TQ ráo riết “đi đêm” trước “phán quyết Biển Đông”?
Các nguồn tin của Reuters khẳng định Tòa Trọng tài Thường trực thường xuyên liên lạc và cung cấp cho phía Trung Quốc những diễn biến của quá trình xét xử
Trong bối cảnh nhóm pháp lý quốc tế của Philippines đang chuẩn bị tới Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay (Hà Lan) tranh tụng về tính phi pháp của tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh đang có những động thái vận động hành lang vô cùng quyết liệt.
Kể từ khi Philippines đệ đơn kiện “đường lưỡi bò” ra trước tòa án quốc tế vào năm 2013 đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng không theo kiện và tìm mọi lý do để bác bỏ phiên tòa này. Hồi tháng Tư vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra tuyên bố ghi nhận sự phản đối của Trung Quốc nhưng vẫn sẽ tổ chức phiên tranh tụng từ ngày 7.7 tới 13.7 tới đây.
Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay
Các chuyên gia pháp lý cho biết trong trường hợp Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết có lợi cho Philippines, mặc dù Liên Hợp Quốc không có cơ quan nào có chức năng thực thi phán quyết, nhưng đó sẽ là một đòn giáng mạnh về ngoại giao đối với Bắc Kinh và tham vọng chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông.
Một số học giả quốc tế cho biết mặc dù ngoài mặt luôn thể hiện sự phản đối vụ kiện, nhưng Trung Quốc lại đang âm thầm “đi đêm” nhằm tránh một phán quyết bất lợi cho mình trước tòa án quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết các nhà ngoại giao và chuyên gia pháp lý của Trung Quốc vẫn theo sát diễn biết vụ kiện và có những hành động không chính thức để xử lý tình hình.
Một số công việc như vậy đã được đại sứ quán Trung Quốc tại La Hay thực hiện, và các nhân viên đại sứ quán cũng đã thiết lập một đường dây liên lạc chính thức với tòa án, các nguồn tin này cho biết.
Một phiên tranh tụng tại Tòa Trọng tài Thường trực
Sau khi xem xét các tuyên bố và quy định của Tòa Trọng tài Thường trực, hãng tin Reuters xác nhận Trung Quốc có thể liên lạc với tòa án thông qua đại sứ ở La Hay, và tòa án này cũng thường xuyên cung cấp cho phía Trung Quốc những diễn biến của quá trình xét xử và những cơ hội để nộp tờ trình.
Video đang HOT
Học giả Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói: “Có vẻ như hội đồng xét xử đang dần ngả về hướng xem xét các lợi ích của Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ ra một phán quyết ngang ngửa cho cả Philippines và Trung Quốc”.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng những hành động “đi đêm” của Trung Quốc sẽ không khiến các thẩm phán ủng hộ hoàn toàn Bắc Kinh. Một học giả pháp lý chia sẻ: “Họ sẽ công bằng hết mức có thể. Có vẻ như họ biết rằng Trung Quốc sẽ soi mói từng chữ trong bản phán quyết cuối cùng”.
Sở dĩ Philippines lựa chọn Tòa Trọng tài Thường trực để nộp đơn kiện theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là vì tòa án này được quyền xét xử các vụ kiện trong trường hợp bên bị kiện phản đối và từ chối theo kiện.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đe dọa, chèn ép tàu tiếp tế Philippines trên Biển Đông
Chuyên gia Storey cảnh báo phiên tranh tụng tới đây có thể khiến việc ra phán quyết cuối cùng bị trì hoãn từ 6-12 tháng, thậm chí là sau khi Tổng thống Philippines đương nhiệm Benigno Aquino hết nhiệm kỳ vào tháng 6 năm sau.
Các nguồn tin của Reuters khẳng định, ngay cả khi phán quyết cuối cùng được đưa ra, Trung Quốc cũng sẽ bác bỏ bất cứ quyết định nào có lợi cho Philippines.
