đích tuần tra, chiến đấu ở Thái Bình Dương, nhằm đối trọng với tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ. Trong tương lai, các đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Australia hoàn toàn có khả năng sở hữu mẫu máy bay tiêm kích hiện tại này khiến Trung Quốc lo ngại.
J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ 5 hai động cơ với tính năng tàng hình vượt trội, có thể giúp chiến đấu cơ Trung Quốc biến mất trên màn hình radar đối phương trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo những báo cáo gần đây, với tốc độ chế tạo hai chiếc J-20 mỗi tháng, Trung Quốc có khả năng sở hữu 36 chiến đấu cơ tàng hình J-20 vào đầu năm 2018.
Theo Đăng Nguyễn – Sputnik (Dân Việt)
Pakistan mua 8 tàu ngầm tấn công từ Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp 8 tàu ngầm tấn công hiện đại cho Pakistan đến năm 2028.
Pakistan dự định mua 8 tàu ngầm tấn công từ Trung Quốc.
Trong chuyến thăm tới trụ sở hải quân Pakistan ngày 26.8, người đứng đầu chương trình tàu ngầm thế hệ mới của nước này đã thông báo về kế hoạch mua 8 tàu ngầm tấn công từ Trung Quốc. Ông cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành nhưng không tiết lộ thời điểm hợp đồng được ký kết.
Phó đô đốc Syed Hassan Nasir Shah của Hải quân Pakistan hồi tháng 4 thông báo hai nước đã đạt được một thỏa thuận. Theo đó, nhà máy thiết kế và đóng tàu Karachi sẽ lắp ráp 4 tàu ngầm trong khi 4 tàu ngầm còn lại được đóng tại công ty thương mại đóng tàu Trung Quốc. Các tàu ngầm sẽ được trang bị hệ thống động cở đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP).
Thỏa thuận giữa hai quốc gia có trị giá 4 đến 5 tỷ USD với điều khoản Trung Quốc sẽ gia hạn một khoản nợ lãi suất thấp cho Pakistan. Có nhiều phỏng đoán khác nhau về loại tàu ngầm mà Hải quân Pakistan sẽ nhận được.
Tháng 4.2011, tập đoàn công nghiệp đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã ký một hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm tấn công Type 032 Qing cho Pakistan vào năm 2016 hoặc 2017. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Pakistan tiết lộ: "Có một số thông tin về việc đàm phán mua tàu ngầm Type 041".
Các nguồn tin khác cho rằng: "Pakistan cũng sẽ đóng hai loại tàu ngầm Project S-26 và Project S-30 với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Các phương tiện này sẽ được sản xuất tại tổ hợp đóng tàu ngầm SRC đang được xây dựng ở Ormara, phía tây thành phố Karachi".
Phần lớn các nhà phân tích tin rằng tàu ngầm mới của Pakistan sẽ là phiên bản nhẹ hơn của tàu ngầm tấn công tiêu chuẩn lớp Type 039 và Type 041 đang được sử dụng trong Hải quân Trung Quốc.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, tàu ngầm tấn công lớp Type 041của Trung Quốc sử dụng động cơ điện- diesel và được trang bị tên lửa chống hạm YJ-2 cùng ngư lôi Yu-3 và Yu-4.
Phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Type 041 có kích cỡ nhỏ hơn với trọng lượng 2.300 tấn và được định danh là S20. Dự kiến, 4 tàu ngầm đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Pakistan vào cuối năm 2023 trong khi 4 tàu còn lại sẽ được lắp ráp ở Karachi và hoàn thành vào năm 2028.
Dự án trang bị tàu ngầm mới là một phần trong kế hoạch nâng cấp khả năng của phương tiện dưới nước của Pakistan.
Theo Huy Phong (Theo Sputnik) (Dân Việt)
Nhật chế tạo hệ thống khẩn cấp ngăn tên lửa Triều Tiên 3 quả tên lửa đạn đạo Triều Tiên bắn vào biển Nhật Bản cách đây ít hôm không hề được Tokyo biết đến cho đến khi nó rớt xuống nước. Tên lửa đạn đạo Triều Tiên thực sự là mối nguy với Nhật Bản. Nhật Bản đang chế tạo hệ thống khẩn cấp hoàn toàn mới nhằm đáp ứng nhanh chóng và tốt...