Zha Daojiong, một chuyên gia chính trị học tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng chiến lược không theo kiện và sau đó là bác bỏ bất cứ phán quyết nào đã được Trung Quốc đưa ra từ trước. “Không có sự tham gia của Trung Quốc, bất cứ phán quyết nào cũng chỉ là một ý kiến”, ông Zha nói.
Theo Trí Dũng (Reuters / Danviet.vn)
Tạp chí Mỹ: Trung Quốc trắng trợn chiếm đoạt lãnh thổ
Tạp chí The Week của Mỹ nhận định Bắc Kinh đang hung hăng đòi chủ quyền tại phần lớn Biển Đông, đồng thời cho rằng vấn đề này đang gây hiểm họa với các nước trong khu vực và cả Mỹ.
Hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. (Ảnh: CSIS)
Trung Quốc đòi hỏi những gì?
Theo The Week, Bắc Kinh từng đưa ra nhiều bản đồ phi lý, với nội dung ngang nhiên đòi hỏi phần lớn chủ quyền tại khu vực Biển Đông cùng các đảo. Những phác thảo trên bản đồ mà Trung Quốc đưa ra vươn xa hàng trăm dặm khỏi vùng lãnh thổ của Trung Quốc và gần như bịt tất cả đường ra biển của Việt Nam, Malaysia và Philippines. Theo bản đồ này, Trung Quốc yêu cầu chủ quyền tất cả vùng biển ở khu vực Biển Đông, chỉ chừa lại phần 12 hải lý cho các nước liên quan (?)
Trung Quốc cũng ngang nhiên đòi hỏi phần lãnh thổ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, khu vực mà một số nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là Việt Nam đang khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh đã và đang xây dựng đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa và nói rằng những đảo nhân tạo này là để phục vụ cho "mục đích dân sự và hòa bình", nhưng có những chỉ dấu cho thấy họ đang dự tính đặt các cơ sở quân sự tại đây.
Trung Quốc xây đảo thế nào?
Trung Quốc đã sử dụng các tàu nạo vét cỡ lớn có thể di dời hơn 4.000 m3 cát và đá mỗi giờ. Các tàu này nạo vét khu vực cảng nước sâu để cho các tàu lớn có thể ra vào, đồng thời bồi đắp một lượng cát khổng lồ lên các vỉa đá để xây dựng đảo thành căn cứ quân sự. Hơn 2.000 héc-ta đảo mới đã được xây dựng, phần lớn là trong 6 tháng qua.
Theo lời James Hardy, phóng viên tờ Jane, Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội để tôn tạo đảo, xây dựng cơ sở hạ tầng và tiến hành di dân. Một trong 7 đảo mới tạo có chiều dài 2 dặm, có một đường băng sắp hoàn thành và phù hợp cho các loại máy bay chiến đấu.
Việc xây dựng này có hợp pháp?
Luật hàng hải không công nhận những đảo nhân tạo là phần lãnh thổ và không cho phép quốc gia có chủ quyền đối với vùng biển và vùng trời. Trung Quốc ngang nhiên đưa ra đòi hỏi đối với vùng biển mà các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đặc biệt là Việt Nam đang sử dụng các bãi cạn và đảo. Các quốc gia này đều đã đệ trình yêu cầu pháp lý lên tòa án Liên Hợp Quốc, còn Trung Quốc từ chối việc đệ trình này. Thay vào đó họ tự ý hành động bằng cách chiếm giữ các đảo đã tồn tại hoặc xây đảo mới và sau đó xây dựng các cơ sở quân sự.
Nghiên cứu viên Rajeev Ranjaan Chaturvedy thuộc Viện nghiên cứu Nam Á, Singapore cho rằng trong khu vực đang dấy lên mối quan ngại rằng Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành "ao nhà".
Vì sao khu vực này tối quan trọng?
Biển Đông là khu vực có rất nhiều nguồn tự nhiên và có ý nghĩa chiến lược lớn. Ngành đánh bắt cá ở đây đã tạo ra công việc và thực phẩm cho hàng triệu người dân của các quốc gia xung quanh. Nơi này được cho là có trữ lượng rất lớn dầu và khí đốt chưa được khai thác.
Quan trọng hơn, khu vực này là nơi có đường vận tải biển trọng yếu của thế giới, đường vận chuyển dầu nhiều gấp 5 lần so với kênh đào Panama. Khu vực này cũng có 5 trong số 10 cảng biển đông đúc nhất. Một khi Trung Quốc kiểm soát được con đường ra biển thì họ sẽ can thiệp vào các hoạt động vận chuyển dầu và thương mại đến tất cả các nước Đông và Đông Nam Á và làm tê liệt nền kinh tế của các quốc gia nói trên.
Trung Quốc khăng khăng với các yêu sách như thế nào?
Trong suốt 3 năm qua, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough, một bãi ngầm mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền từ lâu. Hai nước bất hòa về quyền đánh bắt cá, với sự dàn xếp của Mỹ, hai bên đã đồng ý rút tàu chiến của họ tại khu vực.
Nhưng Bắc Kinh không giữ lời và hiện tại đang ngang nhiên cho tàu tuần tiễu và ngư dân của họ được đặc quyền đánh bắt cá tại khu vực này. Năm ngoái, Trung Quốc đặt giàn khoan dầu tại vùng biển thềm lục địa của Việt Nam.
Năm 2013, Trung Quốc thông báo Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Hoa Đông, đòi quyền kiểm soát vùng trời gần Nhật Bản và Hàn Quốc. Gần đây, Trung Quốc đe dọa sẽ làm như vậy đối với khu vực Biển Đông. Hải quân Trung Quốc cũng đã "cảnh cáo" máy bay giám sát của hải quân Mỹ đang bay phía trên một trong số những đảo do họ tôn tạo lên trái phép.
Phía Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có chủ quyền gì tại vùng biển này. "Mỹ sẽ còn bay và tiếp tục các hoạt động hàng hải tại những nơi mà luật quốc tế cho phép" - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nêu rõ - "Chúng tôi sẽ duy trì sức mạnh an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới".
Hiện tại, Mỹ đang tập trung vào việc trấn an các nước đồng minh tại khu vực rằng Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải tại nơi đây. Mỹ đã ký các hiệp ước phòng thủ với Đài Loan và Philippines và vừa dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí với Việt Nam.
Thách thức đối với hải quân Mỹ
Trung Quốc hiện đang tập trung mạnh vào đầu tư cho quân đội. Ngân quỹ quốc phòng của Trung Quốc đã tăng hơn 10%/năm trong 25 năm qua. Trong chiến lược quân sự mới, Trung Quốc tuyên bố mở rộng đáng kể lực lượng hải quân để có thể đáp trả "những hành động khiêu khích" ở khu vực Biển Đông (?)
Trung Quốc đầu tư cho hạm đội tàu ngầm vốn đã mạnh, đồng thời trang bị thêm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được cho là có thể bay xa 4.500 dặm. Cho đến năm 2020, Bắc Kinh nói muốn triển khai được 342 tàu ngầm và tầu chiến chở tên lửa để đối chọi với 243 tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ.
Trung Quốc đã trang bị tàu sân bay đầu tiên vào năm 2012 và dự kiến sẽ thêm 2 tàu nữa trong năm nay, đồng thời cũng đầu tư tên tửa đạn đạo chống hạm tầm xa có thể đe dọa tàu sân bay của Mỹ.
Đại tá quân đội Trung Quốc Wang Jin nhận định: "Trận chiến trên biển đã được mở rộng, và hải quân Trung Quốc cần phản ứng lại để bảo vệ quyền lợi toàn cầu của mình" (?)
Hoài My
Theo Dantri/ The Week
Máy bay, tàu chiến Úc vẫn đang tuần tra ở Biển Đông Tàu thuyền và máy bay của Úc đang tuần tra ở Biển Đông như một phần trong "các hoạt động bình thường" của nước này tại khu vực, một quan chức quốc phòng cấp cao Úc cho biết. Tàu tiếp tế quân sự HMAS Sirius của Hải quân Úc - Ảnh: Hải quân Úc Bất chấp lời đe dọa của truyền thông Trung...